“Hiện tượng”, chớ vội khen!

0
895
Pháo trình diễn trong “King of rap”. (Ảnh do chương trình cung cấp)

Nhân tố sáng giá của đời sống âm nhạc Việt thời nay phải là những nghệ sĩ không chỉ hát hay mà còn biết sáng tạo âm nhạc, biết quyết định đường đi của mình bằng nỗ lực tự thân.

Pháo là cái tên tiêu điểm của truyền thông và trên các diễn đàn mạng xã hội sau khi cô nàng xuất hiện trong cuộc thi trên sóng truyền hình “King of rap”. Những lời khen mà dư luận đang dồn hết cho Pháo lúc này khiến chúng ta nhớ lại những quán quân, á quân từng được tung hô là “thần đồng”, “ngôi sao mới”, “tài năng âm nhạc”… trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc dành cho người lớn, cho trẻ con và các cuộc thi hóa thân bắt chước thần tượng, từng gây đình đám trên sóng truyền hình thời gian qua, nay gần như lặn mất tăm!

Ghi dấu ấn khi còn rất trẻ

Được mệnh danh là “công chúa underground”, Pháo tên thật là Nguyễn Diệu Huyền, sinh năm 2003, đang là học sinh THPT của Hà Nội. Trước khi tham gia “King of rap”, Pháo đã có thời gian hoạt động năng nổ trong thế giới underground có các ca khúc mang đậm chất dòng nhạc này. Trong đó, “2 phút hơn” giúp Pháo ghi dấu ấn với người nghe, nhanh chóng lên tốp đầu các bảng xếp hạng âm nhạc và thu hút hàng chục triệu lượt xem trên YouTube. Pháo còn kết hợp với nhiều DJ như Wach, Masew, CM1X ra những bản remix “2 phút hơn” đầy cuốn hút. Ấn tượng chung trong phong cách âm nhạc của Pháo là sự chắc chắn trong cách hát nhưng cũng có nét lém lỉnh. Khác với vẻ ngoài mong manh, Pháo dùng âm nhạc để nói thay những suy nghĩ của bản thân trong cuộc sống. Đó là lý do chất liệu nhạc của Pháo sử dụng dễ “chạm” vào số đông người nghe.

Ngoài Pháo, Piggy (sinh năm 2012, tên thật Lê Nam Anh) cũng vừa trở thành hiện tượng trên mạng xã hội với ca khúc “Đi học thêm”. Nhiều người trong giới chuyên môn khẳng định Piggy là “thỏi nam châm” thu hút công chúng, khi bài hát được viết hợp với cậu bé 8 tuổi này. Với thế hệ nghệ sĩ sinh sau năm 2000, nền tảng mạng xã hội luôn là bệ phóng để giới thiệu tài năng của họ đến công chúng. Piggy cũng là một trong số đó. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ, những “ngôi sao” sinh ra từ truyền thông đa phương tiện chưa chắc đi được đường dài.

Những giọng ca “nhí” từng chiếm ngôi quán quân, á quân như Quang Anh, Hồ Văn Cường, Phương Mỹ Chi, Thiện Nhân… trong chương trình “Giọng hát Việt” ngày nào nay cũng đang độ tuổi mười tám đôi mươi nhưng đều chưa gặt hái được thành công gì như công chúng mong đợi. Còn rất nhiều cái tên “nhí” từng được khán giả quan tâm trước đây: Trịnh Hồng Minh, Ngọc Ánh, Kiều Minh Tâm, Nguyễn Phạm Bảo Trân, Lương Gia Khiêm, Jayden Trịnh Jesudhass, Cao Minh Thiên Tùng, Nguyễn Mai Thùy Anh… qua các cuộc thi “Giọng hát Việt nhí” và “Vietnam Idol kids”… dù đã có những sản phẩm âm nhạc riêng nhưng đều không mấy nổi bật.

Ngay những quán quân, á quân người lớn của “Vietnam Idol”, “Giọng hát Việt” chỉ vài người thành danh: Phương Vy, Uyên Linh, Văn Mai Hương, Hương Tràm, Vũ Cát Tường, Đức Phúc… và gặt hái ít nhiều thành công trên thị trường nhạc Việt. Còn lại vẫn loay hoay với chính con đường ca hát của mình, thậm chí “lặn không sủi tăm”.

“Đường dài mới biết ngựa hay”

Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho sự lụi tàn của các “thần tượng” một thời trên sóng truyền hình là yếu tố vươn lên tự thân của mỗi người không nhiều, thậm chí không đủ sức, sau khi bước ra các sân chơi mà ở đó họ được trang bị mọi thứ chuyên nghiệp và hoàn hảo để giúp họ tỏa sáng. Vả lại, trong thị trường âm nhạc ngày nay, ca sĩ cạnh tranh nhau bằng lượng view qua các sản phẩm MV (video ca nhạc) trên YouTube, ai có tiềm lực mạnh thì người đó có cơ hội.

Nhưng điều đáng nói là sự tâng bốc thái quá hay vô trách nhiệm của nhiều người, trong đó có truyền thông, ở những cuộc thi đã vô tình khiến họ ảo tưởng về thực tài của mình, cho đến khi họ đối diện với thế giới thật. Nhạc sĩ Quốc Bảo đúc kết: “Cuộc chơi kết thúc, mọi thứ thuộc về nó cũng sẽ kết thúc theo”.

Cuộc sống luôn khắc nghiệt, tài năng sinh ra trong sự khắc nghiệt ấy mới đủ độ chín và bền. Thỉnh thoảng khán giả nhận thấy sự “bật lên” của một vài giọng ca bước ra trong các cuộc thi trên sóng truyền hình trước đây như Hoài Lâm, Hiền Hồ, Bảo Anh, Vũ Cát Tường, Tố Ny… nhưng đa phần vẫn được xem là những giọng ca “thời trang”, còn nhiều tranh cãi về chất lượng. Những nhân tố sáng giá của đời sống âm nhạc Việt thời nay không chỉ hát hay mà còn biết sáng tạo âm nhạc, biết quyết định đường đi của mình bằng nỗ lực tự thân chứ không phụ thuộc vào kịch bản, tài đạo diễn của một chương trình truyền hình thực tế.

T.T (NLD)

Khán giả cũng dần hiểu ra

Không quá lời khi nói các “sân chơi” tìm kiếm tài năng âm nhạc gần như bị xóa sổ trên sóng truyền hình bởi chương trình truyền hình hài và hẹn hò nổi lên, chiếm sóng. Điều đó cũng mặc định sẽ không còn các đợt ấp lò “thần đồng”, “ngôi sao” ca nhạc chỉ sau vài tháng trên sóng truyền hình. Khán giả cũng dần hiểu ra chẳng có “thần đồng”, “thiên tài”, “ngôi sao” nào thành hiện thực, chẳng qua là chiêu trò của các nhà sản xuất chương trình với sự “góp sức” của nhiều phương tiện truyền thông.