“Con nhện giăng mùng” – làn điệu chèo mỏng manh quấn quýt

0
155
Nghệ sĩ Ưu tú Minh Phương với làn điệu chèo “Con nhện giăng mùng” trong vai diễn Xúy Vân
Đi sâu vào tìm hiểu âm nhạc cổ truyền, ta nhận ra một điều: Rất nhiều làn điệu bắt nguồn từ những bài ca dao cổ hoặc những bài thơ.

“Ai xui con nhện giăng mùng/ Năm canh thiếp chịu, lạnh lùng cả năm/ Chàng về thiếp vẫn hỏi thăm/ Ai đem người ngọc, thung thăng tháng ngày/ Chàng về cởi áo lại đây/ Cái áo thiếp mặc, gối mây thiếp chờ”.

Nếu chỉ đọc qua, nhiều người vẫn tưởng là một bài ca dao cổ hay bài thơ lục bát. Đúng như vậy, nhưng đây còn là lời hát (ca từ), là phần hồn cốt của một điệu chèo có tên gọi “Con nhện giăng mùng”, mong manh lưới tình, giăng mắc.

Đi tìm nguồn gốc tên điệu hát

Đi sâu vào tìm hiểu âm nhạc cổ truyền, ta nhận ra một điều: Rất nhiều làn điệu bắt nguồn từ những bài ca dao cổ hoặc những bài thơ. Có thể là thơ ngũ ngôn hoặc thơ song thất lục bát. Nghệ nhân đã mượn những lời thơ ấy, rồi phả vào phần âm nhạc, qua tiếng sáo réo rắt, tiếng trống thẳm sâu, tiếng nhị, đàn bầu nỉ non… để rồi thành một điệu hát.

Ban đầu làn điệu chưa có tên gọi. Nhưng để phân biệt giữa điệu này với điệu khác, có giai điệu, tiết tấu âm hưởng gần giống nhau, nghệ nhân đã có “sáng kiến” lấy một vài chữ trong các câu ca dao hoặc thơ để làm tên điệu hát. Trong ví dụ này, do câu thơ mở đầu có chữ “Ai xui con nhện giăng mùng”, thế là bỏ 2 chữ “Ai xui”, chỉ dùng bốn chữ “Con nhện giăng mùng” làm tên gọi để cho ngắn gọn hơn, dễ nhớ. Trong nghệ thuật chèo, có nhiều trường hợp như thế. Ví như điệu “Đào liễu một mình”,  điệu “Đường trường phải chiều”, điệu “Con gà rừng” hay điệu “Luyện năm cung”… Thậm chí, một làn điệu có 2 tên gọi khác nhau (Điệu Chèo quế còn gọi là Hà vị).

Đọc ca từ trong bài hát cũng có thể hiểu tâm trạng nỗi lòng của nhân vật. Đó là Xúy Vân trong vở “Xúy Vân giả dại”, một vở chèo kinh điển của nghệ thuật chèo truyền thống nước nhà. Xúy Vân là con quan huyện tể, được gả cho Kim Nham là một nho sinh hiếu học. Kim Nham lên kinh, miệt mài đèn sách đợi khoa thi, để Xuý Vân sống trong cảnh cô đơn, buồn bã, khao khát tình yêu. Ở quê, Xuý Vân được mụ Quán làm mối cho Trần Phương – một gã “sở khanh”, dáng vẻ bảnh bao, khéo ăn nói. Nàng được Trần Phương tán tỉnh, hứa hẹn bằng lời ngon ngọt… nàng đã vướng vào lưới tình giăng mắc với Trần Phương, đến nỗi phải giả điên với hy vọng thoát khỏi Kim Nham để theo Trần Phương trong cuộc sống mới.  Chỉ đến khi bị Trần Phương trở mặt, quay lưng, hắt hủi, khiến nàng đau khổ và hoá điên thật, cuối cùng nhảy xuống sông kết liễu đời mình, vì ân hận, xấu hổ…

Bài hát trong trích đoạn trên, nhắc lại kỷ niệm về một thuở mặn nồng, nay phải cách xa nhớ thương, nhớ đến nỗi “cái áo thiếp mặc, cái gối mây thiếp chờ”…

Từ mấy câu thơ lục bát trên, thế nhưng để thành một làn điệu hoàn chỉnh, các nghệ nhân đã phải cho thêm những từ đệm, như “ấy mấy, i i , hồ, mà để, chàng ơi, hỡi chàng”… để rồi khi hát, sẽ thành: “Ai xui con nhện nó mấy giăng í í mùng, đêm năm trống í canh một mình thiếp tôi chịu hỡi chàng chàng ơi/ Đêm năm trống í canh một mình thiếp tôi chịu mà để lạnh lùng, lạnh lùng suốt cả năm. Anh ơi anh chàng hồ ra về, nay thiếp i ì vẫn thăm hỏi i thăm”.

Có một “Con nhện giăng mùng”, không phải chèo…?

Đúng thế. Trong dân ca quan họ Bắc Ninh, cũng có một làn điệu “Con nhện giăng mùng”? Làn điệu này cũng bắt nguồn từ những câu ca dao, nhưng nó được biến thể sang chiều hướng khác: “Người về con nhện giăng mùng/ Năm canh thiếp chiụ lạnh lùng cả năm”.

Khác với làn điệu chèo, các nghệ nhân quan họ đã đưa vào những chữ đệm “Hự hư, a lính tính tình tang, đôi ba người ơ”… Và làm cho nội dung câu hát đi theo chiều hướng khác: “Quan họ trở ra về”.

Đây là lời ca của điệu “Con nhện giăng mùng” dân ca quan họ Bắc Ninh: “Người về để con nhện i nó mấy giăng hự hư mùng,  là giăng hự ư mùng/ Đêm năm canh a lính tình tang là tôi luống chịu ớ đôi ba người ơi, hự lá hội hự. Đêm năm canh a lính tình tang là tôi luống chịu í ơ lạnh à lùng, ớ cả năm/ Quan họ trở ra về”.

Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Là vì sự giao thoa của văn hóa các vùng miền, có phong thổ, thói quen sở thích, ngôn ngữ tiếng nói và phong tục thờ cúng các cộng đồng có khác nhau. Cũng là một câu thơ hay ca dao, nghệ nhân sáng tạo nên những giai điệu và tiết tấu tạo nên một màu sắc mới.

Làn điệu đa dụng trong đời sống

Trong kho tàng âm nhạc cổ truyền, đây là một làn điệu có tính chất trữ tình, giai điệu phong phú, uyển chuyển mềm mại, nhưng chỉ có 3 trổ hát: Trổ mở đầu, trổ thân bài và trổ nhắc lại. Các soạn giả đã sử dụng làn điệu này khá rộng rãi. Không chỉ trong vở, mà còn trong bài ca lẻ. Trong nhiều chương trình giao lưu hát chèo không chuyên, chúng tôi gặp nhiều diễn viên hát những bài ca lẻ theo điệu “Con nhện giăng mùng”, với các nội dung về tình yêu con người, quê hương làng xóm rất trữ tình thắm thiết.

Trong vở chèo “Tiếng đàn kỳ diệu”, của soạn giả, tiến sĩ Trần Đình Ngôn, kể chuyện Thạch Sanh và Lý Thông, có cảnh Thạch Sanh bị cầm tù. Nhân vật Lão tiều vốn là người trong xóm núi đến thăm Thạch Sanh, được tác giả cho ra sân khấu, bằng một câu nói sử: “Con chưa về, cây đa buồn ủ rũ / Nhớ thương con cây lúa đứng nghẹn đòng”.

Rồi vào câu hát: “Thương con, suối cạn khô dòng/ Quê hương nhớ con mỏi mòn, sớm trông chiều đợi, chạnh lòng xót thương…”.

Ở trong vở chèo “Về quê” của soạn giả Hàn Giang, khi miêu tả tâm trạng bà Hồng trong đêm khắc khoải ngóng tin về  một công trình sáng chế xét duyệt, đã  sử dụng làn điệu này để biểu hiện: “Bao tháng năm trăn trở đêm ngày/ Bao nhiêu lắng sâu tụ dồn trong tâm khảm/ Trĩu đầy lòng tôi/ Bao nhiêu lắng sâu  tụ dồn trong tâm khảm (mà để)/ Đến nay, đến nay mỏi chờ/ Tin đâu thăm thẳm xa mờ…”.

Từ các ví dụ trên như thế, mới thấy rằng làn điệu chèo “Con nhện giăng mùng” không chỉ dùng trong hoàn cảnh nhớ nhung tình cảm trai gái, than vãn hoặc là oán trách… mà nó có thể dùng trong bày tỏ sự xót xa, đợi chờ, mong ngóng. Nó là làn điệu đa dụng là thế. Cũng vì tính chất giãi bày nỗi lòng, nỗi niềm thầm kín của mình nên các soạn giả thường cho hát đơn ca. Bởi đơn ca cũng là  dịp để diễn viên khoe giọng, tài năng.

Khi hát, các diễn viên nhấn nhá câu chữ, cốt nhất khắc họa nội tâm, hướng nội, hát tốc độ chậm vừa phải, thiết tha, để biểu đạt tình cảm sâu lắng của tác phẩm. Nó phù hợp tâm trạng kể lể giãi bày…

K.H.L (HNS)