Hát xoan đang bị biến tướng, xâm hại bản quyền

0
1208
Việc bảo tồn Hát Xoan là cần thiết nhưng không được biến tướng

Việc cải biên Hát Xoan của một số cán bộ văn hóa Phú Thọ đang làm mất đi bản chất, làm biến tướng Hát Xoan truyền thống. Những nhận thức chưa đúng đắn về cái gọi là Hát Xoan mới đang được ví là cách xâm hại bản quyền của di sản, của Hát Xoan.

Ngay trong những ngày tôn vinh hát Xoan khi loại hình nghệ thuật này được nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, đã có nhiều ý kiến lên tiếng về việc Xoan đang bị cách tân, bị “chèo hóa”. Mặc dù cơ quan quản lý văn hóa của tỉnh Phú Thọ giải thích rằng điều này mới là thử nghiệm và là một chiến lược hành động nhằm đưa hát Xoan thoát khỏi tình trạng “bảo vệ khẩn cấp” để trở thành di sản văn hóa đại diện của nhân loại vào năm 2015, song các nhà nghiên cứu bày tỏ sự lo ngại về tình trạng này. Một lần nữa, bài toán làm sao để bảo vệ di sản đúng như nguyên gốc lại cần tiếng nói chung giữa chuyên gia (người dân) và nhà quản lý.

Bảo vệ di sản không thể bằng cách tân!

Trong thời gian vừa qua, tỉnh Phú Thọ đã cố gắng đứng ra bảo vệ các phường Xoan. Nhưng bên cạnh đó, họ vẫn có quan niệm muốn phát triển hát Xoan nhằm xây dựng chiến lược hành động đưa hát Xoan đến với cộng đồng, thoát khỏi tình trạng “bảo vệ khẩn cấp”. Đây là quan niệm mà các nhà nghiên cứu cho rằng lệch lạc và không đồng tình. Họ khẳng định rằng, giá trị cổ truyền không thể có sự phát triển mà chỉ có phát huy để nó đi vào cuộc sống hiện đại. Vừa qua, có những đoàn Xoan chèo đi biểu diễn nhiều nơi. Đây là việc làm rất nguy hại với hát Xoan.

Trong những ngày vinh danh hát Xoan vừa qua, ngay sau khi những nghệ nhân, người dân các phường Xoan lên trình diễn những điệu Xoan đúng như những gì mà người dân các phường Xoan đã gìn giữ, lưu truyền trong hằng trăm năm qua thì các nghệ sỹ của đoàn nghệ thuật Phú Thọ lên trình diễn một kiểu “Xoan mới” khiến nhiều người ngỡ ngàng. Hai nghệ thuật khác hẳn nhau, công chúng chẳng biết đâu mới là di sản thế giới được UNESCO công nhận. Các nghệ nhân cho rằng, hình thức cải biên Xoan mới đã bị “chèo hóa”, khác hẳn với hát Xoan truyền thống. Trong khi đó, lập luận của các nhà quản lý thì cho rằng, đó là hành động cần thiết để Xoan thu hút công chúng.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, một trong những người đã dày công nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hát Xoan là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại đã bày tỏ sự lo ngại của mình trước hiện tượng này. Ông khẳng định: “Một số những người làm quản lý văn hóa của tỉnh đã hiểu lệch. Một trong những nguyên tắc, nếu chúng ta dùng chữ “Xoan mới” nghĩa là chúng ta đã xâm hại bản quyền của Xoan cổ truyền, vì Xoan chỉ sinh ra trong một thời kỳ lịch sử nhất định và chỉ phát triển trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Khi mà chế độ xã hội thay đổi thì không thể có hình thức hát Xoan khác ngoài Hát Xoan Phú Thọ truyền thống. Vì vậy, quan niệm sáng tác ngày nay, làm méo mó Xoan rồi gọi là Xoan mới thì rất nguy hiểm. Bóp méo di sản bằng lối hát, bằng ngôn từ, bằng trang phục thì tự nhiên di sản ấy sẽ ngày một ngày hai tàn tạ”.

Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, Xoan mới không không phải là Xoan. Đó là hát kiểu khác, lời khác. Ông nhấn mạnh: “Khái niệm Xoan mới không có trong hồ sơ quốc gia. Hồ sơ quốc gia chỉ có một lối, một hình thức nghệ thuật gọi là hát Xoan. Hình thức ấy xuất hiện từ cách đây hơn ngàn năm, từ thời kỳ đền miếu để đến thế kỷ 17, Phú Thọ mới có đình làng. Người dân Việt sinh ra nghệ thuật ấy để hát thờ vua Hùng, nghệ thuật ấy là hát Xoan, chỉ có một hình thức, chớ dùng danh từ thứ hai làm méo mó hát Xoan”.

Hiện, các đoàn văn nghệ Phú Thọ sử dụng toàn bộ chặng thứ 3 của hát Xoan còn gọi là hát giao duyên hay còn gọi là phần hát bợm gái, rồi biến nó thành hát Chèo và gọi đó là Xoan mới.

“Đây là cách làm đang phá hoại hát Xoan chứ không phải là cách tân, cải biến để bảo vệ Xoan như người ta tưởng. Muốn bảo vệ hát Xoan phải trình diễn Xoan truyền thống, Xoan chân thật như nó vốn có, không được cải biên, cải tiến cũng như sân khấu hóa. Chúng ta chỉ bảo tồn và phát huy hát Xoan, nhân rộng nó ra trong cộng đồng chứ không phát triển nó bằng cách sai lầm này. Nếu mỗi năm chúng ta cải biên một tí thì 10 năm tới sẽ chẳng còn hát Xoan như vốn cổ nữa”- Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan bức xúc.

Bảo tồn phải từ nhận thức đúng

Để được thế giới vinh danh một di sản quý báu như hát Xoan đã rất khó khăn nhưng việc bảo vệ cho được di sản đó sau khi được vinh danh lại còn khó khăn hơn nhiều lần. Chúng ta giữ Xoan trong không gian văn hóa của nó, đó là không gian văn hóa hát thờ các vua Hùng (duy danh hát thờ ông vua Hùng) – khác với các hình thức nghệ thuật khác. Không những thế, hát Xoan còn có điều kiện bảo tồn, phát huy giá trị dễ hơn các loại hình khác bởi nó có hình thức hát giao duyên (còn gọi là hát đi chơi bợm gái), rất hấp dẫn trai gái trong toàn vùng và dễ phổ biến ra toàn cộng đồng chứ không chỉ dừng ở không gian hát thờ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, với hát Xoan, phải giải thích để cho người dân hiểu rõ, chỉ có Xoan truyền thống là giá trị đáng quý phải gìn giữ, còn những sáng tác kia là những sáng tác mang tính cá nhân của người nhạc sỹ. Có như vậy, thì mới không làm mất lòng tin của những người dân phường Xoan. Họ là những người đã bao năm qua vẫn gìn giữ được Xoan.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho rằng: “Ngày nay chúng ta không thể phát triển được Xoan mà chỉ phát huy được Xoan. Vì chúng ta không còn ngôn ngữ ấy nữa, không còn tư duy ấy nữa nên khi đụng vào phát triển, tức là chúng ta làm khác hoàn toàn. Nhưng chúng ta càng làm mới thì càng hủy hoại và càng không được tiếp thu”.

Có một thực tế, lớp trẻ ở các phường Xoan thực sự yêu Xoan, ngay ở lứa tuổi 8-9 tuổi đến15- 16 tuổi. Nên khi di sản bị làm khác đi thì bản thân người làng Xoan sẽ không thích. Các lãnh đạo, quản lý đang tưởng làm mới là được nhân dân thích nhưng thực ra là làm mất lòng dân. Điều này thể hiện rất rõ rệt: người ta đã bảo tồn trong suốt mấy ngàn năm lịch sử như vậy, mà bây giờ mình làm mới đi, thì người ta còn bảo tồn làm gì nữa. Cho nên, quan niệm làm mới Xoan để di sản tiếp cận với cuộc đời hiện đại thì dường như, càng làm mới sẽ càng xa rời cuộc đời hiện đại.

“Giữ nguyên, giữ đúng bản chất, để nó tự vận động là hay nhất, là lối bảo tồn di sản tốt nhất trong đời sống hiện đại”- nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nhấn mạnh.

Trong quá trình nỗ lực bảo vệ hát Xoan, Phú Thọ đã bắt đầu khôi phục được không gian Xoan, trong đó có việc khôi phục lại đình làng Thét và miếu Lãi Lèn- tương truyền là miếu sớm nhất của tỉnh, nơi sinh ra hát Xoan, miếu ấy tương truyền xây trên mảnh đất xưa vua Hùng đi tìm đất dựng thành đã nghỉ chân.

Nhiều ngôi đình cũng khác đang được phục dựng, là những việc làm hiệu quả của Phú Thọ, nhưng xây dựng rồi, hoạt động như thế nào để Xoan trở lại với không gian ấy và hoạt động một cách hiệu quả. Chỉ có bảo tồn theo hướng ấy, chúng ta mới làm sống được di sản một cách chân xác và bền vững.

(HNS)