Bảo tồn ca trù, hát xẩm: Làm sao thoát cảnh “mua vui”?

0
848
Một tiết mục hát xẩm được trình diễn tại Liên hoan CLB hát xẩm khu vực phía Bắc tổ chức tại Ninh Bình.

Ca trù đã được công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại, nhưng rồi việc bảo tồn cũng chỉ rầm rộ lên được dăm năm rồi lại chìm dần. Di sản – không thể chỉ là để xưng tụng với thế giới, mà là việc chúng ta đã bảo tồn những di sản quý giá ấy như thế nào trong đời sống đương đại…

Liên hoan các CLB hát Xẩm khu vực phía Bắc vừa kết thúc tại Ninh Bình sau 2 ngày tranh tài của 150 nghệ sĩ – nghệ nhân đến từ 8 tỉnh phía Bắc. Nhìn vào số lượng nghệ sĩ – nghệ nhân tham gia, có thể thấy đó là một tín hiệu hết sức đáng mừng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình âm nhạc đậm tính dân gian truyền khẩu có từ lâu đời của dân tộc, song nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn vẫn cho rằng, việc bảo tồn nghệ thuật hát xẩm cũng giống như ca trù, vẫn chưa thoát khỏi tình trạng… dò dẫm tìm đường, “mua vui” cũng chỉ được “một vài trống canh”…

Hát Xẩm sẽ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia?

Tham dự Liên hoan CLB hát Xẩm khu vực phía Bắc có tới 150 nghệ sĩ – nghệ nhân đến từ cách tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa. Ngoài ra, liên hoan lần này còn có sự tham gia của CLB hát xẩm TP. Hồ Chí Minh.

Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức đã trao 5 giải A, 5 giải B, 5 giải C và 30 giải khuyến khích cho các thí sinh. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao giải “Nghệ nhân hát xẩm cao tuổi nhất” cho nghệ nhân Lê Minh Sanh (82 tuổi, nhóm xẩm Hương Đồng Nội, Thanh Hóa) và giải “Nghệ nhân hát xẩm nhỏ tuổi nhất” cho thí sinh Xuân Mai (CLB xẩm Yên Phong I, Yên Mô, Ninh Bình).

Hai ngày diễn ra Liên hoan CLB hát Xẩm khu vực phía Bắc tại Ninh Bình cũng chính là một hoạt động thiết thực hướng tới việc tri ân nghệ nhân hát xẩm chân đất lừng danh Hà Thị Cầu. Rất nhiều làn điệu xẩm đã được các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhạc công trình diễn như: “Riềm huê”, “Phồn huê”, “Chênh boong”, “Xẩm chợ”, “Ba bậc”, “Xẩm tàu điện”, “Xẩm xoan”…

Mỗi tác phẩm dự thi đều giúp công chúng, giúp người yêu xẩm cảm nhận được sự độc đáo, đa dạng và sức quyến rũ của xẩm với tư cách là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang hồn cốt của lớp người bình dân vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Đồng thời, đây cũng chính là cơ sở để tỉnh Ninh Bình xây dựng hồ sơ ghi danh xẩm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hát xẩm là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Vậy là sau “Nghệ thuật hát Then Tày Nùng”, “Nghệ thuật xòe Thái” và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”, sắp tới là di sản nghề làm tranh Đông Hồ, thì có vẻ như sẽ đến lượt hát xẩm trở thành bộ môn nghệ thuật dân gian “xếp hàng” để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hồ sơ trình UNESCO công nhận “Nghệ thuật xòe Thái” và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đã được gửi đi từ cách đây nửa năm.

Theo lộ trình, tháng 12-2019, hồ sơ trình UNESCO công nhận “Nghề làm tranh Đông Hồ” là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp sẽ được trình ra Hội đồng Di sản quốc gia thẩm định trước khi hoàn thiện và trình lên Thủ tướng phê duyệt.

 Điều này cũng có nghĩa là, nghệ thuật hát Xẩm cần một khoảng thời gian 4-5 năm nữa mới có thể “chen chân” vào danh sách xếp hàng của Việt Nam chờ “phong tặng danh hiệu di sản thế giới”. Nếu trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chắc chắn xẩm sẽ nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức hơn. Chứ với cách bảo tồn như hiện nay, hầu hết vẫn là cách làm tự phát của các nghệ nhân yêu thích xẩm. Các câu lạc bộ hát Xẩm thì do thiếu kinh phí và khó khăn trong khâu tìm kiếm, tiếp cận khán giả nên hầu hết hoạt động cầm chừng, chỉ có tính chất “mùa vụ”.

Bảo tồn ca trù – nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ

Trong khi hát xẩm đến giờ này vẫn còn đang có số phận hết sức long đong, thì năm 2019 này là tròn 10 năm nghệ thuật Ca trù được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Từ đó đến nay, đã 4 lần Liên hoan ca trù toàn quốc được tổ chức, ngoài ra còn có 2 lần Liên hoan được tổ chức ở quy mô nhỏ hơn, quy tụ những tài năng trẻ.

Sau khi được vinh danh năm 2009, UNESCO đã 2 lần hỏi Việt Nam về tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp của ca trù vào các năm 2014 và 2017. Nhưng theo nhạc sĩ, nhà nghiên cứu ca trù Đặng Hoành Loan thì “Đến nay, ca trù vẫn chưa thể thoát ra khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp!”.

Trên thực tế, vào những năm 2000, nghệ thuật hát xẩm cũng như ca trù hầu như hoàn toàn vắng bóng trên các phương tiện giải trí của Việt Nam, cũng không có chỗ để diễn xướng trong đời sống dân gian. Nhưng khác với hát xẩm, vốn là bộ môn nghệ thuật dành cho tầng lớp bình dân, ca trù là bộ môn nghệ thuật có tính bác học hơn, “sang chảnh” hơn và may mắn còn nhiều dấu ấn đậm nét nơi các nghệ nhân đang còn sống như Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Thị Chúc, Phó Thị Kim Đức…

Quá trình xây dựng hồ sơ để trình UNESSCO công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại từ quãng năm 2003-2008, thực sự đã đem lại một đời sống mới mẻ, đầy màu sắc hấp dẫn của ca trù. Một thế hệ nghệ nhân – nhạc công trẻ cũng theo đó dần hình thành và cho đến nay Hà Nội đã có tới 14 CLB Ca trù, trong đó có những CLB nổi tiếng như Bích Câu đạo quán, Lỗ Khê, Phú Thị, Hoa Hựu, Chanh Thôn, Ngãi Cầu…

Theo con số tổng kết của nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, riêng ở Hà Nội có tới 50 nghệ nhân đã đạt trình độ có thể truyền nghề, số người thực hành ca trù bao gồm cả nhạc công – ca nương lên tới 220 người. Sau Hà Nội, Bắc Giang chính là một “địa chỉ đỏ” của ca trù với 8 CLB, bên cạnh đó phải kể đến các CLB của Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Nam Định… cũng khá đông vui.

Hoạt động của nhiều CLB Ca trù ở Hà Nội đang có dấu hiệu “nguội lạnh” sau 10 năm Ca trù được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Thế nhưng, các CLB này phát triển và hoạt động mạnh được khoảng dăm năm, thì lại bắt đầu rơi vào thoái trào. Các CLB bắt đầu có những biểu hiện rệu rã, nhiều nghệ nhân, ca nương – nhạc công bắt đầu không mặn mà với hoạt động của CLB, không tham gia sinh hoạt thường kỳ nữa, thậm chí là bỏ hẳn nghề để đi làm ăn.

Cũng đúng thôi, bởi thực thế, nghề này không thể nuôi sống họ, họ lại không nhận được một chế độ đãi ngộ nào. Vì vậy nếu không vì đam mê, thì họ cũng chẳng có lý do gì để đeo đuổi nó, trong khi gánh nặng mưu sinh cơm áo gạo tiền lại đang kề cận hàng ngày. Vì thế, từ nhiều năm nay, gần như các CLB ca trù cũng chỉ xôm tụ khi chuẩn bị có những kỳ thi, kỳ liên hoan. Các ca nương, nhạc công lúc đó mới bắt đầu tập hợp lại để “tom-chát” cùng nhau, luyện các tiết mục để đi dự thi.

Một số nghệ sĩ chuyên nghiệp có duyên gắn bó sâu nặng với ca trù như NSND Thanh Ngoan, NSƯT Bạch Vân, ca nương Phạm Thị Huệ… mà phóng viên từng tiếp xúc đều cho rằng, việc học hát ca trù vô cùng khó khăn, cực nhọc. Có khi chỉ một bài hát thôi, mà riêng cách nhả chữ cho thuần thục đạt được cái gật đầu của thầy, mà phải học mất mấy năm, có khi cả tháng trời vẫn chưa học xong một câu. Bởi thế, việc truyền dạy theo kiểu tràn lan, “đốt cháy giai đoạn” như hiện nay cũng có nhiều biểu hiện lợi bất cập hại.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, vì ca trù nó khó như thế, bác học như thế, cho nên việc bảo tồn ca trù cũng nên có thêm một kênh giống như dạng “phổ biến kiến thức”, để càng nhiều người biết đến ca trù thì càng tăng cơ hội… “sống sót”.

Ca trù đã được công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại, nhưng rồi việc bảo tồn cũng chỉ rầm rộ lên được dăm năm rồi lại chìm dần. Di sản – không thể chỉ là để xưng tụng với thế giới, mà là việc chúng ta đã bảo tồn những di sản quý giá ấy như thế nào trong đời sống đương đại. Đó là một con đường rất dài, cần có chiến lược – quy hoạch phát triển dài hơi, chứ không thể làm theo cách chỉ để tôn vinh một lần rồi lại… xếp xó!

N.H (HNS)