Người trẻ giữ nghệ thuật truyền thống

0
957
Buổi chia sẻ về hò và lý Nam bộ được nhiều bạn trẻ đặc biệt quan tâm

Một số người trẻ tìm về nghệ thuật truyền thống không xem việc giữ gìn và phát triển chúng là sứ mệnh mà chỉ vì đam mê, sở thích. Trong tinh thần thong dong ấy, những việc họ làm lại rất hiệu quả.

Bốn tháng sau Khảy nhịp tang tình, chương trình Diễn xướng Nam bộ kỳ 2 mang tên Hò – Lý phương Nam vừa được nhóm bạn trẻ thuộc tổ chức Đối thoại văn hóa cộng đồng (Cultural Community Discourse – CCD) thực hiện.

Với quy mô của chương trình, CCD không cần đến 4 tháng để chuẩn bị, nhưng mô hình hoạt động phi lợi nhuận không cho phép họ làm sớm hơn: địa điểm tổ chức phụ thuộc đơn vị Soul Live Project hỗ trợ, bị động với lịch của diễn giả lẫn lịch làm việc riêng của các thành viên nhóm CCD.

Đến nay, CCD đã tổ chức được các sự kiện: Sự phát triển song sinh của Sài Gòn – Chợ Lớn, Táo quân – Nhất gia chi chủ, Xây chầu hát bội, Tấu khúc tỳ bà, Cung xưa nếp cũ, Đàn bà nước Nam… Tất cả đều được nhóm lên ý tưởng ngẫu nhiên và kế hoạch thực hiện 10 kỳ Diễn xướng Nam bộ cũng đầy ngẫu hứng, không theo thứ tự, không ấn định cụ thể thời gian.

Nhiều nhóm bạn trẻ khác cũng hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận, không bị áp lực về thời gian hay tiền bạc, nên thoải mái ưu tiên cảm xúc cá nhân. Trước Diễn xướng Nam bộ còn có dự án Vẽ về hát bội, có nhóm Ingo với chủ trương đưa tranh Đông Hồ gần hơn với trẻ em, nhóm Sài Gòn có mưa chuyên thực hiện các dự án hội họa liên quan đến Sài Gòn, nhóm Humans of Saigon thác những câu chuyện về con người, vùng đất Sài Gòn…

Với những chuyển biến của xã hội hiện đại, thật khó trách người trẻ thiếu hiểu biết về nghệ thuật truyền thống mà cần nhìn nhận thái độ của họ ở phạm vi rộng hơn.

“Yếu tố thời đại, công nghệ, xã hội, giáo dục tác động lớn đến sự tồn tại của các loại hình nghệ thuật truyền thống và người trẻ, không thể nói họ quay lưng, như thế thì hơi nặng nề. Họ không có điều kiện tiếp xúc với văn hóa xưa. Nếu có trách, phải trách giáo dục. Chúng ta chưa đặt văn hóa truyền thống vào đúng giá trị nó xứng đáng, để lưu truyền cho thế hệ sau” – PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM) cho biết.

Theo bà Mỹ Liêm, mô hình hoạt động của CCD và một số dự án khác của người trẻ là điểm sáng đối với nghệ thuật truyền thống nói riêng và văn hóa thưởng thức nói chung. Với những hội, nhóm hoạt động phi lợi nhuận như vậy, thái độ tự giác của họ là điều đáng hoan nghênh, nhưng cũng không nên ấn trách nhiệm giữ gìn văn hóa truyền thống vào tay họ. Có rất nhiều việc mà những người lớn, các nhà giáo dục, nghệ sĩ, thậm chí Nhà nước phải chung tay làm và làm hết sức nghiêm túc.

Lục Phạm Quỳnh Nhi, phụ trách nội dung chính của CCD, gọi những buổi nói chuyện trong hành trình Diễn xướng Nam bộ là gieo những hạt mầm: “Chúng tôi gợi ý, bày ra những lựa chọn để công chúng tự quyết định”.

Những người trẻ cũng hiểu giới hạn của mình trong việc lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống ra cộng đồng. Họ chọn tiếp cận một bộ phận nhỏ những người cũng trẻ như họ và cứ thế bước đi trên hành trình đồng hành cùng nghệ thuật truyền thống.

Diễm Mi (PNO)