Dù có một số chế độ phụ cấp, bồi dưỡng nhưng thực tế thì rất nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ sân khấu truyền thống vẫn đang phải đối mặt với vô số khó khăn, nhiều người phải ngậm ngùi tìm kiếm nghề khác để mưu sinh.
Nỗi lòng nghệ sĩ
Trong quá trình hình thành và phát triển của sân khấu truyền thống Việt Nam (tuồng, chèo, ca trù…) các nghệ sĩ, nghệ nhân luôn giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ, trao truyền vốn quý di sản văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, có một điểm chung của rất nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở nhiều địa phương là “bỏ quên”, hờ hững, thiếu sự quan tâm hỗ trợ, chăm lo cho họ.
Trong số đó, phần lớn các nghệ nhân đều là những người tuổi cao, thu nhập thấp; nhiều người sống ở những vùng xa xôi, hẻo lánh.
Chính sách của Nhà nước không dễ đến được với họ, nhất là phải trải qua những thủ tục hành chính bắt buộc ở địa phương.
Thậm chí có những địa phương, chính lãnh đạo cũng không nắm được chủ trương này dành cho các nghệ nhân. Nhiều nghệ nhân đến giờ phút này vẫn chưa nhận được trợ cấp. Đau lòng hơn đã có người đã qua đời trong sự chờ đợi…
Nếu như các nghệ nhân có tuổi phải đợi “thủ tục” để nhận được tiền trợ cấp thì với các nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ cũng chẳng khá hơn được là bao.
Những nghệ sĩ có tên tuổi, họ còn có nhiều show diễn, nhiều lời mời thì còn có thêm thu nhập. Còn những nghệ sĩ chưa khẳng định được tên tuổi thì bị phụ thuộc hoàn toàn vào đoàn, show diễn thì ít, lương bổng thì thấp…
Chính vì thế nhiều nhà hát đang phải “ngó lơ” để rất nhiều nghệ sĩ phải làm thêm nghề tay trái.
Người được làm đúng nghề thì tham gia phim truyền hình, tiểu phẩm, thậm chí bi đát hơn phải làm xe ôm, người thì phụ hồ, bốc vác… Buồn hơn nhiều nghệ sĩ đã có nhiều người phải bỏ nghề vì khó khăn.
Có một thực tế là hầu hết các nghệ sĩ ở mảng sân khấu truyền thống dân tộc, vào nghề khi tuổi còn rất trẻ. Quá trình đào tạo của họ chủ yếu từ các trường trung cấp và cao đẳng, sau này vừa học, vừa làm họ mới chuyển đổi lên đại học rồi sau đại học.
Tuy nhiên, quá trình đi học chuyển đổi này cũng không thay đổi bậc lương trung cấp được ấn định từ ngày họ tốt nghiệp và xét biên chế vào nhà hát.
Mà theo quy định, người hưởng lương ở bậc đào tạo trung cấp là rất thấp (khoảng 2,4tr/tháng), cứ 2 năm tăng một bậc cho đến khi kịch trần.
Tìm hướng đi
Chủ trương là toàn bộ 12 nhà hát thuộc quản lý của Bộ VHTTDL bắt đầu thực hiện việc tự chủ tài chính, trong đó có 2 đơn vị tự chủ 100%, 10 đơn vị khác được giao tự chủ từ 30 – 60%.
Đến năm 2020, 12 tổ chức nghệ thuật biểu diễn công lập trực thuộc Bộ sẽ phải thực hiện việc tự chủ 100% kinh phí hoạt động. Điều đó đã đem tới sự lo lắng cho hầu hết các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực truyền thống.
Có người cho rằng, với các bộ môn nghệ thuật kén khán giả như tuồng, chèo, cải lương vốn gặp nhiều khó khăn, thì việc đó rất có thể sẽ biến các nhà hát thành gánh hát.
Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa, GS.TS Ngô Đức Thịnh- Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa cho rằng, khi nói đến di sản tức là nói đến các nghệ nhân.
Vì những nghệ nhân là những người quan trọng, những người sở hữu những giá trị, cốt lõi của loại hình văn hóa dân gian. Theo ông Thịnh, ở Nhật Bản, Hàn Quốc, họ có hẳn một chế độ dành cho những nghệ nhân là những báu vật nhân văn sống.
Ở các nước phương Tây tuy không chu cấp tiền hàng tháng cho các nghệ nhân, nhưng họ lại tạo ra môi trường để các nghệ nhân hoạt động và từ đó nâng cao thu nhập.
“Nếu chúng ta không nhanh chóng thực hiện ngay một chính sách trợ cấp xứng đáng cho nghệ nhân, e rằng di sản và các loại hình nghệ thuật có thể còn đấy, nhưng hồn cốt thì đã dần mai một và mất hẳn”- ông Thịnh trăn trở.
Với 20 năm gắn bó với sân khấu cải lương, NSƯT Nguyễn Trọng Bình- Trưởng đoàn 2 Nhà hát Cải lương Việt Nam cho rằng, để sân khấu truyền thống dân tộc có thể tồn tại, Nhà nước hoặc đơn vị tổ chức tư nhân, cần phải trang bị sân khấu xứng tầm với các thiết bị tối tân đáp ứng được những nhu cầu, nếu không sẽ bị lạc hậu, chậm tiến so với thời đại.
Phải tìm kiếm được những kịch bản hay, nội dung tốt để thu hút khán giả. “Ngoài ra, việc định hướng cho khán giả là điều vô cùng quan trọng.
Phải có những phương pháp tiếp cận và quảng bá tốt, giúp khán giả biết đến và yêu mến sân khấu truyền thống dân tộc- theo ông Bình.
Với rất nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân sân khấu truyền thống, dù rất khổ nhưng họ vẫn nhất quyết sống chết với nghề. Bởi nghề với họ đã trở thành nghiệp.
Nhưng hơn bao giờ họ rất cần được sự quan tâm để nâng cao đời sống và thu nhập để nuôi chính tình yêu nghề nghiệp của mình.
Bởi đơn giản “có thực mới vực được đạo”, có môi trường và điều kiện để tỏa sáng tài năng bằng những vai diễn và những đêm diễn thì mới có thể giữ chân được những tài năng trẻ gắn bó và cống hiến cả cuộc đời với nghệ thuật truyền thống.
Minh Quân (daidoanket)