Có lẽ, trong các thiên tài của nhân loại, không ai nghèo túng và đói khổ như Franz Schubert – một trong những tên tuổi sáng giá nhất của nền âm nhạc châu Âu và thế giới. Ông có mặt trên đời chỉ được 31 năm và vĩnh viễn ra đi cách đây đúng 193 năm. Chắc chắn rằng, sự nghèo túng và đói khổ đã đưa ông đến với thần chết sớm như thế! Nói đến sự cùng cực của ông, hôm nay người đời vẫn chưa nguôi niềm thương cảm, niềm nhớ tiếc.
Làm sao có thể tưởng tượng được: một thiên tài đang độ tuổi sáng tạo dồi dào mà thường xuyên đứt bữa, không tiền mua giấy in sẵn khung nhạc để sáng tác.
Càng không thể có điều kiện mua nổi một cây đàn – dụng cụ tối thiểu trong cuộc sống của người soạn nhạc. Và cũng vì nghèo túng, Franz Schubert đã không cưới nổi cô bạn gái mà nhà nhạc sĩ trẻ tuổi từng yêu say đắm. Người con gái ấy từng là nguồn cảm hứng vô tận để cho ra đời những khúc tình ca êm dịu, ngọt ngào. Với nàng, Schubert đã hát lên niềm khát khao tình yêu và hạnh phúc. Với nàng, Schubert lưu lại cho nhân loại vẻ đẹp tuyệt vời của mùa xuân. Từ đói khổ, nghèo túng, trái tim của thiên tài gửi trọn niềm tin về mùa xuân. Hãy nghe trái tim ấy hát:
“Làn gió ấm bừng lên, sưởi cây xanh và thổi mãi
Ngày và đêm thức dậy những chân trời
Hương thơm quá, hoà cùng âm thanh mới
Ta chẳng sợ khổ nghèo, ta chẳng sợ. Tim ơi …
Đời hướng tới những ngày mai tuyệt diệu
Thế giới sẽ bình yên, thế giới sẽ huy hoàng
Hoa thắm nở, trùm lên muôn vạn nẻo
Cả những thung sâu, cả những cánh đồng hoang.
Ta chẳng sợ khổ nghèo, ta chẳng sợ! Tim ơi.
Hãy quên đi nỗi buồn thương, quằn quại
Thế giới của Loài ta, ngày lại ngày, biến đổi
Dâng ngàn hoa cho hết thảy mọi người!”
(Niềm tin mùa xuân)
Cho riêng nàng, mà cũng là cho bao lứa đôi, từ thế hệ này đến thế hệ khác, Franz Schubert gửi tặng Dạ khúc (Serenade):
“Dịu dàng khúc hát lòng anh
Gửi về em, giữa đêm xanh diệu kỳ
Hỡi em yêu, biết nói gì
Nghe chăng đồng nội thầm thì lời anh?
Vết đau tình ái chưa lành
Với em yêu, đã hóa thành khúc ca!
Trái tim mềm yếu, xót xa
Cất lên những tiếng ngọc ngà, lạ chưa!
Ngỡ rằng… đã tự ngàn xưa
Trái tim em cũng sớm trưa nặng tình
Từ ngực em, ngọn gió lành
Mang theo hạnh phúc, ta dành cho nhau…”
Nghe qua lời hát, trên cái nền của những âm thanh đầy sức cuốn hút và lay động, thật khó mà hình dung nổi: người sáng tác những giai điệu ấy là một thanh niên nghèo đói! Không hề bi thương, nhạc sĩ và ca sĩ ấy chứa chan niềm khát vọng về tình yêu, về mùa xuân. Và không chỉ của riêng ông, cho riêng ông. Ông trao niềm khát vọng ấy cho những người nghèo khác – như những người xay bột chẳng hạn. Ở trường hợp này, lời ca có phần sôi động hơn nữa – đó là tác phẩm Viễn du (Das Wandern):
“Niềm ham thích của người xay bột
Hoá ra là mong được viễn du!
Ai lại nỡ nhốt mình trong chật hẹp
Bởi đời ta là cuộc viễn du!
Phải viễn du, viễn du, viễn du
Không sống trong giam hãm, ao tù
Hãy được sống như dòng nước chảy
Chảy ngày đêm, không nghỉ bao giờ!
Hãy như nước, trong xanh dòng chảy
Cuộc đời ta là cuộc viễn du!”.
Cũng như mọi nghệ sĩ chân chính khác, Franz Schubert dường như quên nỗi đau của riêng mình để được yêu thương, để được sẻ chia với đồng loại. Xin hãy nghe bản nhạc Ông già hành khất (Der Leiermann):
“Ông già hành khất đứng bên kia làng
Người lảo đảo, vẹo xiêu trong giá buốt
Chân trơ trọi, không giày, không tất
Ngón tay khô quay khẽ trên cung đàn
Vẫn không ai vứt một xu vào đĩa
Vẫn không ai đứng lại nghe ông
Bầy chó dữ hùa nhau cắn xé
Át cả lời ông – tiếng hát não nùng.
Thời gian cứ trôi, cứ trôi, cứ trôi
Vẫn không ai vứt một xu vào đĩa
Dường như bao nỗi đau ông lặng lẽ
Đang hoà vào khúc hát của tôi…”
Vâng, nỗi đau của ông lão hành khất đã hoà vào khúc hát của Schubert, cũng là hoà vào khúc hát của hết thảy chúng ta, hát trong yêu thương và chia sẻ. Và với âm nhạc của một thiên tài, ta cảm thương về những số phận từ ngót hai thế kỷ trước… Sự lay động của âm nhạc thật kỳ diệu. Ở Franz Schubert, sự lay động ấy càng lớn, càng mạnh, vì âm thanh của ông kết hợp nhuần nhuyễn tính bác học của âm nhạc cổ điển với những làn điệu dân ca quen thuộc. Người ta nói rằng, tính chất trữ tình trong các bài hát của Schubert bắt nguồn từ sự dung dị và chất phát của âm nhạc dân gian, từ tình bạn chân thành, từ nỗi đau khổ của cuộc đời, từ tình yêu được giấu kín trong lòng. Sự giấu kín ấy lắm khi bật ra, khi gặp một người bạn cùng hoàn cảnh, một cảnh vật trong thiên nhiên. Bài hát Cây bồ đề (Der Lindenbaum) là một bằng chứng. Lời bài hát kể rằng: Có một cây bồ đề đứng reo trước cổng, bên một cái giếng êm đềm… Chỉ là cây bồ đề thôi, vậy mà Schubert ngỡ là hình bóng của người yêu ông từng mơ ước:
“Lá cây rì rào
Tựa lời âu yếm
Khẽ ru lòng ta
Lá như reo ca
Niềm vui bừng nở!”
Nhưng, không chỉ niềm vui. Liền sau đó, người nghệ sĩ đa cảm hát tiếp:
Cả bao đau khổ
Thấm trong từng lời…
Đêm đã buông rối
Tôi, chàng lãng tử
Đôi mắt mơ màng
Cất tiếng khẽ khàng:
Cây ơi, thầm lắng
Hãy tìm im ắng
Trong tâm hồn ta!”
Trong phạm vi một bài viết nhỏ, tôi chỉ có thể điểm qua một vài ca khúc của ông. Nhưng, về nội dung, về nghệ thuật tôi dám thưa rằng, âm hưởng của các khúc ca trên đây cũng là âm hưởng chung trong toàn bộ sáng tác của Franz Schubert. Đó là 9 bản giao hưởng, trong đó có Bản giao hưởng dở dang (Die Unvollendete) rất nổi tiếng, là trên 600 ca khúc trữ tình đã được in trong hai tuyển, tập Cô thợ xay xinh đẹp (Die Schöne Müllerin) và Hành trình mùa đông (Die Winterreise), là 19 vở ca kịch, hàng loạt nhạc phẩm Thiên Chúa giáo, các bản hợp xướng, các tác phẩm âm nhạc thính phòng, là hơn 300 bài diễn tấu piano cho vũ khúc, cho đồng ca, các cuộc hội chợ, lễ hội… 31 tuổi đời mà hiến dâng cho nhân loại ngần ấy tác phẩm thì thật khó mà diễn đạt sự vĩ đại của một thiên tài! Như một huyền thoại khi được biết: chỉ riêng năm 1815, chàng trai 18 tuổi Franz Schubert đã sáng tác 144 bài hát và ngót 10 bài thơ trữ tình! Người thanh niên thường xuyên đứt bữa ấy lấy đâu ra nghị lực, ra sức sống để làm nên những điều kỳ diệu ấy!
Cũng là một huyền thoại khi được nghe kể: Có một lần, khi đi qua một quán ăn, mùi thơm của thức ăn trong quán khiến Schubert sực nhớ rằng mình đang rất đói, suốt cả ngày chưa được ăn gì. Túi áo trống rỗng, Schubert lê bước vào trong quán và ngồi bẹp xuống một cái ghế. Trên bàn ăn có để một tờ báo và người nhạc sĩ trẻ nhìn thấy một bài thơ ngắn nhan đề Bài hát ru. Liền lấy bút ra, viết nhạc phổ bên lề tờ báo, Schubert khẽ hát:
“Con trai bé bỏng, ngoan nào
Hãy nghe tiếng mẹ ngọt ngào ru con
À ơi con hãy ngủ ngon
Êm êm mộng đẹp, tâm hồn trắng trong
Chao nôi, tay mẹ nhẹ rung
Bao nhiêu ước vọng đến cùng bên con…”
Bài hát ra đời từ trong cơn đói lả, tại một quán ăn ở ngoại ô thành Wien, đã ngân vang đến mọi chân trời của trái đất, mang theo tình thương yêu của mẹ, mang theo mộng đẹp và những ước mơ. Tiếng hát ấy ngân lên và vang mãi từ “tâm hồn trắng trong” của thiên tài Franz Schubert.
Nguồn Văn nghệ số 35+36/2018