Mussorgsky (1839-1881)

0
1360
Kỷ niệm 180 năm ngày sinh
Modest Petrovich Mussorgsky sinh ngày 9 (theo lịch mới là ngày 21) tháng 3 năm 1839 tại làng Karevo tỉnh Pskov trong một gia đình địa chủ thuộc dòng họ Riurikov. Ông được mẹ dạy chơi piano và sáng tác các bản tuỳ hứng từ nhỏ, khi lên chín tuổi đã có thể trình diễn concerto của Field trước công chúng. Năm 1849 ông vào học ở trường Petropavlovsk ở Saint Peterburg và năm 1852 thì nhập học tại trường đào tạo hạ sĩ quan cận vệ và học đàn với nhà sư phạm âm nhạc nổi tiếng A.A. Gerke. Nhạc phẩm đầu tay của ông , bản polka viết cho piano có tên “Hạ sĩ quan cận vệ,” ra mắt công chúng trong thời kỳ này. Năm 1856, dù không được đào tạo một cách bài bản về nhạc lý ông vẫn bắt tay vào sáng tác vở opera đầu tiên dựa theo một tác phẩm văn học lớn của V.Hugo. Cùng năm này ông nhận nhiệm vụ tại trung đoàn cận vệ Preobragiensky. Năm 1857 ông làm quen với Alexander Dargomizhsky và César Cui, rồi được giới thiệu với Mily Balakirev (người thuyết phục ông học nhạc lý một cách cơ bản và soạn nhạc) và Vladimir Stasov. Chẳng bao lâu sau Mussorgsky trở thành thành viên nhóm “Moguchaya kuchka” (nhóm Hùng mạnh – nhóm các nhà soạn nhạc lấy đấu tranh cho nghệ thuật dân tộc làm tôn chỉ mục đích hoạt động của mình gồm 5 thành viên: Balakirev, Cui, Borodin, Rimsky-Korsakov và Mussorgsky).
Năm 1858, do một khủng hoảng thần kinh và tâm lý, Mussorgsky giải ngũ. Chuyến thăm Moskva vào năm 1859 trở thành một sự kiện lớn trong đời Mussorgsky – nhạc sĩ bởi chính tại đây ông như trải qua một cao trào cảm hứng và các tình cảm ái quốc. Các tác phẩm âm nhạc của Mussorgsky bắt đầu được trình diễn trong các chương trình hoà nhạc, nhưng nhìn chung sự nghiệp sáng tác của ông thời kỳ này chưa ổn định. Trong hai năm sau ngày chế độ nông nô bị bãi bỏ năm 1861 ông buộc phải tham gia quản lý trang trại của gia đình. Bản giao hưởng bắt đầu sáng tác bị bỏ dở và mãi mãi không bao giờ được hoàn thiện, còn hai thầy dạy là Stasov và Balakirev bắt đầu nhìn Mussorgsky với con mắt khác và đánh giá ông “gần như là một thằng ngốc”. Tuy nhiên, Musorgsky vượt qua giai đoạn khủng hoảng này khá nhanh chóng, và lại bắt tay vào sáng tác. Năm 1863 – 1865 ông viết libretto của opera Salambo theo tiểu thuyết của G.Flaubert. Để kiếm sống, ông chấp nhận trở thành một viên chức nhà nước và sống trong một phòng trọ rẻ tiền. Ông nhiệt tình ủng hộ những quan điểm tiên tiến (theo cách hiểu của giới trí thức Nga thập niên 1860) về nghệ thuật, tôn giáo, triết học và chính trị. Mâu thuẫn giữa đời tư Mussorgsky với công việc của một công chức ngày càng nặng nề, năm 1865 ông lâm vào tình trạng nghiện rượu nặng, có thể một phần là do cái chết của người mẹ yêu dấu và dẫn đến hậu quả năm 1867 ông bị sa thải.
Mùa hè năm 1867 Mussorgsky sống ở Minkino trong trang trại của anh ruột, và tại đây ông sáng tác thành công tác phẩm khí nhạc lớn đầu tiên của mình – “Đêm trên núi trọc”.
Mùa thu năm đó ông trao đổi thư từ với Dargomizhsky, vốn là một người đầy kinh nghiệm trong làm mới nghệ thuật đọc và đang thu hút sự chú ý của cả nhóm “Moguchaya kuchka”. Mong muốn hoàn thiện và phát triển các kinh nghiệm của Dargomizhsky được Mussorgsky thể hiện trong dự kiến sáng tác opera Đám cưới dựa trên văn bản hài kịch văn xuôi của nhà văn N.V.Gogol, tuy nhiên, sau khi đã hoàn thành màn I của vở opera này thì ông từ bỏ ý định.
Năm 1869 Mussorgsky quay lại công sở nhà nước, và nhờ sự ổn định một cách tương đối trong cuộc sống ông đã có thể hoàn thành bản đầu tiên của vở opera lớn Boris Godunov trên cơ sở libretto của chính mình dựa theo các tác phẩm của A.C. Pushkin và N.M. Karamzin.
Tác phẩm này bị hầu hết các nhà hát thời đó từ chối do thiếu vai nữ chính, nên nhà soạn nhạc buộc phải viết phiên bản sau của nó. Năm 1872 vở opera được sửa chữa nhưng vẫn bị từ chối, dù các trích đoạn từ tác phẩm đã được công diễn rộng rãi, còn tổng phổ của nó đã được nhà xuất bản V.Bessel giới thiệu với công chúng. Mãi sau nhà hát Mariinsky mới nhận lời dựng vở, và buổi công diễn ra mắt năm 1874 đã thành công vang dội.
Năm 1870 Mussorgsky hoàn thành các tiểu phẩm thanh nhạc “Cho trẻ em” với phần lời do chính ông soạn, và hai năm sau thì bắt tay vào sáng tác vở opera thứ hai trong sự nghiệp của mình với chủ đề lịch sử Nga.
Nguyên bản libretto Khovanshchina viết về chủ đề các sự kiện lịch sử đã diễn ra vào thời trị vì của vua Piotr Đại đế. Mussorgsky có ý tưởng sáng tác một tác phẩm hoành tráng mà chính ông dùng thuật ngữ “opera truyền thống”, vậy mà ông đã không thể hoàn thành tác phẩm này. Một trong các nguyên nhân là bệnh nghiện rượu, và hơn thế, ông lại dành thời gian cho nhiều ý tưởng sáng tác khác nữa. Suốt thập kỷ 1970 ông đã viết nên những tác phẩm thanh nhạc lớn như “Thiếu mặt trời” và “Ca khúc và vũ điệu của thần chết” phổ thơ A.A. Golenitshev, nhà thơ được Mussorgsky đánh giá rất cao, đồng thời ông hoàn thành tuyệt tác dành cho piano “Những bức tranh trong phòng triển lãm” nhân cảm hứng khi xem các phác thảo của kiến trúc sư V.A. Gartman.
Đó cũng là thời gian Mussorgsky bị lôi cuốn bởi ý tưởng sáng tác vở opera Hội chợ Sorochinskaya (dựa theo tác phẩm của nhà văn Gogol, và tác phẩm chưa kịp hoàn thành). Năm 1878 cuộc sống của nhà soạn nhạc dường như ổn định và được cải thiện trong một thời gian ngắn. Ban lãnh đạo Bộ nơi ông làm việc đã quyết định cho phép ông nghỉ để đi lưu diễn ở miền Nam Nga với tư cách là người đệm đàn cho nữ ca sĩ giọng contralto nổi tiếng Daria Leonova (1829 – 1896). Trong thời kỳ lưu diễn này Mussorgsky viết “Khúc hát của Mefistofel về con bọ chét”. Tháng giêng năm 1880 ông thôi việc tại công sở nhà nước để làm việc trong trường dạy thanh nhạc riêng của Daria Leonova, tuy nhiên bệnh động kinh, hậu quả của tệ nghiện rượu tái phát đến mức tháng hai năm 1881 ông bị đưa vào viện quân y Nikolaev ở Saint Peterburg, và một tháng sau, ngày 16 (28) tháng 3 năm 1881 thì qua đời tại đó.
Bản thân Mussorgsky luôn coi sáng tác của mình là “cuộc trò chuyện với mọi người” và coi nói sự thật với tất cả mọi người là nghĩa vụ của mình, sự thật mà ông luôn đặt vào vị trí đối lập với vẻ đẹp hoàn hảo của thứ nghệ thuật đơn thuần. Chính vì quan niệm đó mà âm nhạc của ông có những nét đặc trưng như tính không hoàn thiện trong các chi tiết hình thức, một phần là do ông tỏ ra cố tình không chấp nhận các quy tắc truyền thống của nhạc hàn lâm. Sau khi Mussorgsky qua đời, nhạc sĩ Nicolai Rimsky-Korsakov, một người bạn thân của ông đã nhận trọng trách hoàn thiện tổng phổ và biên tập cho các tác phẩm lớn nhất mà ông để lại như Khovanshchina, Boris Godunov, các romance, “Đêm trên núi trọc”. Rimsky-Korsakov đã phải can thiệp rất nhiều vào các bản thảo của Mussorgsky, sửa chữa tất cả những “lỗi” và cả những gai góc mà nhà soạn nhạc cố tình để trong bản thảo của mình. Trong cả hai vở opera Rimsky-Korsakov đã phải rút ngắn nhiều chỗ, thậm chí thay cả thứ tự các cảnh. Nhờ việc hiệu đính của Rimsky-Korsaskov mà các sáng tác của Mussorgsky mới được phổ biến rộng rãi tại Nga và cả ở nước ngoài, nhưng lại khiến thính giả khó mà hiểu sâu bản nguyên gốc chưa được sửa chữa của ông.
Cả hai vở opera của Mussorgsky không chỉ là các tác phẩm hoành tráng, và về một khía cạnh nào đó, rất “lạ” đối với nhà hát (trong các bản do Rimsky-Korsakov hiệu chỉnh đặc biệt nhấn mạnh tính hoành tráng và tượng đài của tác phẩm) mà còn thể hiện cái nhìn lịch sử – triết học sâu sắc, đa nghĩa của tác giả. Phát triển và bỏ lại khá xa những khám phá và cách tân của Dargomizhsky, Mussorgsky đã sáng tạo ra một kiểu thể hiện các đoạn hát nói mới hoàn toàn trong âm nhạc Nga. Bằng một ngôn ngữ hài hoà và nhiều âm điệu Mussorgsky thể hiện rõ sự đối lập giữa các yếu tố thuần Nga và ngoại lai. Để thể hiện các yếu tố ngoại lai ông đã rất thành công khi sử dụng phong cách lãng mạn châu Âu (những người Ba Lan trong Boris Godunov, người Đức trong Khovanshchina) và bắt chước các đặc điểm phương Đông (những người Ba Tư trong Khovanshchina).
Các tiểu phẩm thanh nhạc, các bản romance và ca khúc của Mussorgsky được sáng tác trên nền cảm hứng và khát khao thể hiện muôn vẻ của cuộc sống một cách trung thực nhất. Trong số đó các tiểu phẩm dành cho piano “Những bức tranh trong phòng triển lãm” chiếm một vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ. Đây là tác phẩm lớn duy nhất được chính Mussorgsky hoàn thiện, sáng tác với nguồn cảm hứng từ các bức phác hoạ khiêm tốn của Gartman, đạt tới tầm của các giao hưởng trong đó các bức tranh riêng biệt được tập hợp trong một tổng thể thống nhất bằng một ý tưởng đầy kịch tính xuyên suốt. Không phải vô cớ mà các tiểu phẩm “Những bức tranh trong phòng triển lãm” được nhiều người soạn lại cho dàn nhạc, mà đỉnh cao là tổng phổ của Maurice Ravel năm 1922.
Hầu hết các nhà soạn nhạc lớn của Nga thế kỷ XX như Prokofiev, Stravinsky, Shostakovich và kể các nhạc sĩ như Janacek của Czech hay Messiaen của Pháp đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của Mussorgsky. Năm 1968, Viện bảo tàng trang trại của Mussorgsky mở cửa tại làng Haumovo (nay thuộc vùng Kunhin tỉnh Pskov).
(HNS)