Nguyễn Trọng Tạo – Người đa tài không tuổi

0
525
Viết về Nguyễn Trọng Tạo thật khó để mặc định nghệ danh cho anh. Nhà thơ, hiển nhiên rồi, Nguyễn Trọng Tạo là một nhà thơ hàng đầu của thi đàn Việt. Khởi đầu sự nghiệp nghệ thuật của anh cũng là thơ. Nhưng Nguyễn Trọng Tạo còn là một nhạc sĩ cứng cựa dù có vẻ âm nhạc chỉ là tay ngang của anh.

Tay ngang có sao đâu, chỉ bằng hai ca khúc nổi tiếng “Làng quan họ quê tôi” và “Khúc hát sông quê” đủ xếp anh vào hàng nhạc sĩ lừng lẫy có ca khúc ở tốp đầu nền âm nhạc nước nhà mọi thời kỳ. Chưa hết, với hàng ngàn bìa sách, tranh minh họa thật chẳng công bằng nếu không gọi anh là họa sĩ. Một họa sĩ có thành tựu ở lĩnh vực làm sách. Đấy sơ sơ tính thế đã đủ để khẳng định Nguyễn Trọng Tạo cực đa tài trong sáng tác.

Viết chân dung này về anh tôi sẽ không đi sâu vào những điều mọi người đã ghi nhận ở một Nguyễn Trọng Tạo đa tài. Đã có rất nhiều bài viết về anh với đủ đầy bề dày bề sâu sự nghiệp của một tài năng nghệ thuật. Vâng, tôi chỉ muốn khắc họa Nguyễn Trọng Tạo ở góc độ đời thường của một người tôi gọi là không tuổi khi anh có một đời sống dấn thân rất khác biệt với những nhà thơ, nghệ sĩ cùng thời.

Mảnh đất Nghệ An nắng lửa sinh ra nhiều tài năng nghệ thuật. Nguyễn Trọng Tạo là một người trong số đó. Dân làm nghệ thuật thường ít khi phân biệt vùng miền, miễn là cảm nhau, hợp nhau thì thành thân thiết. Tôi với Nguyễn Trọng Tạo cũng nằm trong quy luật đó. Đến tận bây giờ khi anh đi xa đã hơn 3 năm nhưng tôi cũng chẳng thể nhớ được quen anh, chơi với anh từ bao giờ. Chỉ biết tôi ngưỡng mộ thơ của Nguyễn Trọng Tạo từ rất lâu khi chưa được gặp anh. Ngày đó có một lớp nhà văn, nhà thơ quân đội trưởng thành từ chiến tranh chống Mỹ đặt dấu ấn vào văn học. Thế hệ nhà văn “trung úy” này tạo ảnh hưởng rất lớn đến những người viết văn lớp sau.

Bấy giờ khi tôi chập chững viết những truyện ngắn đầu tiên thì Nguyễn Trọng Tạo đã lừng danh trên văn đàn. Tên tuổi anh được nhắc hàng ngày trên báo chí. Tôi vô cùng thích thú khi đọc thơ của anh. Thơ Nguyễn Trọng Tạo tôi gọi là thơ phản trạng, nghĩa là đọc thơ anh luôn phản trạng thái cảm xúc. Khi vui đọc thơ anh thì trầm buồn lắng xuống và ngược lại khi buồn đọc thơ anh lại hơn hớn những niềm vui tràn ngập lạc quan sống. Kỳ lạ thay nhưng đó là sự thật với thằng tôi. Nhất là khi đọc “Thời chúng ta sống”. Tôi không mấy rành về thơ nhưng có lẽ duy nhất Nguyễn Trọng Tạo tạo ra cho tôi trường cảm xúc mạnh như vậy khi đọc thơ anh.

Dân văn nghệ nhất là văn chương có cách “tụ bạ” rất khác người. Một đám nhà văn hợp nhau tính nết thường kéo bè kéo cánh cùng nhau trong mọi cuộc giao tiếp. Có thể là một sự kiện nghề nghiệp hay đơn giản chỉ là một bữa nhậu bình thường. Tôi với Nguyễn Trọng Tạo thuộc về trường hợp này. Đâu như vài ba lần gặp gỡ thì anh chú ý quan tâm đến tôi. Anh bảo đọc Tiến rồi, truyện chú có chất lính chất đời, chất văn, phàm thằng viết văn xuôi phải hội đủ được những chất đó mới thành nghiệp được. Lúc đó tôi mới ra được tập truyện đầu tiên. Tưởng chỉ là lào phào giao đãi nhưng không, Nguyễn Trọng Tạo phân tích rất kỹ từng truyện rồi bảo, triệu người thì có ngàn người viết văn, trong ngàn người ấy may ra lọc được trên đầu ngón tay người viết tàm tạm, chú là một người trong những đầu ngón tay ấy, gắng lên em. Khỏi nói tôi sung sướng đến chừng nào. Được một nhà thơ thành danh quan tâm chỉ bảo mà người ấy lại quân hàm lúc ra quân đến đại úy trong khi cũng tham gia chiến tranh đủ món tôi chỉ nhõn có quân hàm hạ sĩ.

Cứ thế tôi và Nguyễn Trọng Tạo thành thân thiết lúc nào không hay. Tính anh đã ghét ai thì ghét cay đắng tận cùng, không tha một chi tiết nhỏ nhưng đã yêu thì thôi rồi, muốn gì được nấy. Chả mấy cuộc tụ tập nào anh không ới tôi đi cùng. Có một lần ngà ngà say, Nguyễn Trọng Tạo bảo tôi, chú có biết anh thích chú ở điểm gì không? Tôi ớ ra vì làm sao mà tôi biết được. Anh chả đợi tôi trả lời bảo luôn, chú biết uống rượu theo cách của một thằng lính, một thằng người gốc Hà Nội. Lúc đó anh đã chuyển hẳn ra Hà Nội làm một công dân Thủ đô đích thực. Nghĩa là anh có nhà riêng, có công việc cụ thể và nói theo thủ tục hành chính là đã có hộ khẩu. Chu choa là vui nhưng tôi có chút mặc cảm tủi thân, chả nhẽ anh thân với tôi vì thế chứ không phải vì văn chương của tôi. Rồi cũng một lần tôi hỏi anh vì nhẽ này, Nguyễn Trọng Tạo trợn mắt, tay vuốt mấy sợi tóc dài lòa xòa trên cái trán hói mắng tôi xa xả. Chú ngu lắm, văn chú không hay không đáng thì sao anh có thể chơi được, Nguyễn Trọng Tạo không chơi với bọn dốt nhé nhưng văn tài thiếu gì, phải chơi được, phải hợp được mới thành cạ, hiểu chưa thằng ngu. Khe khe hiểu rồi, giả sử nếu tôi không biết uống rượu hẳn là sẽ “tèo” chẳng bao giờ có thể trở thành bạn vong niên của anh được. Nhẽ ấy đến lúc đó thì tôi biết và bao nhiêu mặc cảm tủi phận trôi vèo phát hết.

Ảnh trái sang, trên xuống: Nguyễn Trọng Tạo trong một lần đối ẩm cùng nhạc sĩ Văn Cao; Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cùng NSND Trần Hiếu; Dịch giả Đoàn Tử Huyến, Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, Nhà văn Phạm Ngọc Tiến và Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Nguyễn Đình Toán – Tư liệu

Nói về rượu, Nguyễn Trọng Tạo nổi tiếng trong văn đàn về tài uống rượu. Không hề ngoa ngoắt rất nhiều người dù mến mộ, yêu quý anh đến đâu nhưng rất ngại khi phải tiếp rượu anh. Tôi biết tỏng Nguyễn Trọng Tạo tửu lượng không phải vô địch nhưng anh nhất thống ở sự dẻo dai bền bỉ trong các cuộc rượu. Anh có thể uống từ trưa nay vắt sang tận chiều hôm sau không cần nghỉ. Tài nữa là anh vừa uống vừa nói đủ thứ chuyện trên trời dưới bể và…hát. Cứ rần rần bốc lên là anh hát chính những ca khúc mình sáng tác. Trời phú cho anh giọng hát rất tuyệt dù chưa đủ trình để thành ca sĩ nhưng giọng Nguyễn Trọng Tạo cao vút và trầm bổng đến bất ngờ. Anh hát bằng xúc cảm mãnh liệt nên bao giờ cũng cuốn hút những người có mặt. Những lần hát này anh hát vo không cần đàn đệm. Và tôi phát hiện ra Nguyễn Trọng Tạo có lẽ là nhạc sĩ duy nhất không biết đánh đàn. Khi biết tôi là người phát ngôn ra điều đó, anh chỉ cười cười và bảo chú là thằng xỏ lá nhất hạng.

Về chuyện uống rượu dai và hát tôi có một kỷ niệm phải nói là hết sức hãi hùng. Dạo đó con gái út tôi còn nhỏ. Tôi và anh uống từ trưa, sốt ruột bảo em phải về. Nguyễn Trọng Tạo quắc mắt, chú làm được cái gì cho con, ngồi yên. Đến tận nửa đêm cực chẳng đã phải bảo thôi cho em về. Anh về cùng với chú. Giời cao đất dày, biết tính anh tôi chẳng một câu cãi cự. Về đến nhà, anh bảo vợ chú đâu, anh hát tặng cô mấy bài. Nói và anh xộc vào phòng. Rất tự nhiên anh bảo, cô đúng là anh hùng ở được với thằng chồng rạch giời rơi xuống. Và anh hát. Giữa đêm anh giã tận mấy bài khiến hàng xóm hôm sau hỏi hôm qua nhà anh có ca sĩ hát hay thế, sinh nhật anh à. Nguyễn Trọng Tạo là thế, hồn nhiên và yêu bạn đến độ lạ lùng.

Đoàn Hội Nhà văn Việt Nam thăm và làm việc tại Ba Lan, Đức…Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, nhà thơ Hoàng Trần Cương, nhà văn Trần Hữu Tòng, nhà văn Phạm Ngọc Tiến

Lại là chuyện đến nhà, hôm mẹ tôi mất, đang uống rượu với bạn, anh nghe được tin bèn bảo bạn rượu “đến nhà thằng Tiến nó mất mẹ, thương quá”. Gần sáng anh cùng một người bạn mang chai rượu đến đòi thắp hương. Nói mẹ em mới mất hồi tối đã phát tang đâu. Bảo vậy anh em ta rót uống một ly nhớ mẹ, anh mất mẹ rồi nên biết, buồn đau lắm. Lúc ấy nhìn anh đã say loay hoay mở rượu tôi rơi nước mắt vì nghĩa tình của anh.

Nhân chuyện rượu cũng phải kể thêm, vì thói quen la đà uống của anh mà tôi mất một cơ hội kiếm tiền để đời. Dạo đó tôi và Nguyễn Trọng Tạo quen thân với doanh nhân Đỗ Quân là ông chủ của Công ty TSQ Việt Nam. TSQ có một dự án bất động sản ở Mỗ Lao, Hà Nội. Quân nói với mấy anh em, đất khu này có giá lắm sẽ tăng rất cao, em để vốn gốc cho mấy anh, các nhà văn chẳng có cơ hội kiếm nhiều tiền, tin em đi nếu các anh không để ở cứ đóng tượng trưng ban đầu một khoản khi nào giá đất tăng thì sang nhượng hưởng chênh lệch. Bấy giờ đâu như năm 2006 thì phải. Tính anh Tạo thẳng hỏi luôn, một khoản ban đầu là bao nhiêu? Chừng 200 triệu anh ạ. Nguyễn Trọng Tạo bảo tôi, chú kiếm tiền đi khoảng 10 ngàn đô. Anh và chú chơi mỗi thằng một suất.

Hôm mang tiền đi nộp, ngang đường Nguyễn Trọng Tạo có điện thoại. Anh bảo đi nhậu đã, có tay này chơi hay lắm. Hai anh em đến quán nhậu. Cuộc vui kéo rất dài bởi Nguyễn Trọng Tạo hứng khởi mời thêm mấy ca sĩ đến hát và anh em tôi say nghiêng ngả. Kết cục là không thể đi đóng tiền đất. Sau hôm đấy, tôi ngóng thì anh bảo, khỏi đất cát đi, anh em ta không quen món này đâu. Bỏ thì bỏ. Đận ấy đúng là giá đất lên vùn vụt thật. Có nhà văn cùng cánh tôi mua được, khi giá cao anh này chuyển đổi lãi hẳn bạc tỷ. Tôi tiếc ca cẩm với Nguyễn Trọng Tạo có ý đổ tại. Anh mắng tiếc gì, chết cũng chỉ mấy mét vuông có mang đi được đâu, chú cứ ăn lộc văn đi đừng dính dáng đến đất cát. Thằng tôi cứng mồm, công nhận anh lý luận cực kỳ uyển chuyển.

Ra Hà Nội, Nguyễn Trọng Tạo công tác ở Tạp chí Âm nhạc của Hội Nghệ sỹ Việt Nam. Trước đấy năm 1990 anh từng cùng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà văn Nguyễn Quang Lập sáng lập ra tờ Tạp chí Cửa Việt lừng danh. Tiếc là tờ tạp chí này ngừng xuất bản quá sớm. Sau Tạp chí Âm nhạc, Nguyễn Trọng Tạo còn vùng vẫy đúng đất ở tờ báo Thơ của Báo Văn Nghệ. Anh có thể làm thư ký tòa soạn, phụ trách Tạp chí hay vẽ bìa, trình bày, làm biên tập viên và viết bài như một phóng viên với đủ mọi loại thể. Thật sự tôi không quan tâm nhiều về công việc của Nguyễn Trọng Tạo. Chúng tôi gặp nhau chủ yếu ở các trang mạng và ngoài đời. Anh là người rất sốt sắng với mạng xã hội.

Nói đến mạng xã hội, từ blog đến Facebook, trang Nguyễn Trọng Tạo luôn là nơi thu hút nhiều độc giả và người hâm mộ. Anh lập ra những mục riêng về văn chương và tổ chức các cuộc thi có tầm cỡ. Báo hại thằng tôi luôn bị anh lôi vào tham gia làm giám khảo. Tôi nhớ nhất có một cuộc thi truyện ngắn mini. Người hưởng ứng tham gia khá đông dù cuộc thi chỉ có giá trị về tinh thần chứ tịnh không vật chất chen vào. Anh và tôi cùng thành viên khác vất vả cật lực để tuyển chọn. Cuối cùng lúc khớp giải tôi và anh không thống nhất được giải nhất. Nguyễn Trọng Tạo lạnh băng bảo, anh muốn sự đồng thuận tuyệt đối, còn chú cứ cưỡng cũng không sao nhưng anh nghi ngờ văn thẩm của chú. Lại còn thế nữa, tôi vẫn chống nhưng rất lâu sau đó, Nguyễn Trọng Tạo bảo tôi, chú thật cứng đầu nhưng chú đúng. Cũng phải nói thật, người trên đỉnh như Nguyễn Trọng Tạo luôn hiếu thắng ít chịu nhận sai, có sự thừa nhận kia tôi nghĩ anh thiên về tình cảm.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ nhất tại Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: Tư liệu

Tình cảm là điều luôn được Nguyễn Trọng Tạo đặt lên hàng đầu trong mọi quy tắc ứng xử. Năm 2016 tôi đạp xe xuyên Việt một mình đến Đà Nẵng thì nhận được điện thoại của anh. Nguyễn Trọng Tạo nói dứt khoát, chú dừng ở Đà Nẵng anh bay vào chơi với chú mấy ngày. Nói là làm, anh bay vào thật. Mang rượu theo vừa xuống sân bay anh đã bảo nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, người chở tôi ra đón anh đi thẳng đến quán nhậu. Ở đó bạn bè Đà Nẵng đã đợi anh. Ôi thôi, tôi mất đứt cả tuần lễ nghỉ đạp để cung cúc theo hầu rượu anh. Tính anh thế, khó có thể cưỡng.

Lại có một chuyện là do một nhà thơ kể lại. Nhà thơ này bảo thi thoảng gặp Nguyễn Trọng Tạo bao giờ em cũng cung kính tặng một chai rượu ngon. Là vị này cảm kích cách hành xử của anh Tạo. Chuyện thế này, một nhà văn nổi tiếng đã mất. Khi hội đồng cơ sở xét duyệt giải thưởng Hồ Chí Minh, có nhắn gia đình làm đơn. Nguyễn Trọng Tạo là ủy viên hội đồng phát biểu, anh ấy quá xứng đáng đã mất thì Hội đặc cách xét, sao bắt gia đình phải làm đơn, nếu làm đơn thì chính Hội phải làm. Ý kiến này thuyết phục được hội đồng. Vị nhà thơ kia bảo với tôi, em phục sự khảng khái của anh Tạo, mà anh ấy làm việc đó âm thầm không cho gia đình em biết, kể cả đến khi có quyết định cũng là Văn phòng Hội báo chứ anh Tạo không hề gọi điện thông báo nửa câu. Ra thế.

Sự quan tâm của Nguyễn Trọng Tạo với đồng nghiệp được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Với các nhà thơ trẻ bao giờ anh cũng dành ra sự săn sóc đặc biệt với những tài năng thơ khởi đầu. Anh khuyến khích từ vẽ bìa làm sách đến viết bài giới thiệu. Hẳn có không ít người ghi nhận công lao của Nguyễn Trọng Tạo giúp đỡ dìu dắt họ trên con đường sáng tác.

Tôi là dân văn xuôi nhưng lại công tác ở Hãng phim nên công việc đương nhiên là phải sáng tác và biên tập kịch bản. Nguyễn Trọng Tạo có vẻ không thích phim ảnh. Đi đâu khi có ai đó hoặc tự tôi nói chuyện phim ảnh anh thường khó chịu. Có lần anh mắng thẳng vào mặt tôi, chú thôi mấy cái thứ đó đi, hay ho gì thằng nhà văn đi viết kịch bản nhất là chuyển thể. Tác phẩm của người ta lại dựa vào rồi biến nó thành của mình, tự hào nỗi gì. Những lúc như thế tôi nhe răng cười cười không cãi. Có lẽ vẻ nhẫn chịu ấy của tôi khiến anh động lòng cho qua.

Một lần sau một bộ phim dài tập phát sóng, tôi được anh Hồ Xuân Hùng, nguyên Chủ tịch tỉnh Nghệ An chuyển làm Phó một Ban của Chính phủ mời đi Việt Trì chiêu đãi. Anh Hùng mời cả đạo diễn và một vài thành viên đoàn phim. Cuộc chiêu đãi đó có cả Nguyễn Trọng Tạo. Hôm đó anh Hồ Xuân Hùng khen đoàn phim rất nhiều. Tan cuộc Nguyễn Trọng Tạo bảo hóa ra chú làm phim cũng ra gì phết, để ông Hùng khen như thế chắc chuẩn. Từ đấy anh không còn bỉ bôi chuyện làm phim của tôi nữa nhưng không ít lần anh bảo, chú mê mải làm phim thế này thì thằng văn xuôi trong chú coi như đã chết, từ giờ danh xưng của chú là biên kịch không còn nhà văn nữa.

Nhân nhắc chuyện này tôi muốn nhấn đến quan hệ của Nguyễn Trọng Tạo rất rộng và anh giao tiếp với bất kỳ ai, ở bất cứ giới nào kể cả là quan chức tầm cỡ. Cũng phải công nhận mọi người rất quý anh và Nguyễn Trọng Tạo luôn là người có uy trong các mối quan hệ. Tôi đã chứng kiến ở nhà sàn của anh bên kia bờ sông Hồng, có lần trong một cuộc giao tiếp có đến hai cựu ủy viên Bộ Chính trị và mấy quan chức cấp tỉnh. Hôm đó là sinh nhật Nguyễn Trọng Tạo mọi người đến chúc mừng anh. Và điều này nữa, với đồng hương Nghệ An dù là quan chức đầu tỉnh, một doanh nhân nổi tiếng hay chỉ là một người bình thường, anh luôn có những ứng xử đặc biệt. Tất nhiên đó là tình cảm nghĩa tình của người cùng quê dành cho nhau.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tại Warsaw, Ba Lan

Buồn cười, lần tôi đi cùng anh trong đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam sang thăm và làm việc với Hội Nhà văn Ba Lan. Khi xong việc ở Ba Lan, đoàn di chuyển bằng tàu hỏa sang Đức. Trên tàu Nguyễn Trọng Tạo mở túi dết lấy ra mấy cái phong bì. Ai cũng ngạc nhiên, ra tận nước ngoài anh vẫn có phong bì là sao. Nguyễn Trọng Tạo cười hề hề, đồng hương Nghệ An họ quý mến tặng quà nên không thể từ chối. Chẳng nhiều mỗi phong bì chỉ là một, đôi trăm USD, Nguyễn Trọng Tạo dồn vào rồi tuyên bố chiêu đãi bằng hết. Cả đoàn được trận nhậu phong bì tơi bời khói lửa ngay trên tàu hỏa.

Đấy, Nguyễn Trọng Tạo luôn có những bất ngờ như thế. Đến thủ đô Đức, mọi người đang loay hoay tìm cách viết lên bức tường Berlin thì anh đã chuẩn bị sẵn chiếc bút dạ mực nước từ bao giờ. Có lẽ việc này anh đã chủ định từ ở nhà. Anh khuyên một vòng trái tim rất rộng rồi nắn nót ghi tên mình cùng những thông số rõ ràng về bản thân và ký. Thằng tôi láu cá xin anh cho ký kẹ tên bên dưới. Anh cười hề hề, chú đại lười chuyên ăn sẵn. Nói thế nhưng anh lùi lại nheo nheo mắt ngắm nghía vòng khuyên trái tim đặc chữ của tôi và anh, lẩm nhẩm vẻ rất hài lòng. Hình như anh nói gì đó đến thơ ca và hòa bình thì phải. Cũng đúng thôi anh là một thi sĩ từng khoác áo lính hiển nhiên hiểu cái giá của hòa bình lớn đến nhường nào.

Nguyễn Trọng Tạo đa tài, thơ, văn, nhạc, họa, lĩnh vực nào cũng nổi nhất hạng nhưng thói đời được cái này thì thiếu hụt cái khác. Anh chẳng bao giờ ổn định được gia đình. Càng không coi trọng nhà cửa ra gì. Khi chuyển ra Hà Nội công tác, anh gom góp mua được một căn hộ áp mái ở khu tập thể cũ ở Phương Mai chỉ xấp xỉ hai chục mét vuông, tít tận tầng 6, tôi gọi là tổ chim. Bình thường khỏe đi bộ lên được đến phòng anh đã mướt mồ hôi. Trước khi mất vài năm anh chuyển đến Linh Đàm ở tầng 3 khu chung cư giá rẻ của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản. Căn hộ nhỏ dăm bẩy chục mét nghe nói tận lúc anh mất mới thanh toán hòm hòm xong tiền nợ nhà. Đáng kể nhất trong cái sự ở của anh có lẽ là ngôi nhà sàn dựng ở bãi sông Hồng phía Long Biên. Đây là khu sinh thái không được cấp phép xây dựng, Nguyễn Trọng Tạo cậy cục để được cất tạm lên cái nhà sàn cũ dỡ ở đâu đó về với điều khoản phải dỡ đi bất cứ lúc nào khi chính quyền sử dụng đến quỹ đất.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tại đêm nhạc Khúc hát sông quê

Ngôi nhà sàn có vườn rộng Nguyễn Trọng Tạo cho trồng hoa, dựng tượng văn nghệ sĩ và trong nhà, anh trưng bày nhiều tranh, ảnh của các họa sĩ và nhiếp ảnh gia nổi tiếng với nhiều tranh, ảnh giá trị. Nơi này thật sự là một địa điểm đẹp để bạn bè của anh khắp nước có dịp về Hà Nội đến đây thăm thú đàm đạo. Khổ nhất thằng tôi có nhà ở phía đối diện sông, chả mấy ngày anh không gọi tôi sang cùng tiếp khách đến mức tôi phải đe bán nhà chuyển chỗ khác cho yên thân. Cũng lạ vì tính hồn nhiên của anh. Có hôm anh gọi giọng chùng xuống mệt mỏi và buồn bã, Tiến ơi em sang với anh ăn bữa cơm nay anh buồn quá, có một mình. Tôi cảm động vì lời mời và cũng vì thương anh nên bỏ việc phi sang. Trời cao đất dày, đến nơi thấy anh đang dang tay hát giữa một đám thực khách đến chục người. Thấy tôi anh bảo ngay phải dỗ thế chú mới chịu sang, có mấy người cứ hỏi phim của chú, đừng nhăn nhó nữa uống đi.

Hôn nhân của anh Tạo cũng vậy luôn trục trặc dù anh là người tốt, thương vợ yêu con. Vợ đầu của anh sống ở quê có một cô con gái. Sau khi ly hôn anh gá nghĩa với một cô giáo ở thành phố Huế có hai người con, một trai, một gái. Tôi đi lại cả hai nơi và gặp các chị mới thấm ra câu nhà văn Nguyễn Quang Lập nói rất trúng về Nguyễn Trọng Tạo. Lập bảo mình là người sợ vợ còn anh Tạo thì vợ sợ. Có lần vào Huế, tôi theo anh Tạo về nhà ở. Cả tuần không thấy vợ anh, bèn bảo anh cho em gặp chào chị cái ai lại cả tuần ở đây mà chưa biết chủ nhà. Nguyễn Trọng Tạo cười he he, anh cũng đã gặp chị đâu. Quả đúng thế. Chị đi dạy buổi sáng anh còn ngủ. Đến gần trưa anh đi với bạn bè đến đêm mới về thì chị đã ngủ. Sau này tôi nói đùa chị bỏ anh là vì chị quá sợ anh. Sợ nhưng vẫn yêu quý. Nói thế là vì tôi được dự một cuộc tiệc ở Hà Nội, anh Tạo tiễn chị và hai con đi du lịch ở Singapore. Nhà thơ Hoàng Trần Cương chủ tiệc bảo, lát em chi quà mừng cho anh Tạo tặng vợ (200 USD) lúc đó anh Cương và tôi làm Giám đốc và Phó Giám đốc một quỹ bảo trợ văn học.

Không khí vui vẻ, anh Tạo hát rồi mấy ca sĩ nổi tiếng anh mời đến hát đình đám lắm nhưng chỉ tuần sau anh Tạo thông báo đã ly hôn. Bữa đó là tiệc anh chia tay chị bằng một chuyến du lịch nước ngoài. Ai mà có thể làm được việc đó như anh. Người ta bỏ nhau là kéo theo thù hận chia lìa. Tôi tin là anh chị chia tay chỉ là vì không hợp nhau được cách sống. Chia nhưng không lìa vẫn còn đấy sự tôn trọng.

Hai vợ nhưng cuối đời anh Tạo sống một mình. Anh cũng có vài ba mối tình nhưng xem ra chẳng đi đến đâu. Khi có ai đó Nguyễn Trọng Tạo đều bảo tôi, chú chào chị đi, bạn anh là chị chú. Tôi thản nhiên chào và móc thêm, cố gắng chị nhé để em được gọi chị đến Tết. Anh cười, chú đểu nhất hạng nhưng tôi biết ở lĩnh vực này anh đã chớm mệt mỏi, nụ cười không còn được rổn rảng thăng hoa như khi anh hát giữa đám đông bạn bè.

Xã Diễn Hoa và dòng sông Bùng (Diễn Châu) – ảnh Sách Nguyễn

Những năm cuối đời tự nhiên Nguyễn Trọng Tạo đau đáu phải làm một căn nhà thờ ở quê gốc Diễn Hoa. Anh dồn tâm lực vào công việc đó. Thật đáng tiếc khi ngôi nhà thờ hoàn thành thì anh bị cơn đột quỵ. Vào bệnh viện điều trị lại phát hiện ra bệnh ung thư phổi. Trước hôm anh về quê để khánh thành nhà thờ anh gọi tôi đến nhà Linh Đàm, bảo có lươn om ở quê gửi ra. Anh nấu lươn cùng tôi ăn trước khi ra tàu về quê. Đó là lần cuối cùng tôi được uống rượu cùng anh. Chuyến ấy anh về nhà và bị bạo bệnh và từ đó anh không còn uống được rượu nữa.

Hơn năm sau khi đột quỵ, bệnh anh phát nặng dù đã điều trị bằng mọi cách. Những ngày cuối cùng anh điều trị ở bệnh viện Bạch Mai. Lúc anh sắp mất, thương anh quá tôi bảo con gái lớn của anh bố trí cho vào trông anh hai đêm để anh em chia tay nhau. Anh lúc đó đã rất mệt nhưng vẫn không tin mình có thể chết. Trong câu chuyện ngắt quãng anh vẫn nói về mọi người, về văn học, về thi ca và âm nhạc, cả những ngày chiến trận nữa. (Lúc này dù đã ở những thời khắc cuối cùng nhưng vẫn vẹn nguyên một Nguyễn Trọng Tạo như tôi biết). Lúc con gái anh bảo, chú Tiến đêm nay ngủ với ba nhé. Anh gật đầu hài lòng rồi chợt nhíu mày, bia đâu. Con gái anh ớ ra. Anh cáu mắng luôn phải có bia cho chú Tiến chứ. Chao ôi, anh vẫn nhớ đến thằng em dại ham bia rượu. Một lốc bia Tiệp được mang đến. Anh lại nhắc cho vào tủ lạnh. Ra anh vẫn nhớ thói quen tôi uống bia phải lạnh. Đêm đó anh giục tôi uống bia. Lon bia đắng ngắt tôi cầm trên tay nhìn anh thiêm thiếp mà lòng tê dại. Sau đêm thứ hai cùng với anh, sáng tôi chào anh ra về. Anh nhìn tôi ấm áp không gợn một chút nào của chia tay, của ly biệt. Ra khỏi phòng tôi ngoái lại nhìn anh nhủ thầm em chào anh, đây là lần cuối cùng anh ơi. Tôi có thói quen chỉ thăm hỏi khi người bệnh còn tỉnh táo, rất sợ những hình ảnh tiều tụy sống chết sau cùng. Hành lang hun hút tôi đi ngây dại tưởng tượng một ngày rất gần anh sẽ đi trong hành lang này trên băng ca. Nghĩ thế và nước mắt rơi không thể cầm giữ. Ít ngày sau anh hôn mê chuyển vào phòng cấp cứu và mất sau đó chỉ vài hôm.

Nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25/8/1947 tại Trường Khê, Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An. Anh mất ngày 7/1/2019. Nguyễn Trọng Tạo nhập ngũ năm 1969. Anh tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1. Nguyễn Trọng Tạo làm thơ rất sớm từ năm 14 tuổi. Cả cuộc đời của anh đắm đuối với thơ nhạc và họa với hơn 20 đầu sách về văn, thơ, tiểu luận phê bình văn học, nhạc và hàng ngàn bìa sách cùng rất nhiều giải thưởng giá trị, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuât năm 2012.

Không muốn nhưng tôi vẫn phải viết đôi dòng trích ngang về anh để đủ lệ bộ cho bài viết. Hôm rồi, vợ chồng con gái lớn của anh mời tôi sang nhà sàn bên kia sông Hồng. Căn nhà từ ngày anh ra đi cửa vẫn khóa. Các con anh đang sửa sang lại với mong muốn nơi đó làm nhà tưởng niệm cho người cha nghệ sĩ tài danh. Cuối năm nay Nguyễn Trọng Tạo sẽ được các con đưa về quê nằm chính trong khuôn viên khu nhà thờ họ, anh đã xây dựng lúc cuối đời. Đời một người nghệ sĩ như Nguyễn Trọng Tạo tôi nghĩ vậy là anh được thỏa nguyện cho đến tận giây phút cuối cùng cho dù có thể ở lĩnh vực này khác vẫn có những điều không được trọn vẹn. Nguyễn Trọng Tạo đã sống một cuộc đời dấn thân vì nghệ thuật và cho chính cuộc sống của mình. Cuộc sống với một đam mê chưa từng và không hề giới hạn tuổi tác. Nhà văn Phạm Lưu Vũ đã viết tặng anh bài thơ chân dung cực kỳ chính xác:

“Tuổi giời còn dễ tính ra
Tuổi Tạo chỉ có các Bà biết thôi
Sông Cầu bèo dạt mây trôi
Nên Làng Quan họ quê tôi ngàn đời
Thơ như nhặt được của rơi
Nhạc như một cuộc rong chơi bốn mùa
Sông quê vẫn tiếng chuông chùa
Đò ngang một mái vẫn lùa bóng mây
Yêu thì như dính cỏ may
Ghét thì cũng một kiếp này là xong
Sông Bùng nước chảy long bong
Nửa dòng Phủ Diễn nửa dòng bể dâu
Bây giờ Tạo đã già đâu
Ngày xưa Tạo cũng còn lâu mới già…”

Vậy thôi anh nhỉ, Nguyễn Trọng Tạo, anh đúng là một người không tuổi!

Phạm Ngọc Tiến (HNS)