Trò chuyện với NSND Thanh Hoa

0
833
NSND Thanh Hoa: Chỉ khi âm thanh bất lực chân tay mới phải hỗ trợ

Trò chuyện với Tiền Phong, NSND Thanh Hoa kể “Khi bắt đầu đi vào con đường nghệ sĩ, bố tôi đã nói với tôi rằng, con thì thiệt thòi về hình thức, dáng thì lùn, da thì đen nhưng may còn có âm thanh và bố chỉ bảo rằng trong một xã hội khi mà giải trí và thưởng thức không cách nhau là bao nhiêu thì chỉ khi nào âm thanh bất lực thì chân tay mới phải hỗ trợ “.

Xin Chào NSND Thanh Hoa, bà có thể chia sẻ một chút về cuộc sống cũng như công việc sau khi về hưu?

Tôi thì không có cảm giác về hưu bao giờ cả, bởi vì công việc hàng ngày của tôi luôn luôn có sự biến động.

Từ năm 2016 tôi nhận quyết định làm Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA), có lẽ đây là một công việc rất khó khăn và hiện nay nó chiếm gần như tất cả thời gian của tôi.

Còn lại thì tôi đang có một cuộc sống gia đình rất ổn định, chúng tôi đã rời bỏ thành phố ồn ào, mua một mảnh đất ở phố Cát, Hòa Lạc, Quốc Oai để được gần gũi với thiên nhiên và đồng quê hơn.

Cái cảm giác buổi sáng thức dậy, thưởng thức tách café yêu thích giữa tiếng chim chóc và ngắm cây cối, hoa cỏ thì còn gì tuyệt vời hơn. Hiện tại trong vườn nhà tôi có hơn 25 loại cây ăn quả và việc cứ đi hết cây này sang cây khác vào những ngày nghỉ thì không có gì lôi cuốn tôi hơn. Cuộc sống của tôi rất bình thường giống như 1 người nông dân thực thụ (bạn xem móng tay của tôi có mọc được đâu, cười) khi mà hàng ngày xem cây cối, cây nào có sâu thì bắt, rồi ra hái roi, xem các cây ăn quả đã ăn được chưa…

Tuy nhiên bắt đầu vào ngày làm việc thì có lẽ nó lại là ngày rất bận rộn với công việc hiện nay và trách nhiệm rất nặng nề. Bởi vì đối với đất nước mình, tất cả các hội của văn học nghệ thuật thì nó đã tương đối đầy đủ, ví dụ như Hội Nhạc sĩ, Hội Điện ảnh, Hội Nhiếp ảnh, Hội Nhà báo,…thì đã ra đời rất lâu, nhưng có lẽ một lực lượng không thể thiếu được trong các hội nghệ thuật chính là hội của người biểu diễn âm nhạc Việt Nam, mặc dù của hội sân khấu thì cũng đã có từ rất lâu rồi.

Cũng may là đến năm 2016, APPA được cấp giấy phép thành lập. Đối với tôi thì đó là cả một niềm mơ ước của người nghệ sĩ cả một đời gắn bó với âm nhạc nước nhà. Bởi vì tôi thấy rằng tất cả các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc, họ có một sự thiệt thòi rất lớn, họ chưa có tiếng nói chung mặc dù có đoàn nghệ thuật thì nó chỉ là tổng thể về chương trình, nhưng tiếng nói chung của nghề nghiệp thì bây giờ mới có có một hội.

Vào khoảng thời gian năm 2012, xuất hiện nhiều thông tin bà sẽ ra mắt một cuốn tự truyện cá nhân, nhưng vì một số lí do mà đã dừng việc khai sinh cuốn sách này, tuy nhiên người hâm mộ có thể nuôi hi vọng được đón nhận tự truyện trên trong tương lai hay không?

Thực ra thì tôi không có ý định tường thuật cuộc đời trong tự truyện mà chỉ muốn nói đến giá trị đích thực của một người đàn bà, một nữ nghệ sĩ đã chứng kiến thăng trầm của đất nước. Tiếng hát của tôi nó gần như gắn với sự phát triển của lịch sử Việt Nam, bởi khi tôi bắt đầu tiếng hát có thể phục vụ được thì tôi ở đài Giải phóng và chứng kiến tất cả vất vả của người chiến sĩ Trường Sơn, bản thân tôi cũng phải hi sinh rất nhiều khi phải bỏ hai đứa con nhỏ ở nhà. Do đó, tôi thấy rằng nếu như một nữ nghệ sĩ luôn luôn mang tiếng hát gắn liền với những giai thoại của đất nước thì sẽ muốn để người ta thấy được cái lý trí, tính rèn luyện và sự hi sinh của họ như thế nào thể sống và tồn tại trong thời kì đó.

Còn lại tôi không muốn kể rằng tôi đã yêu bao nhiêu người, tôi đã bao nhiêu đời chồng, như thế nọ, như thế kia vì tôi không muốn tường thuật. Bởi bản thân tôi chỉ muốn lịch sử mãi mãi về sau hiểu rằng có một người nghệ sĩ đã gắn liền với những thăng trầm của đất nước thông qua tất cả kỉ niệm từ các buổi biểu diễn của cô ấy.

Tuy nhiên khi ý định ra mắt tự truyện sắp thành hiện thực, tôi thấy rằng đến 80% độc giả chỉ tò mò xem cuộc đời của tôi thế nào và nó không chạm đến sự chia sẻ của tôi cho nên tôi dừng.

Bởi tôi không trải lòng để thỏa mãn trí tò mò và chỉ muốn nhắn nhủ rằng khi là một người đàn bà biết hi sinh tất cả, để đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp thì họ phải làm gì trong một xã hội luôn luôn biến động, nhất là có những lúc người ta quay lưng với tiếng hát của tôi.

Không thiếu những lúc khán giả chỉ nghe nhạc vàng, có những lúc chỉ nhạc nhẹ, có những lúc ồ ạt các thể loại nhạc vào và người ta quay lưng với dòng nhạc của tôi, khi đó tôi thất vọng vô cùng. Và giờ thì tôi hi vọng những dòng nhạc đích thực, dòng nhạc cội nguồn ấy được trở lại với những bài hát thăng trầm đi cùng lịch sử.

Vậy trong xu thế hội nhập văn hóa nói chung, đặc biệt là âm nhạc nói riêng, bà nghĩ rằng chúng ta cần phải làm gì để những dòng nhạc dân tộc không bị chính người dân ta quay lưng?

Đối với tôi thì nhạc nào cũng đáng để trân trọng, miễn là nó đến đúng với đích của dòng nhạc ấy, kể cả nhạc nhẹ, nhạc đồng quê  rồi là giao hưởng, rồi bolero, nhạc trẻ…Tất cả đều hay, nhưng nó phải đúng với chính âm sắc dân tộc Việt Nam. Còn ngoại lai, nhập lai lung tung, cuối cùng không biết 1 bài hát xuất xứ từ đâu thì khi đó chúng ta đã đánh mất đi chính bản thân mình, đánh rơi những gì quý báu mà ông cha và lịch sử để lại.

Hiện nay, cái gọi là cội nguồn trong âm nhạc còn rất mơ hồ, ảo ảnh đối với rất nhiều thế hệ nhưng đó chỉ là phạm trù nhỏ trong lĩnh vực nghệ thuật của tôi, còn đối với văn hóa thì tôi chưa đủ sức để nói với bạn vì nó quá rộng lớn và bao la.

Tôi rất mong thế hệ trẻ hãy thức tỉnh, hãy yêu lấy âm nhạc cội nguồn bởi vì nó là giá trị mà không một đất nước nào có, không một dân tộc nào có bởi âm nhạc Việt Nam rất đa dạng và nhiều màu sắc. Hiện nay, công việc lưu trữ thì đã có nhưng việc bảo tồn và truyền bá lại cho thế hệ sau thì chưa và thế hệ trẻ hiện nay phải thức tỉnh để bảo vệ chính những giá trị đích thực của cội nguồn.

Hiện tại, bà trăn trở điều gì nhất đối với thế hệ nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc ở Việt Nam?

Với vai trò là nữ Chủ tịch đầu tiên của Hội Bảo vệ Quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) tôi hi vọng rằng tất cả các nghệ sĩ hãy hiểu được giá trị của một hội nghề nghiệp, chúng ta nên tự hào khi trở thành hội viên để cầm trong tay thẻ nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam, đó là điều tôi rất mong muốn cũng như được tất cả các ngành nghề, bạn trẻ ủng hộ APPA, bởi vì họ cũng thiệt thòi lâu rồi, hơn 60 năm họ mới có một tiếng nói chung.

Hiện nay tôi cùng với ban lãnh đạo của APPA đang cố gắng tìm lại và bảo vệ quyền lợi của những nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc ở Việt Nam để APPA trở thành ngôi nhà chung bảo vệ quyền lợi, bảo vệ hình ảnh của nghệ sĩ.

Tôi chỉ trăn trở một điều khi mà có những nghệ sĩ tránh né vì cái riêng của họ rất lớn, không muốn hòa đồng với giá trị chung của các nghệ sĩ trong xã hội, họ thiếu trách nhiệm thì họ sẽ không muốn vào APPA.

Khán giả thường nói vui rằng gia đình NSND Thanh Hoa có truyền thống về âm nhạc nhiều thế hệ nhưng chưa có liveshow âm nhạc nào cho có đủ các thế hệ, không biết rằng một liveshow như thế có là điều mơ mộng với những người trót phải lòng tiếng hát của giọng ca ‘Tàu anh qua núi’ năm nào?

Tôi đang cố gắng để đến ngày 12 tháng 10 tới, trong dịp sinh nhật lần thứ 68 sẽ có một chương trình ba thế hệ của gia đình nhà tôi và bản thân chính là tôi với tên ‘68 mùa thu hát’, chắc chắn sẽ là một lời tri ân, cảm ơn tất cả những người yêu quý mình, tôi cũng hi vọng sẽ gặp rất nhiều các bạn trẻ yêu quý tôi tại đó, hiện tại thì địa điểm tôi chưa chọn được nên sẽ tiết lộ sau.

Xin trân trọng cảm ơn buổi trò chuyện vô cùng ý nghĩa này của NSND Thanh Hoa!

Lộc Liên (tienphong)