Trân trọng “di sản sống”: Không chỉ danh hiệu

0
1072
Các chương trình giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đúng chuẩn mực rất cần có điểm diễn cố định tại TP HCM

Không chỉ cần danh hiệu, các nghệ nhân đờn ca tài tử cần được ưu đãi đặc biệt để cải thiện đời sống vật chất đang thiếu thốn, từ đó dốc lòng cống hiến

Cả nước vừa có 62 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND). Đây là đợt phong tặng NNND đầu tiên cho các cá nhân có nhiều cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Thiếu chính sách đãi ngộ đặc biệt

Đối với nghệ nhân Lê Thanh Tùng (TP HCM), người đã có hơn 50 năm gắn bó với nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ, được tặng danh hiệu NNND là vinh dự rất lớn. Thế nhưng, ông cho biết: “Chúng tôi không được nhận trợ cấp nào để có thể yên tâm sống, truyền nghề. Từ khi về hưu, không còn công tác tại Trung tâm Văn hóa Hóc Môn, tôi mở lò đào tạo tại nhà, có 20 học trò theo học, mỗi tháng mỗi trò đóng học phí 200.000 đồng. Tôi sống thế nào với số tiền ấy nếu không có vợ con đỡ đần cho mình”.

NNND Út Tỵ bày tỏ: “Buồn hơn khi chúng tôi không có BHYT, BHXH. Lớn tuổi rồi nên rất cần được chăm sóc sức khỏe. Mong nhà nước có chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với nghệ nhân chúng tôi”.

Là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Nam Bộ được thế giới vinh danh, trong không gian văn hóa của nghệ thuật ĐCTT trải dài khắp 21 tỉnh – thành, TP HCM hội tụ các hoạt động thu hút được giới tài tử khắp nơi đổ về. Theo khảo sát từ năm 2015, trên địa bàn TP HCM có 118 CLB ĐCTT với hơn 1.000 tài tử ca và khoảng 1.000 tài tử đờn. TP HCM cũng chiếm ưu thế hơn hẳn các địa phương khác. Thế nhưng nhiều năm qua, trong các cuộc hội thảo, họp mặt của giới nghệ nhân đã có không ít lời phàn nàn, thắc mắc về chế độ, chính sách đãi ngộ xứng đáng cho những nghệ nhân dân gian bởi họ thật sự là “di sản sống” cần được trân trọng.

“Ở các nước tiên tiến, chính phủ có chế độ đến cuối đời đối với các nghệ nhân được công nhận. Tôi đã nhiều lần kiến nghị về chế độ chính sách đối với nghệ nhân dân gian. Hiện nay, có quá nhiều nghệ nhân phải tự bươn chải để sinh sống, có người còn ở nhà thuê. Nếu phong tặng danh hiệu và có chính sách đãi ngộ đặc biệt đi kèm thì giá trị động viên rất lớn” – PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm nói.

Cần giải pháp lâu dài

ĐCTT Nam Bộ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thế nhưng, đội ngũ nghệ nhân lại không có chính sách đãi ngộ thích hợp, họ sẽ rơi rụng dần trong đời sống nghèo khó, mang theo rất nhiều kinh nghiệm quý chưa kịp trao truyền. TP HCM không thiếu tiền để “nuôi” các nghệ nhân dân gian và tạo cho họ điều kiện để truyền nghề.

Nghệ nhân Hoàng Tấn (Chủ nhiệm CLB ĐCTT TP HCM) nói: “Chính sách nhà nước dành cho nghệ nhân dân gian phải phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời phải có cam kết thực hiện. Tôi biết hiện một số địa phương đã có đề án xây dựng chế độ đãi ngộ, TP HCM vẫn chậm được phê duyệt. Phải kịp thời thống kê để xem còn bao nhiêu nghệ nhân nghèo khó, tạo điều kiện để họ hoạt động và bảo đảm đời sống một cách tốt nhất”. Về không gian ĐCTT Nam Bộ, nghệ nhân Hoàng Tấn cho rằng TP HCM phải xây dựng một địa điểm biểu diễn cố định, là nơi trao đổi kỹ năng, sáng tác, đào tạo thế hệ kế thừa. Đây phải được xem là không gian chuẩn mực cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy.

Các nghệ nhân dân gian đều đồng lòng kiến nghị nhà nước có giải pháp lâu dài để thay đổi đời sống nghệ nhân, giúp họ phát huy đúng tầm giá trị của di sản.

“Việt Nam đã xác định du lịch là một hình thức quảng bá hữu hiệu các giá trị văn hóa dân tộc cũng như đóng góp tích cực cho việc bảo tồn vốn quý quốc gia. Vậy nhưng, từ khi di sản ĐCTT Nam Bộ được đưa vào khai thác du lịch, có mấy nghệ nhân chính gốc như chúng tôi được mời. Không cấp dưỡng kinh phí thì tạo điều kiện để chúng tôi làm nghề, đằng này vẫn chỉ là những nhóm ĐCTT không chuyên, xem ĐCTT là trò mua vui, xuất hiện trong các chương trình quảng bá du lịch, làm giảm đi giá trị của di sản” – NNND Út Tỵ bức xúc.

Hiện nay, một số tỉnh, thành phố đã chủ động rà soát chất lượng các chương trình biểu diễn ĐCTT tại các điểm du lịch và ra một số quy định nhằm bảo vệ, giữ gìn giá trị nghệ thuật ĐCTT. Cụ thể như dàn nhạc phải bảo đảm ít nhất 3 loại nhạc cụ, ít nhất 4 người biểu diễn, quy định thời lượng và số bài bản biểu diễn. Theo NNND Út Tỵ, việc thống kê này có chậm nhưng vẫn còn hơn là bỏ mặc.

Còn nhiều nỗi lo

Việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức định kỳ 3 năm/lần. Trong năm 2015, đã có hơn 600 nghệ nhân tiêu biểu vinh dự được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Trong đợt xét tặng danh hiệu vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng ký quyết định truy tặng danh hiệu NNND và Nghệ nhân Ưu tú cho 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc giữ gìn văn hóa phi vật thể. Việc nhà nước xét tặng danh hiệu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là sự tôn vinh thiết thực, xứng đáng đối với nghệ nhân – những “báu vật nhân văn sống” có đủ phẩm chất đạo đức, tài năng xuất sắc; có cống hiến tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc. Nói theo lời NNND Út Tỵ: “Đó là niềm hạnh phúc rất lớn đối với những người cả đời gắn bó với nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ như chúng tôi. Song, còn đó quá nhiều nỗi lo”.

T.H (HNS)