Nhà hát nào cho chính nhạc?

0
326

Bắt đầu từ ngày 9/12, đúng như thông lệ mấy năm gần đây, vở ballet “Kẹp hạt dẻ” lại tái ngộ khán giả mộ điệu mùa Giáng sinh. Và đơn vị tổ chức, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO), đã đón nhận tin vui khi vé của 4 đêm diễn đã bán hết sạch kể từ trước khi công diễn đêm đầu tiên. Với nhiều người, việc một vở ballet cháy vé có thể là sự lạ nhưng với những người quan tâm theo dõi tới âm nhạc và nghệ thuật hàn lâm (tạm gọi là Chính nhạc), đây đã không còn là sự lạ.

Nếu cho rằng “Kẹp hạt dẻ” có lượng vé bán chạy là bởi việc xem vở diễn này mùa Giáng sinh đã là một tập quán quốc tế trở nên quen thuộc với người Việt khoảng chục năm trở lại đây thì chúng ta cần phải cân nhắc lại. HBSO không chỉ có một đêm diễn ấy mang lại thành công về doanh thu mà còn nhiều đêm diễn khác cũng ”cháy vé”. Điển hình như đêm hòa nhạc các tác phẩm piano concerto của Frederic Chopin hồi tháng 11. Với mức giá vé dao động từ 400 tới 800 ngàn, đêm hòa nhạc này có sức hút mạnh mẽ không chỉ đối với những người sành nghe mà còn đối với cả những học viên trường nhạc, những người luôn có xu hướng muốn tìm hiểu thêm nữa từ kinh nghiệm của các đồng nghiệp đi trước.

Và việc các chương trình chính nhạc thu hút khán giả, bán được vé không chỉ là một hiện tượng khu biệt ở TP Hồ Chí Minh. Ở Hà Nội, sức sống có khi còn mãnh liệt hơn. Lịch biểu diễn của các nghệ sĩ Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO) luôn kín quanh năm. VNSO cũng chuyên nghiệp tới mức độ xây dựng các tập giới thiệu chuỗi chương trình biểu diễn nguyên 1 năm, trong đó có đầy đủ các gương mặt nhạc sĩ, nghệ sĩ thành viên của mình. Thậm chí, với phương án bán vé hội viên nguyên năm, VNSO còn cho thấy họ đang đi trước cả một số bầu show nhạc nhẹ, loại hình âm nhạc dễ bán vé đại trà hơn rất nhiều.

Sức sống ấy của HBSO và VNSO cho thấy một tín hiệu đáng mừng trong chuyển dịch thị hiếu khán giả Việt Nam hôm nay. Đã không còn những ngày tháng buồn nản vì sự èo uột của đời sống âm nhạc hàn lâm, sự thờ ơ của công chúng đối với chính nhạc như cách đây khoảng hơn 10 năm trước. Để có được sự “trỗi dậy” này, phải ghi nhận rất nhiều công sức của những nghệ sĩ ở cả hai đầu đất nước, mà trong đó có cả những nghệ sĩ nước ngoài nhưng gắn bó với Việt Nam, coi Việt Nam như quê hương thứ hai như trường hợp của Nhạc trưởng Honna Tetsuji, Giám đốc âm nhạc của VNSO.

Nhưng khi hai đơn vị đầu đàn của chính nhạc ở Hà Nội (VNSO) và TP Hồ Chí Minh (HBSO) đang trong cơn sung sức vì những thành tựu ban đầu ấy thì mối lo cũng hình thành.

Theo thông tin mới nhất, Nhà hát Lớn TP Hà Nội sẽ đóng cửa 2 năm để sửa chữa kể từ tháng 10/2023. Như vậy, không gian trình diễn của VNSO ở Thủ đô đã bị ảnh hưởng lớn. Điểm diễn chủ yếu của VNSO là Nhà hát Lớn Hà Nội, Phòng hòa nhạc lớn Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Nhà hát TP Hồ Chí Minh. Trong đó, điểm diễn Nhà hát Lớn Hà Nội là trọng điểm vì sức chứa, không gian và vị trí đắc địa của nó. Không có Nhà hát Lớn Hà Nội trong 2 năm, rõ ràng VNSO đứng trước bài toán nan giải bởi không có một nhà hát dự phòng nào tương tự như thế ở Hà Nội.

Trong khi đó, ở TP Hồ Chí Minh, tình trạng của nhà hát thành phố cũng xuống cấp rất nặng nề. Tuy nhiên, nếu đại tu, chắc chắn HBSO không còn một điểm diễn nào đáp ứng đủ tiêu chuẩn của chính nhạc, đặc biệt là cho các vở opera. Và đáng buồn là thực trạng này đã kéo dài quá lâu nhưng vẫn chưa có bất kỳ phương án nào khả thi từ các cơ quan quản lý văn hóa.

V.Đ (HNS)