Những biểu hiện thiếu văn hoá trong âm nhạc “trẻ” Việt Nam

0
1395
Nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, thông qua internet, được tự do phổ biến toàn cầu nhưng đáng buồn thay, ”rác âm nhạc” cũng chiếm một tỷ lệ lớn đến mức không ai ngờ được. Tuy không thể tính toán một cách tương đối bằng số liệu thống kê các ca khúc đã được phát tán trên internet nhưng những người quan tâm đến âm nhạc tử tế có thể tự cảm nhận được tỷ lệ rất cao của các ca khúc tạp nham với ca từ thiếu văn hóa so với các ca khúc tử tế.
Riêng tôi, là người rất cực đoan và khắt khe trong âm nhạc, tôi đã thử lướt vài trang web âm nhạc thương mãi được cộng đồng internet Việt đánh giá là “đắt giá”, để nhẩm đoán tỷ lệ nhạc nhảm, thiếu văn hóa là 99,99%, chưa phải là 100% vì dĩ nhiên vẫn còn có những ca khúc tử tế trong các trang web này mà!
Tuy nhiên, internet không phải là điều đáng quan tâm cho tình trạng văn hóa suy đồi mà phải kể đến sự “nồng nhiệt” của các kênh truyền hình thương mãi cùng chung với các tờ báo thương mãi lá cải trong việc quảng bá, lan truyền các thể loại loại âm nhạc tạp nham thiếu văn hóa.
Điều đáng buồn là tình trạng thiếu văn hóa trong âm nhạc phổ thông Việt Nam thể hiện rất rõ trong lớp trẻ, không chỉ riêng lớp trẻ thiếu văn hóa “làm” nhạc và “chơi” nhạc thiếu kiến thức âm nhạc mà ngay cả trong lớp những “nhạc sĩ trẻ” có cấp bằng âm nhạc hẳn hòi. Vì có người nghe, có người xem nên loại nhạc nhảm và tạp nham vẫn tiếp tục phát triển.
Vậy, có thể suy diễn tình trạng thiếu văn hóa trong âm nhạc theo cách khác. Vì tình trạng văn hóa thấp là phổ biến trong xã hội nên sinh ra sản phẩm âm nhạc thiếu văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cấp thấp này?
Việc “thiếu văn hóa trong âm nhạc” mà tôi nói bao gồm giai điệu, ca từ, hòa âm, ca hát và biểu diễn. Tôi chỉ nêu nhận định của tôi mà không nêu dẫn chứng vì lý do duy nhất: tôi không muốn làm bẩn bài viết của tôi với những trích dẫn “âm nhạc rác”.
1. Thiếu văn hóa trong giai điệu và ca từ:
Đặc tính của lớp trẻ Việt Nam sáng tác ca khúc phổ thông hiện nay:
– Nói và viết tiếng Việt rất kém vì vốn từ vựng tiếng Việt của họ rất ít ỏi.
– Không cần học nhạc lý vì đã có máy vi tính và phần mềm âm nhạc.
– Không được nghe giai điệu quê hương, dân gian từ nhỏ.
– Không được dạy về tình tự dân tộc từ nhỏ nên không có lòng tự hào dân tộc.
Cho nên loại ca khúc phổ thông do lớp trẻ “sáng tác” hiện nay có giai điệu hoàn toàn nặng mùi âm nhạc xứ người, trước là Hong Kong, Trung Quốc, sau đó là Mỹ, Hàn hoặc tồi tệ hơn là què quặt, pha trộn đủ thể loại âm nhạc nước ngoài mà họ đã luôn được nghe phát sóng và phát hình trên các phương tiện truyền thông. Còn nội dung ca khúc thì rập khuôn nhau những điều nhảm nhí với ca từ thiếu tính văn chương và vô văn hóa phù hợp với trình độ văn hóa thấp và tuổi đời thiếu vốn sống cùa người sáng tác.
Cũng có nhiều “ca khúc nhảm” với đẳng cấp cao hơn, tuy cũng ăn cắp hoặc bắt chước rập khuôn âm nhạc nước ngoài nhưng được che đậy tinh xảo dưới vỏ học vị âm nhạc của tác giả với kỹ thuật âm nhạc nhạc viện cùng với ca từ văn chương mỹ miều nhưng nội dung ca khúc hoàn toàn bá láp và sáo rỗng.
Nhưng điều đáng phải phê phán thì lại không được ai đề cập tới (hay là không có ai dám nói tới?) là: vì sao những ca khúc tầm phào, bá láp, nhảm nhí, vô văn hóa này lại được phổ biến rầm rộ trên báo (báo giấy và báo mạng), phát tán trong các chương trình âm nhạc phục vụ quảng cáo trên các kênh truyền hình thương mại kể cả kênh truyền hình chính qui của Nhà Nước? Phải chăng lòng tự trọng và đạo đức nghề nghiệp của những người biên tập các chương trình âm nhạc đã bị vùi chôn vì sức hấp dẫn của đồng tiền thương mãi?
2. Thiếu văn hóa trong hòa âm:
Đáng lý sự phát triển kỹ thuật vi tính, âm thanh kỹ thuật số (digital) với chất lượng tốt hơn và dễ xử lý hơn rất nhiều so với thời âm thanh tương tự (analog), giúp cho âm nhạc thăng hoa và bay bổng hơn nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Chất lượng hòa âm tạp nham và âm thanh to ồn và nhòa nhoẹt ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Hệ quả là:
– Những nhạc công tay nghề giỏi dần phải bỏ nghề đánh đàn để làm nghề khác để kiếm sống vì âm nhạc lập trình (sequencer) và âm nhạc “vòng lặp” (loops) đóng hộp máy móc điện tử đã thay thế họ.
– (Điều tội nghiệp cho âm nhạc phổ thông Việt) Việc soạn nhạc trên vi tính với các vòng lặp điện tử phần nhiều do các “nhạc sĩ” trẻ không có kiến thức nhạc lý và hòa âm thực hiện.
– Ca khúc như thế nào thì sẽ được “xử lý hòa âm” như thế ấy. Chỉ có cách hòa âm nhảm mới phù hợp với ca khúc nhảm.
3. Thiếu văn hóa trong ca hát và biểu diễn:
Đây là hệ quả cuối cùng trong chuỗi hệ quả phát sinh từ tình trạng suy đồi trong văn hóa âm nhạc nói trên.
Ca khúc nhảm với hòa âm điện tử nhảm cũng chỉ được thể hiện và biểu diễn nhảm. Biểu diễn nhảm vì cốt yếu để khán giả giải trí mắt và nghe cho vui tai trong phút chốc dưới ánh đèn sân khấu và trường quay hình mà thôi. Trang phục nhảm, trang điểm nhảm, động tác nhảm vì hoàn toàn bắt chước nước ngoài, trắng trợn nhất là bắt chước y hệt các nghệ sĩ trẻ Hàn Quốc được các tổ chức kinh doanh âm nhạc giải trí thương mãi của nước này đầu tư với mục đích thương mại. Những người có trách nhiệm với nền văn hóa Việt Nam có thấy được điều này?
Âm nhạc khi được mang ra nhằm mục đích thương mãi mua vui nên chỉ là âm nhạc giải trí tạp nham với bề ngoài hào nhoáng, quái đản để có thể “bắt mắt” và làm “vui tai” khán giả nhưng chỉ khi ánh đèn sân khấu còn sáng mà thôi.
Âm nhạc chân chính, tử tế có văn hóa đến từ con tim, từ kiến thức âm nhạc, từ vốn sống của người sáng tác và biểu diễn nhằm truyền tải thông điệp tâm tư của nghệ sĩ để chạm vào lòng và tim khán giả với lắng đọng dù ánh đèn sân khấu đã tắt từ lâu.
Thực trạng đời sống âm nhạc Việt hiện nay là cả hệ thống truyền bá văn hóa đã và đang cổ súy cho loại âm nhạc giải trí thương mãi mất dần tính văn hóa Việt.
Đắc Tâm­­ (gdx)