Ca khúc “Đèn Khuya” – Nhạc phẩm thể hiện nỗi nhớ thương da diết tới người mẹ tảo tần

0
951

Ca khúc Đèn Khuya được nhạc sĩ Lam Phương (tên thật là Lâm Đình Phùng) sáng tác năm 1958 (một số tài liệu ghi 1960) cùng thời gian sáng tác với nhạc khúc “Kiếp nghèo”, bài hát thể hiện nỗi nhớ thương da diết của ông đối với người mẹ tảo tần, một mình nuôi ông khôn lớn. Lam Phương là con trai trưởng trong gia đình có 6 người con, ông được sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại một làng quê nghèo ở Rạch Giá. Tuổi thơ của ông là những chuỗi ngày thiếu thốn và cơ cực. Vì không chịu được sự nghèo khó, đồng thời rυng động trước người phụ nữ khác nên cha ông đã bỏ mẹ con ông và đi theo tiếng gọi tình yêu của mình. Một mình mẹ ông gồng gánh, vất vả nuôi 6 đứa con thơ còn nhỏ dại. Đó là những tháng ngày buồn tủi và cơ cực của mẹ con ông. Năm lên 10 tuổi ông dù thương mẹ, thương đàn em nhỏ nhưng vẫn quyết chí lên Sài Gòn để kiếm công việc phụ giúp gia đình đồng thời theo đuổi đam mê âm nhạc của mình. Ông bắt đầu tự mày mò học nhạc, rồi may mắn thay ông được nhạc sĩ Hoàng Lang và nhạc sĩ Lê Thương chỉ dẫn. Bút danh Lam Phương là ông lấy từ hai chữ trong tên thật của mình là Lâm và Phùng với ý nghĩa “hướng về phương trời màu xanh hy vọng”.

Nhạc sĩ Lam Phương

Trong thời gian bôn ba bên ngoài, sau một ngày làm việc mệt mỏi vì cuộc sống mưu sinh ở mảnh đất xa quê nhà, xa mẹ và các em, ông đi qua từng con hẻm dưới ánh đèn đường vàng vọt để trở về căn nhà của người dòng họ ở khu Đakao (Tân Định) và thấy cô đơn, chạnh lòng hơn bao giờ hết. Hình ảnh của mẹ và những đứa em thơ ở quê nhà cứ lởn vởn trong tâm trí, thôi thúc ông viết nên bài hát “Đèn khuya”.

“Không biết đêm nay vì sao tôi buồn?
Buồn vì trời mưa hay bão trong tim?
Đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm
Để rồi buồn ơi nghe tiếng mưa đêm”

Khi màn đêm bắt đầu buông xuống cũng là lúc thành phố lên đèn, đó cũng là lúc những người cô đơn, lẻ bóng một mình tìm đến những góc tĩnh lặng nơi phố phường tấp nập để rồi suy tư nghĩ về cuộc sống, về quá khứ, hiện tại và cả tương lai với một tâm trạng buồn bã nhất. Đêm đã sầu lại thêm tiếng mưa rơi, làm con người ta cảm thấy nặng nề hơn, có những nỗi buồn, nỗi nhớ trở nên da diết đến quặng thắt nơi lồng ngực để rồi khiến cho tác giả tự nghi hoặc hỏi chính bản thân mình “Không biết đêm nay vì sao tôi buồn? Buồn vì trời mưa hay bão trong tim?”.

“Khi bước chân đi lần trong cuộc đờι
Lời mẹ hiền ru còn nhớ khôn nguôi:
Khi lớn con đi trên vạn nẻo đờι
Đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay”

Thì ra nỗi buồn đó bắt nguồn từ nỗi lòng của tác giả, là gánh nặng cơm áo gạo tiền, là sự thiếu thốn tình thương, là một tương lai mịt mờ chưa tỏ lối đi, là một sự trống vắng trong lòng không thể lý giải nổi, là cuộc sống xa nhà, cuộc sống mưu sinh nhưng vẫn là hai bàn tay trắng từ khi bước ra đờι đến nay khiến cho nỗi nhớ quê nhà càng thêm da diết và những lời nói của mẹ hiền từ thuở ấu thơ dường như văng vẳng bên tai “Khi lớn con đi trên vạn nẻo đờι. Đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay”. Khi bước chân lên thành phố, mong ước của ông đó là mau chóng đến ngày ổn định được cuộc sống, đưa mẹ và các em về phố thị để mọi người lại quây quần bên nhau. Thế mà đến hiện tại ông vẫn chưa thực hiện được điều mong mỏi nhỏ nhoi đó.

“Mưa ơi! Mưa ơi! Còn nhớ thương hoài
Nhớ khi mẹ lo sớm chiều
Nhớ nụ cười khi nâng niu
Đôi tay run run ánh mắt dịu hiền
Biết tìm lại chốn nào
Mẹ ơi biết chăng
Đêm về quạnh hiu”

Các cung nhạc trầm buồn đang chầm chậm dàn trải tâm tư của kẻ xa nhà trong đêm mưa bỗng dâng cao: “Mưa ơi, mưa ơi, còn nhớ thương hoài”, từng lời hát như trút cả tâm can của người viết, từng lời tâm sự như gửi theo cơn mưa, dàn trải nỗi nhớ thương cùng mưa để cho vơi bớt nỗi buồn về những ngày xa quê, xa vòng tay yêu thương của mẹ hiền. Nhớ người mẹ hiền tần tảo, tất tả lo toan cuộc sống, lo từng miếng cơm manh áo cho con khôn lớn, mẹ nâng niu từng nụ cười của đàn con thơ, vì con vui, mẹ có thể gánh hết đau buồn, sống dưới mái tranh nghèo nhưng chan chứa tình thương yêu ấm áp của gia đình.

Những ngày tháng thơ ấu đã qua nhanh tuy cơ cực nhưng đầy tình thương của mẹ, như qua rồi giấc mơ êm đẹp, bây giờ một mình “quạnh hiu” trong căn phòng vắng muốn tìm lại ngày xưa nhưng “biết tìm lại chốn nào”, ngày vui xưa nay không còn nữa, âm điệu bỗng chùng xuống cho người nghe cảm xúc bâng khuâng đến nao lòng.

“Nghe tiếng mưa rơi mà nhớ thương nhiều
Đường về đèn khuya in bóng cô liêu
Ai biết đêm nay tôi vẫn mong chờ
Tìm đâu những phút vui ngày ấu thơ”

Đối với Lam Phương, người nhạc sĩ nghèo lúc bấy giờ thì mẹ là điểm tựa tinh thần, là nơi ông nương tựa mỗi khi cảm thấy cô độc và chơi vơi trên bước đường đờι, là người có thể dành cho ông sự yêu thương vô bờ bến. Ông từng tâm sự “Tôi thương má tôi lắm. Má tôi là một người đàn bà quê mùa nhưng mà thực lòng thương tôi lắm. Con trai lớn mà! Má tôi chỉ cần nói một câu thôi mà tôi đã ráng làm muốn chết luôn”, lời tâm sự mộc mạc từ tận đáy lòng của một người con dành cho mẹ nghe bùi ngùi biết bao. Bởi thế khi xa mẹ, xa quê hương thì “Nghe tiếng mưa rơi mà nhớ thương nhiều” mưa càng rơi, nỗi nhớ càng vơi đầy. Nhưng bởi vì thương mẹ như thế nên mới phải rời xa quê và chịu cảnh “Đường về đèn khuya in bóng cô liêu” để có một tương lai tốt hơn cho gia đình của mình, để ông có thể phụ gánh san sẻ với gánh nặng mà mẹ đang gồng gánh.

Khi nghe qua ca khúc “Đèn khuya” chắc hẳn một ai đó là người con xa xứ cũng cảm thấy chạnh lòng và dấy lên niềm thương cảm đối với bản thân, hơn cả đó là nghĩ về mẹ, thương mẹ hơn bao giờ hết. Mẹ – Người đã sinh thành ra ta, tình mẹ cao như mây trời, rộng như biển cả, không gì có thể thay thế được.

“Không biết đêm nay vì sao tôi buồn?
Buồn vì trời mưa hay bão trong tim?
Đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm
Để rồi buồn ơi nghe tiếng mưa đêm

Khi bước chân đi lần trong cuộc đờι
Lời mẹ hiền ru còn nhớ khôn nguôi:
“Khi lớn con đi trên vạn nẻo đờι
Đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay”

Mưa ơi! Mưa ơi! Còn nhớ thương hoài
Nhớ khi mẹ lo sớm chiều
Nhớ nụ cười khi nâng niu
Đôi tay run run ánh mắt dịu hiền
Biết tìm lại chốn nào
Mẹ ơi biết chăng
Đêm về quạnh hiu

Nghe tiếng mưa rơi mà nhớ thương nhiều
Đường về đèn khuya in bóng cô liêu
Ai biết đêm nay tôi vẫn mong chờ
Tìm đâu những phút vui ngày ấu thơ”

(HNS)