Làm nghệ thuật phải có định hướng và nhân văn

0
561
Một cảnh trong vở “Alo, lộ hàng” của đạo diễn - NSƯT Thành Lộc, một trong những vở kịch thu hút khán giả tại Sân khấu IDECAF

Tọa đàm “Sáng tác tác phẩm có giá trị nội dung, nghệ thuật và đáp ứng nhu cầu xã hội” do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM tổ chức ngày 23-8 đã thu hút sự quan tâm của nhiều văn nghệ sĩ.

Tọa đàm này nhằm rà soát lại những hạn chế, tạo điều kiện thúc đẩy sáng tác, hướng hoạt động sáng tác của các văn nghệ sĩ để tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả 2 chương trình hành động số 45 của Thành ủy TP HCM (thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 33 Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX); và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Cần đổi mới cách làm

TP HCM từng có 15 sân khấu xã hội hóa (XHH), nay chỉ còn 5 sàn diễn sáng đèn trong điều kiện chật vật. Chưa bao giờ sân khấu kịch TP HCM lại rơi vào tình trạng ảm đạm, từ điều kiện hoạt động không đạt doanh thu đã tác động mạnh đến việc đầu tư kinh phí dựng vở. Tiền thuê mặt bằng cao mà giá vé không thể tăng.

Các nhà chuyên môn cho rằng nếu giải quyết được khâu kinh phí dựng vở, với mô hình đầu tư các tác phẩm được duyệt từ đề cương, theo chủ đề, tư tưởng mà TP HCM đặt hàng, sẽ khắc phục áp lực đối với các ông bầu, bà bầu đang hoạt động theo mô hình XHH. Để có được tác phẩm đỉnh cao, nhà nước phải có chủ trương hỗ trợ bằng việc thay đổi phương thức đầu tư.

Theo kiến nghị của những người trong cuộc, sân khấu cần được đầu tư kinh phí dựng vở theo hình thức trợ vốn, dựa theo đề cương đã có sự thẩm định của Hội đồng Nghệ thuật do Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM thành lập. Tổ chức đấu thầu đối với các sân khấu XHH, thay thế phương thức “chờ đơn đặt hàng” hoặc rót vốn từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị quốc doanh.

Các ông bầu, bà bầu sân khấu XHH cho hay với mô hình đầu tư các tác phẩm được duyệt từ đề cương, theo chủ đề, tư tưởng mà TP HCM đặt hàng, sẽ khắc phục được tình trạng “không đọng lại điều gì” từ những vở diễn không có sự đầu tư về chất lượng nghệ thuật cũng như sự định hướng về mặt tư tưởng, thẩm mỹ.

Ngoài ra, với những vở diễn có tính chất quảng bá theo chủ đề, các sân khấu XHH rất cần sự tài trợ của nhà nước để giới thiệu những vở diễn này cho giới trẻ. Việc thẩm định tác phẩm để quyết định đầu tư cần có một hội đồng nghệ thuật, đo lường được chất lượng, định ra những tiêu chí cụ thể. Tác phẩm được duyệt sau khi nhận được đầu tư phải có lộ trình thực hiện nghiêm túc, minh bạch.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần thay đổi mô hình tổ chức trại sáng tác kịch bản sân khấu. Các hội chuyên ngành tổ chức các lớp học với các chuyên đề để đội ngũ sáng tác trẻ, trong đó có tác giả trẻ của lĩnh vực sáng tác văn học, điện ảnh, sân khấu… nắm vững các vấn đề trọng yếu của xã hội để mạnh dạn đưa vào kịch bản văn học.

Nhiều kiến nghị xác đáng

Tọa đàm “Sáng tác tác phẩm có giá trị nội dung, nghệ thuật và đáp ứng nhu cầu xã hội” do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM tổ chức ngày 23-8 cũng đã quy tụ được nhiều tham luận, ý kiến của văn nghệ sĩ thuộc các hội chuyên ngành.

Một số nghệ sĩ nhiếp ảnh TP HCM kiến nghị nhà nước cần quan tâm đến công tác bảo vệ bản quyền, chú trọng quảng bá tác phẩm nhiếp ảnh sâu rộng hơn cho cộng đồng quốc tế. Đề nghị được động viên kịp thời bằng các giải thưởng, danh hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tác.

Về âm nhạc, TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Hội Âm nhạc TP HCM) nêu ý kiến: “Phải quan tâm đến vấn đề đào tạo, xem nhẹ yếu tố này thì sẽ không còn lực lượng sáng tác. Cần xây dựng một thư viện đa phương tiện, lưu trữ những tác phẩm của các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật”. “Vừa qua, các sinh viên của ngành âm nhạc đi tìm những băng dĩa, những chương trình được đánh giá là chuẩn về chất lượng thì không thể tìm thấy” – bà Liêm trăn trở.

Đồng quan điểm, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM, kiến nghị TP HCM cần sớm xây dựng Bảo tàng Văn hóa Nghệ thuật, hiện nay Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM có thư viện nhưng quy mô nhỏ, không đủ để lưu trữ tác phẩm của các hội chuyên ngành.

NSƯT – nhạc sĩ Thế Hiển đề nghị bên cạnh việc bảo vệ tác quyền, đào tạo, tổ chức sinh hoạt chính trị thì “phải phạt thật nặng các ca sĩ ăn mặc phản cảm xuất hiện nơi công cộng và ứng xử lệch chuẩn trên mạng xã hội”.

Một số nghệ sĩ của Hội Mỹ thuật TP HCM thì kiến nghị hiện nay nghệ thuật đương đại xuất hiện trên diện rộng, một thế hệ họa sĩ, thiết kế mỹ thuật trẻ với tư duy mới ra đời. Rất cần các nghị định của Chính phủ về các cuộc thi, quy chế sáng tác, quy chế triển lãm và cần phải sớm có luật mỹ thuật. Bởi thị trường mỹ thuật hiện nay nhan nhản việc sao chép, sáng tác dễ dãi, rất cần lực lượng lý luận phê bình giám sát. Bên cạnh đó, cần tăng cường nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên về mỹ thuật.

Đạo diễn Lâm Lê Dũng (Hội Điện ảnh TP HCM) nêu ý kiến: “Cần phải có một hệ thống lý luận phê bình tinh tế, sâu sắc nhằm nâng tầm cho đội ngũ sáng tác lẫn khán giả”.

Các chuyên gia trong lĩnh vực múa thì tâm tư: Trung bình một năm có hàng ngàn lễ hội trên cả nước, chất lượng múa dân gian bị lặp lại, thiếu sáng tạo. Cần tổ chức những hội thảo bàn luận, để múa dân gian không bị chìm khuất trong đời sống đương đại do làm ẩu, chạy theo thời vụ.

Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, nhấn mạnh: “Tọa đàm tổ chức trong giai đoạn hiện nay rất cần thiết. Do sự tác động của kinh tế thị trường, nhu cầu thưởng thức của công chúng đối với văn hóa nghệ thuật đã có nhiều thay đổi. Tìm giải pháp cần chọn trọng tâm, để tác phẩm phục vụ nhân dân không thể không tách rời vận hội, thời cuộc của đất nước. Cho ra đời một tác phẩm văn hóa nghệ thuật phải là một tác phẩm hay, có định hướng và mang thông điệp nhân văn”.

Thanh Hiệp (HNS)