“Khoác áo mới” cho nghệ thuật dân tộc

0
500
Nhóm bạn trẻ của dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” trong một buổi tập hát xẩm. (Ảnh: Nguyễn Vân Anh)

Ca khúc mang âm hưởng dân ca với phong cách hiện đại được thể hiện một cách sáng tạo đem lại sự thú vị cho khán giả thưởng thức

Đạo diễn Nguyễn Anh Dũng (Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam) cho biết: “Khán giả vẫn cảm nhận được rõ nét hình ảnh làng quê của mình nhưng với bản phối khí, cách thể hiện mới của những giọng ca trẻ giúp tiệm cận với xu hướng khán giả trẻ hiện nay”.

Người trẻ mê dân ca

Hiện nay nhiều ca khúc mang âm hưởng Tây Bắc, dân ca Bắc Bộ, miền Trung và dân ca Nam Bộ đã được dàn dựng, phối khí mới với sự thể hiện của các giọng ca trẻ đầy nội lực tạo nên bức tranh nhiều sắc màu về âm nhạc truyền thống.

Nhạc sĩ Phan Huy Hà lạc quan: “Những ca khúc dân ca quen thuộc sẽ trở nên mới lạ hơn với cách thể hiện mới. Nhiều giọng ca trẻ đã cách tân những ca khúc quen thuộc bằng tư duy, cảm nhận mới của mình”.

Ca sĩ Nam Giang (thể hiện ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi”) bộc bạch: “Tôi tin rằng khi hát bằng tình yêu dành cho âm nhạc, khi thả hồn mình vào từng giai điệu thì sẽ được khán giả đón nhận. Bởi âm nhạc là sự sẻ chia bằng giai điệu và cảm xúc”.

Hoàng Việt Anh (sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế) nói: “Tôi thích dân ca từ nhỏ, có lẽ do khi đó mẹ đi dạy học xa nhà, bà ngoại trông nom nên tôi được bà ru bằng các làn điệu dân ca. Do vậy mà dân ca đã ngấm vào người”.

Việt Anh đã tự tìm đến nghệ nhân dân gian Đinh Thị Phương Đống học nghề. Bà Đống bất ngờ và mừng đến rơi nước mắt, bởi từ xưa đến nay, đây là lần đầu tiên có một người tự tìm đến học dân ca, lại là người nhỏ tuổi.

Hiện nay Việt Anh có thể hát được tất cả làn điệu dân ca địa phương, hát được bằng cả tiếng Nguồn (tiếng của một dân tộc ít người, sinh sống ở vùng núi tỉnh Quảng Bình). Việt Anh còn tìm đến các nghệ nhân khác trong vùng để học chơi nhạc cụ và có thể chơi đàn bầu, sáo, trống con, trống cơm, đàn ống, đàn nhị…

Việt Anh còn vận động các học sinh nhỏ tuổi hơn ở trong thôn, xã cùng tham gia đàn hát dân ca. Ngôi nhà nhỏ của Việt Anh được trưng dụng làm “đại bản doanh” của nhóm. Cứ thế, điệu hò, lời ru ngọt ngào lan tỏa một vùng.

Đa dạng hình thức bảo tồn

Dự án “Gánh hát lưu diễn muôn phương” giới thiệu đến giới trẻ các loại hình diễn xướng nghệ thuật, lễ hội dân gian tiêu biểu, đặc sắc ở các vùng, miền hiện rất thu hút người xem. Khá đông bạn trẻ trên cộng đồng mạng xã hội bày tỏ sự thích thú với những thông tin về nguồn gốc, đặc điểm của 30 loại hình nghệ thuật diễn xướng, 6 lễ hội dân gian truyền thống trên khắp mọi miền đất nước được chia sẻ từ dự án.

Ở “Gánh hát lưu diễn muôn phương” có thể bắt gặp điệu hát xoan, dân ca quan họ, ca trù, múa rối nước, chèo, chầu văn, hát xẩm của miền Bắc; khám phá làn điệu dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, nhã nhạc cung đình Huế, ca bài chòi của miền Trung; làm quen với cải lương tuồng cổ, đờn ca tài tử, sân khấu dù kê… của miền Nam và những loại hình nghe tên rất lạ như hát dô, hát sình ca, múa tân “tung da” dá, múa lâm thôn, múa bóng rỗi…

Nhóm các bạn trẻ của dự án “Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương” đã thực hiện chương trình “Mắt xẩm” với mong muốn “chạm” vào xẩm bằng nhiều lăng kính.

Nhóm 40 họa sĩ trẻ với triển lãm “Vẽ về hát bội” cũng đã gây tiếng vang lớn trong làng hội họa TP HCM, lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống đến giới trẻ bằng ngôn ngữ mỹ thuật hiện đại. Không những vậy, họ còn mang đến những buổi diễn tuồng cổ và các hoạt động tương tác công chúng qua lớp học ứng dụng, các buổi giao lưu nghệ sĩ.

Gần đây là dự án “Bội Tự” của Nguyễn Phương Vy, sinh viên năm cuối Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM, lồng gắn những thông tin về hát bội với những ký tự chữ cái được thiết kế cách điệu dựa theo những chi tiết về nhân vật, phục trang…

Những người trẻ đã miệt mài, trăn trở tìm hướng đi mới cho các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Qua góc nhìn sáng tạo của họ, giúp công chúng trẻ hiểu hơn về nghệ thuật dân tộc. Ðó cũng là con đường để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa trong cuộc sống hôm nay.

Thùy Trang (HNS)