Sáng tác thiếu nhi mới không thiếu, nhưng trẻ em vẫn miệt mài cover ca khúc tình yêu. Câu chuyện lại bùng lên lần nữa khi cậu bé Phan Đình Tây hát rất ‘ngọt’ những ca khúc cho người lớn.
Mới đây, Phan Đình Tây – thí sinh bước ra từ Giọng hát Việt nhí 2016 – trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận trên mạng xã hội khi cover khá thành thục ca khúc Đến sau một người của nhạc sĩ Thanh Hưng.
Bên cạnh một số khán giả khen ngợi giọng hát giàu cảm xúc, khả năng hát live tốt của cậu bé 14 tuổi, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại việc trẻ em lại hát ca khúc thất tình não nề như vậy.
Trước Đến sau một người, cậu bé này còn cover những ca khúc khác như Ngắm hoa lệ rơi, Gọi tên em trong đêm… Đặc biệt, có nhiều bản cover thu hút view khủng trên YouTube như: Em phải quên anh (2 triệu lượt nghe), Xin lỗi người anh yêu (1 triệu lượt nghe), Đớn đau anh vẫn yêu (500.000 lượt nghe)…
Nếu theo dõi một số chương trình game show ca hát cho trẻ em như Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Gương mặt thân quen nhí… chuyện các thí sinh cố gắng hát theo những bài hát người lớn không có gì là lạ.
Suốt một thời gian dài, việc cô bé Phương Mỹ Chi hát nhạc người lớn, ra MV tình cảm bị nhiều người cho rằng không phù hợp ở độ tuổi.
Không chỉ trên sóng truyền hình, việc trẻ em hát và thuộc lời rất nhiều sáng tác của Sơn Tùng M-TP cũng không còn là cá biệt. Đầu năm ngoái, trong một buổi sinh hoạt tập thể tại Trường THCS Phú Mỹ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), một cô giáo đã bắt nhịp cho học sinh toàn trường hát Lạc trôi.
Năm 2015, một clip khác, học sinh cấp 1 thuộc làu bài hát Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng cũng dấy lên những lo ngại về tình trạng trẻ em hát nhạc tình của người lớn.
Không “đói” sáng tác mới
Có người cho rằng, tình trạng trẻ em hát nhạc người lớn xuất phát từ thực tế kho nhạc thiếu nhi đang thiếu những ca khúc mới, hay dành cho các em. Trong khi đó, những sáng tác thiếu nhi nổi tiếng một thời, dường như không phù hợp nữa; đòi hỏi có những ca khúc mới lạ, diễn tả thế giới tâm hồn trẻ em hôm nay.
Theo một thống kê của công ty Nghệ sĩ Việt, vài năm nay, có khoảng 800 ca khúc thiếu nhi (cả Việt Nam lẫn quốc tế) quay vòng ở các game show, lâu lâu mới có ca khúc mới. Dù được hòa âm, phối khí lại, bản chất vẫn vẫn là những sáng tác “bình mới rượu cũ”.
Nhạc sĩ Hoài An cho rằng: “Chúng ta không hề ‘đói’ những ca khúc thiếu nhi mới, hay. Trong thời gian qua, đã có nhiều người tâm huyết, quan tâm tới âm nhạc thiếu nhi và có những dự án dài hơi giới thiệu tới các em nhỏ.
Nhạc thiếu nhi có cộng đồng fan của mình, nhưng không đọ được với nhạc giải trí; nên lượt view cũng không thể rầm rộ, đột biến. Hơn nữa, những sáng tác thiếu nhi là kiểu mưa dầm thấm lâu, cũng cần thời gian để khẳng định sức sống”.
Đến nay, dự án âm nhạc iKIDS Muzik của anh em nhạc sĩ Hoài An và Hoài Phúc đã đi được nửa chặng đường trong năm đầu tiên thực hiện. Hoài An cho biết, dự án này sẽ gồm 300 MV, với tuyệt đại đa số là ca khúc mới, phát hành hằng tuần trên kênh YouTube của chương trình.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, khi chuyển sang viết cho trẻ em cũng tạo ra hai hit, được nhiều em nhỏ yêu thích: Nhật kí của mẹ, Gia đình nhỏ, hạnh phúc to. Được biết, năm 2017, anh phát hành sách nhạc 100 bài hát thiếu nhi do mình sáng tác hoàn toàn mới, có đĩa MP3 thu âm đi kèm. Mỗi bài hát được đính thêm tranh vẽ để các bé tô màu, vừa chơi vừa học. Nhạc sĩ cũng đang chuẩn bị cho ra tập sách nhạc 100 ca khúc thiếu nhi thứ hai, giới thiệu tới các em nhỏ.
Bên cạnh những sáng tác mới, có rất nhiều ca khúc cũ hay, có giá trị nhưng chưa có cơ hội đến được với quảng đại các em thiếu nhi. Nối tiếp kế hoạch của ba mình – cố nhạc sĩ An Thuyên, ca sĩ Bông Mai khởi động dự án âm nhạc Sing Channel, đang nhận được nhiều sự chú ý từ công chúng.
Phương Mỹ Chi gây tranh cãi khi ra MV tình cảm người lớn |
Cần một cơ chế riêng
Rõ ràng, chúng ta đang có một kho tàng ca khúc thiếu nhi được sáng tác mới hoặc những sáng tác ít được biết đến, có thể giải tỏa “cơn khát” của thị trường âm nhạc dành cho đối tượng nhỏ tuổi.
Thế nhưng, trong thời buổi game show lũng đoạn đời sống giải trí hiện nay, vì tính chất đặc thù, nhạc thiếu nhi, dù có bước đổi mới, cũng chỉ có thể đi theo con đường chậm mà chắc, từ từ rồi sẽ thành đường.
Để những sáng tác mới hoặc những dự án âm nhạc dành cho thiếu nhi đến được với các em nhỏ, ca sĩ Bông Mai cho rằng, cần có những cơ chế riêng, nhằm khuyến khích dòng nhạc này phát triển.
“Với những dự án âm nhạc cộng đồng phát miễn phí như Sing Channel, nên chăng cần có sự đồng hành, hỗ trợ từ các đơn vị Nhà nước. Đôi khi, sự hỗ trợ đó cũng chẳng phải là việc Nhà nước rót vốn hay một cái gì đó “to tát” mà chỉ dừng lại ở việc miễn phí bản quyền. Điều đó cũng tạo động lực rất lớn để những người thực hiện có thể đi tới cùng khát vọng của mình – tạo ra một thứ âm nhạc ‘sạch’ dành cho các em nhỏ”.
Nhạc sĩ Hoài An kể, đầu tư sản phảm cho các em nhỏ bây giờ không khác gì đầu tư cho một ngôi sao giải trí. Rất tốn kém. Để đi được dài hơi, dự án của iKIDS Muzik cần một đơn vị đồng hành, cùng chung tâm ý với trẻ em.
Hiện nay, đa phần các dự án âm nhạc cho thiếu nhi đều đang là cuộc chơi đơn lẻ của các cá nhân, nhóm người vì tâm huyết với con trẻ mà làm. Để dòng nhạc này không lụi tàn, có lẽ, chúng ta nên có những cơ chế mở, khuyến khích sự phát triển. Có như vậy, cuộc khẩu chiến quanh một đứa trẻ hát nhạc thất tình mới không đi vào ngõ cụt như bây giờ.
Đ.D (PNO)