Sử dụng dàn nhạc cổ điển, giao hưởng trong khâu hòa âm phối khí cho những ca khúc mới, dự án âm nhạc mới đang trở nên phổ biến trong giới ca sĩ trẻ hiện nay khi gần như họ đã hiểu được sức “công phá” tuyệt vời của nó
Thị trường nhạc Việt (V.pop) đang xuất hiện nhiều ca khúc sử dụng dàn nhạc cổ điển, nhạc giao hưởng phối âm cho các sản phẩm âm nhạc trình diễn sân khấu và cả phát hành nhạc số. Xu hướng này góp phần nâng chất lượng và tầm quốc tế cho V-pop trong thời gian gần đây.
Âm sắc “ma thuật”
Trong đoạn trailer (đoạn phim quảng cáo) giới thiệu bộ phim “Người bất tử” của đạo diễn Victor Vũ (sẽ ra mắt vào tháng 10 này), công chúng bất ngờ với nhạc nền của phim, ca khúc “Hồi ức”(Phan Mạnh Quỳnh sáng tác). Dù ca khúc này từng gây ấn tượng mạnh với khán giả yêu nhạc khi ra mắt tại chương trình “Sing my song” mùa đầu tiên bởi một Phan Mạnh Quỳnh hoàn toàn khác về chuyên môn so với Phan Mạnh Quỳnh thời với “Vợ người ta” nổi đình đám trước đó.
Vẫn là một Phan Mạnh Quỳnh với sở trường ý tưởng khác lạ, lời ca đầy cảm xúc nhưng cách kể chuyện trong “Hồi ức” qua bản phối đậm chất semi classic (bán cổ điển) của nhạc sĩ Hoài Sa trở nên đầy kịch tính, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, sang trọng và đầy dứt khoát. Sự thay đổi tích cực đó khiến chính tác giả (Phan Mạnh Quỳnh) cũng phải thốt lên: “Tôi thật sự bất ngờ với bản phối này: sang trọng, đẳng cấp, tốn kém nhưng lại rất dễ chịu”.
Sử dụng dàn nhạc cổ điển, nhạc giao hưởng trong khâu hòa âm phối khí cho những ca khúc mới, dự án âm nhạc mới đang trở nên phổ biến trong giới ca sĩ trẻ hiện nay khi gần như họ đã hiểu được sức “công phá” tuyệt vời của nó khi phối khí cho những ca khúc của họ. “Có ai thương em như anh” của Tóc Tiên đã không thể trở thành một bản hit (ăn khách) nếu như không được trình diễn cùng dàn nhạc cụ đàn dây, dàn bè hơn 30 người trên sân khấu “Giọng hát Việt 2018”. Trước đó, bản thu “Có ai thương em như anh” là một trong những bản hit về mặt truyền thông khi được phát hành trên YouTube bởi sự đổi mới của Tóc Tiên trên con đường âm nhạc của cô. Nhưng khi ca khúc này được Tóc Tiên trình diễn cùng dàn nhạc giao hưởng trên sân khấu, khán giả thực sự bị chinh phục, không chỉ bởi hình thức hoành tráng mà chính vì từng thanh âm, điệu thức của ca khúc trở nên lãng mạn hơn, cảm xúc hơn và cũng chân thành hơn.
Để chuẩn bị cho dự án âm nhạc quan trọng sắp tới của mình, ca sĩ Noo Phước Thịnh cùng nhạc sĩ Hồ Hoài Anh quyết định thay đổi sắc màu cho các ca khúc mới của anh bằng những bản hòa âm, phối khí mới. Thay vì chỉ là một bản ghi âm sôi động, bắt nhịp cùng xu hướng âm nhạc thế giới thường thấy, ê-kíp của anh quyết định hủy bỏ kế hoạch ban đầu thay bằng việc kết hợp với dàn nhạc giao hưởng ở Hà Nội.
Ca sĩ – nhạc sĩ Only C cho biết sau nhiều tháng chờ đợi, bản ghi âm hoàn chỉnh ca khúc mới (chưa có tên chính thức) mà anh cảm thấy “sướng hơn trúng số độc đắc” đã nằm chắc trong tay mình. Ca khúc này từng được ghi âm cùng dàn nhạc giao hưởng ở Hà Nội nhưng phía ê-kíp Hàn Quốc quyết định bổ sung bằng dàn nhạc của Hàn Quốc. Một sản phẩm âm nhạc mà Only C tin rằng “cho mọi người thấy tôi đủ khả năng làm nên những bản hit đúng chuẩn quốc tế”.
Nâng tầm chuyên môn
Thực tế, việc hát cùng dàn nhạc cổ điển hay làm sản phẩm bằng phối âm của dàn nhạc giao hưởng không mới, chỉ là quay trở lại. Từ khi công nghệ biểu diễn bằng nhạc đệm phòng thu lên ngôi, dàn nhạc chưa hề xuất hiện trong tư duy của giới ca sĩ trẻ. Nhưng nay, hàng loạt ca sĩ trẻ coi trọng yếu tố dàn nhạc trong các sản phẩm âm nhạc của mình, “bởi hiệu quả nghệ thuật dễ dàng nhận thấy và điều quan trọng hơn với họ là khẳng định đẳng cấp chuyên môn, nâng cao nhận thức về thưởng thức âm nhạc cho cả khán giả của họ” – bày tỏ của ca sĩ Noo Phước Thịnh.
Ca sĩ Noo Phước Thịnh tập cùng dàn nhạc đàn dây trước khi thu âm bài hát mới Ảnh: Mỹ Tài
Tất nhiên, kèm theo cách làm này là chi phí tăng vọt. Ca – nhạc sĩ Only C cho biết nếu một sản phẩm âm nhạc bình thường có mức chi phí khoảng 1.000-2.000 USD cho phần hòa âm, phối khí thì với sản phẩm sử dụng dàn nhạc, mức đầu tư tăng gấp 10 lần. “Không có mức đầu tư nào là vô lý cả. Tiền nào của nấy” – Only C nói.
Giới chuyên môn thừa nhận ưu thế của nhạc cổ điển chính là sự lãng mạn với những cảm xúc chân thật mà nó tạo ra, không có bất kỳ phần mềm âm nhạc hiện đại nào có thể thay thế được. Vậy nên, “sử dụng dàn nhạc cổ điển, nhạc giao hưởng cho những bản ballad say đắm lòng người là cách làm khôn ngoan của ca sĩ hiện nay khi cảm xúc chân thật từ dàn nhạc luôn dễ dàng chiếm lấy trái tim người yêu nhạc. Trào lưu này chắc chắn sẽ tạo nên những kết quả đầy lạc quan của nhạc Việt” – ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân nhận định.
Thúc đẩy sự chuyên nghiệp Nhạc sĩ Khắc Việt cho rằng hơn cả mục đích làm ra sản phẩm âm nhạc chất lượng chính là động cơ thúc đẩy sự phát triển chuyên nghiệp của nhạc Việt mà các ca sĩ trẻ đồng loạt nhận thức được. “Khi quyết định thử sức với dàn nhạc cổ điển hay nhạc giao hưởng cho phần hòa âm, phối khí đồng nghĩa rằng nghệ sĩ biết ít nhiều về nguyên tắc và công năng hoạt động của nhạc cụ cổ điển. Những kiến thức về nhạc cổ điển dù chỉ là nền tảng cũng đủ để mang đến tư duy mới mẻ, nghiêm túc hơn cho người thực hiện” – nhạc sĩ Hồ Hoài Anh khẳng định. Chỉ có điều là nhiều ngôi sao Việt đã phải sang tận trời Âu, Mỹ và bây giờ là Hàn Quốc để thực hiện thu âm các sản phẩm có sử dụng dàn nhạc quy mô lớn. Vì nếu thực hiện ở Việt Nam, do đang có những hạn chế về kỹ thuật phòng thu (thu dàn nhạc thường thu live) thì sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng sản phẩm. |
Thùy Trang (HNS)