Các trường nghệ thuật – Loay hoay sáp nhập

0
982
Sinh viên Trường Cao đẳng VHNT TPHCM trong vở thi tốt nghiệp

Theo chủ trương, các tỉnh thành đang khẩn trương sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều vướng mắc, đặc biệt, với đơn vị đào tạo ngành nghề đặc thù như văn hóa nghệ thuật (VHNT) ở bậc học trung cấp và cao đẳng tại các tỉnh, thành.

Vai trò và hiệu quả đào tạo 

Các trường cao đẳng (CĐ) VHNT là trường đào tạo mang tính đặc thù, đào tạo nhân lực nhiều ngành nghề như: diễn viên, nhạc công, cán bộ quản lý văn hóa, thư viện, mỹ thuật… Bên cạnh đó, các trường còn thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, chủ yếu ở các lĩnh vực: sưu tầm, bảo tồn, giữ gìn phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng của các vùng miền, địa phương.

Một điển hình trong hệ thống này là Trường CĐ VHNT TPHCM, tiền thân là Trường Nghiệp vụ sơ cấp, được hình thành sau ngày giải phóng, nâng cấp lên bậc trung cấp (năm 1979) và CĐ (năm 1997). Thông qua các hình thức chính quy, tại chức dài hạn (trung cấp, CĐ, liên kết đại học…), bên cạnh việc đào tạo và đào tạo lại hàng ngàn lượt cán bộ VHNT và tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, hạt nhân phong trào, trường đã đào tạo được hàng chục gương mặt nghệ sĩ tài năng có tên tuổi ở lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu. Trường cũng tích cực tham gia một số hoạt động nghiên cứu khoa học với các đề tài liên quan nghệ thuật về sân khấu cải lương, dự án thể nghiệm dạy nhạc dân tộc trong trường phổ thông…

PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ VHNT TPHCM, nhận định: “Với tư cách một thành phố đặc thù mang tính chất “đô thị đặc biệt”, ngoài các trường VHNT của Trung ương đóng trên địa bàn chủ yếu làm nhiệm vụ đào tạo chung cho các địa phương phía Nam, về lâu dài TPHCM cần thiết phải có ít nhất một trường VHNT địa phương đạt chuẩn chất, gồm nhiều lĩnh vực và đủ các bậc đào tạo (kể cả đại học và sau đại học) để vừa đào tạo, bồi dưỡng, vừa nghiên cứu khoa học về VHNT. Vậy nên cần xác định lại vị trí của ngôi trường này trong sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa của TPHCM, chú trọng nâng chất, nâng cấp trường theo một mô hình định hướng cụ thể, cần thiết và hợp lý hơn, nhằm đáp ứng kịp nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao về VHNT của thành phố”.

Nguy cơ mất những “vùng đất văn hóa” 

Vấn đề mà các trường trung cấp, CĐ VHNT phải đối mặt chính là chuyện tuyển sinh, sáp nhập, chất lượng giáo dục, đầu tư phát triển và công tác tự chủ. Nhiều trường đã lên kế hoạch với những phương thức, dự án mới, nhằm tháo gỡ những khó khăn tồn tại bấy lâu. Tuy nhiên, chủ trương của Chính phủ về việc sáp nhập các trường trung cấp, CĐ VHNT vào các đơn vị công lập khác để tinh giản bộ máy, giảm đầu mối công việc và nâng cao hiệu quả công tác, lại đang tạo nên những hiệu quả ngược, cần phải xem xét lại.

Các trường trung cấp, CĐ VHNT đã đào tạo nhiều thế hệ diễn viên cho phong trào VHNT, thông tin lưu động ở các địa phương

ThS Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp VHNT tỉnh Vĩnh Long, trăn trở: “Trường mới có quyết định sáp nhập cách đây vài ngày. Nhưng trước khi có quyết định, đã có 30% – 40% giáo viên giỏi nghề đưa đơn nghỉ việc. Bao lâu nay nhà trường đào tạo theo nhu cầu của tỉnh là chính, trong đó chủ yếu là đờn ca tài tử. Loại hình này áp dụng vào việc phát triển du lịch của địa phương và một số tỉnh thành lân cận. Khi có thông tin sáp nhập, số lượng tuyển sinh đầu vào giảm hẳn. Trường cũng làm một dự án để sáp nhập với trường TDTT để vẫn trực thuộc Bộ VH-TT-DL, như vậy may ra còn giữ được hoạt động của trường như cũ. Nhưng, khi dự án được duyệt thì trường cũng đã mất đi một đội ngũ giảng viên giỏi nghề”.

Qua khảo sát thực tiễn cho thấy có 2 xu hướng cơ bản: sáp nhập, hợp nhất các trường trung cấp, CĐ VHNT trong toàn tỉnh thành một trường CĐ cộng đồng và sáp nhập, hợp nhất các trường VHNT với CĐ Sư phạm. Hiện nay, 5 tỉnh đã có kế hoạch sáp nhập, hợp nhất là: Vĩnh Long, Sóc Trăng, Thái Bình, Nam Định và Hưng Yên. TS Trần Hải Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ VHNT và du lịch Nam Định, khẳng định: “Việc sáp nhập, hợp nhất rất thiếu tính khả thi, chỉ là giải pháp tình thế, đang gây nhiều khó khăn trong quản lý và hoạt động chuyên môn. Hiện tại trường được UBND tỉnh, Bộ LĐTB-XH phê duyệt dự án đầu tư 3 ngành trọng điểm: nghệ thuật biểu diễn chèo, nghệ thuật biểu diễn nhạc cụ truyền thống và thanh nhạc. Do vậy, việc tồn tại một trường CĐ VHNT và du lịch Nam Định nói riêng và các trường VHNT nói chung là cần thiết. Đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có ý kiến với Bộ LĐTB-XH và Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo cụ thể bằng văn bản đến các địa phương, tạm dừng việc sáp nhập, hợp nhất đối với các trường VHNT, trong khi chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030”.

Thực tế hiện nay, một số trường sáp nhập đã không còn tuyển sinh và đào tạo được các ngành VHNT, như Trường CĐ VHNT Khánh Hòa sáp nhập với Trường Đại học Khánh Hòa. Đặc biệt, rất nhiều trường trung cấp, CĐ VHNT đang có xu hướng bị sáp nhập vào với các trường CĐ sư phạm ở các tỉnh, đặc thù rất khác nhau, trong cùng một trường chịu sự quản lý Nhà nước của 2 bộ khác nhau, với những quy định về chuẩn đội ngũ, chương trình, giáo trình, tuyển sinh và đào tạo rất khác nhau. Đó là một bất cập.

ThS Dương Hồng Lam, Hiệu trưởng Trường Trung cấp VHNT Thừa Thiên – Huế, lo lắng: “Việc sáp nhập hay giải thể các cơ sở đào tạo VHNT là đồng nghĩa với xóa bỏ thương hiệu của các trường đã được xây dựng mấy mươi năm qua, làm gián đoạn hoặc sẽ triệt tiêu các loại hình nghệ thuật vì thiếu lực lượng kế cận, thay thế, bổ sung cho các đơn vị nghệ thuật, tác động tiêu cực đến sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đặc biệt là nguy cơ làm mất đi vị thế vốn có của những vùng đất văn hóa…”.

T.B (HNS)