Với nhiều điểm mới được đánh giá là tiến bộ, phù hợp với tình hình phát triển văn hóa nghệ thuật, giải trí của đất nước và thế giới, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (NTBD) vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 14-12 (thay thế Nghị định số 79/2012/NĐ-CP) và có hiệu lực từ ngày 1-2-2021.
Tạo hành lang thông thoáng
Nghị định số 144/2020/NĐ-CP (Nghị định 144) quy định về hoạt động NTBD gồm 5 chương và 31 điều với nhiều nội dung được cho là thông thoáng, “cởi trói” nhiều thủ tục hành chính, “giấy phép con”, như: Bỏ khái niệm “tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam” (hay được gọi “ca khúc trước 1975”), trước đây nếu muốn phổ biến các tác phẩm này phải có hồ sơ xin cấp phép riêng; bỏ khái niệm “cấp phép”, thay bằng cụm từ “văn bản chấp thuận” của cơ quan quản lý nhà nước; cá nhân muốn thi người đẹp quốc tế không cần phải có danh hiệu nào từ một cuộc thi sắc đẹp trong nước, chỉ cần có thư mời của ban tổ chức và không có tiền án, tiền sự, không đang trong giai đoạn bị cấm biểu diễn… Ngoài ra, một điểm mới khác trong Nghị định 144 được dư luận rất quan tâm là không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) như ở Nghị định 79.
Một trong những điểm thay đổi lớn trong Nghị định 144 là các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có quyền thu hồi danh hiệu, giải thưởng của các cuộc thi, liên hoan khi phát hiện một trong các trường hợp, như: Danh hiệu, giải thưởng không đúng với nội dung đề án theo hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận hoặc nội dung thông báo; cuộc thi vi phạm quy định cấm trong hoạt động NTBD. Việc phân cấp, phân quyền cấp phép tổ chức các hoạt động NTBD cũng chỉ rõ: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ hợp tác quốc tế của các hội chuyên ngành về NTBD thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật thuộc Trung ương; UBND cấp tỉnh, thành phố chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật được tổ chức trên địa bàn quản lý.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm của nghệ sĩ
Trước thông tin cho rằng, nghệ sĩ có thể hát nhép thoải mái trên sân khấu, không bị cấm hay việc bỏ quy định giới hạn số lượng cuộc thi sắc đẹp dễ dẫn tới loạn danh xưng hoa hậu, người đẹp… NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục NTBD (Bộ VHTTDL) cho hay: Nghị định bỏ cấm hát nhép nhưng không có nghĩa khuyến khích việc hát nhép. Ông Vinh nói: “Trên hết, mỗi nghệ sĩ biểu diễn phải có trách nhiệm với uy tín của mình và khán giả. Đặc biệt, khán giả có thể sử dụng quyền người tiêu dùng sản phẩm văn hóa để yêu cầu cơ quan quản lý xử lý với các ca sĩ hát nhép. Chấp nhận hay tẩy chay ca sĩ hát nhép là quyền của công chúng. Bởi, nghị định mới được xây dựng trên tinh thần tăng quyền và trách nhiệm của tổ chức và cá nhân nghệ sĩ khi tham gia các hoạt động NTBD, giảm những cấm đoán, tăng hậu kiểm, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý”.
Ca sĩ Tùng Dương nêu quan điểm: “Ban soạn thảo và các cơ quan có trách nhiệm đã phải nghiên cứu rất kỹ để đưa ra những quy định mới về NTBD. Nghị định mới ban hành không cấm hát nhép nhằm mở rộng cho các nhà tổ chức khi có những chương trình nghệ thuật đòi hỏi phải sử dụng bản ghi âm trước thay cho hát trực tiếp (hát live). Nên chăng, cơ quan quản lý nhà nước cần có thêm thông tư hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào, quy mô tổ chức nào thì có thể sử dụng bản ghi âm. Khán giả là “quan tòa” khách quan và dĩ nhiên những người không đủ tài năng, hát giả dối sẽ không bao giờ có chỗ và vị trí trong đời sống âm nhạc”.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Công ty Elite-đơn vị nắm giữ bản quyền các cuộc thi sắc đẹp quốc tế tại Việt Nam, cho biết: “Nghị định có nhiều quy định mới rất phù hợp với thực tế của Việt Nam và quốc tế. Việc không giới hạn số lượng cuộc thi sẽ để các công ty tổ chức phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó là xu hướng tất yếu của thị trường, nếu sản phẩm tốt sẽ ngày càng phát triển, và nếu cuộc thi không có uy tín, chất lượng sẽ bị khán giả, nhãn hàng tẩy chay và tự đào thải. Việc cho địa phương cấp phép cũng là bước tiến rất cởi mở cho các công ty tổ chức biểu diễn, giúp các đơn vị tổ chức rút ngắn được thời gian xin cấp phép, chủ động hơn trong công việc”.
Theo NSND Nguyễn Quang Vinh: Trong thời gian sớm nhất, Cục NTBD sẽ tổ chức hội nghị phổ biến về Nghị định 144 tới sở VHTTDL, sở VHTT các tỉnh, thành phố, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động NTBD triển khai thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ. Khi Nghị định 144 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-2-2021, toàn bộ các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên toàn quốc sẽ được điều chỉnh theo nội dung của nghị định. Trong quá trình triển khai, Cục NTBD sẽ thường xuyên tiếp nhận các thông tin để kịp thời có những hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
C.X (HNS)