Chặng đường gắn bó nhạc dân tộc của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo

0
1380
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và vợ - bà Nguyễn Thị Trâm Anh tại nhà riêng ở số 26 Quai Maspéro, Sóc Trăng, ngày 7/9/1946.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo chơi đàn từ 5 tuổi, trọn đời miệt mài với giai điệu quê hương đến khi mất ở tuổi 104, tối 7/1 tại Đồng Tháp.

Nguyễn Vĩnh Bảo sinh 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (đơn vị hành chính thời Pháp thuộc) trong một gia đình nho học rất yêu thích đờn ca tài tử. Là con trai của một điền chủ thạo “cầm kỳ thi họa”, từ 5 tuổi ông biết chơi đàn kìm, đàn cò, 10 tuổi biết sử dụng thêm nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Ông là nhạc sư, nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống vừa là nhạc sĩ trình tấu, kiêm cả nghệ nhân đóng đàn.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (giữa) cùng ông Nguyễn Văn Tương, ông Nguyễn Văn Thoạt, nghệ sĩ Ngọc Chiếu và nhạc sĩ Hai Long đờn guitar Mando của Đài phát thành Sài Gòn.

Trong truyện ký Những giai điệu cuộc đời, Nguyễn Vĩnh Bảo từng nói chung thủy với nhạc dân tộc là một trong những hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời ông. Sinh trưởng trong gia đình có bảy anh em, hầu hết đều có năng khiếu âm nhạc, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nếp nhà, làm quen với nhạc dân tộc từ ngày bé. Đến năm 12 tuổi, ông được bố mẹ cho theo học đàn tranh với nhiều thầy giỏi thời đó như thầy Hai Lòng (Vĩnh Long), thầy Ba Sáng (Trà Vinh), thầy Năm Nghĩa (Trà Ôn), thầy Sáu Tý (Cao Lãnh)…

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đờn tranh, Giáo sư Trần Văn Khê đờn kìm tại Đại học Illinois, Mỹ, năm 1971. Từ năm 1970-1972, Nguyễn Vĩnh Bảo là giáo sư đặc biệt thỉnh giảng về đàn tranh tại đại học này. Dù có cơ hội mang gia đình đi nước ngoài định cư, ông quyết định ở lại quê hương để sống trọn tình với tiếng đàn dân tộc.

Giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sư Vĩnh Bảo (từ trái sang) trong buổi trình diễn tại Đại học Southern Illinois, Mỹ vào tháng 11/1971.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và Giáo sư Trần Văn Khê tại Đại học Illinois, Mỹ, năm 1971. Hai bậc thầy của âm nhạc dân tộc đã dành tâm huyết trọn đời nâng tầm nghệ thuật đờn ca tài tử. Sinh thời, giáo sư Trần Văn Khê từng gọi ông Nguyễn Vĩnh Bảo là “hậu tổ” của đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (trái) trong một buổi đón Giáo sư Trần Văn Khê trở về quê hương tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM, ngày 15/8/1974.

Bìa đĩa hát OCORA với nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và giáo sư Trần Văn Khê do UNESCO phát hành năm 2002. Tác phẩm tạo tiếng vang lớn ở hải ngoại và được bán khắp thế giới.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và giáo sư Trần Văn Khê giữ mối quan hệ đẹp suốt hàng chục năm dù cả hai có hướng đi riêng trong con đường giữ gìn và phát huy âm nhạc dân tộc.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đang dạy đờn tranh cho nhạc sĩ guitar người Pháp Eric Linderbrings năm 1998.

Nhạc sư có hàng trăm môn sinh ở khắp nơi, từ các tỉnh thành trong nước đến châu Á, châu Âu, Australia, Mỹ. Sinh thời, đến tuổi ngoài 100, ông sử dụng mạng Internet thành thạo để dạy học. Những buổi online, dù cách xa nửa vòng trái đất, ông vẫn chỉnh sửa từng nốt nhạc, hòa đàn cùng học trò.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và vợ – bà Nguyễn Thị Trâm Anh tại nhà riêng số 61B Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM năm 1998.

Nhạc sư viết về vợ: “Đôi lúc tôi ngẫm cuộc đời mình nếm trải biết bao ngọt bùi, cay đắng. Tôi cố gắng để vượt qua những chặng đường thật khó khăn, phải biết chấp nhận thay vì chỉ biết than khóc, buông xuôi. May mắn tôi gặp người bạn đời Trâm Anh yêu quý. Trâm Anh đã mang đến cho tôi bao nguồn cảm hứng từ sự ngọt ngào, dịu dàng và cả nghị lực”.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo nhận Huân chương Văn học nghệ thuật của Chính phủ Pháp, hạng Sĩ quan, ngày 12/01/2009. Ông Hervé Bolot (phải), Đại sứ Pháp tại Việt Nam trao Huân chương Văn học Nghệ thuật cho nhạc sư Vĩnh Bảo tại Tổng Lãnh sự quán Pháp ở TP HCM.

Băng đĩa thâu các bản đàn của nhạc sư tại Nhà trưng bày Nguyễn Vĩnh Bảo thuộc Bảo tàng Đồng Tháp.

Nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, đàn kìm và bàn làm việc của nhạc sư tại Nhà trưng bày Nguyễn Vĩnh Bảo thuộc Bảo tàng Đồng Tháp.

Tháng 5/2020, ở tuổi 103, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo ra mắt Những giai điệu cuộc đời, truyện ký về chặng đường gắn bó nhạc dân tộc của ông.

Ảnh: Thành Nguyễn – Nhà trưng bày Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.