Bây giờ, Thanh Lam là chủ một quán ẩm thực mang tên Lam’Cusion ở con phố Khúc Hạo yên bình. Lam yêu ẩm thực và với chị, đó cũng là một nghệ thuật. Quán phủ đầy cây xanh, bình yên và thư thái. Đó là nơi Lam trình diễn những món ăn do chính chị nấu để tiếp đãi thực khách.
Tôi ngồi cà phê với chị trên tầng 2 của Lam’ Cusion chiêm ngưỡng sự bài trí khéo léo và cầu kỳ của chị. Lam là vậy, có thể rất amateur, rất phiêu và đôi khi cảm giác chị chẳng để tâm đến những chi tiết vụn vặt của đời sống. Nhưng một khi đã vào cuộc thì Lam cũng chỉn chu, tỉ mẩn và cầu kỳ hơn ai hết.
Chị rất duy mỹ, nên cái đẹp của Thanh Lam sẽ được đẩy lên độ cầu kỳ. Những món ăn cũng vậy. Lam thích vào bếp nấu những món ăn ngon thiết đãi bạn bè. Khi Lam mở quán, nhiều người ngạc nhiên, tưởng rằng Lam đang chuẩn bị cho tuổi già của mình. Lam chỉ cười, mọi thứ đến và đi trong cuộc đời đều là những mối nhân duyên. Với ẩm thực cũng vậy.
Lam yêu công việc bếp núc và khi nấu ăn, tỷ mẫn với những gia vị, với chua cay mặn ngọt của từng món ăn, chị lại biết trân quý hơn những khoảnh khắc được đứng trên sân khấu, được hát. Và có lẽ, đây là thời điểm Lam hát hay nhất, vì chị biết trân quý nâng niu từng con chữ và thẩm thấu nó một cách sâu xa hơn.
Không chỉ là ẩm thực, Thanh Lam muốn tạo ra một không gian nghệ thuật cho các nghệ sĩ thính phòng, jazz. Lam’Cusion trở thành một địa chỉ văn hóa cuối tuần của người Hà Nội, nơi kết nối những người trẻ yêu thính phòng, yêu jazz…
Lam là người bản năng, mạnh mẽ và luôn muốn làm mới mình. Chị luôn hướng tới sự chuyển mình. Vì thế, nhìn lại hành trình của Thanh Lam từ khi còn là cô gái 18 tuổi nổi tiếng đến bây giờ, Lam chưa bao giờ ngừng sáng tạo, khao khát khám phá cái mới.
Lam thú nhận: “Tôi là người nồng nàn, mạnh mẽ và luôn thích bùng nổ, điều đó nó cũng tự nhiên tuôn chảy trong con người tôi chứ không phải là cái gì đó phải cố gắng hay gồng mình lên. Nó là những thứ rất tự nhiên của người nghệ sĩ, nó sẵn có trong con người mình”.
Nhiều khán giả sau này không thích Thanh Lam, họ không thích cách hát thỉnh thoảng gào rú lên của chị. Nhưng Lam là vậy. Hay tự chán mình và luôn thích mới mẻ. Vì thế, sự xuất hiện của Lam trên sân khấu bao giờ cũng là sự bùng nổ.
“Tôi muốn khán giả yêu tôi hãy yêu cả những khuyết điểm của tôi. Đừng nghe tôi bằng hoài niệm, bằng quá khứ mà hãy yêu Thanh Lam của hiện tại hay nghe nhạc bằng một cái đầu rỗng. Những người nghệ sĩ luôn mong muốn chuyển mình, có thể hướng này sẽ bắt được ánh sáng, có lẽ hướng kia là bóng tối, có thể tôi đúng, có thể tôi sai. Khán giả hãy đừng định kiến mà hãy nghe người nghệ sĩ đó bằng sự cởi mở, chấp nhận sáng tạo của họ. Năm tháng làm nghề cũng giúp tôi rút được kinh nghiệm làm sao giống như khi nấu ăn, nếu đưa ra một bữa ăn quá nó nê họ không hấp thụ được”.
Tôi nhớ, trong đêm nhạc “Bình minh”, Thanh Lam đã vẽ lại chân dung của mình, từ những ngày đầu tiên ca hát đã nổi tiếng với “Chia tay hoàng hôn”, “Giọt nắng bên thềm”, “Em và tôi”… Lam tiết chế, tinh tế và nhẹ nhõm. Ở đó, ta vẫn cảm nhận được sự bùng cháy của Lam, nhưng nó không buông trôi theo cảm xúc bản năng mà bằng sự kiểm soát, tiết chế của trí tuệ. Lam không còn gào rú hay nồng nàn một cách bản năng như trước. Quốc Trung đã kìm được con ngựa bất kham trong Lam chăng?
Thanh Lam cười. Có lẽ, cuộc sống và những thăng trầm của nó đã giúp chị sống đằm hơn, điềm tĩnh hơn vì thế, chị hát hay hơn. Có thể nói, “Bình minh” với những sự kỹ lưỡng về ánh sáng, âm thanh và âm nhạc đã một lần nữa khẳng định giọng hát của Thanh Lam – một diva hàng đầu của làng nhạc Việt Nam. Lam đã minh chứng điều đó trong “Bình minh”.
Tuy nhiên, với nỗ lực đầu tư âm nhạc cũng như kỹ thuật của một show diễn mang chuẩn quốc tế như “Bình minh”, Thanh Lam và Quốc Trung muốn mang “Bình minh” đi tour vào Sài Gòn, Đà Nẵng chứ không chỉ diễn ở Hà Nội. Nhưng giấc mơ đó không dễ dàng vì cái tên Thanh Lam không đại chúng trong thời buổi mà người trẻ chỉ nghe dòng nhạc của họ, còn những người trung niên và già lại hoài niệm với dòng nhạc bolero.
Nhiều năm nay, Thanh Lam theo Phật, chị là một phật tử, sống bình an và tự tại. “Đạo Phật giúp ta hiểu hơn những vui buồn của cuộc sống, những được mất, khổ đau hay hạnh phúc. Khi đã thấu hiểu rồi thì ta không còn bấn loạn vì những khó khăn hay khổ đau nữa”, chị chia sẻ.
Những bon chen, ồn ã của giới showbiz không chạm tới chị. Bởi Thanh Lam hiểu, giá trị thực của cuộc sống. Người nghệ sĩ, nếu đủ bản lĩnh và trí tuệ sẽ đi qua những màu mè của cuộc sống. Còn tình yêu ư, có vẻ đây là thời điểm bình yên nhất của Lam khi chị có một tình yêu, được yêu thương và chở che.
Chị nói, hãy biết trân quý từng thời khắc của cuộc sống, trân quý những người thân của mình. Từ lâu chị không còn đặt ra vấn đề có một mái ấm gia đình, bởi các con của chị đã lớn và trưởng thành. Đăng Quang đang du học ở xa, con gái có gia đình và vẫn sẻ chia buồn vui hàng ngày với mẹ. Mọi sự tùy duyên.
Thanh Lam cũng đủ vững và an nhiên để sống với lựa chọn của riêng mình mà không bị ảnh hưởng bởi những cái tên bên ngoài, bình thản trước sự đến và đi. Và đến tận cùng, đi qua những biến động của đời sống, người nghệ sĩ ấy vẫn mang một trái tim ấm nóng với cuộc đời, với con người.
Diva ư, nữ hoàng ư, đó không phải là mục đích chị hướng tới nên một ngày nào đó, có thể những danh xưng ấy sẽ rời xa chị, sẽ chỉ còn là quá khứ thì nó cũng chẳng làm chị buồn lòng. Bởi Thanh Lam đã sống một cuộc đời nồng nhiệt, nồng nhiệt yêu, nồng nhiệt với đam mê ca hát và nồng nhiệt với đời sống này.
Chị nói: “Tôi cảm ơn cuộc đời vì mình được trời cho rất nhiều, cuộc sống có những lúc vui buồn, có những năm tháng thăng trầm, có những lúc mình giận hờn, yêu thương nhưng tôi không bao giờ chì chiết cuộc sống. Cảm ơn cuộc đời đã giúp tôi thực hiện được ước mơ của mình trở thành một nghệ sĩ, cảm ơn khán thính giả đã luôn ủng hộ tôi trong một hành trình dài…”.
Nói chuyện với Thanh Lam, với Hà Trần hay Mỹ Linh, tôi hiểu vì sao những cái tên của các chị, dù không hót theo kiểu trào lưu nhưng vẫn bền bĩ sống trong lòng công chúng. Vị trí diva mà khán giả dành tặng cho họ đến giờ vẫn chưa có những cái tên thay thế.
Ngoài tài năng trời phú, đó là tình yêu, đam mê và sự không ngừng học hỏi, không ngừng sáng tạo để làm giàu có tâm hồn và trí tuệ của một người nghệ sĩ. Vì thế đến bây giờ Thanh Lam vẫn đẹp, đẹp theo cách riêng của mình. Nhiều người gọi chị – người đàn bà không tuổi. Còn tôi, tôi cảm nhận vẻ đẹp của chị bền bĩ theo tháng năm bởi nó được nuôi dưỡng bởi một tâm hồn đẹp, một trái tim ấm áp yêu thương cuộc đời.
Hạnh Nguyên (HNS)