Tranh cãi việc để trí tuệ nhân tạo hoàn tất Bản giao hưởng số 10 của Beethoven

0
797
Một bức vẽ graffiti khắc họa chân dung Beethoven ở thành phố Bonn (Đức)

Trí tuệ nhân tạo sẽ được sử dụng để hoàn tất bản giao hưởng số 10 vẫn còn dang dở của Beethoven. Điều này được thực hiện nhân dịp tròn 250 ngày sinh của ông. Nhưng xung quanh dự án này có nhiều ý kiến tranh luận.

Nhà soạn nhạc người Đức chỉ để lại một vài ý tưởng về bản giao hưởng dở dang này. Một phần mềm trí tuệ nhân tạo đang được sử dụng để hoàn tất tác phẩm. Bản giao hưởng này sẽ được ra mắt vào năm 2020 – “Năm Beethoven”.

Bản giao hưởng số 10 chưa hoàn tất của Ludwig van Beethoven (1770 – 1827) sẽ được hoàn tất bằng trí tuệ nhân tạo nhân dịp tròn 250 ngày sinh của ông trong năm 2020. Trước khi ra đi vào năm 1827, Beethoven chỉ để lại một vài ghi chú vội vã trong cuốn sổ của mình về những ý tưởng dành cho Bản giao hưởng số 10.

Giờ đây, một nhóm các nhà nghiên cứu âm nhạc và lập trình đang chạy đua với thời gian để hoàn tất một bản giao hưởng được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo. Bản giao hưởng này sẽ là những dự đoán về cách Beethoven sáng tạo Bản giao hưởng số 10.

Bà Christine Siegert, người đứng đầu kho lưu trữ tại Nhà Beethoven nằm ở quê hương của ông – thành phố Bonn (Đức) cho biết: “Quá trình sáng tạo quả thực ấn tượng, dù vậy trí tuệ nhân tạo vẫn còn đang học hỏi tiến bộ thêm nữa”.

Bà Siegert chia sẻ rằng bà tin nhà soạn nhạc Beethoven hẳn sẽ ủng hộ kế hoạch này bởi ông cũng được xem như thiên tài âm nhạc ưa chuộng những sáng tạo tiên phong so với thời đại của mình.

Các hoạt động chào đón “Năm Beethoven” đang được tích cực tiến hành ở thành phố Bonn (Đức) – quê nhà của Beethoven

Bà Siegert cũng khẳng định rằng tác phẩm được tạo ra sẽ không ảnh hưởng gì tới gia tài âm nhạc mà Beethoven để lại, bởi bản giao hưởng do trí tuệ nhân tạo sáng tác nên sẽ không bao giờ được xem là một phần trong sự nghiệp của Beethoven.

Bản giao hưởng sau cùng được lựa chọn sẽ được trình diễn bởi một dàn nhạc đồ sộ vào ngày 28/4/2020 ở Bonn, đây được xem là điểm nhấn quan trọng nhất trong hoạt động kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Beethoven tại quê nhà của ông – thành phố Bonn.

Beethoven được xem là nhân vật nổi tiếng nhất của Đức xét trong lĩnh vực âm nhạc, ông được yêu quý tại quê nhà của mình đến mức hoạt động chuẩn bị cho lễ kỷ niệm trọng đại trong năm tới đã được đề cập cụ thể trong kế hoạch hành động của nhà chức trách địa phương từ năm 2013.

Các hoạt động kỷ niệm bắt đầu được tiến hành từ ngày 16/12, tức sinh nhật thứ 249 của Beethoven, hoạt động đầu tiên chính là việc mở cửa ngôi nhà của Beethoven ở Bonn với tư cách một viện bảo tàng tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của ông, sau khi nơi này đã trải qua hoạt động sửa chữa và mở rộng.

Tấm biển bên ngoài ngôi nhà nơi Beethoven từng được sinh ra ở thành phố Bonn (Đức)

Beethoven đã bắt đầu thực hiện Bản giao hưởng số 10 từ khi đang thực hiện Bản giao hưởng số 9, nhưng ông đã phải ngừng công việc sáng tác Bản giao hưởng số 10, chỉ để lại một vài ghi chép và bản nháp trước khi qua đời ở tuổi 57.

Trong dự án hiện tại, trí tuệ nhân tạo sẽ được làm quen với tất cả các tác phẩm của Beethoven nhằm nắm bắt phần nào phong cách sáng tác của ông, đồng thời đưa ra những dự đoán về Bản giao hưởng số 10 dựa trên những thông tin mà ông để lại cũng như phong cách sáng tạo của ông.

Ê-kíp cho biết những bản giao hưởng đầu tiên được sáng tạo ra từ cách đây vài tháng, nhưng khi ấy giai điệu vẫn còn quá trùng lặp và khô cứng, các phiên bản về sau được trí tuệ nhân tạo sáng tạo ra nghe đã có vẻ hấp dẫn hơn.

Ông Barry Cooper, một nhà soạn nhạc người Anh đã từng thử viết tiếp Bản giao hưởng số 10 hồi năm 1988, ông cảm thấy khá hoài nghi trước dự án này: “Tôi đã nghe một đoạn ngắn được trí tuệ nhân tạo sáng tạo ra. Tôi không cảm thấy đó là một giai điệu thuyết phục so với phong cách của Beethoven. Mặc dù vậy, hy vọng sẽ có những sự cải thiện trong các phiên bản về sau”.

Đèn tín hiệu giao thông ở thành phố Bonn (Đức) mang những nét phác họa chân dung Beethoven

Ông Cooper là một giáo sư âm nhạc tại trường Đại học Manchester và là tác giả của một số nghiên cứu đối với âm nhạc Beethoven. Trước đây, những thử nghiệm sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết tiếp những tác phẩm còn bỏ dở của các nhà soạn nhạc lừng danh như Johann Sebastian Bach, Gustav Mahler và Franz Schubert đã không mấy thành công, không nhận được nhiều sự hưởng ứng.

Bích Ngọc (HNS)