‘Vì sao chúng ta ở đây ôm chặt buồn, mà sao chúng ta chẳng ôm nhau một lần’ là một chương trình âm nhạc thật đặc biệt, như bao lần đặc biệt khác của Lê Cát Trọng Lý.
Concert của Lý phải hoãn đi hoãn lại mấy lần vì dịch COVID-19. Nhưng thật may, cuối cùng ban nhạc của Lý cùng khán giả cũng đã thỏa mãn với những đêm nhạc thăng hoa, nhiều cảm xúc và kết nối.
Lý sẽ “không hát như lúc xưa”
Đây là concert với phong cách Classical-Folk cuối cùng của Lý cùng sự chuyển soạn, phối khí của nhạc sĩ Nguyễn Thanh Tú; khép lại hành trình đẹp mà trong suốt sáu năm qua Lý lang thang, tìm kiếm sự giao thoa giữa cổ điển và âm nhạc dân ca.
Để từ đây, những năm sắp tới Lý sẽ “không hát như lúc xưa” mà thử nghiệm những dòng nhạc mới, những phong cách trình diễn mới.
Concert lần này, Lý diễn những bài cô thích nhất trong suốt 10 năm qua với đa dạng màu sắc và cung bậc cảm xúc. Đặc biệt hơn, có những bài đã gần 8, 9 năm về trước nhưng được Lý phối mới với sự tham gia của những nghệ sĩ quốc tế.
Trên sân khấu, Lý không chỉ hát một mình. Ngoài dạng nhạc cổ điển Phương Tây, Lý còn có sự trợ lực từ dàn hợp xướng Gió Xanh và đặc biệt là dàn hợp xướng mà Lý gọi là “Phủ phê ngơ ngơ” với 100 tình nguyện viên là những người yêu nhạc Lý đến ủng hộ, tập luyện và biểu diễn cùng.
Sân khấu vì vậy không còn xa lạ, nơi người nghệ sĩ khoe tài năng mà giờ đây trở nên gần gũi và Lý gọi trìu mến “sân khấu của chúng mình, âm nhạc của chúng mình”.
Dường như với sự trợ lực từ nhạc sĩ Nguyễn Thanh Tú trong phần phối khí, âm nhạc của Lý như được chắp thêm đôi cánh, rực rỡ, sống động và lớp lang hơn rất nhiều.
Có khi Lý cầm “cây đàn kỳ dị” tên Drangyen, một cây đàn truyền thống ở xứ Bhutan ngân nga ca khúc Con chim già ngất ngư, người nghe như rơi vào vùng trời trong trẻo mây trắng xứ sở bình an Bhutan.
Cũng có khi Lý cùng dàn Hợp xướng hòa thanh những giai điệu hùng vĩ hoang dã ở xứ Madagascar… Hay cũng có khi Lý nỉ non cùng với đàn kìm, cổ cầm, hát đồng song thanh, hát cổ điển kiểu Mông Cổ qua các ca khúc như Ơi, Mời bạn đòi chia tay… Tất cả khiến không gian như rơi vào cõi vô thực, an lành và cũng thật ấm áp.
Cũng có khi âm nhạc của Lý là lời tự sự mộc mạc dễ thương thông qua các ca khúc Vì ta quá nhạt, Đừng mua nhiều nhà hơn mình cần…
Cũng có khi trái tim khán giả quay về với những cảm xúc thổn thức xưa cũ qua một ca khúc rất trầm lắng – Bến vắng.
Âm nhạc của sự kết nối
Trên sân khấu Lý mặc một bộ đồ thật giản dị nhưng cô chiêu đãi người nghe thứ âm nhạc công phu, chỉn chu và nhiều tình yêu, tâm huyết. Có những lúc cả khán phòng như cùng hòa quyện lời ca với Lý, thế giới như chỉ còn những khúc bồng bềnh của những trái tim trong trẻo…
Dù concert pha trộn nhiều màu sắc âm nhạc, đa dạng chất liệu âm nhạc và nhạc cụ trên khắp thế giới, nhưng lại không rời rạc mà rất hòa quyện và được dẫn dắt bởi chính nền âm nhạc dân ca Việt Nam.
Nghe nhạc Lý, người nghe như vừa thấy lạ, vừa thấy quen… đó là thứ âm nhạc của sự kết nối, kết nối giữa những giai điệu, kết nối giữa những ngôn ngữ, kết nối giữa những dân tộc khác nhau và kết nối con tim…
Đây cũng chính là lý do vì sao Lý đặt tên Concert Vì sao chúng ta ở đây ôm chặt buồn, mà sao chúng ta chẳng ôm nhau một lần như một cách gửi gắm, thôi đừng ôm nỗi riêng nữa, hãy ôm nhau, hãy yêu thương nhau, thế giới này chỉ cần một cái ôm là đủ.
Live concert Vì sao chúng ta ở đây ôm chặt buồn, mà sao chúng ta chẳng ôm nhau một lần của Lê Cát Trọng Lý đã diễn ra trong 2 đêm 30 và 31-5 tại Hà Nội và diễn ra trong 3 đêm 4, 5 và 6-6 tại Nhà hát VOH Music One, TP.HCM.
K.P (TTO)