Bài hát “Một nét ca trù ngày xuân” là một sáng tác hiếm hoi được nhạc sĩ Nguyễn Cường viết về chủ đề tết.
Nhưng với ông, đó là ca khúc đáng tự hào. “35 năm nay, tết nào tôi cũng thấy người ta mở nó để nghe, như thế là đủ để mình vui rồi”, ông nói.
“Một nét ca trù ngày xuân” là bài hát độc đáo của Nguyễn Cường. Ông viết từ năm 1984. “Vì sao lại là “nét ca trù?” Nguyễn Cường nói, cách gọi “ca trù” mang tính thân phận. Tuy nhiên, trong bài hát của ông, ca trù lại nói về vẻ đẹp, tâm hồn, một vẻ đẹp kín đáo mà lấp lánh, ngời sáng.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường.
Bài hát được ông viết tặng người yêu, sau này là vợ của ông, khi cuộc đời của vị nhạc sĩ đã trải qua không ít thăng trầm.
“Âm nhạc là vậy, được gợi cảm hứng từ một người nhưng lại viết ra cho nhiều người, cho cả chính mình”, nhạc sĩ Nguyễn Cường tâm niệm.
Tác giả cho hay, khi viết ca khúc, ông không nghĩ mình có thể đạt được đến một giới hạn nào đó về nghệ thuật, cũng không có ý định viết một bài hát nào đó mà phải có màu sắc ca trù hay phải đạt đến một hình thức ca hát độc đáo, trí tuệ nào đó. Nhưng hóa ra ca trù ngấm vào ông đến mức Nguyễn Cường không hề biết.
Ông nhận ra, khi lên Tây Bắc viết về dân tộc Thái, ông phải tìm hiểu lại từ đầu để biết dân ca Thái như thế nào. Đến Tây Nguyên phải học dân ca Ê đê để những thứ đó có thể ngấm vào người. Thế nhưng với ca trù thì khác.
“Khi mình đang là người Việt Nam, nói sõi tiếng Việt, thì mình đang hát đấy mà không biết. Còn nói tiếng Việt Nam thì những giai điệu như chèo, ca trù, quan họ, trống quân đang chảy trong mạch nguồn mình mà mình không biết”.
Năm 1992, khi đi viết nhạc phim, Nguyễn Cường gặp một thanh niên làm công việc hậu đài đang say sưa nghe một làn điệu chèo. “Lúc đó, tôi thấy cậu ta khóc, nước mắt chan chứa. Tôi ngạc nhiên quá, hỏi thì hóa ra cậu ấy nghe chèo cho đỡ nhớ nhà. Và càng nghe thì càng nhớ. Dù ngày thường, cậu ấy cũng giống như bao thanh niên khác đều nghe những dòng nhạc hiện đại. Thế đấy, chúng ta yêu chèo hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Sau này, khi viết Nét ca trù ngày xuân, đến câu “Ai ngăn nổi mùa xuân tới”, tôi thốt lên: “Ô cái gì như là ca trù ấy nhỉ”. Và nét ca trù ấy chảy vào mình càng khát khao, mãnh liệt hơn”, nhạc sĩ kể lại.
“Già vẫn mơ Thị Màu”
Nguyễn Cường nói vậy khi được hỏi về phụ nữ. Ông nói: “Tôi rất yêu dân ca, đặc biệt là chèo, vì chèo thể hiện tất cả tính cách của người Việt Nam, ái ố hỉ nộ đủ cả. Đặc biệt, tôi quan tâm tới một nhân vật thú vị đó là Thị Màu. Với tôi, Thị Màu là người con gái đẹp nhất Việt Nam 4.000 năm qua”.
Hình tượng Thị Màu trên sân khấu.
“Vì sao lại gọi Thị Màu mà không phải Thị Hoa, Thị Liễu, có bao giờ các bạn nghĩ như vậy? Văn minh của chúng ta rất cần sự phồn thực, màu mỡ để sinh sôi và Thị Màu là cô gái đầy tự tin, khát sống, khát yêu… Bởi thế, trong bài hát của mình, tôi minh oan cho Thị Màu”, nhạc sĩ Nguyễn Cường nói.
Bài hát nhạc sĩ Nguyễn Cường nhắc đến là “Khúc độc thoại Thị Màu”. Ông gọi đây là cuộc giải oan cho nhân vật. Theo ông, các thế hệ mai sau cần có cái nhìn khác về Thị Màu, bởi đây là giai nhân sống động, mãnh liệt nhất của vẻ đẹp Việt Nam.
Đào Bích (HNS)