Không cấm hát nhép: Khán giả sẽ xứng đáng thưởng thức cái gì?

0
1472
Tháng 11-2019, Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Quảng Ninh kết luận ca sĩ Bích Phương phạm luật vì hát đè lên nền nhạc có sử dụng lời hát sẵn - Ảnh: FBNV

Nghị định 144 không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ giới nghệ sĩ.

Ở thị trường giải trí Việt Nam, việc hát nhép xảy ra khá phổ biến trên truyền hình, ở cả các chương trình truyền hình trực tiếp lẫn game show.

Trước khi có thông báo về nghị định 144, các ca sĩ như Chi Pu, Bích Phương, rapper Binz… từng gây tranh cãi khi hát nhép, hát chồng (sử dụng bản ghi âm thu sẵn để hát cùng giọng thật) tại nhiều chương trình ca nhạc.

Giới nghệ sĩ đang nổ ra những quan điểm trái chiều về vấn đề này. Nhiều nghệ sĩ phản đối khi điều khoản cấm hát nhép không có trong nghị định, dễ dẫn đến việc ca sĩ sẽ vô tư hát nhép trên sân khấu.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng xu hướng hát nhép, hát chồng phù hợp với nhiều loại hình chương trình giải trí thiên về trình diễn, không đáng bị bài trừ, chỉ trích.

Không cấm hát nhép: Khán giả sẽ xứng đáng thưởng thức cái gì? - Ảnh 2.

Nhiều chương trình ca nhạc mang tính chất biểu diễn buộc nghệ sĩ tham gia phải hát nhép, hát chồng để đảm bảo hoàn thành tiết mục. Trong hình là Chi Pu đang thực hiện một vũ đạo treo người trên không khi biểu diễn – Ảnh: FBNV

Nhiều nghệ sĩ đã trả lời P.V quan điểm về nghị định mới này.

Ca sĩ Đức Tuấn: Khán giả như thế nào sẽ sản sinh ra nghệ sĩ kiểu đó

Ca sĩ Đức Tuấn cho rằng việc bỏ cấm hát nhép là bước đi đúng với xu thế hiện nay. Khi có nghị định cấm hát nhép, anh cũng là người đã phản đối nghị định đó.

“Khán giả như thế nào sẽ sản sinh ra những nghệ sĩ kiểu như thế đó, họ chấp nhận nghệ sĩ hát nhép thì mới có ca sĩ hát nhép nên không thể đổ thừa cho người làm nghệ thuật. Có người hoạt động nghệ thuật vì nghệ thuật, cũng có người hoạt động vì mục đích kinh doanh.

Không cấm hát nhép: Khán giả sẽ xứng đáng thưởng thức cái gì? - Ảnh 3.

Đức Tuấn không đồng tình với với nhận định bỏ cấm hát nhép khiếp cho nền nghệ thuật biểu diễn đi lùi – Ảnh: FBNV

Nếu một người biểu diễn vì kiếm sống thì họ sẽ hoạt động dựa trên tiêu chí đó. Nếu hát nhép giúp họ kiếm được tiền thì tại sao không, nó đâu có phạm pháp. Còn nếu người nghệ sĩ đó đi hát vì nghệ thuật, cống hiến cho khán giả thì họ sẽ có phương pháp riêng. Mỗi nghệ sĩ cũng có lượng khán giả riêng. Hát nhép phổ biến không chỉ Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Là nghệ sĩ biểu diễn chân chính thì bạn sẽ hát nhép sao cho nó khớp để tiết mục mình hay, nên nếu việc hát nhép làm cho tiết mục hay hơn thì cũng là điều không xấu. Đó là quyền lựa chọn mỗi người, ai thấy cái gì quan trọng hơn thì cứ làm việc đấy”.

Orange: Khán giả xứng đáng được thưởng thức một phần biểu diễn thật

Orange – một giọng ca trẻ được đánh giá cao về khả năng hát live – cho biết: “Đối với tôi đã là một ca sĩ thì hát live tốt là một trách nhiệm. Nếu không hát live tốt thì phải cố gắng cải thiện chất lượng phần biểu diễn của mình.

Khán giả trả tiền và ủng hộ mình vì họ yêu thích giọng hát của mình nên họ xứng đáng được thưởng thức một phần biểu diễn thật, một màn trình diễn sống và phải thật sự chất lượng.

Không cấm hát nhép: Khán giả sẽ xứng đáng thưởng thức cái gì? - Ảnh 4.

Orange cho rằng hát live luôn là ưu tiên số 1, dù là điều kiện âm thanh có dở hay khó khăn cô cũng cố gắng hết sức để diễn live – Ảnh: Hội nghe

Tất nhiên không thể không loại trừ những trường hợp bất đắc dĩ như yêu cầu của chương trình phải lipsync hay chất lượng âm thanh ở buổi diễn không được tốt thì phải có phương án là hát đè lên backing track. Cách này sẽ giúp giúp ca sĩ khi diễn, nếu mệt thì họ có thể dùng sự trợ giúp của giọng hát đằng sau hát đè lên để không bị mất sức.

Tuy nhiên, nếu ỷ lại việc hát đè, hát nhép thì dần dà mình sẽ không chứng minh được năng lực cho khán giả”.

Mỹ Ngọc: Hát live mới chạm tới trái tim khán giả

Ca sĩ Mỹ Ngọc khẳng định một ca sĩ có năng lực thật sự sẽ không sợ gì cả và không một bản thu âm nhép nào có thể so sánh được với một bản live đầy cảm xúc và có chất lượng.

“Hát live mới chạm tới trái tim khán giả, họ chính là những người đánh giá công tâm nhất, đừng nghĩ họ không biết khi bạn hát nhép. Nếu như người nghệ sĩ đó họ không có ý thức muốn vươn lên thì sớm muộn gì cũng bị đào thải.

Không cấm hát nhép: Khán giả sẽ xứng đáng thưởng thức cái gì? - Ảnh 5.

Ca sĩ Mỹ Ngọc là giáo viên thanh nhạc của Tóc Tiên, Hoàng Thùy Linh, Erik, Amee – Ảnh: FBNV

Là người đứng sau sản xuất nhiều audio và cũng là giảng viên dạy hát cho rất nhiều ca sĩ trẻ, tôi nhận thấy rằng một số thể loại như dance hay R&B có tiết tấu nhanh, cần nhiều vũ đạo mạnh và thiên về biểu diễn, giải trí nên hát chồng rất cần thiết.

Còn thể loại như pop, ballad nếu hát nhép sẽ rất buồn cười vì đơ, không chạm được vào trái tim người nghe. Nên nếu mà người nghệ sĩ đó có hát nhép thể loại nhạc đó thì chính họ cũng sẽ tự làm khó bản thân.

Dù có hay không cấm thì điều đó cũng khiến nghệ sĩ buộc phải tôi luyện mình. Muốn bản thân có chỗ đứng với nghề nghiệp phải nhận ra tầm quan trọng của giọng hát thật”.

Karik: Hát nhép tốt cho các chương trình lớn của đài truyền hình

Ở lĩnh vực nhạc rap, việc rapper sử dụng bản thu âm có sẵn rồi rap chồng lên khi biểu diễn là chuyện không còn xa lạ. Karik chia sẻ: “Hát nhép sẽ không phải là lỗi nếu như tham gia các chương trình truyền hình và nghệ sĩ được yêu cầu vì tính chất của nó phải đảm bảo độ an toàn.

Không cấm hát nhép: Khán giả sẽ xứng đáng thưởng thức cái gì? - Ảnh 6.

Karik cho rằng việc rapper rap chồng với beat thu âm sẵn nếu được sử dụng một cách tinh tế, vừa đủ để mang lại hiệu ứng sân khấu là việc nên làm – Ảnh: FBNV

Nếu nghị định này bỏ đi sẽ tốt về mặt tổng thể chung cho những chương trình lớn của truyền hình. Tuy nhiên nếu bị lạm dụng vào những tiết mục khi nghệ sĩ biểu diễn cho sô ở ngoài lại khá bất cập.

Thực lực của người nghệ sĩ trên sân khấu sẽ không được khán giả đánh giá đúng, thậm chí họ sẽ có những sự nhìn nhận sai nữa”.

Hát nhép sẽ giết chết âm nhạc thực thụ?

Chia sẻ quan điểm về vấn đề hát nhép, nhạc sĩ Quốc Trung viết: “Âm nhạc thay đổi, bài hát ngày nay không cần phải có giai điệu, ca từ đẹp hay một ca sĩ biết hát. Bản nhạc ngày nay cũng không có chuyển động hoà thanh biến ảo, tiết tấu phức hợp, cứ bụp chát càng mạnh càng thô càng hay.

Nhạc công cũng không cần biết đánh đàn, lên sân khấu xoa xoa vặn vặn hay giơ cả hai tay lên trời vẫn được cổ vũ nhiệt tình.

Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc thì cũng chẳng cần biết nhạc, chỉ cần biết gắp thả sampler nhanh là kiếm bộn tiền. Mấy năm nữa sẽ là nhạc của Robot với AI. Liveshow sẽ là “performance show”, biểu diễn tức là diễn thôi, chả cần thật, khán giả không kiện là được”.

Nhạc sĩ Phạm Hải Âu cũng cho rằng “chuyện hát nhép giết dần các ban nhạc vì khi cho phép hát nhép tức là vô tình tuyên bố không cần nhạc sống”.

Anh đặt câu hỏi: “Vì sao khán giả ở nhà nghe một bản nhạc (có trả phí hoặc không) và rồi để đến khi bỏ phí ra xem sô cũng nghe được chính bản nhạc đó không khác, vẫn những giọng tuned đó, vẫn những luyến láy đó. Có phải trải nghiệm thưởng thức của khán giả bị bóp chết từng ngày không?…”.

T.V (TTO)