Âm nhạc và tôn giáo vốn có những điểm chung để làm nên mối quan hệ mật thiết suốt chiều dài lịch sử. Trong cơ sở giáo dục âm nhạc chuyên nghiệp với chức năng “vườn ươm” tài năng đã thu hẹp mảnh đất dành cho tôn giáo, tín ngưỡng, song không vì thế mà trên thực thể của nó đã hoàn toàn mất đi ý niệm về sự linh thiêng. Bằng chứng cho thấy, những nhà soạn nhạc đi vào lịch sử âm nhạc đều có những cách khác nhau để đi vào cơ sở giáo dục, được tụng ca, tôn thờ thông qua nhiều hình thức, phổ biến nhất là hiện tượng tạc tượng, treo di ảnh trên tường… Mỗi khoa, từng chuyên ngành lại tôn thờ những vị đại diện tiêu biểu riêng dựa trên sự đóng góp của họ cho chuyên ngành của mình, qua đó gián tiếp thể hiện ý niệm về sự linh thiêng, như: khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy treo hình, ảnh các nhà soạn nhạc tiêu biểu theo tiến trình lịch sử âm nhạc châu Âu, khởi đầu từ J.S Bach (1685-1750), G. F Handel (1685-1759), Joseph Haydn (1732-1809), V. A Mozart (1756-1791), L. V Beethoven (1770-1827) cho đến Franz Schubert (1797-1828), Frederic Chopin (1810-1849)… Ở khoa này, Johann Sebastian Bach đặt ở vị trí trung tâm, giống như ngôi “chính tòa” trong ngôi đền âm nhạc. J. S. Bach được mệnh danh là “vị cha” của nền âm nhạc cổ điển châu Âu. Môn lịch sử âm nhạc giảng dạy ở nhạc viện giành nửa học kỳ nhằm tìm hiểu thân thế, sự nghiệp sáng tác nhà soạn nhạc này. Như chúng ta biết, J. S. Bach giành cả cuộc đời phụng sự Thiên chúa thông qua công cụ âm nhạc. Đến lượt lịch sử âm nhạc và các thánh đường âm nhạc tiếp tục giành không gian, thời gian cho âm nhạc của Bach vang lên, bao gồm cả thánh đường nhà thờ và giảng đường nhà trường. So với nhiều nhạc sĩ mà tên tuổi, sự nghiệp cũng lưu danh sử sách, J. S. Bach một mình tỏa sáng, đóng trên đỉnh vinh quang vĩ đại. Tên tuổi của ông trường tồn trước thời gian lịch sử và không gian văn hóa. Tuy nhiên, lịch sử vẫn không ngừng được viết lại.
Như chúng ta biết, trong lĩnh vực nghệ thuật, rất nhiều nhân vật nổi danh sau khi di trú sang thế giới bên kia. J.S Bach từng bị lịch sử âm nhạc lãng quên, nếu không có những nhà soạn nhạc vĩ đại phát hiện bằng tuệ nhãn, đồng thời củng cố địa vị của ông bằng những đóng góp tích cực, điển hình như: V. A Mozart, L. V Beethoven, Felix Mendelssohn… Nếu thiếu sự phát hiện, ủng hộ, đóng góp của hậu thế, J. S. Bach không chừng trở thành ngôi sao cô đơn, thậm chí đã tắt trên bầu trời âm nhạc. Hiện tượng đó nhắc nhở chúng ta về quá trình tập kết kho tàng đức tin. Nhìn qua lăng kính tôn giáo, Bach giống như một đối tượng thờ tự quyền uy, nâng lên thành quyền năng trong ngôi đền âm nhạc. Nhiều nhà soạn nhạc, nghệ sĩ không ngừng ủng hộ nhiệt thành cho sự nghiệp âm nhạc của Bach, trong đó đáng kể có L.V Beethoven, Felix Mendelssohn, Robert Schumann, Glenn Gould… Nhiều vòng nguyệt quế, vương miện lần lượt được người đời khoác lên cho Bach, thậm chí vẫn cảm thấy chưa đủ cho một nhân vị mà sự nghiệp tự thân đã toát lên ánh hào quang. Người ta từng ví hai tập Bình quân luật của ông như cuốn kinh nhật tụng của học sinh, sinh viên âm nhạc. Nhiều nhà soạn nhạc với di sản độc đáo, nhưng nhìn qua lăng kính tôn giáo, tín ngưỡng chỉ đóng vai trò phối tự! Phối tự hiểu là đối tượng thờ tự vây quanh một trung tâm quyền lực chính. Chẳng hạn như trong Văn miếu, một mô hình giáo dục đại học thời kỳ phong kiến cho thấy di tượng hoặc bài vị của Đức Thánh Khổng nằm ở chính giữa, bốn đại đệ tử Nhan Hồi, Tăng Sâm, Khổng Cập, Mạnh Tử vây quanh. Theo đó, Khổng Tử là đối tượng thờ tự chủ đạo, còn Nhan Hồi, Tăng Sâm, Khổng Cập, Mạnh Tử đóng vai trò phối tự. Trong chùa có bộ ba Tam thánh, gồm A Di Đà, Bồ Tát Đại Thế Chí, Bồ Tát Quan Âm thì tượng Phật A Di Đà đặt ở chính giữa, Quan Âm Đại Thế Chí phía bên trái, Bồ Tát Quan Thế Âm phía bên phải. Như vậy, trong cơ cấu bộ ba này, tượng Phật A Di Đà là đối tượng chính, Đại Thế Chí và Quan Thế Âm đóng vai trò phối tự. Rồi tùy thuộc vào từng nhóm tín đồ mà vị trí trọng yếu có thể chuyển hóa cho nhau, như giới nữ có khuynh hướng phụng thờ các vị thần bảo hộ nhóm xã hội của mình, như Quan Âm, các Thánh Mẫu: Thượng Thiên, Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa trong tín ngưỡng Tam tòa Tứ phủ Bắc Bộ, các Bà Chúa Ngọc, Chúa Tiên, Chúa Động, Chúa Xứ, Linh Sơn Thánh Mẫu, Phật Quan Thế Âm Bồ Tát… trong tín ngưỡng nữ thần Nam Bộ… Từng ngành nghề lại thờ vị tổ riêng, như Tam vị thánh tổ trong ngành hát bội, cải lương, Ả Đào, Đinh Lễ trong nghệ thuật ca trù…
Cách thức tập kết kho tàng đức tin trong tôn giáo độc thần hay đa thần đều hình thành, phát triển theo cách thức tích hợp đối tượng thờ tự nhằm mở rộng quyền năng, cũng như phạm vi ảnh hưởng. Đây là một xu hướng thể hiện cấu trúc tư duy phổ biến trong nhiều nền văn hóa. Nó thể hiện tư duy phân loại theo trật tự, đẳng cấp. Xét theo lý Duyên khởi, trong lĩnh vực âm nhạc có rất nhiều tên tuổi đi vào kho tàng đức tin. Dựa trên mức độ đóng góp mà từng nhân vật được định vị, định danh tương ứng, chẳng hạn như Frederic Chopin (1810 – 1849) đối với khoa piano, Francisco Tarrega (1852-1909), Heitor Villa Lobos (1887-1959) đối với khoa guitar, Nicolo Paganini (1782-1840) đối với khoa violon… Họ trở thành những đối tượng “thờ tự” chính trong các chuyên ngành này. Và hành động mạnh mẽ nhất nhằm thể hiện sự kính ngưỡng đối với đối tượng được suy tôn nằm ở việc thực hành, truyền bá di sản của tiền nhân để lại, như hai tập Bình quân luật của Bach được ví như cuốn “Kinh nhạc” mà các tín đồ, đệ tử, hậu duệ âm nhạc không ngừng “tụng niệm” trong các học phủ (nhạc phủ), những tuyển tập Sonate của Haydn, Mozart, Beethoven; Etude, Valtze, Mazurka, Norturnes của Chopin, Rhapsody của Liszt, Capricce của Paganini, Etude, Choros của Villa Lobos… giống như những bản kinh nhật tụng mà học sinh, sinh viên “tụng niệm” hàng ngày.
Hãy thử đặt câu hỏi, điều gì đã khiến cho những người học nhạc thực hành thứ âm nhạc đã xuất hiện cách nay hàng mấy trăm năm? Đó là chưa kể trong đời sống văn hóa bao la, trên từng góc khuất nhỏ, những âm thanh lặng thinh đi vào miền ký ức con người vẫn vang vọng tiếng kinh cầu viết nên từ quá khứ. Nó trở thành thứ ngôn ngữ kỳ diệu nối chúng ta với thế giới thiêng liêng, nhiệm mầu. Nhờ vậy, “kho tàng đức tin” trong ngôi đền âm nhạc gìn giữ qua trường kỳ lịch sử, có khả năng vượt qua thời gian lịch sử, không gian văn hóa nhằm nối giữa quá khứ – hiện tại – tương lai.
L.H.Đ (HNS)