“Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Đó là hai câu thơ mở đầu bài diễn ca “Lịch sử Việt Nam” của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ở Pác Bó hồi đầu cách mạng. Đọc đi đọc lại, suy ngẫm thấu đáo chúng tôi càng thấy thâm thúy.
Tôi có hơn 20 năm làm công tác biên tập cho tờ tạp chí Thông báo Khoa học, nay có tên là Tạp chí Nghiên cứu Âm nhạc, Viện Âm nhạc – Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Hơn 20 năm biên tập bài, đã giúp tôi nhận ra điều khiếm khuyết nghiêm trọng trong nhiều bài viết của những người nghiên cứu âm nhạc và văn hóa âm nhạc trẻ. Đó là khiếm khuyết kiến thức sử nhạc nước nhà. Tôi không dám đổ lỗi cho lớp trẻ, không dám đổ lỗi cho ngành giáo dục âm nhạc. Lỗi do quá khứ gây ra.
Xưa, các bậc vương quyền, trí giả các vương triều Việt Nam rất coi trọng lễ nhạc, coi lễ nhạc là văn hóa bậc cao phải được xây dựng và hoạt động vững chắc trong vương triều của mình. Sử thần Ngô Thì Sĩ viết : “Đường lối của thanh âm thông với chính sự”. Thế nhưng các nhà làm sử lại không quan tâm ghi chép, nghiên cứu một cách chi tiết và có hệ thống lễ nhạc thành những chương, những mục, những quyển như khi viết về chính sự. Họ chỉ ghi chép một cách vắn tắt, tản mạn về lễ nhạc đây đó trong từng bộ sử, sách. Thậm chí những ghi chép ấy hầu hết chỉ đơn thuần nêu tên những hiện tượng, những hình thức, những sáng tạo lễ nhạc của cổ nhân. Ví như, nhạc cụ chỉ ghi chép tên, không có mô tả chi tiết hình dáng, thùng đàn, cần đàn, số dây, số phím và cung bậc giữa các phím. Múa chỉ ghi tên múa, còn trang phục, đạo cụ, động tác, đội hình chuyển động không được mô tả v.v… còn cách thức diễn tấu nhạc cụ không được nhắc đến. Sự ghi chép đơn giản như thế là những thách thức rất lớn đối với người học, người nghiên cứu đương thời về lễ nhạc các vương triều Việt Nam.
Nay, các nhà nghiên cứu lịch sử nước nhà, cũng chưa quan tâm viết sử chuyên ngành Lễ Nhạc các vương triều. Còn những cây “đại thụ” nghiên cứu sử nhạc của giới nghiên cứu âm nhạc thời nay thì “như sao buổi sớm”. Những “ngôi sao buổi sớm” thưa thớt ấy tuyệt đại đa số không biết chữ Hán Nôm, không qua chuyên ngành đào tạo lịch sử. Đấy là tử huyệt, là ngõ tối, hẹp, khó có đường tiến nhanh trong nghiên cứu lịch sử cổ nhạc nước nhà.
Đôi điều nêu ra trên đây là những lí do khiến việc nghiên cử lịch sử cổ nhạc trở nên khó khăn và chậm chạp. Có lẽ chúng ta phải chờ đợi một “cú nổ hạt nhân” về đào tạo, may ra mới sinh ra được những nhà nghiên cứu sử nhạc cổ truyền đúng nghĩa. Có lẽ họ phải là những nhà nghiên cứu tường tận Hán Nôm, tường tận sử học, tường tận dân tộc học và tinh thông âm nhạc học. Tôi nghĩ, đến giai đoạn đó chắc còn dài lắm.
“Dân ta phải biết sử ta”, giới làm công tác âm nhạc phải biết sử nhạc, những người làm công tác nghiên cứu cổ nhạc phải tường tận sử nhạc nước nhà. Chí ít họ phải tường tận những trang sử nhạc đã được ghi chép trong các bộ sách sử của tiền nhân.
Nghĩ như vậy, tôi đã bỏ công biên soạn cuốn sách “Sử liệu cổ nhạc Việt Nam”. Sách là một tập hợp những tài liệu viết về lễ nhạc nằm tản mạn trong nội dung 23 bộ sử sách mà tôi đã đọc. Đây là những bộ sử sách do các vương triều in ấn bằng Hán tự. Chúng đã được các dịch giả, tập thể dịch giả ngày nay dịch thuật, chú giải một cách thận trọng và được các nhà xuất bản ấn hành đẹp đẽ. Song song là các sách của một số tác giả, nhà nghiên cứu thời nay viết, có nội dung liên quan đến lễ nhạc các vương triều Việt Nam
Nội dung sách chia làm ba phần với nhiều đề mục trong từng phần. Phần thứ nhất : “Sử liệu lãnh thổ, địa lí hành chính các vương triều”. Phần thứ hai : “Sử liệu Nghi lễ cung đình và Nghi lễ tế tự ở làng xã”. Phần thứ ba “Sử liệu Nhạc vũ các vương triều”. Cuối sách là phần phụ lục.
Tôi thầm nghĩ, có lẽ sách ra đời sẽ hữu ích đối với học sinh, sinh viên, những nhà nghiên cứu trẻ, bởi họ sẽ rút ngắn được thời gian tìm và đọc những dòng viết về lễ nhạc các vương triều (cả nhã nhạc và tục nhạc) lẩn trong nhiều ngàn trang sách sử.
Đây là việc làm từ tâm của chúng tôi, không phải từ tài và từ kiến thức rộng lớn. Bởi lẽ, tài và kiến thức rộng lớn là hai thứ chúng tôi đều không có. Vậy, nếu có sai sót điều gì xin được độc giả tha lỗi.
Đặng Hoành Loan (HNS)