Dấu ấn Đặng Thái Sơn từ một cuộc thi danh giá

0
677
Giáo sư Đặng Thái Sơn cùng hai học trò vào chung kết concours Chopin 2021: Bruce Liu (trái, giải Nhất) và JJ.Bui (giải Sáu)

Lẽ ra những dòng này phải được chia sẻ ngay lúc mạng xã hội rộ lên “trend” (từ mượn của cộng đồng mạng) cùng báo chí liên tiếp đưa tin học trò của danh cầm Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất cuộc thi Chopin lần thứ XVIII. Luôn e ngại sự ồn ào và theo thói quen của người sợ đám đông, tôi muốn lùi sau sự kiện để thấy rộng hơn những gì liên quan đến một nhân vật lại lần nữa gây bất ngờ từ cuộc thi danh giá này.

Tên tuổi Đặng Thái Sơn gắn liền với Chopin từ hơn 40 năm trước. Viết đầy đủ về Sơn và Chopin chắc phải có cuốn sách dầy như tiểu thuyết, về Sơn với concours Chopin thôi cũng có ối chuyện để… buôn. Đã không bon chen tin “hot” với báo giới, càng không dám lấn sân cánh nhà văn trong việc “văn học hóa” người thật việc thật, tôi chỉ điểm lại những ấn tượng đặc biệt mà Đặng Thái Sơn mang lại cho cuộc thi piano lớn nhất toàn cầu, bởi tôi tin rằng cho đến nay đây vẫn là nghệ sĩ châu Á được nhắc tên nhiều nhất trong lịch sử concours Chopin với các danh nghĩa khác nhau: thí sinh đăng quang, khách mời biểu diễn, thành viên giám khảo mấy mùa liên tiếp và người thầy có nhiều trò đoạt giải.

Thí sinh

Ngày ấy, sự kiện người Việt nhận giải Vàng concours Chopin lần thứ X đã gây “sốc” cho giới yêu nhạc cổ điển khắp các châu lục, nhất là người dân đất Việt thời hậu chiến đang khó khăn chồng chất. Câu chuyện về hành trình đi tới vinh quang của một thí sinh vô danh được lan truyền như huyền thoại.

Trong lịch sử concours Chopin chưa bao giờ có thí sinh nào nộp một hồ sơ khiêm tốn thế, không thành tích thi đấu tầm quốc gia quốc tế, cũng không một cuộc trình tấu với dàn nhạc hoặc độc diễn (recital), thông tin chỉ vỏn vẹn nơi sinh và nơi đang theo học. Song chính nhờ yếu tố khác thường – lớn lên tại đất nước chưa từng được ghi danh trên bản đồ âm nhạc cổ điển thế giới và đang là sinh viên năm thứ hai của Nhạc viện Tchaikovsky lừng danh – nên chủ nhân hồ sơ suýt bị gạt đó đã có cơ hội từng bước ngoạn mục chinh phục giám khảo và khán giả quốc tế.

Trong lịch sử cuộc thi cũng chưa hề có thí sinh nào tự mình lo liệu mọi thứ, không thầy giáo hay người thân đi kèm, không tổ chức nào hỗ trợ, không đơn vị quản lý nào quan tâm, không danh chính ngôn thuận thi đấu dưới màu cờ sắc áo quốc gia mình, đến trang phục biểu diễn cùng dàn nhạc cũng không có nếu chẳng kịp nhờ ai đó kiếm chỗ may gấp trước đêm chung kết. Và lần đầu tiên chơi với dàn nhạc trên sân khấu lớn, cũng là lần duy nhất dự giải quốc tế, thí sinh khiêm nhường ấy đã làm được điều bất ngờ với chính mình: chứng minh người châu Á có thể chiến thắng giải Chopin, vượt cả “đội tuyển” đầy thế lực thời đó là Liên Xô, “qua mặt” thí sinh “bản địa” trong những thể loại âm nhạc dân tộc đặc trưng Ba Lan để chiếm luôn các giải phụ – người chơi hay nhất polonaise, mazurka, concerto.

Từ đó Sơn trở thành “người được Chopin chọn”. Còn Sơn đã chọn Chopin từ khi nào? Chắc chắn sớm hơn nhiều, khởi nguồn từ tuổi thơ nơi sơ tán được nghe má anh – NGND Thái Thị Liên – đàn dưới ánh đèn dầu những tiểu phẩm của Chopin, rồi âm nhạc Chopin ngấm dần vào máu qua sách đĩa má Liên mang về từ Ba Lan khi được mời làm khách tham dự cuộc thi Chopin 1970. Nhờ đó mà Sơn đã tiến những bước đầu tiên tới gần Chopin, cũng nhờ đó Sơn biết đến và bị mê hoặc bởi danh cầm Martha Argerich (giải nhất concours Chopin 1965), người được coi là một trong những nghệ sĩ piano vĩ đại nhất thế kỷ XX, người mà sau này anh lại được “sánh vai” cùng làm thành viên ban giám khảo concours Chopin.

Giấy tờ thủ tục, chi phí đi lại và sinh hoạt…, bao nhiêu thứ phải lo trước và trong cuộc thi. Vượt qua những khó khăn khách quan đó đã là kỳ tích. Song sau cuộc thi còn nhiều thử thách hơn, càng cần bản lĩnh hơn để trụ vững trước những hứa hẹn cám dỗ, những mời mọc săn đón và cả những ồn ào thị phi kéo dài suốt mấy chục năm. Có quán quân nào từng ước: giá mình chỉ đoạt giải nhì(!). Được giải nhì thì trách nhiệm đỡ nặng nề hơn cho cậu sinh viên chưa hề được chuẩn bị tâm lý “đối mặt” trước vinh quang. Rất nhiều cơ hội mở ra: các tour diễn thế giới và hợp đồng thu thanh từ các hãng danh tiếng. Song anh đã từ chối hàng loạt lời mời để chuyên tâm hoàn thành ba năm cuối đại học và chương trình cao học ở Nhạc viện Moskva. Sau này, anh cho đó là quyết định đúng đắn trong đời, bởi với anh, kỳ tích đạt được ở tuổi 22 không phải là đỉnh cao sự nghiệp, mà chỉ là cột mốc khởi đầu sự nghiệp của một nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế.

Nghệ sĩ

Hành trình hơn 40 năm không ngừng tiến về phía trước đã đưa Đặng Thái Sơn vượt xa khởi điểm ấy. Một nghệ sĩ luôn hướng tới cái mới, không ngại làm mới mình và rất thích tạo nên yếu tố mới cho mỗi lần về Việt Nam biểu diễn. Một Chopinist không sợ bước ra khỏi vòng an toàn của tình yêu với Chopin để tự khám phá mình ở những tác giả khác. Đặng Thái Sơn là vậy, đúng như con người anh – bản lĩnh và “bí hiểm” như một ẩn số, tưởng dễ gần mà khó đoán, rất thân thiện với nụ cười cởi mở nhưng lại quá kín đáo, luôn trung thành với chính mình mà vẫn gây bất ngờ cho người nghe bằng chính cái tôi của mình. Bất ngờ nhất có lẽ là “Marathon cùng Beethoven” tại Việt Nam, Nhật Bản, Brazil (2012-2013) với toàn bộ năm concerto cho piano của Beethoven, một chương trình đồ sộ được coi là ý nghĩa nhất kể từ sau năm 1980.

Chopin là mối tình đầu, là tình yêu trọn đời, nhưng tình yêu lớn ấy không ngăn cản Sơn thành công với tác giả khác, đặc biệt các nhạc sĩ Pháp và Nga. Ngoài Chopin, anh còn biểu diễn và thu đĩa các tác phẩm của Mozart, Beethoven, Schubert, Lizst, Mendelssohn, Tchaikovsky, Grieg, Fauré, Paderewsky, Debussy, Rachmaninov, Ravel… Ngay cả được mời biểu diễn khai mạc concours Chopin, Sơn đã chọn không phải “tác giả ruột” của mình: năm 2005 là Concerto g-moll của Mendelssohn; còn năm 2021 anh tham gia một tiết mục đặc sắc: Concerto a-moll của Bach cho bốn piano và dàn nhạc được trình tấu bởi bốn nghệ sĩ đứng đầu những mùa giải khác nhau – Đặng Thái Sơn (giải nhất 1980), Kevin Kenner (giải nhì 1990, không có giải nhất), Philippe Giusiano (giải nhì 1995, không có giải nhất), Yulianna Avdeeva (giải nhất 2015).

Hoạt động biểu diễn của Đặng Thái Sơn đã “phủ sóng” gần 50 quốc gia, kết hợp với nhiều nhạc trưởng và các nhóm hòa tấu thính phòng đẳng cấp quốc tế tại các phòng hòa nhạc nổi tiếng của New York, London, Paris, Munich, Amsterdam, Moskva, Sydney, Tokyo, Varsava… Sơn luôn giữ tình cảm đặc biệt cho quê hương Chopin, nơi đã đặt mốc son đầu tiên cho cuộc đời nghệ sĩ. Dù đầy bản lĩnh và từng trải, anh vẫn run vì hồi hộp, vẫn… thót cả tim trước khi thăng hoa trên sân khấu Varsava, nhất là với tiết mục hòa tấu bốn piano sau hơn một năm “cấm cung” vì đại dịch covid – một khoảng lặng dài nhất trong sự nghiệp biểu diễn của Sơn.

Lời mời diễn khai mạc concours Chopin cho thấy sự mến mộ dành cho cựu quán quân vẫn còn đó, cũng như sự ghi nhận những nỗ lực phát triển sự nghiệp sau chiến thắng. Những cống hiến của Đặng Thái Sơn cho âm nhạc Chopin và sau đó là Paderewski còn được ghi nhận bởi Medal Vàng (Huân chương Văn hóa) của Bộ Văn hóa Ba Lan (2018), một sự vinh danh cao nhất dành cho người có đóng góp xuất sắc đối với văn hóa và di sản quốc gia Ba Lan.

Ở Canada, Đặng Thái Sơn cũng được vinh danh bằng Prix Opus (tương đương giải Grammy) trong hạng mục “Buổi hòa nhạc của năm” (2016). Và, không chỉ bằng sự nghiệp biểu diễn, mà cả trong đào tạo, Sơn vừa góp phần mang lại niềm vui lần đầu có người nhận giải Vàng concours Chopin cho quê hương thứ hai của anh.

Giám khảo

Năm 2005 trở thành mốc đáng nhớ: cùng với danh nghĩa nghệ sĩ khách mời duy nhất tại Gala khai mạc cuộc thi Chopin lần thứ XV, Đặng Thái Sơn còn là nghệ sĩ châu Á đầu tiên được mời làm giám khảo. Anh cũng là người châu Á duy nhất giữ chức phó chủ tịch Hội đồng giám khảo (2015) và đã làm giám khảo suốt bốn mùa liên tiếp (2005, 2010, 2015, 2021).

Đặng Thái Sơn còn ngồi ghế giám khảo trong nhiều cuộc thi quốc tế uy tín khác: Cleveland (Mỹ), Clara Haskil (Thụy Sĩ), Artur Rubinstein (Tel-Aviv), Hamamatsu, Sendai, Takamatsu (Nhật Bản), cuộc thi quốc tế Mùa xuân Praha (Tiệp), Cuộc thi Piano Quốc tế Montreal (Canada), Ferruccio Busoni (Italia), Harbin (Trung Quốc), Daigu (Hàn Quốc), Cuộc thi Chopin trên đàn piano cổ được tổ chức lần đầu tại Varsava (Ba Lan)… Còn ở Việt Nam, “thương hiệu” Đặng Thái Sơn với danh nghĩa Giám đốc nghệ thuật và thành viên Hội đồng Giáo sư của Festival Piano Quốc tế đầu tiên tại Hà Nội (2018) đã “lôi kéo” nhiều giám khảo ngoại quốc và thu hút thí sinh các nước vượt quá dự kiến.

Trở lại concours Chopin năm nay mà Đặng Thái Sơn là một trong 17 thành viên ban giám khảo với vài con số ấn tượng chưa cuộc thi quốc tế nào có được. Tất cả có sáu vòng thi. Sơ kết gồm hai vòng: “đấu loại” qua video hơn 530 pianist và thi trực tiếp hơn 150 thí sinh (7/2021). Chung kết (10/2021) gồm ba vòng độc tấu và vòng cuối (final) biểu diễn cùng dàn nhạc: vòng 1 còn 87 người từ 18 quốc gia, vòng 2 – 45 người, vòng 3 – 23 người, final – 12 người.

Mùa thi này có số lượng tăng đột biến và chất lượng cao bất ngờ. Nhiều nghệ sĩ trẻ đạt trình độ điêu luyện, lại được chuẩn bị kỹ hơn nhờ hoãn một năm vì dịch covid và việc cách ly vô hình trung đã tạo điều kiện cho thí sinh chuyên tâm tập luyện hơn. Một yếu tố đáng kể là công nghệ thông tin: mỗi buổi thi đều phát sóng trực tiếp trên internet làm tăng thêm tính minh bạch dân chủ. Hai tuần diễn ra sự kiện thu hút 70.000 lượt xem trực tuyến, mở rộng chưa từng thấy lượng khán giả toàn cầu có thể theo dõi trên 100 giờ phát sóng. Công chúng còn có thể “săm soi” điểm số của mỗi giám khảo cho từng thí sinh được công bố trên trang thông tin của cuộc thi.

Những khác biệt của mùa giải này về số lượng, chất lượng, sự ngang sức ngang tài của thí sinh, cũng như cách tổ chức trực tuyến và công khai đã tạo nên áp lực lớn cho giám khảo. Ban giám khảo hầu như đều cứng tuổi đã làm việc với nhịp độ căng thẳng. Nghe liên tục gần 2000 lượt tác phẩm, trong đó nhiều bài trùng lặp cũng đủ mệt đầu, càng đau đầu hơn khi phải cân nhắc điểm số cho từng thí sinh. Mỗi thành viên có cách chấm điểm riêng. Giám khảo Đặng Thái Sơn đã không ngại chia sẻ tiêu chuẩn đánh giá của mình: vòng 1 – chọn thí sinh tài năng, phần diễn có thể chưa thực sự hoàn hảo hoặc còn gây tranh cãi; vòng 2 – trình diễn chỉn chu, chưa đòi hỏi cao về tính nghệ sĩ; vòng 3 – phong cách thuyết phục, đúng tinh thần các thể loại; vòng cuối – yếu tố quyết định thuộc về cá tính riêng của nghệ sĩ.

Để công bằng, giám khảo không được cho điểm học trò của mình, lá phiếu trống đó được tính bằng điểm trung bình cộng của các thành viên còn lại trong Hội đồng. Người đông học trò nhất là Đặng Thái Sơn. Dù có thần kinh thép và nhiều kinh nghiệm chấm thi, anh vẫn thú nhận đã “run cầy sấy” mỗi khi học trò trình tấu, vì cái trò thi cử “chẳng biết đằng nào mà lần”!

Giới trẻ luôn là mối quan tâm lớn của Sơn. Nếu giám khảo chuyên đánh giá, ghi nhận những tài năng trẻ, thì thầy giáo trực tiếp phát hiện, dìu dắt, truyền cảm hứng cho nghệ sĩ tương lai. Nơi thấy rõ nhất sự ưu ái của Sơn dành cho thế hệ trẻ chính là lĩnh vực đào tạo.

Thầy giáo

Sư phạm là “gen gia truyền” mà Đặng Thái Sơn, cũng như chị ruột anh – NGND Thu Hà, được thừa hưởng từ mẹ – NGND Thái Thị Liên. Vì coi biểu diễn là nghiệp chính và dạy đàn là phụ, Sơn chỉ nhận làm giảng viên “khách mời” ở nhiều nhạc viện danh tiếng, nhưng nghề “tay trái” vẫn đắt “sô” không kém. Anh gắn bó lâu năm với Đại học Âm nhạc Kunitachi (Tokyo), Đại học Quốc gia Ðài Bắc (Đài Loan) và Đại học Montréal (Canada). Hiện anh là giáo sư biên chế chính thức của Oberlin Conservatory (Mỹ) và còn giảng dạy ở New England Conservatory (Mỹ), Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc)… Số người theo học masterclass thì chính Sơn nhớ cũng không xuể. Sinh viên xin thụ giáo càng tăng sau mùa thi 2015, là năm Đặng Thái Sơn “làm nên lịch sử” với vai trò người thầy: người có nhiều học trò đoạt giải trong một cuộc thi (chiếm các vị trí ba, bốn, năm trong sáu giải chính thức). Một kỳ tích khó lặp lại, nhưng hồi ấy tôi vẫn nhắn bạn rằng chỉ bạn mới có thể tự phá kỷ lục của chính mình và biết đâu kỳ tới học trò Đặng Thái Sơn sẽ đăng quang. Quả thật chẳng phải đợi lâu!

“Đội tuyển” kỳ này của thầy Sơn cũng đa quốc gia (Canada, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc), gồm sáu nghệ sĩ (nếu tính cả học trò masterclass thì con số lên tới… một tá!). Hai học trò Canada lợi thế hơn được học trực tiếp với thầy suốt cả năm qua, và điều này đã tác động lớn đến kết quả thi. Học trò nước khác học online cho đến khi Canada cho nhập cảnh trước mùa thi ba tháng, thầy bắt đầu mở “trại olympic Chopin” thi thử mỗi tuần theo luật lệ concours.

Tất cả học sinh của Sơn đều có điểm chung là sự hiểu biết sâu sắc về âm nhạc Chopin, kỹ năng biểu hiện tinh tế và chuẩn mực đúng tinh thần Chopin. Khác nhau là ở cá tính, ở sức sáng tạo, và thiên hướng mỗi trò luôn được thầy tôn trọng, khích lệ phát huy hết mức. Hai học trò đoạt giải có tính cách trái ngược nhau như mặt trời mặt trăng, nếu Bruce Liu bản lĩnh chủ động, đầy nhiệt huyết, tỏa sáng với năng lượng mạnh mẽ và sức tưởng tượng phong phú, thì JJ.Bui giàu cảm xúc, sâu sắc, già dặn so với tuổi 17 và có nhiều nét giống thầy, vì cậu bé mang trong mình một nửa dòng máu Việt chăng? Nghe nói khi JJ.Bui đàn có vị giám khảo xúc động trào nước mắt, và chính thầy Sơn cũng không cầm được nước mắt.

Hết lòng vì trò như chăm lo đàn con, Sơn gọi đùa sáu học sinh chính thức là “con đẻ”. Trước vòng final bất chấp mọi đoán già đoán non ai đăng quang – Nhật, Ba Lan, Nga, Trung Quốc…, Sơn vẫn tin vào những đứa con của mình: “Nói trộm vía, một trong hai đứa con đẻ của Sơn sẽ làm nên lịch sử kỳ này”. Không phụ công thầy, Bruce Liu chiếm giải nhất, còn giải sáu thuộc về thí sinh trẻ nhất JJ.Bui. Chu đáo như một người cha, trong vài dòng chia sẻ đầu tiên trên trang cá nhân sau khi kết quả được công bố, Sơn không quên gửi lời chúc mừng đến các thầy cũ từng dạy dỗ hai đứa “con đẻ” của mình.

Bỗng dưng nhớ đến lời các cụ xưa: “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Giá mà con cháu chúng ta được học trực tiếp thầy Sơn thường xuyên, giá mà nước mình có chính sách hợp lý xứng đáng với bậc thầy thế giới như Sơn để mạnh tay đầu tư đào tạo tài năng trẻ… Năm xưa từng có một sinh viên được phong NSND sau khi đoạt giải quốc tế, thì nay sẽ không có gì bất ngờ nếu danh hiệu NGND được trao cho một giáo sư đẳng cấp quốc tế đã liên tiếp làm rạng danh người Việt trong lĩnh vực âm nhạc hàn lâm.

Dẫu biết rằng được ghi nhận hay không thì vẫn có một người thầy luôn âm thầm làm những gì có thể để phát hiện và nuôi dưỡng tài năng trẻ trong nước. Người thầy ấy luôn mong có thêm nhiều thí sinh Việt Nam tham dự concours Chopin và ước sẽ có ngày được thấy một người Việt nữa bước lên đài vinh quang nhận giải Vàng.

Nguyễn Thị Minh Châu (HNS)