19 năm công tác ngành Văn hóa, 6 năm công tác ở UBND huyện, 17 năm công tác ngành Tuyên giáo và cũng từng ấy thời gian gắn bó với âm nhạc, Lâm Thanh Bình vẫn lặng lẽ góp cho đời như con ong chăm chỉ.
Luôn làm tròn nhiệm vụ
Trong 19 năm công tác ngành Văn hóa, anh đóng góp nhiều công sức vào việc xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh, đặc biệt là phong trào văn nghệ quần chúng trong đồng bào Chăm tỉnh An Giang. Là người trực tiếp xây dựng Đội Văn nghệ quần chúng dân tộc Chăm xã Châu Phong – Đội Văn nghệ quần chúng dân tộc Chăm đầu tiên của An Giang ra đời năm 1982, từ đó đã kéo theo sự ra đời của tất cả các Đội Văn nghệ dân tộc Chăm của 9 xóm Chăm trong toàn tỉnh. Đặc biệt, anh là người đã vận động được các cô gái Chăm trong cung cấm tham gia hoạt động văn nghệ, từ đây mở ra phong trào phụ nữ Chăm được đi học, được tham gia các hoạt động xã hội và bỏ dần tập tục cấm cung trong đồng bào Chăm.
Đặc biệt, anh chính là người đề xuất và trực tiếp tham gia tổ chức thành công nhiều Lễ hội mang ý nghĩa xã hội to lớn như: Ngày hội Văn hóa – Thể thao truyền thống huyện An Phú hàng năm, Liên hoan Văn hóa Mùa nước nổi Búng Bình Thiên hàng năm và Ngày hội Văn hóa – Thể thao dân tộc Chăm toàn tỉnh, mà sau này là Ngày hội Văn hóa – Thể thao và Du lịch dân tộc Chăm tỉnh An Giang.
Trong 6 năm công tác ở UBND Huyện An Phú với vai trò là Phó Chủ tịch UBND phụ trách Văn hóa – Xã hội, anh đã lãnh đạo các ngành Văn hóa – Xã hội phát triển mạnh mẽ như: Giáo dục, Y tế, Dân số, Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn hóa – Thể thao… Lãnh đạo thực hiện thành công phong trào Xóa mù chữ – Phổ cập giáo dục tiểu học từ một huyện khó khăn nhất của tỉnh thành một huyện dẫn đầu được công nhận đạt chuẩn quốc gia Xóa mù chữ – Phổ cập giáo dục tiểu học và đến nay đã có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, lãnh đạo phát triển phong trào Văn hóa – Thể thao được đánh giá mạnh nhất tỉnh…
Nổi bật là trong 17 năm công tác ngành Tuyên giáo và hiện đang là trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy An Phú, đồng chí đã đề xuất xây dựng bộ máy Tuyên giáo cấp xã, thị trấn đầu tiên trong tỉnh. Từ đó, góp phần đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công tác Tuyên giáo trong tình hình mới. Bên cạnh đó còn đề xuất thành lập Tổ Tuyên truyền, phản tuyên truyền và nắm dư luận xã hội; Tổ khoa giáo trực thuộc Ban Tuyên giáo cơ sở. Còn là người đề xuất mô hình Hội nghị Giao ban Bí thư chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã, thị trấn nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở cơ sở và đã được nhân rộng trong toàn tỉnh. Đề xuất nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” từ Chỉ thị 06 đến Chỉ thị 03, sau đó là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Vừa triển khai thực hiện có hiệu quả trong nội bộ hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, vừa triển khai thực hiện sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, tôn giáo. Nổi bật như: tổ chức Hội thi “Nhân dân kể chuyện đạo đức Bác Hồ”, Hội thi “Thanh niên dân tộc Chăm kể chuyện đạo đức Bác Hồ” và nhiều Hội thi ý nghĩa khác.
Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền ra dân, đồng chí đã đề xuất mở nhiều lớp học cho người cao tuổi ở các ấp trong toàn huyện gồm các chuyên đề như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Lược sử vùng đất Nam bộ”, “Chủ nghĩa yêu nước”… đã tạo được sự đồng thuận của đại đa số Nhân dân là người cao tuổi trong huyện.
Nhạc sĩ của làng Chăm
Lâm Thanh Bình đến với âm nhạc khá sớm, bắt đầu sáng tác ca khúc khi chưa được đào tạo nhạc lý. Bằng kiến thức truyền miệng từ người cha, cộng với năng khiếu bẩm sinh, sau 2 năm tốt nghiệp cấp 3, anh đã có tác phẩm đầu tay “Ở hai dòng sông”. Bài hát nói về vùng đất Phú Châu giàu truyền thống cách mạng, đã nhanh chóng mang lại thành công khi được chọn làm tiết mục chủ đạo của đội văn nghệ huyện và đạt Huy Chương vàng tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh An Giang ngay trong năm.
Lâm Thanh Bình chính thức bắt đầu sự nghiệp âm nhạc từ năm 1976 khi đang là cán bộ phòng VH-TT huyện Phú Châu. Đầu năm 1980, được giao nhiệm vụ vận động phong trào văn nghệ quần chúng trong đồng bào dân tộc Chăm. Với tinh thần và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, Lâm Thanh Bình đã rong ruổi khắp các xóm Chăm, lúc đó anh là cán bộ người Kinh duy nhất mạnh dạn cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào Chăm.
Bằng sự nhiệt tình ấy, anh dần tạo được cảm tình với đồng bào Chăm. Sự gần gũi, sẻ chia, thấu hiểu với bà con đã tạo thành một nhịp cầu vô hình gắn kết anh và cộng đồng người Chăm, bà con tin tưởng anh nên dạy nói tiếng Chăm. Anh thuyết phục bà con người Chăm thành lập Đội văn nghệ đầu tiên trong cộng đồng người Chăm ở xã Châu Phong. Đội văn nghệ dân tộc Chăm lần đầu tiên biểu diễn trên sân khấu Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn huyện có sự xuất hiện của 5 cô gái Chăm bước lên sân khấu từ trong cung cấm. Đây được xem như là “một cuộc cách mạng” đã giải phóng người thiếu nữ Chăm thoát khỏi sự ràng buộc phải chịu đựng suốt hàng trăm năm qua. Cũng bắt đầu từ đây, mô hình của đội văn nghệ dân tộc Chăm được nhân rộng ra khắp các xóm Chăm trong tỉnh, ngày càng có nhiều gia đình cho cô gái Chăm khỏi phải “cấm cung’ để tham gia phong trào văn nghệ, các cô gái Chăm được đi học, được tham gia các hoạt động xã hội khác. Phong trào văn nghệ ngày càng phát triển mạnh và đã gây tiếng vang trong toàn tỉnh, trong Quân khu 9 và dần dần lan ra toàn quốc. Lâm Thanh Bình vừa sáng tác, vừa tập dợt, dàn dựng chương trình cho Đội văn nghệ dân tộc Chăm đi biểu diễn nhiều nơi, đồng thời còn vận động một số nhạc sĩ, nghệ sĩ cùng chung tay chăm lo phát triển phong trào.
Với niềm đam mê sáng tác, Lâm Thanh Bình bắt đầu viết ca khúc đầu tay về làng Chăm là “Cô gái Chăm trên quê hương An Giang” mang âm hưởng dân ca Chăm với giai điệu mượt mà tha thiết. Ca khúc này đã đoạt ngay giải A ở Hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện Phú Châu lần đầu tiên và giải A trong hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh An Giang và sau đó là giải A Hội diễn nghệ thuật quần chúng Quân khu 9. Bắt đầu từ đó, những sáng tác của anh viết về đồng bào Chăm lần lượt ra đời. Đặc biệt, ca khúc “Roda yêu thương” được các Sở, ngành trong tỉnh An Giang cũng như nhiều tỉnh, thành phố, nhiều Trường THPT, Trường Đại học dàn dựng, tham gia thi diễn ở các hội thi cấp khu vực, toàn quốc và đã đoạt hơn 10 huy chương vàng cấp toàn quốc.
Ca sĩ Mỹ Hạnh với bài hát “Roda yêu thương” đã đạt điểm cao nhất vòng thi miền Nam của cuộc thi Tiếng hát Sao Mai. Riêng ca khúc “Trái táo” (trong tổ khúc “Karim và Nurisa”) đã được chọn làm bài hát tham dự Liên hoan thông tin lưu động toàn quốc năm 2011 tổ chức tại Tuyên Quang. Bài hát này được Hội Nhạc sĩ Việt Nam chấm giải A trong Liên hoan âm nhạc đồng bằng sông Cửu Long do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức và cũng đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc hội diễn ở các cấp. Rất nhiều tác phẩm của Lâm Thanh Bình đã được phổ biến rộng rãi trong phong trào văn nghệ của sinh viên Trường Đại học An Giang, các Trường Đại học ở các tỉnh, thành, Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh… Ca khúc “Về thăm cô gái làng Chăm” còn được Đài Phát thanh – Truyền hình 21 tỉnh, thành phố phổ biến. Đặc biệt, tổ khúc “KaRim và Nurisa” đã được Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ xây dựng thành phim ca nhạc “Khăn Matơra của em” để tham dự liên hoan phim truyền hình toàn quốc và đạt Huy Chương vàng. Phim ca nhạc này được rất nhiều tỉnh, thành sử dụng. Tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh An Giang năm 2009, lại được nhận một giải thưởng vinh dự khác là nhạc sĩ có ca khúc được nhiều Đoàn sử dụng nhất.
Tạp chí Âm nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam số 20/2011 có đoạn viết: “Nếu như Ninh Thuận có A Mư Nhân, nhạc sĩ rất nổi tiếng với những sáng tác về người Chăm vùng Ninh Thuận, Bình Thuận thì ở An Giang, một vùng đất ở phía Tây Nam tổ quốc cũng có một nhạc sĩ mà tên tuổi ông được giới làm nghệ thuật tỉnh nhà gọi là “Người Nhạc sĩ của làng Chăm” với những ca khúc như: “Roya yêu thương; Vầng Trăng, Trái táo, Chia xa; Mùa gió nhớ trăng; Mong chờ…” Đó chính là nhạc sĩ Lâm Thanh Bình, một người con của quê hương An Phú, An Giang …”
Trước những đóng góp của Lâm Thanh Bình đối với nền âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc cho dân tộc Chăm An Giang, cuối năm 2010, Hội nhạc sĩ Việt Nam đã chính thức kết nạp anh vào Hội. Với hơn 40 ca khúc, trong đó có khoảng 10 ca khúc viết về đồng bào Chăm, Lâm Thanh Bình đã trở thành “Nhạc sĩ có nhiều ca khúc về đồng bào Chăm Islam nhất”.
“Chỉ hơn 40 tác phẩm, nhưng bù lại sáng tác của anh được phổ biến khắp ĐBSCL và lan rộng ra cả nước. Đó là hạnh phúc lớn của người nghệ sĩ ”, NS Phạm Minh Tuấn – nguyên Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận xét.
Đồng chí Lâm Thanh Bình về hưu nhưng chỉ về hưu ở vai trò là người cán bộ của Đảng và Nhà nước, còn với vai trò là người Nhạc sĩ thì không có tuổi hưu. Nhạc sĩ Lâm Thanh Bình vẫn năng nổ trong hoạt động âm nhạc, vẫn không ngừng học hỏi, không ngừng sáng tạo để tạo nên nhiều tác phẩm mới, hoàn thiện những gì mình đã gầy dựng, cùng chung tay xây dựng quê hương ngày một tươi sáng hơn, giàu đẹp hơn.
HỮU HUYNH