Khi âm nhạc trở thành… “fast food” của tinh thần?

0
1103

Thì có sao đâu? Khi đây là thời đại của công nghệ thông tin, của fast food. Thư tay xuống giá, email lên ngôi; cơm nhà nhường chỗ cho hamburger… Thì tinh thần cũng cần có những món “fast food” vừa vặn chứ! Nhìn vào những sản phẩm thị trường sẽ thấy được tầm văn hóa của một thời đại. Nhưng ở Việt Nam, đây sẽ còn là câu chuyện dài.

Điều đầu tiên quyết định chất lượng một món ăn, dù là món ăn vật chất hay món ăn tinh thần, cũng phụ thuộc vào nguyên liệu. Dù khéo léo đến đâu, đố bạn nấu được một món ăn ngon nếu không đảm bảo phần nguyên liệu. Nguyên liệu trong những món ăn tinh thần như âm nhạc đi từ cái Tôi của người sáng tác. Tùy vào mục đích, sở thích và ý hướng riêng của mình, bạn có thể gọi hamburger hay nấu cơm nhà, gõ email hay viết thư tay, thưởng thức – sáng tạo nghệ thuật hay xem âm nhạc là một sản phẩm giải trí đơn thuần. Nhưng dù là gì đi nữa, trước khi “nấu” ra một sản phẩm, xin bạn hãy chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, trước khi “ăn”, cũng xin bạn hãy kiểm tra xem mình đang “ăn” gì. Trong âm nhạc nói riêng và trong những sản phẩm văn hóa tinh thần nói chung, đang xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng, dẫn đến những món ăn “rỗng”, chỉ có “fast” mà không có “food”, chỉ có dấu ấn của hoàn cảnh mà chưa có bản sắc của cái Tôi. Đây, có thể nói, là nguyên nhân của tấn thảm kịch nhạc Việt.

Thứ nhất, vì người viết không có bản lĩnh để cộng thêm cái Tôi vào với hoàn cảnh. Mà để nhanh, gọn, họ đã cẩu thả… dẹp luôn cái Tôi sang một bên, để “hoàn cảnh” mặc sức tung hoành trong sản phẩm của mình. Từ đó, dùng những ca từ… nóng bỏng tính thời sự của giới trẻ cộng với những MV cũng… nóng bỏng không kém làm điểm nhấn thu hút những lượt like, bình chọn, comment trên các cộng đồng âm nhạc, các trang âm nhạc trực tuyến. Thử nghe những lời hát này xem, bạn sẽ nghĩ sao:

“Tự kỷ về đêm, lấy chiếc phone cũ cứ bấm lung tung vừa vô lại ra…nhấn start chơi game được 4-5 phút tiện tay ném một góc giường, chán quá đi mất thôi…Tự kỷ thành quen, ngắm nghía cho đã trong gương rồi nói vài câu dở hơi, bực bội hôm nay có thằng nó dám lăn tăn với mình, mà lúc đó không làm được gì…”

(Tự cmn kỷ)

Ý nghĩa duy nhất của những ca từ trên chính là… sự vô nghĩa! (hay đây là một dạng bệnh lý nhỉ?!) Nhưng bạn tin không, đó là một ca khúc hẳn hoi, và ca khúc ấy từng ở đâu đó top 10 của hơn một bảng xếp hạng âm nhạc!

Hay thử mở một đoạn clip đang hot trong thời điểm này lên xem, bạn sẽ hiểu ra ngay, tại sao bài hát ấy luôn đứng đầu bảng xếp hạng? Thì ra màn cởi hết áo quần, lộ ra thân hình bikini nóng bỏng của cô người mẫu, nhằm phục vụ cho “văn hóa mới” – “anh không đòi quà” đóng vai trò không nhỏ.

Khi lĩnh vực văn hóa cũng trở thành nơi bán buôn, khi ước mơ được nổi tiếng của những người trẻ trở thành mục đích duy nhất, thì âm nhạc là một mảnh đất béo bở để kinh doanh. Người người lao vào “sáng tác”, nhà nhà đâm đầu đi “hát”. Có khi họ cam lòng dẹp qua cái Tôi để đồng hóa mình với hoàn cảnh chung. Nhưng cũng có khi, đau lòng không kém, họ làm gì có cái Tôi để “đồng hóa”. Họ mù quáng tạo ra những sản phẩm cũng “mù quáng” không kém họ. Khi mà nguyên liệu không có, món ăn của họ một là ôi thiu, hai là méo mó, rỗng tuếch, ngoi ngóp trên bảng xếp hạng nhờ vào những thứ bên ngoài nó, và bi kịch hơn, sống nhờ vào phân khúc khán – thính giả cũng “mù quáng” như họ. Đó là những người nghe không có cái Tôi để phản biện, tạo tác, mà họ, chỉ đơn giản, tiếp nhận những món fast food ấy một cách thụ động, dần dần, bóp méo chính nhận thức của mình. Đây cũng là lý do tại sao so với mặt bằng thế giới, thị hiếu của người bình dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là thị hiếu của một “đứa trẻ không – biết – bao – giờ lớn”. Và đứa trẻ ấy sẽ còn quặt quẹo hơn nữa, nếu cứ biếng lười “ăn” bừa những thứ “fast food” có sẵn của thị trường nhạc Việt.

Ở một tầng khán thính giả khác, sự tác động của những “món ăn nhanh” này còn nguy hiểm hơn. Đó là hậu quả với những người nghe đang trong độ tuổi hình thành cái Tôi. Nói cách khác, đây là những cái Tôi, bằng mọi giá, đang phải “ăn” để lớn. Lấy gì làm chỗ dựa cho những cái Tôi non nớt, yếu đuối này khi tràn ngập trên truyền hình, internet,… toàn là những bảng xếp hạng đình đám với những “món ăn” thời đại cũng “đình đám” không kém. Phải có gì đó để những đứa trẻ đang lớn ấy tin và nghe. Nhưng tiếc là, không có. Cái Tôi của chúng chưa kịp lớn đã phải “trì hoãn” sự lớn lên bởi hàng trăm câu hát méo mó bên tai, nghe như là chân lý. Nào là “yêu em anh không đòi quà” (Anh không đòi quà), nào là “tự kỷ thành quen, ngắm nghía cho đã trong gương rồi nói vài câu dở hơi…” (dở hơi thật!) (Tự cmn kỷ), rồi thì “Nhưng mà anh ơi dứt khoát đừng rủ mà em về nhà anh nhá, em là con nhà lành cơ…” (Nóng)…  Nếu không “ăn”, chúng sẽ chết. Còn nếu “ăn”, chúng sẽ chết dần dần. Nếu là bạn, bạn chọn cái chết nào? Nhưng dám cá, đằng nào thì những cái Tôi ấy cũng sẽ chết. Văn hóa có thể vực dậy cả một thời đại nhưng chính nó, cũng có thể giết chết cả một thế hệ chứ không giỡn. Lẽ nào chúng ta đành lòng chứng kiến sự quẫy chết ấy? Lẽ nào chúng ta đan tâm “đầu độc” cả một thế hệ? Rồi đây, sẽ lấy gì mà sống tiếp cho mai sau?

Fast food là một sản phẩm tất yếu của thời đại. Làm sao bắt bạn ngồi yên hàng giờ để thẩm thấu từng dòng nhạc tiền chiến đầy những điển cố điển tích, làm sao bắt bạn đìu hiu quạnh quẽ với nhạc Trịnh, hay luyến láy từng âm giai với Phạm Duy khi mà quanh bạn xập xình Adele, và bạn thì chỉ có thể tranh thủ nghe nhạc trong lúc đợi kẹt xe? Chỉ có thể sáng tác khi có người nghe, có người đặt hàng, có người chịu hát bài hát của bạn? Bạn cần thứ gì đó dễ viết, dễ hiểu, dễ nghe, du dương một chút, nuông chiều bạn một tẹo; kiểu như ăn vội một chiếc bánh mỳ cho kịp giờ làm vậy. Nghệ thuật thì để dành khi khác. Tôi hiểu chứ. Nhưng fast food cũng có cái giá của fast food. Nhanh, gọn, nhưng đừng biến nó thành những sản phẩm vô giá trị. Xin bạn, hãy dùng cái Tôi của mình để nhìn vào hoàn cảnh, hoặc là, hãy từng chút một, tìm lấy cái Tôi của mình, và bằng mọi cách, tựa vào nó, rồi làm gì thì làm. Nếu có một điểm tựa, bạn có thể bẫy cả quả đất cơ mà! Vấn đề không nằm “fast food” mà nằm ở nguyên liệu chế biến ra fast food, và những nguyên liệu đó chính là “điểm tựa” của bạn. Hãy “bẫy” cả thế giới, với điểm tựa của chính mình. Tôi tin, lúc ấy, không chỉ “cơm dinh dưỡng” mà “fast food tinh thần” của bạn cũng có thể nuôi lớn được những người đang lớn và nuôi sống được những người đã lớn. Nhạc Việt, lúc ấy, cũng “vá” lại được những “lỗ thủng” khổng lồ của mình, bạn tin không?

Nguyên Khiêm (gdx)