Hát xẩm ngày xuân: Nghệ thuật truyền thống đang dần sống lại

0
899
Cụ Hà Thị Cầu - truyền nhân cuối cùng của nghệ thuật xẩm.

Vài năm gần đây, mọi người quen dần hơn với việc ngày xuân có tiếng hát xẩm ở những hội làng, những chiếu xẩm ngày xuân.

Hát xẩm là bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc gắn bó lâu đời với người Việt, đặc biệt là tại các địa phương đồng bằng Bắc Bộ như: Bắc Giang, Hà Đông, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa… Loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt này bắt nguồn và gắn bó với cuộc sống dân dã nơi thôn quê, với cuộc sống phồn hoa nơi thị thành và kẻ chợ…

Theo tài liệu của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Việt Ngữ công bố năm 1964, hát xẩm có 8 làn điệu chính: Xẩm chợ, xẩm xoan (Chênh bong), huê tình (riềm huê), xẩm nhà trò (ba bậc), nữ oán (Phồn huê), hò bốn mùa, hát ai, thập ân. Mỗi làn điệu ấy biểu hiện một khía cạnh tình cảm, với cách thưởng thức riêng phù hợp với từng đối tượng khán giả. Tùy theo không gian biểu diễn và đối tượng thưởng thức mà người hát xẩm trình bày những làn điệu riêng.

Ngày xuân có tiếng hát xẩm

Đã từng có giai đoạn, người dân rất quen thuộc với tiếng hát xẩm ngày xuân. Cứ đến mùa xuân – mùa của những lễ hội, những gia đình khá giả vùng Kinh Bắc, Ninh Bình, Thanh Hóa… mời các gánh xẩm đến hát trong tư gia.

Theo nhạc sĩ, nhà phê bình lý luận Nguyễn Quang Long, bản thân nghệ thuật hát xẩm không có những câu hát trực tiếp về Tết nhưng tinh thần trong những bài xẩm lại toát lên một không khí rất Tết.

Trong các tư gia, gánh xẩm sẽ hát những bài ghi nhớ công ơn của ông bà tổ tiên, công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ như “Xẩm thập ân”, “Ngãi mẹ sinh thành”… Có những bài xẩm nói về tình cảm thân hữu, giao tình anh em, dựa trên những cốt truyện dân gian như “Tứ hải giao tình”, “Tống trân cúc hoa”…

Trong ngày hội xuân ở các làng, gánh xẩm hát rong cũng sẽ hát về tình yêu đôi lứa. Có một tục lệ khá vui rằng, nếu có cặp đôi đang ngấp nghé nhau, chàng trai sẽ chi tiền để gánh xẩm hát về câu về duyên tơ hồng.  Ngoài ra, cũng có những bài xẩm vui phê phán thói quen cờ bạc trong ngày xuân của các ông chồng.

Ảnh minh họa.

So với các loại hình nghệ thuật dân gian khác, hát xẩm có một chức năng vô cùng độc đáo – đó là một kênh truyền thông bằng âm nhạc rất hữu hiệu. Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, ngay từ khi ra đời, xẩm luôn là một “kênh” thông tin thời sự bằng âm nhạc, được dùng để truyền tải tình yêu quê hương, đất nước, truyền tải những thông điệp mang tính thời sự của xã hội. Bởi vậy, xẩm ngày xuân cũng có những bài nói về nhân tình thế thái, thời cuộc, sự bế tắc của xã hội trong giai đoạn đang bị thực dân Pháp đô hộ, cần những luồng gió mới để thay đổi.

Tuy nhiên, do sự thay đổi thời cuộc, đã từng có giai đoạn nghệ thuật hát xẩm gần như không còn tồn tại với hình thái xã hội vốn có và dần rơi vào lãng quên. Những gánh xẩm, chiếu xẩm ngày xuân biến mất trong mấy chục năm qua. Hiếm hoi, chỉ có cư dân vùng Ninh Bình, Thanh Hóa còn thỉnh thoảng mời được cố nghệ nhân Hà Thị Cầu về biểu diễn trong những ngày xuân.

Nhiều năm trở lại đây, với nỗ lực phục hồi nghệ thuật hát xẩm của các nhóm xẩm và các nghệ sĩ của dòng nhạc dân tộc như nhóm xẩm Hà Thành, NSND Xuân Hoạch, Mai Tuyết Hoa… đã giúp xẩm trở nên quen thuộc hơn với khán giả trong và ngoài nước. Khán giả cũng quen dần với việc ngày xuân có tiếng hát xẩm. Các hội làng thường mời nhóm xẩm đi hát quanh vùng Hà Nội và ngoại thành. Dù kinh phí cho mỗi lần đi diễn không nhiều, nhưng các nghệ sĩ xẩm vẫn cố gắng phục hồi nét văn hóa truyền thống xưa, để mọi người hiểu thêm về nghệ thuật hát xẩm.

Mới đây, nhóm xẩm Hà Thành cho ra mắt một liên khúc, tập hợp các bài xẩm nói về Tết và xuân do nhóm sáng tạo trong nhiều năm qua như “Tết xưa (lời thơ Thu Nguyệt), “Nhớ Tết” (lời thơ Trương Nam Hương), “Chơi xuân” (lời thơ Nguyễn Quang Hưng). Những bài xẩm do các nghệ sĩ quen thuộc của Nhóm Xẩm Hà Thành như Mai Tuyết Hoa, Quang Long, Phạm Dũng, Phạm Trang, NSUT Xuân Hải, Khương Cường, Thế Anh thực hiện.

Sức sống mới cho xẩm

Cùng với nhiều loại hình âm nhạc dân tộc khác như ca trù, chầu văn… xẩm đang từng bước góp thêm mảng màu sắc hấp dẫn cho âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, cũng giống như các loại hình văn hoá dân tộc khác, xẩm còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với công chúng trẻ tuổi.

Xẩm đã hoàn toàn thất truyền khi không còn cây đa, cây đề nào của làng xẩm còn sống, tất cả những gì còn lại là tư liệu trong các kho băng, thu lại từ những nghệ nhân khi còn sống. Chưa kể đến việc, xẩm cũng không có một đội ngũ kế cận thực sự hùng hậu, thiếu bài bản.

Nhạc sĩ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật phát triển âm nhạc Việt Nam đánh giá, đó là những khó khăn chung ở tất cả loại hình âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, điều lạc quan là những năm gần đây, âm nhạc dân gian đang nhận được sự quan tâm hơn của công chúng, bao gồm cả xẩm. Từ những tư liệu quý còn lại, các nghệ sĩ trẻ đã nghiên cứu và đưa được vào nhiều sản phẩm xẩm mới, từ đó giúp xẩm có giá trị lan tỏa ngày một sâu, rộng hơn.

Các hoạt động sôi nổi của những nghệ sĩ trẻ cũng mang đến sức sống mới cho xẩm. Nhóm Xẩm Hà Thành ra mắt nhiều MV xẩm được xây dựng lời mới phản ảnh nhiều chủ đề “nóng” của xã hội như: Văn hoá giao thông, kêu gọi đã uống rượu bia thì không lái xe; nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa ra mắt album xẩm đầu tiên gồm nhiều bài xẩm cổ và xẩm phổ thơ mới, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long ra mắt album xẩm mới với các bài do chính anh sáng tác…

Nhóm xẩm Hà Thành.

Ngoài ra, các nghệ sĩ như NSND Xuân Hoạch, Mai Tuyết Hoa còn tổ chức các minishow, các dự án truyền dạy xẩm cho thế hệ trẻ, giới thiệu xẩm tới sinh viên các trường đại học ở Mỹ… Xẩm không chỉ được biểu diễn ở không gian phố đi bộ mà còn được biểu diễn ở nhiều sân khấu âm nhạc lớn.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa tâm sự: “Chúng tôi vẫn có những không gian diễn xướng thu hút nhiều công chúng như chiếu xẩm ở phố đi bộ, đền Vua Đinh ở Hồ Gươm. Ngoài ra, một tín hiệu đáng mừng là chúng tôi cũng có những cơ hội để giới thiệu hát xẩm đến với khán giả nước ngoài bằng những cuộc hội thảo, trò chuyện. Đã có những nghiên cứu sinh, sinh viên nước ngoài tìm tới chúng tôi để học xẩm. Thực sự, tôi có niềm tin, con đường di sản của xẩm có nhiều cơ hội trong tương lai”.

Dù hiện tại, nghệ sĩ xẩm vẫn chưa thể sống được bằng nghề, nhưng với tình yêu, niềm đam mê và nỗ lực phục hồi xẩm, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa mong muốn, sẽ có nhiều hơn các bạn trẻ yêu thích xẩm, học xẩm và đến với sân khấu xẩm để môn nghệ thuật truyền thống này ngày được nối dài và phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong nước và thế giới biết đến nhiều hơn./.

T.V (HNS)