Tại sao đặt ra câu hỏi này? Một thuật ngữ mới để chỉ một dòng nhạc trong sáng tác và biểu diễn chăng?
Sau khi tham khảo kinh nghiệm nước bạn, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – quyết định lập thêm Ban Âm nhạc thịnh hành như một ban chuyên môn độc lập với Ban Sáng tác. Ban này được giao vào tay nhạc sĩ trẻ Lương Minh, một cán bộ “nhà đài” và Đài Truyền hình luôn là nơi có điều kiện theo sát những sáng tác thịnh hành hiện nay.
Đây là một trong những việc làm cụ thể nhằm nâng cao tính xã hội trong hoạt động chuyên môn của Hội Nhạc sĩ. Đặc biệt từ khi được tung ra như một chủ đề bàn luận trong các đợt tập huấn của Hội Nhạc sĩ, cụm từ “nhạc thịnh hành” bỗng trở nên “hot” với những người thực hiện ý tưởng cũng như những ai đang còn chút ngỡ ngàng trước ý tưởng này.
Ngỡ ngàng không phải do ngữ nghĩa của từ “thịnh hành”, mà chủ yếu vì nguyên tắc “bốn không” mà nhạc sĩ Đức Trịnh – người thuyết trình về chủ đề này đã đưa ra để lí giải “thế nào là nhạc thịnh hành?”. Nhấn mạnh vào mong muốn nâng cao chất lượng sáng tác, Ban Âm nhạc thịnh hành đề xuất một định nghĩa mang tính loại trừ như sau: nhạc thịnh hành hoàn toàn không phải là nhạc quần chúng, không phải nhạc thị trường, không phải nhạc hiện đại và cũng không phải nhạc thể nghiệm.
Nếu đưa những khái niệm theo kiểu nghịch lí cốt để khơi gợi tranh cãi nhiều chiều, thì “chiêu” này quả đã hâm nóng diễn đàn của giới nhạc. Sức nóng âm ỉ có thể còn lan tỏa tới các trang web. Hi vọng diễn đàn ảo chính là nơi có thêm sự tham góp của các bạn trẻ không những thuộc giới làm nhạc và làm báo, mà cả công chúng thuộc các thành phần khác nhau.
Với cách nhìn cởi mở của người luôn muốn làm bạn với lớp trẻ, nhạc sĩ Phó Đức Phương gợi ý thay cụm từ hoàn toàn không bằng không chỉ – “không chỉ” ở đây mang nghĩa ngược lại, là “có”, là “bao gồm”. Nhiều nhạc sĩ đồng tình cho rằng biến bốn không thành bốn có hợp lí hơn.
Theo thiển nghĩ của tôi, nếu cứ nhất thiết phải giữ cái từ “không” của thể phủ định, thì cũng nên giảm nhẹ thành không hẳn vẫn hơn là quá cực đoan chặn hết các cửa. Khi phủ định tuyệt đối điều gì mà chưa kín nhẽ trong lí lẽ, tính thuyết phục sẽ giảm đi và rất khó áp dụng với giới trẻ vốn có tâm lí càng bị cấm đoán càng “nhào dzô”. Tuổi trẻ thời nay hơn bao giờ hết rất ý thức về nhân quyền và giỏi cãi lí. Họ dễ dàng bắt bẻ khái niệm “bốn không” bằng hàng loạt câu hỏi sau:
Đã gọi là thịnh hành thì tác phẩm hẳn phải được nhiều người ưa thích, và đã có công chúng thì chẳng lẽ ta phủ nhận tính phổ cập, tính đại chúng của tác phẩm?
Tác phẩm được quần chúng yêu thích hẳn phải bán được, và một khi luôn kì vọng giá trị nghệ thuật tỉ lệ thuận với giá trị kinh tế thì lẽ nào ta lại phủ nhận vị trí “best seller” của tác phẩm trên thị trường?
Tác phẩm có thể kế thừa phương tiện biểu hiện của bất kì thời đại nào – cổ điển, lãng mạn, ấn tượng, cận đại, hiện đại, hậu hiện đại…, miễn sao thuyết phục được người nghe. Chẳng lẽ ta phủ nhận một sáng tác nào đó chỉ vì trong đó sử dụng ngôn ngữ âm nhạc hiện đại?
Sáng tạo nghĩa là làm ra cái mới “chẳng giống ai”, vậy đối với tinh thần dám nghĩ dám thử khám phá ngôn ngữ biểu hiện mới thì ta nên khích lệ sao cho có được tác phẩm đạt tới giá trị nghệ thuật cao, hay cứ khăng khăng nói “không” với mọi thể nghiệm?
Tiếp tục đào xới về ngôn từ, ta còn vấp vào những câu hỏi khác nữa, chẳng hạn: liệu có thể gọi là dòng nhạc thịnh hành không khi mà hình ảnh “dòng chảy” luôn mang tính liên tục kế thừa, còn “thịnh hành” chỉ mang tính giai đoạn vì phụ thuộc vào thị hiếu là cái luôn biến đổi theo thời gian?
Ban Âm nhạc thịnh hành ngay khi ra đời còn được anh em gọi đùa là Ban nhạc tươi sống, thực ra “tươi sống” chỉ là một phần trong đó. Nhạc thịnh hành là những sáng tác đang được sử dụng, như vậy không chỉ những gì thuộc về hiện tại và sở tại, mà còn bao gồm những tác phẩm bất kể Đông – Tây, kim – cổ miễn là đang được vang lên. Sẽ là nghịch lí nếu quy tất cả vào một tên gọi chung “dòng nhạc thịnh hành”, trong khi đời sống âm nhạc cần đa sắc đa màu nhờ nhiều dòng nhạc cùng tồn tại, cùng lưu hành và thịnh vượng.
Cuộc tranh luận về câu chữ có thể còn kéo dài, song thực tế tất cả đều xuất phát từ một ước muốn chung: nhạc thịnh hành là những tác phẩm có giá trị đích thực và được công chúng đón nhận, nghĩa là cùng lúc đạt được hai tiêu chuẩn: tính nghệ thuật và hiệu quả xã hội.
Và đương nhiên tranh luận là để góp phần làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến quản lý, nhìn nhận và đánh giá tác phẩm. Thực tế có quá nhiều thứ vượt quá tầm tay cá nhân tác giả trong việc quảng bá tác phẩm, đôi khi tác giả chỉ còn biết thầm khấn cho số phận may mắn mỉm cười với đứa con tinh thần của họ.
Dù sao tôi vẫn tin rằng người sáng tạo chân chính một khi đã thả hồn theo nàng nhạc thì cứ để cảm xúc dẫn dắt, không ai ép được họ từ bỏ những phương tiện biểu hiện phù hợp, họ cũng đâu cần băn khoăn ta có phải tác giả nhạc thịnh hành hay không, tác phẩm sẽ thuộc loại nhạc thịnh hành hay không, ăn khách và bán chạy hay không, giá trị nghệ thuật bền lâu hay không…
Bởi, câu trả lời luôn thuộc về công chúng và thời gian.
Nguyễn Thị Minh Châu (ANVN16)