Vì sao Beethoven bị điếc?

0
1313

Khi bản giao hưởng số 9 huyền thoại của Ludwig van Beethoven lần đầu trình diễn vào năm 1824, nhà soạn nhạc đã phải xoay người lại để thấy màn hoan hô của khán giả – ông không còn khả năng nghe tiếng vỗ tay của họ nữa.

Beethoven đã cảm nhận được những khó khăn về thính giác của minh vào nhiều thập kỷ trước đó, có thể là năm 1798, khi ông ở tuổi 28. Đến quãng năm 44 hoặc 45 tuổi, ông đã hoàn toàn bị điếc và không còn khả năng trò chuyện. Vì thế, ông đành phải viết ra giấy những gì muốn trao đổi với đồng nghiệp, khách khứa và bạn bè. Ông qua đời vào năm 1827 ở tuổi 56. Nhưng cho đến khi qua đời thì ông vẫn còn đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa phương Tây, thậm chí là hơn thế.

Vậy Beethoven bị điếc là do nguyên nhân nào? Đây thực sự là một câu hỏi khó bởi vì có rất nhiều chứng bệnh trong hai trăm năm qua liên quan đến nó, từ bệnh giang mai giai đoạn 3, nhiễm độc kim loại nặng, lupus, sốt phát ban đến bệnh sarcoid và bệnh xương Paget.

Beethoven được rửa tội vào ngày 17/12/1770 (không ai chắc chắn về ngày sinh của ông, thường người ta nghĩ là ngày 16/12).

Giống như nhiều người sống trong thời kỳ cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, ông có hàng chứng bệnh tật ốm đau. Trong trường hợp của Beethoven, danh sách gồm có chứng đau bụng kinh niên và tiêu chảy, có thể là do một loại viêm ruột, trầm cảm, lạm dụng rượu, các vấn đề về hô hấp, đau khớp, viêm mắt và xơ gan. Việc uống rượu như hũ chìm có thể là vấn đề cuối cùng khiến ông bị suy sụp sức khỏe và dẫn đến cái chết. Sau khi bị liệt giường trong nhiều tháng, ông qua đời vào năm 1827, như kết cục của nhiều người mắc bệnh gan và thận, viêm phúc mạc, cổ chướng vùng bụng và viêm não. Một cuộc khám nghiệm tử thi đã tiết lộ thêm nhiều triệu chứng xơ gan, giãn nở cơ quan thính giác và những dây thần kinh liên quan đến tai.

Ferdinand Hiller, một nhà soạn nhạc trẻ đã cắt một ít tóc của nhà soạn nhạc và coi đó là một kỷ vật quý giá – một tục lệ chung thời kỳ đó. Món tóc này đã được gìn giữ trong gia đình Hiller trong gần một thế kỷ rồi bằng cách nào đó tới một làng chài nhỏ bé ở Gilleleje trong thời kỳ phát xít Đức kiểm soát Đan Mạch, và rơi vào tay một bác sĩ địa phương, Kay Fremming. Vị bác sĩ đã cứu giúp hàng trăm mạng sống của người Do thái trốn thoát tới ngôi làng cách eo biển Øresund 10 dặm, một biên giới tự nhiên giữa Đan Mạch và Thụy Điển. Một giả thuyết đưa ra là một trong số những người Do thái, có lẽ liên quan đến Ferdinand Hiller, đã trao cho bác sĩ Fremming nắm tóc của Beethoven hoặc dùng nó để đền đáp sự giúp đỡ của ông.

Vị bác sĩ này đã trao nắm tóc này, bao gồm 582 sợi, cho con gái của ông, người sau đó đã đưa ra bán đấu giá vào năm 1994. Một nhà niệu học ở Arizona tên là Alfredo Guevera đã mua 160 sợi với giá 7.000 USD. 422 sợi còn lại đã được quyên góp cho Trung tâm Ira F. Brilliant chuyên nghiên cứu về Beethoven tại trường đại học liên bang San Jose ở California.

Guevera và Ira Brilliant, một nhà sưu tập và từ thiện đã cùng theo đuổi câu hỏi vì sao Beethoven lại điếc. Họ đã đặt những sợi tóc màu nâu, xám và trắng vào các test hình ảnh, DNA, hóa học, pháp y và độc học. Nó không có dấu hiệu gì về morphine, thủy ngân hay arsenic nhưng lại cho thấy tỷ lệ chì ở mức bất bình thường, và chỉ cho thấy khả năng bị nhiễm độc chì, vốn có thể là khả năng dẫn đến chứng điếc ở Beethoven, dẫu cho nó không giúp giải thích được những căn bệnh mà ông mắc. Thêm vào đó nhiều nghiên cứu đã đề xuất là có thể ông uống rượu từ những các ly chứa chì. Phải lưu ý là rượu ở thời kỳ đó thường có thêm chì như một chất làm ngọt.

Hành trình của nắm tóc Beethoven và các phân tích y học đã trở thành chủ đề của một cuốn sách bán chạy “Beethoven’s Hair: An Extraordinary Historical Odyssey and a Scientific Mystery Solved” (Tóc Beethoven: Một Odyssey khác thường trong lịch sử và một bí ẩn khoa học được giải quyết) của Russell Martin.

Gần đây, vào năm 2013, một nhóm các nhà phẫu thuật tai — Michael H. Stevens, Teemarie Jacobsen, và Alicia K. Crofts của trường đại học Utah – đã xuất bản một bài báo về lịch sử sức khỏe của Beethoven trên tạp chí The Laryngoscope. Họ cũng kết luận là “thói nghiện rượu kinh niên của Beethoven với chì là lời giải thích xác đáng cho chứng điếc của ông hơn những nguyên nhân khác.”

Tuy nhiên phải nói rằng, nhiều bác sĩ và nhiều nhà bệnh học lại không hài lòng với cách giải thích này. Ví dụ vào năm 2016, một nhóm ba bác sỹ Avraham Z. Cooper, Sunil Nair và Joseph M. Tremaglio tại Trung tâm Y học Beth Israel và trường y khoa Harvard tại Boston, đã chỉ ra trong một bài viết ngắn cho American Journal of Medicine sự cần thiết cho “một chẩn đoán thống nhất để giải thích hội chứng liên quan đến những nội quan của Beethoven, bao gồm cả bệnh điếc”. Họ đề xuất hội chứng Cogan, một rối loạn miễn dịch được đánh dấu bằng một chứng viêm các mạch máu có hệ thống và bao gồm cả viêm các nội quan như gan, ruột, khớp và có thể viêm mạch lan tới các mạch máu đến tai thì sẽ dẫn đến điếc đặc.

Đây là một trong số nhiều trường hợp cá biệt của một bệnh nhân nổi tiếng trong lịch sử y học với những chứng bệnh không rõ ràng về nguyên nhân gây bệnh – một vấn đề quá phổ biến khi chẩn đoán bệnh của người qua đời trước khi y học hiện đại ra đời.

Trong những năm cuối đời, dẫu Beethoven là một nhạc trưởng và nghệ sỹ piano siêu hạng, nhưng khó có nhiều công việc cho một nhà soạn nhạc điếc nên ông phải trao cơ hội cho những người khác. Không chỉ với bản giao hưởng số 9 mà cả Missa Solemnis, một tác phẩm tôn giáo cho dàn nhạc và giọng hát, và Fidelio, cùng nhiều tác phẩm quan trọng khác.

Trong năm kỷ niệm Beethoven, nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông sẽ được chọn để trình diễn. Dù chịu nhiều chứng bệnh nhưng ông vẫn đủ khả năng tạo ra một tác phẩm đồ sộ về tình hữu ái, bản giao hưởng số 9. Thật may mắn, chúng ta có được những kiệt tác mà ông trao cho – một món quà mà ngày nay ông vẫn còn làm giàu cho thế giới này.

A.V (HNS)