Nhã nhạc Huế – Đỉnh cao của âm nhạc cung đình Việt Nam

0
1241
Nhã nhạc Huế - Âm nhạc cung đình Việt Nam được vinh danh là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2003. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Dòng nhạc cung đình triều Nguyễn thực sự là một điển hình cho âm nhạc bác học Việt Nam. Nhã nhạc không chỉ chứa đựng hệ thống âm nhạc dựa trên thang ngũ âm, mà còn bao hàm cả nghệ thuật biểu diễn.

Đến Huế, nhất là vào những dịp lễ hội, đã mấy ai quên được một loại hình âm nhạc đặc biệt, thấm đẫm nét văn hóa Huế, với âm hưởng rộn ràng, da diết, uyển chuyển, trang trọng mà tao nhã. Đó là nhã nhạc, vốn trước đây chỉ được tổ chức vào các dịp lễ của triều đình phong kiến.

Nghe nhã nhạc ở trong Đại Nội Huế, cảm nhận sự trầm mặc của không gian nơi đây, cùng với ánh sáng mờ ảo, với những giai điệu giống như một sự gợi ý để người xem thả hồn vào quá khứ trong những suy tưởng về triều đại nhà Nguyễn, triều đại biết kế thừa truyền thống âm nhạc cung đình của các triều đại trước, phát triển rực rỡ, phong phú hơn cả về đề tài, thể loại và số lượng.

Đỉnh cao âm nhạc cung đình

Theo các nhà nghiên cứu, âm nhạc cung đình được ra đời từ lúc thiết lập Nhà nước quân chủ Việt Nam. Từ thời nhà Lý (1010-1225), âm nhạc cung đình đã được định hình và sau đó được phát triển qua các triều đại nhà Trần (1225-1400), nhà Hồ (1400-1407), nhà Lê (1427-1788), nhà Tây Sơn (1889-1801) và đặc biệt phát triển rực rỡ ở triều Nguyễn.

Triều Nguyễn đã đưa âm nhạc vào “giáo hóa” phong tục. Dòng nhạc cung đình triều Nguyễn thực sự là một điển hình cho âm nhạc bác học Việt Nam. Các vua triều Nguyễn tiếp nối truyền thống thường tổ chức các buổi hòa nhạc cung đình.

Trong thời nhà Nguyễn, âm nhạc cung đình được dùng trong các dịp tế lễ: Tế Đại triều (2 tháng/lần), Thường triều (4 tháng/lần), lễ tế Nam Giao, Tịch điền, sinh nhật vua và hoàng hậu, lễ đăng quang, lễ tang của vua và hoàng hậu, đón tiếp sứ thần…

Đời vua Thành Thái, đội nhã nhạc gồm 120 người, sau lấy thêm 20 đồng ấu. Sang đến đời vua Khải Định tuyển thêm 30 đồng ấu vào đội nhã nhạc. Nhã nhạc có vị trí quan trọng đến mức, những người hoạt động lâu năm về nhã nhạc, có kinh nghiệm trong nghề sẽ được triều đình phong hàm, phong tước.

Để tôn thêm phong thế, nghi vệ của triều đình, triều Nguyễn lập ra ban Đại nhạc dùng trong các cuộc đại lễ và ban Tiểu nhạc dùng trong các cuộc vui, ca múa. Đó là loại nhạc ngự dành riêng cho triều đình mà ta gọi là nhạc cung đình.

Các bậc vương thần, các nhà quyền quý dưới triều Nguyễn cũng thường tổ chức các buổi nhã nhạc để thưởng thức riêng với nhau, họ mời các tay đàn trong ban Tiểu nhạc của triều đình đến nhà để hòa đàn cùng với ca nhi trình diễn.

Đó là hình thức ca nhạc thính phòng, một lối thưởng thức ca nhạc tao nhã tương tự như lối ca trù ở miền Bắc. Thú thưởng ngoạn này lúc đầu chỉ giới hạn trong phủ chúa hoặc các bậc vương công, dần dần mới phổ biến ra quần chúng. Có một điều đặc biệt là nếu ca trù phát sinh từ dân gian, rồi tràn vào cung đình, là loại hình ca nhạc ưa thích của giới nho sỹ Bắc Hà; thì nhã nhạc lại xuất phát từ cung đình rồi lan tỏa ra dân gian.

Sự tập trung của chế độ quân chủ thời Nguyễn đã quy tụ được tất cả các nhạc sỹ, nhạc công tài hoa nhất. Để phù hợp với nội dung từng buổi lễ, Bộ Lễ và Hàn lâm Viện biên soạn các nhạc chương như trong lễ Tế giao có 10 nhạc chương mang chữ Thành (nêu việc thành công), trong tế Xã tắc có 7 nhạc chương mang chữ Phong (được mùa), lễ Tế miếu có 9 nhạc chương mang chữ Hòa (hài hòa)…

Nhã nhạc Việt Nam có hệ thống các bài bản rất phong phú, chỉ riêng hệ thống nhạc chương đã có hàng trăm bản, đó là chưa kể đến các bản khí nhạc dành cho Tiểu nhạc, Đại nhạc và Huyền nhạc…

Các nhạc khí có những thang âm khác nhau khi trang nhã, tiếng trong tiếng đục, tiếng nhặt, tiếng khoan, khi dồn dập, khi khoan thai, khi rộn rã, khi ưu tư…

Đặc biệt, trong tất cả các nhạc khí và nhạc cụ giá trị nhất của Việt Nam đều có mặt trong dàn nhạc cung đình triều Nguyễn, gắn với các tiết tấu phong phú và các bài bản có nội dung sâu sắc.

Sự tập trung tất cả các nhạc cụ và khí nhạc như Đại nhạc gồm 42 nhạc cụ (20 trống, 8 minh ca, 4 tù và bằng sừng trâu, 4 sa la, 4 đại sa, 2 tù và bằng ốc biển); Tiểu nhạc gồm 8 nhạc cụ (1 trống bản, 1 tỳ bà, 1 đàn nguyệt, 1 đàn nhị, 2 địch, 1 tam âm, 1 phách tiền); Huyền nhạc gồm 26 nhạc cụ (1 kiến cổ, 1 bác chung, 1 đại khánh, 1 bộ biên, 1 bác phụ…).

Dàn nhạc cung đình thường có quy mô lớn và các chủng loại phong phú với đầy đủ các chủng loại như Bộ nhạc cụ hơi (sáo, kèn…); bộ dây (đàn nhị, nguyệt, tỳ bà, đàn tam…); bộ nhạc cụ màng rung (trống chiến, trống bảng, trống đại, trống bồng…); bộ nhạc cụ thể minh (chuông, xập xỏa, lục lạc, mõ sừng, sinh tiền, tam âm la, phách…).

Tất cả các chủng loại nhạc khí trên thể hiện trình độ điêu luyện về âm nhạc, trình độ chế tác thủ công, mỹ thuật tạo hình… của những nhạc sư, những người thợ Việt Nam xưa.

Nhã nhạc không chỉ chứa đựng hệ thống âm nhạc dựa trên thang ngũ âm, mà còn bao hàm cả nghệ thuật biểu diễn. Nói đến nhã nhạc là nói đến kỹ thuật biểu diễn khí nhạc, trong đó mỗi nhạc cụ đều áp dụng một mức độ kỹ thuật điêu luyện nhất định.

Với những nhạc cụ dây thì các kỹ thuật như rung, vuốt, vỗ, nhấn, vê được áp dụng như những nguyên tắc để tạo nên vẻ đẹp của giai điệu.

Với kèn Bóp, một nhạc cụ nằm trong hệ thống Đại nhạc thì tiếp hơi là kỹ thuật tinh tế nhất đòi hỏi nhạc công phải luyện tập công phu, nhất là tập luyện để có hơi thở sâu…

Các nghệ nhân trình diễn nhã nhạc cũng được rèn luyện một cách công phu và nghiêm ngặt. Trong quá trình hòa tấu, các nhạc công phải chú ý lắng nghe nhau, nhất là nghe tiếng trống báo hiệu để vào “thủ,” ra “vĩ” thật nhịp nhàng, ăn ý.

Nhã nhạc không chỉ có ảnh hướng lớn đến nhiều loại hình âm nhạc khác trong vùng như ca Huế, nhạc tuồng; nhạc múa cung đình, mà còn vượt thoát khỏi vùng đất khai sinh ra nó, lan tỏa vào phía Nam, góp phần khai sinh ra những hình thức nghệ thuật biểu diễn mới như Đờn ca tài tử và Cải lương.

Cùng với nhạc khí và nhạc cụ, các vũ điệu và ca từ (ca hát) cũng được thể hiện rất phong phú, chứa đựng những nội dung mang tính bác học. Những giá trị này đã tạo cho âm nhạc cung đình có phong cách khác với các loại hình âm nhạc khác của Việt Nam và thế giới.

Nhã nhạc Huế được lưu truyền trong đời sống nhân dân một cách rộng rãi với nhiều hình thức diễn xướng trong các lễ hội, các nghi thức truyền thống, biểu diễn tại các chương trình âm nhạc. Trang nghiêm mà gần gũi, dân dã nên nhã nhạc Việt Nam được ưa thích, lưu truyền từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.

Nhã nhạc Huế – Âm nhạc cung đình Việt Nam được vinh danh là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2003. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Cách đây hơn 40 năm, với tài năng và nhiệt tình của hai nhà nghiên cứu nhã nhạc Huế Trần Văn Khê và Nguyễn Hữu Ba, âm nhạc cung đình Huế được giới thiệu một cách cụ thể và đã đại diện cho âm nhạc Việt Nam đến với nhân loại.

Sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), âm nhạc cung đình Huế tiếp tục có được một vị trí trang trọng trong sinh hoạt văn hóa của thế giới.

Từ năm 1995, nhã nhạc cung đình Huế đã được biểu diễn tại Nhà Văn hóa Thế giới của Pháp và nhiều nước khác ở Châu Âu. Một đĩa CD nhạc cung đình Huế đã được Nhà Văn hóa Thế giới cho ra đời dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết và Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Khê.

Tại Nhật Bản, âm nhạc cung đình Huế được đánh giá rất cao và có một vị trí đặc biệt trong công chúng.

Đến nay, đã có 2 nghiên cứu sinh người Nhật Bản làm luận án tiến sỹ về âm nhạc cung đình Huế, và âm nhạc cung đình Huế cũng được giới thiệu trong chương trình giáo dục âm nhạc của Nhật Bản.

Bảo tồn và phát triển kiệt tác nhã nhạc Huế

Ngày 7/11/2003, Tổng Giám đốc UNESCO Kiochiro Matsuura chính thức công bố Nhã nhạc Huế được ghi tên là 1 trong số 28 kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại trong buổi lễ được tổ chức tại Paris, Pháp. Đây cũng là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận vào danh mục này.

Trong 16 năm qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn được 10 nhạc chương trong lễ Tế Giao, 9 nhạc chương trong lễ Tế Miếu, 5 nhạc khúc trong lễ Đoan Dương, Vạn Thọ và Tết Nguyên đán, 40 nhạc khúc trong diễn tấu với đội Tiểu nhạc, 14 nhạc khúc kèn dùng trong Đại nhạc, 10 nhạc khúc diễn tấu khi có Vua ngự.

Nhà hát Duyệt Thị Đường (được xây dựng cách đây 200 năm) được trùng tu đưa vào sử dụng nhưng đã kế thừa lịch sử, tiếp tục khai thác, phục hồi những tác phẩm tiêu biểu có khả năng bị thất truyền, nhất là Nhạc lễ cung đình Huế để đưa Nhã nhạc Huế, một loại hình âm nhạc chốn cung đình đến với công chúng.

Nhiều tiết mục đã được Nhà hát Duyệt Thị Đường dàn dựng và biểu diễn như trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc); Phú lục dịch, Kim tiền (tiểu nhạc); Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng (múa) và nhiều trích đoạn tuồng cổ như Kỷ Lan Anh, Ôn Đình chém Tá.

Nhã nhạc Huế, ngoài yếu tố nội lực còn được “tiếp sức” trong dự án “Bảo tồn và phát huy những giá trị Nhã nhạc Huế (Nhạc Cung đình Việt Nam).”

Theo đó, UNESCO thông qua Quỹ ủy thác Nhật Bản đã tài trợ kinh phí 154.900 USD cùng với nguồn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam là 190.000 USD để bảo tồn và phát huy những giá trị của Nhã nhạc như tổ chức tập huấn nhằm nâng cao phương pháp luận về nghiên cứu, lưu trữ cho 10 cán bộ; tuyển sinh và truyền dạy nghề theo kiểu truyền thống cho 20 nhạc công Nhã nhạc (trong đó có 18 nhạc công được tuyển vào làm việc tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế).

Những người thực hiện Dự án còn tập trung nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ và phục hồi bài bản nhã nhạc tiêu biểu, như Thái Bình cổ nhạc, các bản ca Thài trong lễ tế Nam Giao; chuyển biên các bài bản Nhã nhạc; lập hồ sơ các nghệ nhân tiêu biểu là những “báu vật nhân văn sống.”

Đặc biệt, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn phối hợp với nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục chế trang phục Nhã nhạc Huế gồm: 15 áo mão Đại nhạc, 15 áo mão Tiểu nhạc, 64 áo Giao lĩnh Bát dật Văn, 64 Trấn thủ Bát dật Võ…

Những thành quả trên có một phần đóng góp không nhỏ của các nghệ nhân – “Những báu vật nhân văn,” những người góp phần giữ “hồn” cho Nhã nhạc Huế.

(HNS)