Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Các thành tựu KHCN thời 4.0 có tác động rất lớn tới nghệ thuật và âm nhạc

0
567
Nhạc trưởng Lê Phi Phi

Nhạc trưởng Lê Phi Phi hiện đang sinh sống và làm việc tại Bắc Macedonia. Ông đã từng chỉ huy trực tuyến cho các nhạc công ở Việt Nam thông qua Internet. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông.

PV: Được biết, ông là một trong các nhạc trưởng Việt Nam đầu tiên đã thực hiện chỉ huy dàn nhạc qua mạng Internet. Xin ông cho biết, việc chỉ huy qua mạng có đặc điểm gì khác so với chỉ huy trực tiếp?

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Chỉ huy qua mạng hoàn toàn khác với chỉ huy trực tiếp. Khi biểu diễn trực tiếp, người nhạc trưởng ngoài nhiệm vụ cơ bản và quan trọng là giữ nhịp cho các nhạc công chơi đều nhau, ông ta còn có vô số những nhiệm vụ khác còn quan trọng hơn là “chơi” tác phẩm âm nhạc trên nhạc cụ của mình – đó chính là cả dàn nhạc gồm 50-60 nhạc công.

Ông ta phải truyền được tính cách tức thời của tác phẩm qua đôi tay, biểu hiện nét mặt, đôi mắt, chuyển động thân thể… để người nhạc công có thể cảm nhận được và truyền những cảm xúc đó vào nhạc cụ của mình. Các thay đổi về tốc độ, cường độ âm thanh của các nhạc công trong dàn nhạc lúc đó đều được người nhạc trưởng kiểm soát và chỉ đạo sao cho đúng.

Tất cả những yếu tố trên khi chỉ huy online thì dù đường truyền Internet có ổn định và nhanh đến đâu thì sự kết hợp, phối hợp cũng không thể bằng được như biểu diễn trực tiếp. Tuy nhiên nếu dàn nhạc được tập luyện một cách kỹ lưỡng, chỉn chu thì khả năng họ tự chơi không cần nhạc trưởng chỉ đạo “sống” 100% vẫn có thể phối hợp được. Kết luận là không gì bằng biểu diễn trực tiếp, hay hơn, nhiều năng lượng hơn, cảm xúc thật hơn… chuyển tải âm nhạc cho người nghe một cách hữu hiệu nhất.

Ông nghĩ gì về các thành tựu khoa học trong thời đại 4.0 đã và đang tác động tới âm nhạc?

Các thành tựu khoa học trong thời đại 4.0 có tác động rất lớn tới nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, đặc biệt là thể loại âm nhạc có liên quan đến kỹ thuật số. Khoa học kỹ thuật phát triển đã góp phần làm âm nhạc kỹ thuật số phát triển mọi mặt, từ âm thanh, nhạc cụ, thu âm, ghi hình vv…

Trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển, hàng bao nhiêu thế kỷ nay chúng ta vẫn tiếp tục chơi những tác phẩm được sáng tác từ thế kỷ 17-18 và vẫn luôn cố gắng chơi theo nguyên bản phong cách của các nhạc sĩ, giai đoạn sản sinh ra tác phẩm. Các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng là nhạc cụ accoustic, không phải là nhạc cụ kỹ thuật số nên không cần có sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Cho đến nay, những nhạc cụ gỗ được làm từ cách đây hàng thế kỷ vẫn đắt nhất vì chúng vẫn mang lại những âm thanh đẹp nhất, hay nhất.

Có rất nhiều nghệ nhân, hãng, công ty sản xuất nhạc cụ trên thế giới đã dùng mọi phương pháp khoa học tân tiến nhất để “mổ xẻ”, phân tích một cây đàn violon từ những thế kỷ trước để có thể chế tạo được một cây như vậy, nhưng đến nay vẫn chưa ai thành công trong việc này. Các phòng hoà nhạc cổ điển trên thế giới được xây dựng từ vài thế kỷ trước vẫn mang lại cho khán giả những âm thanh hay nhất, chân thật nhất hơn là những phòng hoà nhạc hiện đại mới xây, các kỹ sư, kiến trúc sư âm thanh nhờ sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật hiện đại cũng đã đạt được gần như các phòng hoà nhạc cổ.

Tuy nhiên, các thành tựu khoa học 4.0 không thể thay đổi được hình thức biểu diễn âm nhạc cổ điển nhưng cũng hỗ trợ, góp phần đưa âm nhạc cổ điển đến với khán thính giả gần gũi hơn, chất lượng hơn.

Theo ông, riêng với âm nhạc thì khoa học công nghệ có thể làm được những gì trong sáng tác và biểu diễn?

Trong sáng tác âm nhạc, khoa học công nghệ đã góp phần phát triển phong phú hơn, đa dạng hơn. Ngày xưa thì chỉ có tờ giấy nhạc và cái bút, không có phương tiện kỹ thuật nào khác. Bây giờ thì đã có máy tính, có biết bao nhiêu phần mềm để trợ giúp cho công việc sáng tác âm nhạc về mặt kỹ thuật. Các nhạc sĩ đã có nhiều khả năng hơn để thể hiện các ý tưởng âm nhạc được nảy sinh trong đầu của họ.

Tất nhiên tác phẩm có hay hay không thì điều đầu tiên nó phải được viết ra là một tác phẩm mộc hay về âm nhạc. Khoa học kỹ thuật chỉ có thể bổ trợ trong việc phối khí, hoà thanh, phong phú thêm trong cách trình bày chứ không thể làm cho tác phẩm hay hơn được. Bằng chứng là hiện nay nếu chúng ta nghe lại những tác phẩm nhạc không lời, ca khúc được viết từ thế kỷ trước thì vẫn có cái hay riêng của nó, mặc dù nhạc cụ, thiết bị thu thanh, kỹ thuật âm thanh, v.v… ngày xưa thì không thể so được với thời 4.0.

Về biểu diễn âm nhạc, có thể tôi là người “cổ điển” nên tôi vẫn quan niệm là “có bột mới gột nên hồ”. Trước tiên các nghệ sĩ biểu diễn phải thực sự có tài, có tiếng hát hay, tiếng đàn đẹp. Sau đó mới nhờ sự trợ giúp tối đa của công nghệ 4.0 để các tác phẩm được vang lên đa dạng hơn, thời thượng hơn nhờ những kỹ xảo âm thanh tiên tiến. Tất nhiên phải công nhận một điều chắc chắn là nhờ có sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng được hỗ trợ đến mức tối đa, hiệu quả tốt nhất phục vụ khán thính giả.

Xin cám ơn ông!

Nhạc trưởng Lê Phi Phi là con trai của cố nhạc sĩ Hoàng Vân. Ông hiện đang sống tại Bắc Macedonia và đang giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Bắc Macedonia. Hàng năm, ông đều về nước vào dịp Quốc khánh 2/9 và tham gia chỉ đạo Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Năm nay, do tình hình Covid-19 nên ông không về được. Tuy nhiên, thông qua Internet ông đã chỉ huy trực tuyến cùng nhạc trưởng Trần Vương Thạch ở TPHCM với các nghệ sĩ không ở cùng một địa điểm trong chương trình “Chia sẻ để gần nhau hơn” tối 27/6/2021. Chương trình này đã thu hút hơn 10 triệu lượt view như báo Tuổi Trẻ cho biết.

Đức Hoàng (HNS)