Đêm nhạc Ý tại Tp.HCM

0
961

Ý là quốc gia đã dẫn đầu âm nhạc cổ điển châu Âu trong ít nhất 400 năm. Nhạc kịch cũng đã được phát triển từ đất nước này, và khoảng một nửa các tác phẩm nhạc kịch vĩ đại nhất thế giới đã được sinh ra tại Ý. Khi còn nhỏ Mozart đã đến Ý để học âm nhạc. Thậm chí, những ký hiệu âm nhạc chỉ sắc thái, tốc độ đến tận ngày nay vẫn được viết bằng tiếng Ý trên toàn thế giới, ví dụ như allegro, andante, lento, presto, v.v.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Nhà hát Giao hưởng Nhac-Vũ kịch (HBSO) dành hẳn một đêm biểu diễn các tác phẩm âm nhạc Ý tại Nhà hát Thành phố vào thứ 7 ngày 5 tháng 10. Chương trình hợp tác với Tổng Lãnh Sự Quán Italia tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng không ngạc nhiên khi phần lớn các tác phẩm được biểu diễn trong buổi hoà nhạc là các trích đoạn từ các vở nhạc kịch. Nhạc kịch đã từng là trung tâm đời sống Ý trong vài thế kỷ, thậm chí còn được sử dụng cho mục đích chính trị trong khoảng thời gian thống nhất đất nước vào năm 1861. Cái tên của nhà soạn nhạc Verdi đã được sử dụng như một từ viết tắt cho phong trào thống nhất, V-E-R-D-I là Vittorio Emanuele Re d’Italia (‘Victor Emanuel Vua nước Ý’), là tên vị Vua đầu tiên khi đất nước Ý được thống nhất.
Chương trình được bắt đầu với khúc mở màn (overture) của Bellini từ Nhạc kịch “Norma”. Bellini là bậc thầy của phong cách ‘bel canto’ (trường phái thanh nhạc nổi tiếng xuất phát từ Ý với đặc trưng là giai điệu ca từ đẹp cùng với chất giọng đẹp của người hát’), và nhạc kịch “Norma” được coi là tác phẩm hay nhất của ông. Tác phẩm nói về một nữ tu sĩ, người muốn gây dựng cuộc đấu tranh từ những người theo đạo chống lại người La Mã đang chiếm đóng, nhưng bất thành vì chính cô đang rơi vào cuộc tình với đội trưởng của đội quân La Mã đó.
Tác phẩm biểu diễn kế tiếp là khúc dạo đầu (Prelude) của Verdi từ Nhạc kịch “Traviata”. Verdi nối nghiệp Bellini và được xem là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của Ý. Nhạc kịch “Traviata” kể về mối tình bi thương giữa giọng nữ cao, Violetta và giọng nam cao, Alfredo. Tiếp theo là hai khúc song ca tuyệt đẹp của vở nhạc kịch này.
Sau tác phẩm intermezzo nổi tiếng từ nhạc kịch một chương của Mascagni “Cavalleria Rusticana” (đã giành giải nhất mục nhạc kịch một chương và sau đó được biểu diễn khắp nơi trên thế giới), là 3 tiết mục từ nhạc kịch “Nabucco” (Nebuchadnezzar) của Verdi. Tác phẩm này là một câu chuyện trong cuốn Kinh Thánh kể về người Do Thái cổ xưa bị lưu đày. Một trong ba tiết mục đó có tác phẩm ‘Va, pensiero’ (Hãy đi và suy nghĩ), nổi tiếng đến mức đã trở thành quốc ca không chính thức cho phong trào thống nhất nước Ý.
Sau giải lao sẽ là các tác phẩm nhiều thể loại, nhưng không phải là các trích đoạn từ nhạc kịch.
Phần hai biểu diễn các tác phẩm nổi tiếng từ những bộ phim Ý, như Life is Beautiful, The Mission, The Good, the Bad and the Ugly, và Cinema Paradiso. Trong đó, Cinema Paradiso được xem là một trong những bộ phim vĩ đại nhất từng được thực hiện.
Đêm diễn cũng có những bài hát truyền thống của Ý như Santa Lucia, La Danza và O sole mio.
Hai tiết mục cuối được chuyển soạn bởi Roberto Fiore, cũng là nhạc trưởng đảm nhiệm vai trò chỉ huy đêm diễn.
Giá vé cho chương trình từ 300.000 đến 650.000đ với giá đặc biệt cho HS-SV là 80.000đ.
SN