20h ngày 22/3 tại phòng hòa nhạc lớn Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, buổi hòa nhạc đương đại “Tiếp và Nối” đã làm nên một nghịch lý khi cả khán phòng chật kín khách mời. Nói là “nghịch lý” bởi lâu nay ở Việt Nam, những thứ được gắn mác “thử nghiệm” hoặc “đương đại” vốn chỉ khu biệt trong một cộng đồng nhỏ.
Những ai đang nghe nhạc đương đại?
Nhạc trưởng người Mỹ Jeff Von Der Schmidt, người từng đạt 2 giải GRAMMY và 8 đề cử cho 30 CD ngay trong lời mở đầu cũng đã không giấu được hưng phấn khi thấy một buổi hòa nhạc đương đại được chào đón. Ông nói: các đồng nghiệp khắp thế giới cũng phải ngạc nhiên trước sự đông đảo này. Chúc mừng thái độ ủng hộ nhạc đương đại của chính người Việt!
“Tiếp và Nối” là đêm nhạc của sự kết hợp nhiều nguồn năng lượng sáng tạo bắt đầu từ quá khứ hào hùng trong “Tuyến Lửa” – tác phẩm đã đưa tên tuổi của Nguyễn Thiện Đạo nổi lên như một hiện tượng trong nghệ thuật hàn lâm thế giới. Sự bất ngờ khác dành cho “Kim – Thủy – Hỏa” lần đầu công diễn của Vũ Nhật Tân. Đây là bộ tác phẩm nằm trong “Ngũ Hành” được Vũ Nhật Tân viết dựa theo thơ của nhà thơ Nguyễn Duy “hơn 20 năm vẫn nguyên tính thời sự và dự báo”. Ngoài ra còn có sự tham gia của một gương mặt trẻ đang gây chú ý, Lương Huệ Trinh với một sáng tác mang đậm dấu ấn cá nhân “JiJi” – Trinh viết tặng cho giáo sư chuyên ngành tại Hamburg.
Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân cho biết nhạc đương đại hầu như chưa có tài trợ lớn, chỉ thỉnh thoảng có tài trợ cá nhân
Rất nhiều khán giả là sinh viên nhạc viện, văn nghệ sĩ, trí thức và cả cán bộ về hưu. Nhiều người trong số họ “không hiểu nhiều về nhạc đương đại” nhưng “thích cách mà các nghệ sĩ đưa âm nhạc truyền thống lên sân khấu cùng với nhạc cụ phương Tây”. Có người cho rằng, nhờ cách này, cả nhạc giao hưởng và nhạc truyền thống đều trở nên dễ nghe hơn. Một số khách nước ngoài cho biết, đây là lần đầu họ biết đến các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như: đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị v.v…
“Nếu không phải là nhạc đương đại thì sẽ không thể thấy trên sân khấu đàn tranh đứng cạnh bass Clarinet, Violin và Cello… Cũng sẽ không có ca từ kiểu “quả đất nóng dần lên/ tầng ôzôn có vấn đề gì đó/ Sọ dừa gặp vấn đề trì trệ/ tri thức nhồi vào tri thức cứ phòi ra” (thơ Nguyễn Duy) hát bằng giọng Tuồng. Bảo tồn truyền thống là phải tìm cách cho nó sống được trong đời sống đương đại” (nhà nghiên cứu Trịnh Đãng).
“Những bất ngờ liên tục của buổi diễn là một yếu tố giữ chân khán giả. Sự pha trộn tuyệt vời giữa âm nhạc phương Tây, cách hát xướng phương Đông, sự kết hợp giữa những thứ tưởng như không thể, dàn nhạc giao hưởng với nhị, bầu, chiêng, trống… thuần Việt, thỉnh thoảng còn được đệm bằng tiếng dậm chân của nhạc công… khiến cho âm nhạc hàn lâm trở nên gần gũi, mà âm nhạc cổ truyền trở nên sang trọng hơn. Đây là cái được của nhạc đương đại”. (Trích nhận xét của khán giả).
Nhạc trưởng cũng phải tự bỏ tiền túi
“Tiếp và Nối” là một buổi diễn free, toàn bộ khán giả có thể vào xem miễn phí. Có người đùa vì thế khán phòng mới đông, song giữa chừng không hề có người bỏ về trước, thì lại nằm trong phạm trù “hấp dẫn” của các nghệ sĩ đương đại.
Hầu hết các chương trình nhạc đương đại ở Việt Nam từ trước đến nay đều được tổ chức miễn phí, chỉ có một số rất ít chương trình bán vé song tiền vé cũng khá thấp so với những chương trình ca nhạc khác.
Câu chuyện về kinh phí tổ chức và bán vé nhạc đương đại lâu nay vẫn là một bài toán khó. Nhà soạn nhạc Vũ Nhật Tân cho biết: “toàn bộ kinh phí của “Tiếp và Nối” đều do anh em nhạc sĩ tự góp công góp của. Ngay cả nhạc trưởng Jeff Von der Schimidt cũng phải tự bỏ tiền túi mua vé sang Việt Nam ăn ở để chỉ huy dàn nhạc. Thứ được tài trợ lớn duy nhất trong đêm nhạc có lẽ là phòng hòa nhạc được Nhạc viện cho sử dụng miễn phí”.
Đây không phải là câu chuyện mới mẻ trong giới nghệ sĩ đương đại. Hầu hết những người theo đuổi con đường này đều phải làm những công việc khác để kiếm sống và kiếm tiền theo đuổi đam mê. Bản thân Vũ Nhật Tân cũng có lần nói vui: công việc kiếm tiền của tôi bao gồm: dạy nhạc, sáng tác âm nhạc, tổ chức âm nhạc và biểu diễn âm nhạc, làm nhạc phim, làm nhạc quảng cáo, chơi DJ và nhạc điện tử, dạy piano và biểu diễn piano, bán và dịch vụ đàn piano cũ, bán đồ âm thanh loa đài cũ, bán đồ cũ đồ sưu tầm đồ trang trí, bán tranh – ảnh cũ, bán xe máy cổ xe đạp cũ, chế tác đồ decor handmade, hướng dẫn viên du lịch, dịch và biên dịch tiếng Anh…
Một nghệ sĩ đương đại khác, cũng có tiếng “ăn khách” là Phó An My, cho biết: bỏ cả năm trời chuẩn bị, tổ chức, bán vé, căn ke từng tí một, huy động cả một ê kíp đầu tắt mặt tối, xong mấy buổi diễn cả Hà Nội lẫn Sài Gòn đều kín rạp nhưng lúc hạch toán ra, chúng tôi lãi 500 ngàn đồng”.
Bản thân Phó An My muốn tổ chức một buổi như “Gió” hoặc “Lửa” (tên những chương trình của chị) đều phải gom kinh phí tự thân. Gần đây, chị chuyển sang nấu ăn và nguyên một năm chỉ ngồi trong bếp. “Tiền lãi, nếu có, sẽ lại dành để làm nhạc”, chị chia sẻ.
Tiếp và Nối” là một đêm nhạc sang trọng, thành công ngoài mong đợi. Điều đáng nói là bài thơ Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ của nhà thơ Nguyễn Duy đã được nhà soạn nhạc Vũ Nhật Tân dàn dựng theo cách hòa phối giữa nhạc cụ phương Tây, nhạc cụ cổ truyền Việt, và diễn xướng thơ theo một số làn điệu dân ca, tuồng, niệm kinh Phật. Những yếu tố vốn khá xa nhau, nhờ sáng tạo của nhạc sĩ và các nghệ sĩ biểu diễn đã tạo nên một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh, độc đáo, có phần lạ lẫm, bất ngờ”. (Nhà phê bình văn học Văn Giá)