Nhạc sĩ Tôn Thất Lập: Âm nhạc là chiếc cầu nối trái tim của con người

0
314

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, với các bút danh khác là Trần Nhật Nam, Lê Nguyên, sinh ngày 25 tháng 2 năm 1942 tại Huế, là Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam và là Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam.

Trong chiến tranh Việt Nam, Tôn Thất Lập hoạt động trong phong trào âm nhạc Hát cho đồng bào tôi nghe, ông đã sáng tác các ca khúc và hợp xướng như: Hát cho dân tôi nghe, Xuống đường, Hát trong tù, Lúa reo trên khắp đồng bằng… đã được hát trong phong tranh đấu của học sinh, sinh viên miền Nam. Sau đó, ông ra Bắc học tại Nhạc viện Hà Nội rồi quay vào Nam làm công tác văn hoá của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

Kết thúc chiến tranh, ông công tác tại Sở Văn hoá – Thông tin thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều ca khúc ông sáng tác trong thời kỳ này đã được đông đảo quần chúng mến mộ: Tình ca mùa xuân, Tình ca tuổi trẻ, Trị An âm vang mùa xuân, Mưa thì thầm, Oẳn tù tì, Cô bé dễ thương, Tình yêu mãi mãi,…

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập & Hát cho đồng bào tôi nghe

Nhắc đến nhạc sĩ Tôn Thất Lập không thể không nhắc đến hoạt động phong trào âm nhạc Hát cho đồng bào tôi nghe trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh chia cắt. Những ca khúc Hát cho dân tôi nghe, Dậy mà đi, Xuống đường (viết chung với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước)… của ông được hát vang trong phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên miền Nam, từng lay động hàng triệu con tim Việt Nam, là gương mặt tiêu biểu nhất trong phong trào đấu tranh đô thị của giới trẻ miền Nam trước năm 1975.

Những sáng tác thời tuổi trẻ của nhạc sĩ Tôn Thất Lập gây tiếng vang như: “Xuống đường”, “Lúa reo trên những cánh đồng”…

Sau này, ông công tác tại Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh. Ông sáng tác thêm các ca khúc: “Tình ca mùa xuân”, “Tình ca tuổi trẻ”, “Trị An âm vang mùa xuân”, “Mưa thì thầm”…

Năm 2022, ở tuổi 80, nhạc sĩ Tôn Thất Lập có chương trình cuối “Hát cho dân tôi nghe” – nhìn lại sự nghiệp sáng tác của ông, tổ chức tại Nhà hát Truyền hình TP Hồ Chí Minh.

Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 2 vào năm 2007.

Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức chương trình “Tôn Thất Lập – Vang mãi những bài ca” vào lúc 19h30 ngày 5-8-2023 tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh, số 7 Công Trường Lam Sơn, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Nhạc sĩ của những giai điệu lãng mạn nồng nàn

Nhưng nhạc sĩ Tôn Thất Lập không chỉ nổi tiếng bởi những ca khúc thời chiến. Ông còn sáng tác rất nhiều ca khúc về đất nước, thanh niên, tình yêu.

Người yêu âm nhạc nhận xét nếu như những ca khúc Hát cho đồng bào tôi nghe tiết tấu và ca từ hùng hồn, thì những bài hát về tuổi trẻ, tình yêu của ông lại lãng mạn, nồng nàn, trẻ trung, tươi sáng chứa chan tình yêu quê hương, đất nước.

Như ca khúc Trị An âm vang mùa xuân tiết tấu nhạc sôi động được ông viết nhân khởi công xây dựng thủy điện Trị An.

Ông kể thời đó có các đoàn từ các nước như Cộng hòa dân chủ Đức, Liên Xô đến Việt Nam tạo nên loại nhạc pop rock phát triển.

Nhưng Việt Nam chưa có nhạc rock riêng của mình. Trị An âm vang mùa xuân ra đời tạo thành dòng nhạc rock của riêng Việt Nam rất được giới trẻ lúc bấy giờ hưởng ứng, yêu thích.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên kể đầu thập niên 1990, nhóm Những người bạn mà nhạc sĩ Tôn Thất Lập là một thành viên đã làm khuấy động thị trường âm nhạc Việt: “Âm nhạc TP.HCM lúc đó hầu như nhạc ngoại lấn át, không có sân khấu nào hát nhạc Việt. Anh em nghệ sĩ chơi thân ở giai đoạn đó lập ra nhóm gồm bảy người bạn. Lớn nhất Trịnh Công Sơn làm anh hai. Tôn Thấp Lập là anh ba.

Âm nhạc nhóm Những người bạn mang chất trẻ trung, thời đại, phù hợp giới trẻ. Anh ba Tôn Thất Lập kín kẽ, giống chính ủy, tính tình điềm đạm nhưng hòa nhập vào nhiều lứa tuổi trong sáng tác nhạc. Tiếng nói vẫn trọng lượng”.

Những ca khúc lúc bấy giờ của nhạc sĩ Tôn Thất Lập sáng tác như Mưa thì thầm, Cô bé dễ thương, Trò chơi, Tình yêu mãi mãi, Nụ hôn… ra đời nhanh chóng chiếm được cảm tình của công chúng. Khắp nơi mọi người đều nghe âm nhạc của ông.

Nhưng giờ đây, hành trình nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã dừng lại. Ông không còn hát cho dân tôi nghe.

Chỉ mới cách đây 8 tháng, trong Đêm nhạc Tôn Thất Lập – Hát cho dân tôi nghe do Đài truyền hình TP.HCM tổ chức, nhạc sĩ tham gia chương trình vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn.

Lúc này, ông trông gầy, mái tóc bạc phơ và nụ cười hiền hậu. Cái cách ông kể chuyện giản dị chứa đựng tinh thần của người nghệ sĩ luôn hướng trái tim đến quê hương, đồng bào.

Đại diện Hội Âm nhạc TP.HCM cho biết nhạc sĩ Hát cho dân tôi nghe qua đời sáng 26-7 tại TP.HCM sau một thời gian điều trị ở Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM).

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập sinh ngày 25-2-1942 tại Huế. Ông hoạt động âm nhạc trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, sáng tác các ca khúc được cất cao trên các nẻo đường tranh đấu của học sinh, sinh viên như: Hát cho dân tôi nghe, Xuống đường, hợp xướng Lúa reo trên khắp đồng bằng…

Nhạc sĩ từng được cử đi tu nghiệp sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Sau một thời gian công tác, ông sang Pháp (năm 1974), được Hội Sinh viên sáng tác hải ngoại xuất bản tuyển tập Những cánh chim từ vùng lửa đỏ.

Ông từng giữ chức vụ phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tổng biên tập Tạp chí Âm Nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã xuất bản các tuyển tập như: Phố ca, Hát cho dân tôi nghe, Hát lời chiêm bao, Tình ca mùa xuân, tuyển tập Tôn Thất Lập và các album Nụ hôn, Tình ca mùa xuân…

Ngoài ra ông còn sáng tác nhiều nhạc múa, nhạc phim. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 2 (năm 2007).

Theo thông tin từ gia đình nhạc sĩ Tôn Thất Lập, lễ viếng nhạc sĩ bắt đầu từ 9h ngày 28 đến 29-7 tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM).

Hội Âm nhạc TP.HCM thông tin Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM sẽ tổ chức chương trình Tôn Thất Lập – Vang mãi những bài ca vào lúc 19h30 ngày 5-8-2023 tại Nhà hát TP.HCM.

Nghệ sỹ thương tiếc nhạc sĩ Tôn Thất Lập

Đàm Vĩnh Hưng – người từng hát bài Tình anh của ông, chia sẻ niềm tiếc thương: “Thế là từ nay Tiếng hát về khuya (một sáng tác của Tôn Thất Lập – PV) đã ngủ yên. Biết bao giờ khán giả Việt Nam lại được nghe anh Hát cho dân tôi nghe nữa. Với em, anh là người nhạc sĩ tài hoa, người đàn ông dung dị, người anh nhẹ nhàng, người chú bao dung và người hàng xóm đáng yêu, vô cùng lịch sự, tử tế”. 

Đàm Vĩnh Hưng thấy may mắn khi kịp có mặt tại Việt Nam để viếng nhạc sĩ Tôn Thất Lập ngày cuối cùng.

Với Phương Thanh, nhạc sĩ Tôn Thất Lập gắn liền với ký ức hoạt động tại Nhà văn hóa Thanh niên khoảng năm 1993 – 1995. Ông giao Phương Thanh thể hiện bài pop rock sôi động Trị An âm vang mùa xuân. Ca sĩ trân trọng Nhà văn hóa Thanh niên như nơi chắp cánh tên tuổi bay xa. Chị ấn tượng việc vô số chương trình hát giao lưu với học sinh – sinh viên luôn có tác phẩm của Tôn Thất Lập.

“Đến nay, chương trình nào cần hát bài Trị An âm vang mùa xuân đều có tên tôi. Sau 24 năm, tôi sẽ hát lại ca khúc này tại đêm nhạc tưởng nhớ ông hôm 5/8 sắp tới để thắp lửa, truyền đi nguồn năng lượng tích cực cho thế hệ trẻ”, Phương Thanh cho hay.

NSƯT Mỹ Uyên cũng rất thần tượng nhạc sĩ tài ba, hiền lành, đàn hát hay và giàu chất nghệ sĩ. Với chị, tác phẩm Hát cho dân tôi nghe có sức lay động hàng triệu con tim Việt Nam.

Mỹ Uyên chia sẻ: “Tôi buồn dù biết ai rồi sẽ qua đời vì tuổi già nhưng tin giá trị người nghệ sĩ để lại qua các tác phẩm tử tế sẽ còn mãi”.

 

Âm nhạc là chiếc cầu nối trái tim của con người. Tôi nghĩ rằng qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, âm nhạc như một binh đoàn đặc chủng đã thôi thúc tập hợp những chiến sĩ nhân dân đứng lên để chiến đấu và chiến thắng – Nhạc sĩ Tôn Thất Lập.

Bình Khanh