Nghệ nhân Jrai đưa nhạc cụ Tây nguyên vươn tầm thế giới

0
368

Loại nhạc cụ làm từ tre nứa mang âm điệu đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên. Qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nhạc điệu của núi rừng đã vươn tầm thế giới.

Tre nứa giai điệu núi rừng Tây Nguyên

Trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ, từ ngàn xưa, loại hình nhạc cụ làm từ tre nứa được ví như “linh hồn” trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân bản địa nơi đây. Người Jrai quan niệm rằng, những giai điệu thuần túy từ nhạc cụ tre nứa như sợi dây “vô hình” để họ kết nối với thần linh trong các dịp lễ hội.

Ngày nay, qua đôi bàn tay khéo léo, kỳ tài của các nghệ nhân người Jrai những giai điệu đặc trưng riêng biệt của núi rừng Tây nguyên đã vang vọng ra thế giới.

Chúng tôi tìm về xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai nơi hiếm hoi còn sót lại những nghệ nhân người Jrai đã dành cả cuộc đời của mình để lưu giữ, sáng tạo cho ra đời nhiều lại hình nhạc cụ đặc sắc mang đậm bản chất Tây nguyên.

Nghệ nhân Rơ Chăm Tih và Ksor Joan đã bảo tồn được một số loại đàn đang có xu hướng mai một dần như T’rưng, Bru (sáo dọc), Knik, Ting Ning (đàn Goong), Đinh pơng.

Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Rơ Châm Tih, 50 tuổi, trú làng Jút, xã Ia Dêr, hồ hởi nói: “Từ thuở nhỏ, già đã có niềm đam mê cháy bỏng với các giai điệu bay bổng, thánh thót của các nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Già may mắn được học cách làm nhạc cụ từ một nghệ nhân mù ở làng.

Ông ấy tuy khiếm khuyết về đôi mắt nhưng rất tài giỏi về nghề đan lát và đánh đàn Ting Ning điêu luyện. Với niềm đam mê cháy bỏng và được sự chỉ dẫn tận tình của người thầy, già chơi được nhạc và tự tay cho ra đời những tác phẩm đầu tiên là cây đàn Ting Ning”.

Theo Già Tih để lưu giữ những làn điệu từ ngày xưa cha ông đã để lại, già kết hợp với ông Ksor Joan ở làng Chuet 2, phường Thắng Lợi, Tp.Pleiku thành lập hợp tác xã nhạc cụ tại Tp.Pleiku. Nhạc cụ của 2 nghệ nhân được nhiều người biết đến bởi sự độc đáo, đa dạng, chất lượng từ mẫu mã đến âm thanh.

Theo già Joan, từ ngày thành lập hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động thất nghiệp. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, trong làng ngày càng có nhiều thanh niên biết sử dụng nhạc cụ và tự tay chế tác được sản phẩm.

Chia sẻ về quá trình cho ra đời được một nhạc cục âm nhạc, già Joan cho biết: “Để làm ra cây đàn đẹp, âm thanh đạt chuẩn thì không đơn giản. Ngày xưa, người già làm một cây đàn T’rưng phải mất cả tháng trời mới xong. Tre phải ngâm dưới bùn ao đến 3 năm mới có thể mang lên để làm đàn. Giờ những công đoạn đó đơn giản hơn. Tre chặt về phơi nắng 3 tháng, rồi đem luộc, sau đó lại đem sấy trên dàn bếp.

Sau công đoạn ấy, những đoạn tre thẳng nhất, già và vàng nhất mới được đem làm đàn. Một cây đàn T’rưng làm chỉ trong một ngày là xong nhưng nguyên liệu để làm nó phải chuẩn bị trước hơn 4 tháng”.

Cũng theo ông Ksor Joan, người nghệ nhân phải luôn tỉ mỉ đến từng chi tiết của mỗi nhạc cụ xuất xưởng, đặc biệt là chọn nguyên liệu tre, nứa. Mỗi lần đi chặt tre, nứa là đi gần trăm cây số. Nứa là phải chọn cây thẳng, từ 3 năm tuổi trở lên, thân không bị sâu, không bị nứt, không quá non, cũng đừng quá già.

Sau khi chặt về, nguyên liệu phải phơi cả tháng trong ánh nắng vừa phải. Sáng phơi, chiều đem vào kẻo cây bị ngấm sương, không còn tốt và âm không được hay. Cây cũng phải phơi theo chiều thẳng đứng, dựng cách nhau ra.

‘Hồn tre’ vươn tầm thế giới

Già Joan phấn khởi chia sẻ: “Trong một chương trình đêm nhạc ở Tp.Pleiku năm ngoái, tôi đã được một giảng viên của một trường đại học ở Tp.Hà Nội đặt mua 5 bộ đàn T’rưng cỡ đại với giá 3,5 triệu đồng/bộ.

Một số trường đào tạo âm nhạc và sinh viên đang theo học chuyên ngành nhạc dân tộc cũng thường xuyên đặt hàng, chủ yếu là đàn T’rưng. Vài năm trước, tôi cũng được nhiều du khách, người yêu âm nhạc từ ngoài nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… đặt mua số lượng lớn nhạc cụ”.

Hiện tại, giá các nhạc cụ từ 250 nghìn – 4 triệu đồng/bộ. Trong đó, đàn Trưng Lắc là đắt nhất, hơn 4 triệu đồng, còn đàn T’rưng ba giàn có giá bán 1,5 triệu đồng. Riêng tiền làm vật liệu của 2 loại đàn này đã lên đến 500.000 -1.000.000 đồng.

Không chỉ xuất khẩu nhạc cụ ra thế giới, nghệ nhân Rơ Châm Tih thường xuyên góp mặt trong đoàn nghệ thuật của Việt Nam đến nhiều nước biểu diễn như: Úc, Phần Lan, Campuchia, Vương quốc Anh…

Ông Rơ Châm Tih cho biết thêm, nếu ai thật sự yêu nhạc cụ dân tộc, ông sẵn sàng chỉ dạy để lưu giữ nét đẹp văn hóa này. Qua đó, ông cũng muốn mở lớp dạy nghề cho học sinh, người đam mê nhạc cụ trên địa bàn tỉnh.

Anh Phạm Văn Hoàng ngụ Tp Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong một vài lần tham gia lễ hội của người đồng bài Jrai tôi cảm thấy rất ấn tượng thích thú trước âm hưởng, làn điệu vui tại từ loại hình nhạc cụ làm bằng tre nứa.

Qua một vài người bạn giới thiệu, tôi tìm đến hợp tác xã nhạc cục của 2 nghệ nhân nơi đây trưng bày rất nhiều tác phẩm độc đáo, đang dạng, mỗi một loại nhạc cục mang một giai điệu riêng. Tôi đã đặt mua vài bộ nhạc cụ đem về nhà trưng bày, thỉnh thoảng gõ một vài làn điều cảm giác rất thích thú”.

Hồ Hải Nam (HNS)