Live show online thu phí: Không dễ!

0
787
Ca sĩ Tuấn Hưng và Quang Hà trình diễn trong live show trực tuyến có thu phí mang tên “Đam mê” của mình. Ảnh: HÀ THANH

Dù chưa có doanh thu khả quan nhưng giới chuyên môn tin rằng đây là một lối đi thích hợp cho hoạt động biểu diễn khi các sân khấu rơi vào tình cảnh khó khăn.

Ca sĩ Tuấn Hưng, người mở đường đầu tiên cho hoạt động biểu diễn trực tuyến qua mạng có thu phí với live show mang tên “Đam mê”, diễn ra vào ngày 22-3, được phát trực tiếp trên Facebook của anh, thu phí mỗi người xem là 250.000 đồng. Đêm nhạc này thu hút khoảng 200 người xem. Dù chưa gặt hái gì đáng kể về mặt doanh thu nhưng live show trực tuyến có thu phí của ca sĩ Tuấn Hưng được đánh giá là sẽ tạo tiền đề cho loại hình hoạt động biểu diễn mới của showbiz Việt phát triển.

Mua vé ngồi xem tại nhà

Đêm diễn của Tuấn Hưng được xây dựng như một live show ngoài sân khấu, chỉ khác là khán giả của anh mua vé qua hình thức đăng ký online ngồi xem tại nhà. Không chỉ hát, Tuấn Hưng cùng ca sĩ khách mời là Quang Hà còn giao lưu, trò chuyện cùng khán giả đang theo dõi chương trình. Những chia sẻ, tâm sự về những thăng trầm, vui buồn trong suốt 20 năm đi hát của Tuấn Hưng khiến chương trình trở nên thú vị với những nét riêng, dù là trực tuyến.

Ca sĩ Tuấn Hưng bày tỏ: “Tất cả những gì tôi đang làm là để thỏa mãn đam mê. Thứ nữa, tôi muốn cùng bạn bè là những đồng nghiệp gần gũi có thu nhập trong mùa dịch, dù không được nhiều. Covid-19 diễn ra phức tạp thì việc khán giả ở nhà thưởng thức âm nhạc cũng là hợp lý”.

Không có MC dẫn dắt như thường thấy ở các live show nhưng Tuấn Hưng vẫn mang đến một đêm diễn thăng hoa và trọn vẹn. Khán giả theo dõi phản hồi tích cực về đêm nhạc, đặc biệt là chất lượng âm thanh, hình ảnh. “Chương trình rất hay, âm thanh sống động và hình ảnh rất rõ nét, xứng đáng với số tiền bỏ ra”, “Thời buổi dịch bệnh, hạn chế ra ngoài nhưng được thưởng thức nghệ thuật như thế này là rất tuyệt”.

Tuấn Hưng cho biết đã đầu tư hệ thống 6 chiếc máy quay và dàn âm thanh chất lượng cao có tổng giá trị lên tới gần 500 triệu đồng với mong muốn có thể đem đến cho khán giả những giây phút thưởng thức nghệ thuật có chất lượng cao và nhiều cảm xúc. Chương trình không có khán giả xem trực tiếp, cũng không trình diễn theo một kịch bản cố định nào được lên trước, thậm chí không có cả danh sách các bài hát cụ thể. Điều này theo Tuấn Hưng, cũng là để đem đến cho khán giả những màn biểu diễn đầy ngẫu hứng và bất ngờ.

Lối mở quen đi sẽ thành đường

Biết trước tình hình doanh thu đêm diễn không khả quan nhưng Tuấn Hưng vẫn thực hiện đêm nhạc theo hình thức mới này. Quan điểm của anh là khai thác hình thức biểu diễn âm nhạc qua các nền tảng số là xu hướng nhưng phải thu phí đối với người nghe – xem. “Đam mê” là live show đầu tiên anh thực hiện theo phương thức này. Khi khán giả ngày càng không muốn đến nhà hát thì việc đưa đêm diễn đến tận nhà cho họ là hợp thời. Chỉ có điều các live show trực tuyến của các ca sĩ khác hiện nay là cung cấp miễn phí còn của Tuấn Hưng là thu phí. Giá 250.000 đồng cho mỗi lượt đăng ký xem, với đêm đầu tiên doanh thu chỉ ngót nghét 50 triệu đồng.

Với Tuấn Hưng như vậy là thắng lợi bước đầu. Chí ít cũng đã có 200 khán giả chịu bỏ tiền nghe xem mình biểu diễn qua mạng. Tuấn Hưng chấp nhận làm người tiên phong mở đường. Với anh, có thể ban đầu là lối mở nhỏ hẹp nhưng nếu mọi người cùng đi lâu ngày, sẽ thành đường.

Vẫn còn những lo ngại cho hình thức biểu diễn trực tuyến, chẳng hạn với điều kiện về kỹ thuật trong nước hiện tại, không dễ dàng để thực hiện những chương trình live show trực tuyến chất lượng cao. Nhưng giới ca sĩ tin rằng mọi thứ sẽ hoàn thiện dần và ở bước ban đầu, hẳn không khán giả nào đặt nặng vấn đề quy mô hay áp đặt sự cầu toàn vào phương thức sản xuất chương trình trực tuyến.

Nhiều ca sĩ thừa nhận khán giả sẽ không ngại bỏ ra một khoản phí bằng ly trà sữa để gặp gỡ và giao lưu với thần tượng của mình. Đây chính là lý do người trong giới tự tin live show trực tuyến có thu phí sẽ được ứng dụng và trở nên phổ biến trong tương lai. Chưa kể, hình thức live show trực tuyến có nhiều ưu thế mà những chương trình offline khó có được. Như nhận định của nhạc sĩ Huy Tuấn: “Các buổi livestream không đòi hỏi chất lượng hoàn hảo, không yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng về sân khấu, âm thanh, trang phục… song lại mộc mạc giống như một bản acoustic và khiến khán giả cũng như người biểu diễn cảm thấy gần gũi, chân thực và nhiều cảm xúc hơn so với sân khấu hoành tráng. Vẫn luôn là như vậy, âm nhạc luôn nắm giữ sứ mệnh vượt qua rào cản ngôn ngữ, khoảng cách để kết nối, hàn gắn, xóa nhòa những khoảng cách địa lý”.

Khán giả đang quen dần với live show trực tuyến

Mới đây, để tưởng niệm ngày mất cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Đức Tuấn đã livestream mini show “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”, thu hút đông đảo người xem. Ca sĩ Hồng Nhung cũng livestream tại nhà, hát theo yêu cầu khán giả dịp này. Tối 2-4, ca sĩ Cẩm Vân cũng đã thực hiện mini show trực tuyến tại nhà theo yêu cầu khán giả. Ca sĩ trẻ Đức Phúc trong những ngày qua cũng tổ chức nhiều livestream, với mong muốn âm nhạc của mình là liều thuốc tinh thần hữu hiệu đối với người hâm mộ trong thời gian cách ly chống dịch. Các chương trình này đều diễn ra miễn phí.

Tuấn Hưng gần như là ca sĩ tiên phong ở Việt Nam thu phí khán giả xem chương trình trực tuyến. Nhưng rõ ràng, đây chính là giải pháp cho ca sĩ không chỉ trong mùa dịch mà cả sau này, khi showbiz trở lại bình thường như trước đây. Liveshow trực tuyến tiết kiệm rất nhiều cho ca sĩ trong tình hình biểu diễn tại các sân khấu gặp khó khăn, chi phí sản xuất chương trình quá tốn kém lại không có lợi nhuận. Chưa kể, việc tìm nhà tài trợ cho live show ở các sân khấu thời buổi khó khăn này là “nhiệm vụ bất khả thi”, còn việc tiêu thụ vé là “khó hơn hái sao trên trời”.

Thùy Trang (HAN)