Vừa là nghệ sĩ được nhiều người yêu mến, vừa là Tiến sĩ âm nhạc, phó trưởng khoa thanh nhạc, Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Tân Nhàn vẫn luôn làm tốt trong cả 2 vai trò.
Tôi trên sân khấu không giống trên giảng đường
– Vừa là nghệ sĩ biểu diễn vừa có vai trò trong sự nghiệp giáo dục âm nhạc (Tân Nhàn là giảng viên Học viện âm nhạc quốc gia VN – PV), điều đó có ý nghĩa như thế nào với chị?
Người nghệ sĩ tích lũy tri thức, cảm xúc, vốn sống, những trải nghiệm của cuộc đời này đem vào giọng hát để cống hiến cho khán giả. Người nghệ sĩ là giảng viên thanh nhạc sẽ “rút ruột” những tích lũy ấy từ người nghệ sĩ để truyền tải đến các thế hệ học trò.
Tôi truyền lửa, truyền kinh nghiệm, truyền tình yêu âm nhạc đến cho học trò nhưng đồng thời học trò cũng giúp chính tôi được học lại một lần nữa. Đó là sự tương tác tuyệt vời của công việc giảng dạy mà chúng tôi tự hào được đứng trong hàng ngũ những người giáo viên. Tôi yêu công việc giảng dạy, tôi hạnh phúc khi được thấy học trò của mình trưởng thành và thành công, trở thành những nghệ sĩ đem tài năng của mình cống hiến cho khán giả, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Bởi vậy, tôi luôn nghĩ, tôi có thể… về hưu nghề ca sĩ sớm, nhưng chắc chắn sẽ không về hưu sớm trong công việc giảng dạy.
– Tân Nhàn đứng trên sân khấu và trên giảng đường giống và khác nhau như thế nào?
Tôi quan niệm, người giáo viên đứng trên giảng đường là một người nghệ sĩ thực thụ. Đó là người nghệ sĩ sở hữu nghệ thuật “dẫn đường”, nghệ thuật chuyển tải, nghệ thuật truyền cảm hứng, nghệ thuật thấu hiểu…. Nói chung, người giáo viên chính là người nghệ sĩ cực kỳ đa năng trên bục giảng, sở hữu rất nhiều nghệ thuật khác nhau mới có thể làm tốt được công việc “trồng người”. Vì vậy, để trở nghệ sĩ giỏi, bạn đã phải nỗ lực rất nhiều nhưng để trở thành 1 giáo viên giỏi, bạn sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Tôi trên sân khấu và tôi trên giảng đường, thú thật, không giống nhau cho lắm. Trên sân khấu, khán giả có thể thấy tôi luôn có hình ảnh nhẹ nhàng, nữ tính với những ca khúc tình cảm, tha thiết. Nhưng trên bục giảng, tôi “nghe lỏm” học sinh đánh giá tôi là… khó tính lắm. Thực tế, tôi tự nhận mình là một giáo viên nghiêm khắc, đòi hỏi rất cao ở học trò.
Người nghệ sĩ có xuất phát điểm là tài năng, nhưng điều để người nghệ sĩ trở thành một nghệ sĩ thực thụ và có thể cống hiến được bền bỉ, dài lâu chính là sự rèn luyện chuyên cần, học hỏi không ngừng. Tôi luôn muốn học trò của mình sẽ cống hiến cho nghệ thuật bền bỉ, có những thành tựu xứng đáng chứ không chỉ là những tài năng “sớm nở tối tàn”. Vì vậy, chỉ có con đường nghiêm túc rèn luyện, nỗ lực hết mình mới có thể đạt được. Thế nên, tôi không ngại bị nói là một giảng viên khó tính. Thậm chí, tôi nghĩ tôi sẽ càng ngày càng khó tính hơn đấy.
– Người ta bảo dù làm thầy nhưng có lẽ vẫn nên giữ lại “chút gì đó” của riêng mình trên sân khấu, còn chị thì sao?
Tôi vẫn nhớ câu nói, làm thầy chính là công việc rút ruột, nhả tơ. Nếu nhìn thấy thành quả giáo dục của mình là những sợi tơ vàng óng ánh, chẳng có người thầy nào muốn giữ lại “chút gì đó” cho riêng mình cả đâu. Sự thành công của học trò đánh giá sức ảnh hưởng, năng lực của người thầy, làm vẻ vang người thầy thì tại sao lại phải giữ lại “chút gì đó”?…
Trong nghệ thuật hay trong những nghề có tính chất “bí truyền”, người ta vẫn cho rằng cần phải giữ lại “ngón nghề” riêng nào đó, nhằm đảm bảo vị thế không ai có thể động chạm tới được. Nhưng, tôi lại không nghĩ vậy. Mỗi người nghệ sĩ khi trưởng thành đều muốn tạo được bản sắc riêng của chính mình, vì vậy, họ sẽ càng cố gắng sử dụng nền tảng đã được đào tạo để xây dựng lối đi riêng cho mình, làm sao càng ít giống thầy cô của mình càng tốt, thế nên việc giữ lại “chút gì đó” là không cần thiết với người giảng viên nghệ thuật. Đó là kinh nghiệm riêng tôi đúc kết trong công việc giảng dạy của mình.
Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại
– Bằng kinh nghiệm và những gì chị đã gây dựng được, chị muốn truyền dạy lại cho các bạn trẻ, những học trò của mình điều gì nhất?
Tình yêu nghề và không ngừng sáng tạo, không ngừng vươn lên, không ngừng học hỏi. Khi các em đã chọn con đường làm nghệ thuật tức là các em đã chọn con đường không bao giờ được ngừng học hỏi và vươn lên. Âm nhạc thế giới phát triển rất nhanh, nếu ta dừng lại, ta sẽ không bắt kịp được với thế giới. Hiện nay chúng ta đang sống trong thế giới phẳng với sự hội tụ văn hoá, nghệ thuật toàn cầu, nếu dậm chân tại chỗ trong những gì quen thuộc và an toàn, chúng ta sẽ tụt hậu. Chúng ta cần học hỏi tinh hoa âm nhạc, nghệ thuật thế giới để phát huy tốt hơn âm nhạc, nghệ thuật nước mình mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc.
Bản thân tôi đến giờ này vẫn luôn nỗ lực học hỏi. Tôi chưa bao giờ dừng lại trong một khuôn khổ nhất định. Sự học hỏi, mở rộng tri thức giúp tôi nhiều hứng khởi hơn trên con đường nghệ thuật. Tôi rất thích câu nói: “Chừng nào một người vẫn còn khả năng tự làm mới bản thân, anh ta vẫn còn đang sống”.
– Nhiều người nhận xét, với nghệ sĩ, hạnh phúc thường khá mênh mông và chông chênh, chị nghĩ sao về điều này?
Tôi nhớ trong một bộ phim gần đây tôi xem có đặt ra một câu hỏi: Hạnh phúc là gì? Tôi cũng nhớ cuộc sống tồn tại rất nhiều những định nghĩa, lý giải khác nhau về hạnh phúc. Khi phải đặt ra câu hỏi đó là gì và có nhiều định nghĩa lý giải khác nhau thì ta cũng hiểu rằng khái niệm về hạnh phúc rất mênh mông và cũng rất… chông chênh rồi. Điều đó đúng với tất cả mọi người đang mưu cầu hạnh phúc chứ không riêng gì nghệ sĩ.
– Chị có hài lòng với cuộc sống hiện tại?
Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Tôi được làm công việc mình yêu thích, có một gia đình nhỏ để yêu thương, để nương náu trước những bộn bề của cuộc sống, và quanh tôi là những người thân yêu luôn lo lắng cho tôi và hướng về tôi với sự nhất tâm trọn vẹn.
Hàn Triệt (VNN)