Kronos: Mở rộng phạm vi của tứ tấu đàn dây

0
1029
Tứ tấu Kronos biểu diễn nhiều tác phẩm của các nhạc sỹ đương đại. Nguồn: npr.org
Trong quá trình phát triển danh mục biểu diễn, nhóm tứ tấu Kronos không chỉ mở ra một phạm vi mới cho tứ tấu đàn dây mà còn đem đến một lượng khán giả mới cho âm nhạc cổ điển.

“Tôi còn nhớ là mình đã chơi các tứ tấu đàn dây khi 14 tuổi”, David Harrington – nghệ sỹ violin và là người sáng lập tứ tấu Kronos vào năm 1973, kể trong một buổi tập tại San Francisco. “Khi nhìn ra toàn cầu, tôi nhận thấy rằng hầu hết phần âm nhạc [mà các nhóm tứ tấu đàn dây] chơi đều do bốn nhà soạn nhạc sống cùng một thành phố viết ra. Ngay từ khi đó, tôi nghĩ rằng cần phải có những điểm khác trong kịch mục biểu diễn của Kronos”.

Trong lịch sử âm nhạc, thành Vienna là trung tâm sáng tạo của tứ tấu đàn dây (và cả thể loại giao hưởng) khi Haydn đặt nền móng cho thể loại âm nhạc thính phòng này vào những năm 1750 và sau đó đến lượt Mozart, Beethoven, Schubert – cho đến khi ông qua đời ở tuổi 36 năm 1828, phát triển và hoàn thiện. Chất lượng đồng nhất về mặt âm thanh của các nhạc cụ đàn dây violin, viola và cello đã góp phần đem lại thứ âm nhạc thuần chất cho tứ tấu, thể loại lý tưởng cho phát triển các ý tưởng âm nhạc nghiêm ngặt và chặt chẽ. Nhưng kể từ khi David Harrington – nghệ sỹ violin và là người sáng lập tứ tấu Kronos vào năm 1973, còn là thiếu niên thì trong vòng 50 năm qua, cùng với nhiều nhà soạn nhạc vẫn sáng tác tứ tấu đàn dây theo hình thức cổ điển thì có những nhà soạn nhạc viết cho tứ tấu đàn dây theo kiểu khác. Có lẽ hơn bất cứ ai, sự thay đổi đó là nhờ tứ tấu Kronos.

Ở tuổi 14, David Harrington đã quan tâm tới việc mở rộng danh mục biểu diễn của mình. “Tôi không nghĩ là mình có tham vọng thay đổi bất cứ điều gì mà chỉ là có mong muốn nghe những tác phẩm âm nhạc của những thành phố khác và những nền văn hóa khác”, ông trả lời, ám chỉ đến việc mở rộng danh mục tứ tấu đàn dây khỏi phạm vi thành Vienna.

Sau nhiều năm tồn tại một cách bền vững, vào đầu thế kỷ 20, Bartók đã phá vỡ khuôn khổ hình thức cổ điển của tứ tấu đàn dây: với 6 tứ tấu đàn dây viết từ năm 1909 đến 1939, ông đã đem đến một tiếng nói vô cùng độc đáo của âm nhạc thôn dã truyền thống mà ông chịu ảnh hưởng đã mang đến những màu sắc mới với kỹ thuật pizzicato bật dây và các kỹ thuật chơi không theo quy ước. Nhưng những kỹ thuật cơ bản về phát triển chủ đề và biến tấu vẫn từ nền tảng của Beethoven cũng như các hình thức cổ điển. Một nhà soạn nhạc khác là Shostakovich – sáng tác 15 tứ tấu đàn dây từ năm 1938 đến năm 1974 – đã phá vỡ kết cấu sonata cổ điển ở tứ tấu đàn dây cuối cùng khi viết sáu chương chậm, dù trước đó còn sát truyền thống cổ điển một cách chặt chẽ.

“Chúng tôi phải cảm ơn Haydn không phải bởi chúng tôi trình tấu âm nhạc của ông mà bởi những tác phẩm mà chúng tôi chơi sẽ không tồn tại nếu không có tác phẩm của ông soi đường” (nghệ sỹ violin David Harrington).

Người ta cho rằng các nhà soạn nhạc theo phong cách tối giản Mỹ như Terry Riley, Steve Reich và Philip Glass là những người phá vỡ các mô hình cổ điển vào những năm 1970. Đặc biệt trong số đó là Black Angels – tác phẩm của George Crumb viết cho tứ tấu đàn dây điện tử, đã truyền cảm hứng cho Harrington lập Kronos.

Mùa hè năm 2016, lần đầu tiên Kronos biểu diễn tại Cung điện Esterházy tại Eisenstadt, Áo. Buổi hòa nhạc của họ gồm các tác phẩm của Terry Riley (Mỹ), Aleksandra Vrebalov (Serbia), Franghiz Ali-Zadeh (Azerbaijan), N Rajam (Ấn Độ) và Lassana Diabaté (Mali). Harrington nói: “Tôi tự hào được chơi ở đây, để biểu diễn cho hậu duệ của Haydn nghe. Và chúng tôi phải cảm ơn Haydn không phải bởi  chúng tôi trình tấu âm nhạc của ông mà bởi những tác phẩm mà chúng tôi chơi sẽ không tồn tại nếu không có tác phẩm của ông soi đường”.

Tìm những chất liệu âm nhạc và phong cách mới 

Ngay từ buổi đầu của Kronos, David Harrington đã biết là ông muốn Kronos gắn bó với âm nhạc đương đại và đưa nó vào danh mục biểu diễn của nhóm. Buổi hòa nhạc đầu tiên của họ vào tháng 11/1973 có một tác phẩm mới từ Ken Benshoof – người thầy dạy sáng tác của ông, cùng tác phẩm của Bartók, Webern và Hindemith. Kể từ đó, họ đã biểu diễn và thu âm 60 album, bao gồm nhiều tác phẩm được nhiều nhà soạn nhạc đề tặng như Terry Riley, Steve Reich và Henryk Górecki.

Kronos thu âm Ladilikan cùng Trio da Kali. Nguồn: babircan.co.uk

Ladilikan – bản thu âm gần đây của của Kronos, do Lassana Diabaté, nhạc công balafon (đàn xylophone) của Trio da Kali – một nhóm tam tấu thính phòng được thành lập từ Sáng kiến Âm nhạc Aga Khan để khuyến khích giới thiệu các nhạc cụ cổ xưa nhất trong nền văn hóa âm nhạc giàu truyền thống của Mali, vốn bắt nguồn từ đế chế Sunjata Keita trong thế kỷ 13, sáng tác. Người nhạc sỹ này có một điểm đặc biệt là không biết đọc hay biết viết những ký tự nốt nhạc phương Tây. Khởi nguồn của Ladilikan là từ phần âm nhạc anh tự thu âm và gửi các bản thu âm đó cho Jacob Garchik – người đã chuyển soạn âm nhạc cho Kronos trong vòng 10 năm qua. “Những âm thanh đó thật đẹp đẽ nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy cách nó phù hợp với một tứ tấu đàn dây”, Gartchik thừa nhận. “Vì thế tôi đã chuyển soạn chúng để Kronos có thể chơi cùng với Trio da Kali. Sau một vài ngày trao đổi với Kronos, tôi đã tạo nên hình hài tác phẩm từ những chất liệu đó”. Phần âm nhạc này gồm những đoạn mà Kronos có thể chơi cùng Trio da Kali, và những đoạn mà Trio da Kali có thể biểu diễn độc lập và ngược lại. Thi thoảng, Gartchik đã điểm thêm vào một số ngắt quãng để định hình cấu trúc tác phẩm. “Dĩ nhiên người ta có thể nói tôi đã sáng tác chúng nhưng là bên trong một khuôn khổ phong cách vô cùng chặt chẽ mà Trio da Kali đã tạo ra. Cách làm này đã giữ được tinh thần độc đáo của phần âm nhạc gốc mà không bị gò theo cách hình thành một tác phẩm cổ điển phương Tây. Kronos có thể tham gia vào đó một cách tự nhiên, điều đó vô cùng quan trọng với tinh thần của âm nhạc”, ông nói.

Sau trải nghiệm Ladilikan, Kronos đã đề nghị Lassana sáng tác một tác phẩm tứ tấu đàn dây khác cho sáng kiến “Fifty for the Future” – 50 sáng tác mới dành cho các sinh viên khoa sáng tác và nhà soạn nhạc trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Gặp gỡ và làm việc cùng Kronos, Lassana đã tạo ra Sunjata’s Time  – một tác phẩm năm chương, trong đó gói ghém rất nhiều suy ngẫm của anh về nhóm tứ tấu này cũng như các phạm vi và đặc điểm của từng loại nhạc cụ riêng biệt. Bốn chương đầu định hình mỗi nhạc cụ như một “nhân vật” độc tấu nổi bật còn chương cuối cùng hòa nhập chúng thành một thể thống nhất và cân bằng.

“Lassana sáng tác tác phẩm này trên cây đàn balafon và tôi nghĩ nó là một sự ngẫu hứng đáng kinh ngạc”, Harrington đánh giá, “Khi chúng tôi tập luyện Sunjata’s Time cùng nhau, anh chơi từng nốt từng nốt với chúng tôi một cách vô cùng chính xác”.

Vậy làm cách nào để những truyền thống phong phú và lâu đời của âm nhạc người Mali có sự liên kết với tất cả những truyền thống cổ điển của tứ tấu đàn dây do Haydn, Mozart và Beethoven gây dựng nên? “Tôi nghĩ nó dứt khoát có sự liên hệ với nhau”, Jacob Garchik trả lời không do dự. “Anh thường xuyên thấy một giai điệu được trình bày, sau đó đến phần phát triển ngẫu hứng rồi giai điệu đó trở lại ở phần cuối như một hình thức sonata thu nhỏ. Họ cũng có những đoạn trữ tình, những đoạn gây phấn khích và có cường độ âm thanh to nhỏ…, nghĩa là tất cả những chất liệu phổ quát của âm nhạc”.

Nếu Bartók là người đầu tiên mang những thế giới âm thanh mới vào danh mục các tứ tấu đàn dây thì Kronos đã mở rộng chúng để mô phỏng các nhạc cụ, điện tử hóa chúng và sử dụng những quãng tám nhân đôi cùng nhiều hiệu ứng âm thanh khác. Tác phẩm đầu tiên Jacob Garchik tạo ra theo cách này là Lullaby, một giai điệu Iran được chơi trên một nhạc cụ được làm bằng ống sậy với hai ống có khả năng tấu đồng thanh với nhau, phát ra âm thanh vô vùng sầu muộn. Để có thể tạo ra âm thanh phù hợp, cây đàn violin được điều chỉnh lại dây với hai cặp dây đồng thanh (Rê Rê, La La). “Cách mô phỏng âm thanh của nhạc cụ Trung Đông này cũng như cách mô phỏng lại tiếng hát của một ca sỹ blue thật tuyệt. David cũng thường áp dụng cách làm này trong một số dự án khác và gọi đó là ‘đàn violin Lubally’”, Garchik kể.

Hướng đến khán giả toàn cầu

Bên cạnh việc tạo ra một vị thế âm nhạc mang tính toàn cầu, Kronos kiên định trong việc tạo thế cân bằng về giới tính giữa các nhà soạn nhạc cổ điển có tác phẩm mà họ biểu diễn. Các tác phẩm trong sáng kiến Fifty for the Future do 25 nhà soạn nhạc nam và 25 nhà soạn nhạc nữ sáng tác. Nó bắt nguồn từ lần biểu diễn ra mắt công chúng lần đầu của họ vào năm 1973. Harrington nhớ lại: “Đó cũng là buổi biểu diễn tứ tấu đầu tiên mà vợ tôi được nghe. Câu hỏi của vợ tôi khi trở về nhà ‘vậy còn những nhà soạn nhạc nữ, họ ở đâu?’ như một gáo nước lạnh xối xuống đầu tôi. Lúc đó thú thực tôi không hề biết một nhà soạn nhạc nữ nào. Và khoảng khắc đó đã hình thành dự án quan trọng với mục tiêu cố gắng đưa tác phẩm của các nhà soạn nhạc nữ vào danh mục biểu diễn của tứ tấu đàn dây”.

Kronos thường xuyên biểu diễn ở nhiều địa điểm khác nhau để giới thiệu các tác phẩm tứ tấu đàn dây hiện đại tới công chúng. Nguồn: npr.org

Có vẻ như Harrington đã có một kế hoạch được lên khung tốt nhưng ông nhanh chóng phủ nhận: “Điều duy nhất mà chúng tôi học được từ hàng trăm nhà soạn nhạc sáng tác thể loại tứ tấu đàn dây là mỗi người đều có thể viết ra những âm thanh hoàn toàn khác biệt. Đó là môi trường mang tính cá nhân mà ở đó mỗi người là chính họ. Trong âm nhạc, cách phù hợp với tôi là đi theo những gì thu hút mình và tôi không cần phải lựa chọn, cho dù nó là tứ tấu đàn dây op 127 của Beethoven khi tôi 12 tuổi hay Black Angels khi tôi 23 tuổi đi chăng nữa. Tôi tin vào bản năng của mình. Đó là cách tôi định vị mình thông qua thế giới âm nhạc”.

Và việc nhảy từ âm nhạc Mali sang Ấn Độ hay Việt Nam, có thể là cách của các lữ khách âm nhạc không? “Nó không giống với cách của tôi – nó giữ tôi trên mép ghế mình. Cũng không giống như những lữ khách âm nhạc chơi các chương scherzo của Joseph Haydn”.

Sự thật là Kronos đã thu hút khán giả đến chật khán phòng Barbican khi họ tới London biểu diễn, điều đó cho thấy việc mở rộng danh mục biểu diễn cũng góp phần mở rộng lượng khán giả – bất chấp việc thiếu vắng những nhà soạn nhạc quen thuộc. Và khán giả rõ ràng ở nhiều lứa tuổi. Vậy còn điều nào hấp dẫn nữa không? “Fifty for the Future đem lại cơ hội cho chúng tôi hiểu rằng, có thể có nhiều nhóm chơi nhạc của Lassana nhưng chưa bao giờ nghe âm nhạc châu Phi. Có rất nhiều người trong khán phòng bắt đầu nhận thấy thể loại tứ tấu đàn dây như một phong cách nghệ thuật có ẩn chứa nhiều thứ thú vị hơn những thứ họ đã biết. Và khi lượng khán giả tăng lên, chắc chắn trong đó sẽ có cả những người lớn lên mà chưa từng nghe âm nhạc của Haydn, Mozart và Beethoven theo cách giống tôi”, Harrington nhận xét. ¨

Thanh Nhàn (lược dịch)
(HNS)