Một bức ảnh quý ghi lại được tập thể các nhạc sĩ, nhạc công và ca sĩ của đài phát thanh Hà Nội khoảng 1949 (khi này cũng lấy tên là Đài Tiếng nói Việt Nam), tại bậc thềm trụ sở 58 Quán Sứ. Bức ảnh do nhà nghiên cứu Lonán Ó Briain đăng trong bài nghiên cứu “Musical cosmopolitanism in late-colonial Hanoi”, Ethnomusicology Forum. Routledge, 2018. Ảnh này đáng kể ở chỗ ta có thể nhìn thấy mặt một số nhạc sĩ, ca sĩ mà gần như không còn được biết đến hoặc không biết mặt. Cảm ơn anh Lonán đã chia sẻ thông tin quý này.
Từ trái qua, hàng sau: Canh Thân, Nghĩa, Nguyễn Hách Hiển, Bùi Ngọc Bảo, Nguyễn Văn Sợi, Nguyễn Đại, Vũ Thành, Nguyễn Thường, Nguyễn Thái Quy, Trần Văn Nhơn, Nguyễn Trí Nhượng, Nguyễn Thiện Tơ, Huy Thư. Hàng trước: các ca sĩ Minh Đỗ, Minh Phương, Tâm Vấn. Ảnh: Nguyễn Trần Dũng. (bức ảnh đăng trên đây là bức ảnh cắt từ bức ảnh gốc theo chiều đứng).
Đầu những năm 1950, đĩa hát thu các bài nhạc cải cách đã khá phổ biến, tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện sắm máy quay đĩa. Một trong những phương tiện lan truyền quan trọng là làn sóng phát thanh. Trên đài Hà Nội, chương trình âm nhạc do ban Việt Nhạc, nòng cốt của lực lượng biểu diễn trên đài, trình bày, có các ca khúc đa dạng màu sắc từ dân tộc chủ nghĩa đến lãng mạn. Bên cạnh việc thu âm trực tiếp, họ cho phát những đĩa nhạc cải cách. Nhiều nhạc sĩ đi kháng chiến vẫn có các ca khúc được biểu diễn trên đài này, thậm chí những ca khúc mới sáng tác ở chiến khu như Văn Cao (Tiến về Hà Nội), Phạm Duy (Nương chiều, Tiếng hát sông Lô), Đỗ Nhuận (Nhớ chiến khu, Đoàn lữ nhạc), Việt Lang (Tình quê hương, Đoàn quân đi), Mơ đời chiến sĩ (Lương Ngọc Trác), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi)… Nhạc sĩ Thẩm Oánh có kể rằng khi phụ trách chương trình ca nhạc trên đài Hà Nội giai đoạn này, ban Việt Nhạc từ 1948-1952 đã trình diễn phát thanh 2000 bản nhạc. Số nhạc sĩ sáng tác có bài hát được biểu diễn lên tới 120 người.
Một sự kiện đáng chú ý vào ngày 11-2-1950, đài France-Hà Nội (chức năng tương đương đài France-Asie tức đài Pháp-Á ở Sài Gòn do người Pháp quản lý) chuyển giao hoàn toàn việc phát tin tức cho đài Hà Nội do chính phủ Quốc gia quản lý. Các đài phát thanh ở Việt Nam giai đoạn này thể hiện một phẩm tính mà Lonan Ó Briain (2018) gọi là cosmopolitanism (chủ nghĩa quốc tế) trong khuynh hướng nội dung khi cố gắng truyền bá những xu hướng âm nhạc đa dạng và những trào lưu phổ biến trên thế giới.
Các nhạc sĩ, ca sĩ có biên chế trong ban Việt Nhạc và Đài Phát thanh gồm một số tên tuổi như Vũ Khánh (giám đốc), Vũ Thành, Trần Văn Nhơn, Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ, Châu Loan, Mộng Hoàn, Ngọc Bảo, Minh Đỗ,… trong đó lương của nhạc trưởng Vũ Thành (3300 đồng) cao hơn gấp đôi ca sĩ Ngọc Bảo (1600 đồng) . Do nhu cầu giải trí trong các buổi chiếu phim và tăng nguồn lực cho các chương trình ca nhạc của đài Hà Nội, các ban nhạc được thành lập để tham gia, là nơi phát hiện ra các giọng ca và trình bày các tác phẩm mới. Vào năm 1949, thứ Sáu hàng tuần đài Hà Nội mở một buổi ca hát tự do, thu hút nhiều thanh niên đến thử sức. Từ những chương trình này, các giọng ca được phát hiện. Các nhạc sĩ cũng lập các ban nhạc để cạnh tranh. Có thể nói, tính cơ động của biểu diễn âm nhạc khiến cho loại hình này có mặt trong mọi hình thái giải trí đô thị.
Ban Việt Nhạc chấm dứt hoạt động vào đầu năm 1952 do chính quyền không còn đủ tài chính để trả lương các nhạc sĩ, ca sĩ. Khi chiến cuộc nghiêng về Việt Minh, ngân sách của chính quyền Quốc gia cho duy trì ban âm nhạc này bị cắt giảm và đi đến chấm dứt hoạt động.
(Trích Một thời Hà Nội hát – Nguyễn Trương Quý: Nguồn FB trang Một thời Hà Nội hát)
(HNS)