Hãy để bài ca nói hộ tình yêu

0
1019
Dù album chính thức phát hành vào tháng 12/1973 nhưng phải 3 tháng sau đĩa đơn  I’ll Have To Say I Love You In A Song mới được phát hành
Đã nhiều năm kể từ khi ra đời nhưng I’ll Have To Say I love You In A Song vẫn được xem là một trong những bài tình ca ngọt ngào nhất thế giới. Đây là bài hát mà ca/nhạc sĩ Jim Croce tặng cho người vợ thân yêu của mình, Ingrid Croce và cho những cặp tình nhân…
Khi ngôn từ bất lực
I’ll Have To Say I Love You In A Song được xem là một trong những ca khúc hay nhất trong sự nghiệp của Jim Croce. Ở người đàn ông kiệm lời này, âm nhạc thay cho những suy nghĩ không thể cất thành lời và ca khúc này là lời xin lỗi êm ái nhất mà Jim dành cho người vợ mà anh rất mực yêu thương, Ingrid.
Trước đây, Jim và Ingrid là một cặp song ca khá có tiếng nhưng từ khi Ingrid sinh con, cả hai quyết định tạm gác sự nghiệp âm nhạc, bán hết nhạc cụ để quyết định tìm kiếm công việc ổn định ở nhà chăm con. Nhạc cụ bán hết nhưng Jim vẫn giữ lại một cây guitar cũ. Chính cây đàn này là sợi dây níu giữ anh với âm nhạc. Từ một quân nhân phục viên Jim Croce tìm đến âm nhạc để thoát khỏi những bế tắc cuộc sống. Trong âm nhạc của anh, như Croce miêu tả, chả có một chút gì khoe mẽ, không cần lên gân, cũng chẳng cần phải mặc áo giáp “bởi đó là thứ âm nhạc của riêng tôi, đơn giản như chính bản thân tôi vậy”. Jim Croce đã đi vào những bảng xếp hạng âm nhạc uy tín nhất cũng bằng ngôn ngữ âm nhạc du ca ngọt ngào như thế.
Cuộc sống gia đình cuối cùng không giữ chân được Jim. Anh quyết định trở lại với âm nhạc, để lại căn nhà nhỏ ở Pennsylvania một mình Ingrid và cậu con trai nhỏ Adrian James.
Những chuyến đi biền biệt kéo dài hàng tháng của Jim khiến anh mệt mỏi. Dù vẫn còn rất yêu vợ nhưng Jim ít khi thổ lộ công việc với vợ mình, nhất là chuyện tài chính trong nhà. Rồi đến một hôm, như Ingrid nhớ lại “Anh ấy trở về sau nhiều tháng đi hát, chúng tôi lại rất hạnh phúc bên nhau  nhưng ngày vui rất ngắn ngủi. Ngày hôm sau, anh ấy lại bê công việc về nhà, một đoàn làm phim 15 người đến nhà quay tư liệu về âm nhạc của anh ấy. Tôi tiếp đãi họ rất nồng nhiệt. Xong việc, khi họ về thì tôi có buột miệng hỏi về công việc của anh ấy, làm lụng nhiều như thế thì tình hình tài chính thế nào. Jim im lặng. Anh ấy luôn ghét những câu hỏi kiểu thế. Và rồi bất ngờ Jim nổi nóng, anh vùng ra khỏi giường và xuống bếp ngồi. Suốt đêm hôm ấy anh không trở lại phòng. Tôi thấy anh ngồi dưới đó đánh đàn rồi hí hoáy viết gì đấy. Sáng hôm sau Jim nhẹ nhàng đánh thức tôi dậy và hát: “Cứ mỗi khi anh định nói điều gì thì dường như ngôn từ anh lại bất lực. Vì thế anh muốn nói trong bài hát này rằng anh yêu em”. Lúc ấy tôi thật sự rất hạnh phúc.
Đó là thời điểm năm 1973 khi Jim Croce đang thai nghén những ca khúc cho album mới nhất của anh. I’ll Have To Say I Love You In A Song trở thành bản tình ca bất hủ của Jim. Bài hát với những giai điệu và hợp âm chạy vòng với tiếng guitar réo rắt, nhẹ nhàng, ngây ngất. Jim phả vào đó những lời hát rất êm dịu “Anh biết giờ đã trễ và hy vọng không làm em chợt thức giấc nhưng những điều anh sắp nói đây không thể chờ đợi được, anh biết em sẽ hiểu điều ấy… Anh muốn nói qua bài hát này, anh yêu em”.
Với giọng hát ngọt ngào, đầy chân thành của Jim, I’ll Have To Say I Love You In A Song nhanh chóng được yêu thích khắp nơi.
Vinh quang và định mệnh  
Jim Croce mang đến Trái đất đầy bất trắc này những bản tình ca như hái được ở vườn Địa đàng. Như thể trong sự mong manh thần bí, giữa những cơn mơ tưởng để thoát khỏi nội tại bức bối, người ta vẫn thường tận hưởng tối đa một giây phút hạnh phúc chợt đến, một khoảnh khắc ngọt ngào trước viễn cảnh có một điều mong manh sắp vỡ. Những ca khúc của Jim ẩn chứa sự mong manh trong một tiết điệu chậm rãi, nhẹ nhàng và yên bình tự sự. Giây phút hạnh phúc của Jim được tăng lên nhờ nỗi hoài niệm hạnh phúc. Hạnh phúc của anh là cậu con trai Adrian James Croce và người vợ yêu thương, Ingrid Croce. Trước I’ll Have To Say I Love You In A Song, Jim Croce cũng rất nổi tiếng với bài hát Time In A Bottle, ca khúc để đời của Jim, những giai điệu đẹp như thoát thai từ một khu vườn đầy ánh nắng, nơi thời gian đựng đầy trong chai và có thể sử dụng bất cứ khi nào cần đến. Đó là hạnh phúc mong manh của Jim bởi anh chẳng thể sử dụng chúng cho sự tái sinh của mình.
I’ll Have To Say I Love You In A Song chưa từng được diễn live lần nào ngoài lần thu duy nhất trong album và ca khúc này cũng chưa bao giờ được quay thành MV. Tuy vậy bài hát này đã được cover rất nhiều, được xem như một bản Thánh ca về tình yêu với ca từ đẹp, giai điệu dễ thấm với tiếng guitar chỉ có thể là Jim. Bạn sẽ ngạc nhiên với kỹ thuật chơi guitar mê hồn, thu trực tiếp một lần, mà không cần qua những công đoạn ghép nhạc và giọng thu.
I’ll Have To Say I Love You In A Song được xem là ca khúc quan trọng nhất của album I Got A Name. Album này phát hành vào tháng 12/1973. Trước đó, theo đúng dự định, ca khúc I got a name được phát hành dưới dạng single vào ngày 21/9/1973.
Nhưng một ngày trước khi single I Got A Name phát hành, ngày 20/9, chiếc phi cơ Beechcraft D-18 chở Jim Croce và guitarist Maury Muehleisen cùng toàn bộ phi hành đoàn gặp nạn khi bay vào vùng thời tiết xấu tại Louisiana (Mỹ). Ingrid Croce được mẹ cô báo tin qua điện thoại, đã ngã quỵ. Chỉ còn 1 tuần nữa là cậu con trai của hai người sẽ tròn 2 tuổi.
Jim Croce khi đó vừa 30 tuổi, vẫn chưa biết rằng những ca khúc trong album ấy sẽ trở thành bất tử, album đoạt 3 đĩa vàng và nước Mỹ khi ấy hiểu rằng họ vừa mất đi một tài năng sáng chói, một nhạc sĩ/ca sĩ độc đáo sẽ không thể tìm lại được trong thời đại của mình.
Và từ đó trở đi, I’ll Have To Say I Love You In A Song trở thành bản tình bất hủ, một tình yêu đẹp nhất mà Jim Croce dành tặng Ingrid, như một lời minh chứng dù bất cứ chuyện gì xảy ra, tình yêu anh dành cho cô cũng mãi không bao giờ thay đổi.
N.M (TTVH)