Nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn: Siết chặt hậu kiểm

0
813
NSND Nguyễn Quang Vinh, nguyên quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, khẳng định: Nghị định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn cởi trói nhiều hoạt động quản lý ở lĩnh vực này.

6 cắt, 4 thêm, 8 điều chỉnh

Nghị định 144 gồm 5 chương, 31 điều quy định về Hoạt động biểu diễn nghệ thuật có hiệu lực từ 1/2/2021. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) giao Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD), Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ chủ trì hội nghị phổ biến nghị định (NĐ) tại Hà Nội (25/3), Đà Nẵng (7/4) và TP.HCM (9/4).

NSND Nguyễn Quang Vinh phụ trách tổ soạn thảo nêu những điểm nổi bật của quy định mới là “cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước; phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương; khắc phục vấn đề tác động giới và quy định điều kiện bao quát hơn đối với thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu (không chỉ dành cho nữ) cũng như quy định quản lý hậu kiểm đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn”.

Bốn điểm mới của NĐ 144: Thứ nhất là tập trung quản lý chuyên ngành về hoạt động NTBD và nội dung biểu diễn nghệ thuật được quy định rõ tại Điều 2. Thứ hai là xác định lại nội hàm khái niệm “biểu diễn nghệ thuật” và “loại hình nghệ thuật biểu diễn”. Thứ ba là phân cấp quản lý theo địa bàn, hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở đâu sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đó quản lý. Điều này đồng nghĩa UBND cấp tỉnh trực tiếp hoặc phân định thẩm quyền cho cơ quan chuyên môn trực thuộc. Điểm mới thứ tư chính là quy định cụ thể các trường hợp dừng hoạt động, thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi, liên hoan được tổ chức tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) khái quát NĐ 144 gồm “6 cắt, 4 thêm, 8 điều chỉnh”. Cụ thể cắt giảm thủ tục hành chính từ 10 xuống 4: Cắt thẩm quyền của Cục NTBD, cắt giảm quy định cấm, cắt quy định về hiệu lực thời gian của giấy phép, cắt quy định về số lượng cuộc thi người đẹp, cắt quy định về phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu. Bên cạnh việc cắt giảm, tổ soạn thảo đưa thêm quy định mới: Quản lý NTBD trên môi trường mạng, thêm quyền của các tổ chức, cá nhân tham gia biểu diễn, thêm hình thức tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, thêm quy định hình thức dừng hoạt động biểu diễn. Các mục điều chỉnh tập trung vào quyền, trách nhiệm các chủ thể, phân loại hoạt động, điều chỉnh hình thức văn bản từ cấp phép sang cấp văn bản chấp thuận, cơ quan tiếp nhận thông báo, quy định chặt chẽ hơn việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi, liên hoan.

Ðịa phương còn lúng túng

Nghị định 144 được phần lớn nhà quản lý, nghệ sĩ ghi nhận sự đổi mới về tư duy quản lý mới tuy nhiên không ít lúng túng, băn khoăn sau gần hai tháng thực thi. Tại Hội nghị ngày 25/3, đại diện Sở VHTTDL Thanh Hóa thắc mắc về thủ tục thông báo biểu diễn: Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp được cấp phép tại một địa phương khi diễn tỉnh khác có phải đóng thêm phí thẩm định hay không. Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang chung băn khoăn trên, đồng thời thêm lo lắng làm sao kiểm soát các đoàn biểu diễn đảm bảo nội dung được thẩm định trước đó. Thực tế nhiều gánh hát về địa phương “treo đầu dê bán thịt chó” khiến bà con bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý Nghệ thuật, Sở VHTT Hà Nội kêu khó do NĐ 144 loại bỏ hẳn phần biểu diễn thời trang: “Chúng tôi rất băn khoăn không biết căn cứ cơ sở nào để cấp phép cho chương trình biểu diễn thời trang, mà chỉ có quy định cấp phép cho bài hát, bản nhạc trong chương trình đó thôi”. Ông cũng đặt câu hỏi về thủ tục tiếp nhận, thẩm định chương trình được cấp phép ở địa phương này nhưng lại biểu diễn ở địa phương kia.

Ông Hoàng Minh Thái, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế giải đáp: Chương trình được một địa phương cấp phép khi diễn ở địa phương khác thì không cần thẩm định lại, bởi địa phương chịu trách nhiệm thẩm định lần đầu. Các đơn vị được cấp phép có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung thông báo. Đây chính là ý nghĩa của việc tăng phân cấp về địa phương, tăng hậu kiểm.

Về chuyện thời trang, NSND Nguyễn Quang Vinh lí giải: Trình diễn thời trang là một loại hình biểu diễn nghệ thuật, cơ quan quản lý hoàn toàn có căn cứ để cấp phép. Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục NTBD nhắc đi nhắc lại quy định đơn vị tổ chức biểu diễn toàn quốc cần thực hiện thủ tục đề nghị chấp thuận biểu diễn, tuy nhiên địa phương tiếp nhận có quyền quyết định nội dung biểu diễn có phù hợp hay không.

Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục NTBD, cho biết: “Việc cấp phép được giao cho UBND cấp tỉnh và huyện nhưng không có chuyện giảm quyền lực quản lý của Bộ VHTTDL. Quan trọng là hoạt động nghệ thuật biểu diễn được tổ chức và quản lý tốt nhất”.

(HNS)