Trong buổi trò chuyện đầu năm, GS-NS Đặng Ngọc Long chia sẻ hành trình âm nhạc – điện ảnh của bản thân, cùng với những nhìn nhận cá nhân về những hạn chế của nền âm nhạc Việt trong quá trình vươn ra thế giới.
Tìm lối đi riêng trên trường quốc tế
Là một trong những nghệ sĩ gạo cội về guitar của Thế giới nhưng điều đáng chú ý, là ông dường như không “khẳng định tên tuổi” bằng những sản phẩm mang tính “Tây” mà rất đậm chất “Ta”. Các tác phẩm của ông sáng tác dựa vào nguồn chất liệu rất Việt Nam, mà rất hiếm nhạc sĩ Việt Nam làm được. Thưa giáo sư, nguồn cảm hứng nào và động lực nào thôi thúc ông làm được những điều quý giá như vậy?
Đi biểu diễn nhiều nơi trên thế giới, trong chương trình biểu diễn của tôi lúc nào cũng có một vài bài dân ca Việt Nam do tôi chuyển soạn hoặc sáng tác. Sau các buổi biểu diễn, khán giả thường giao lưu với tôi và đặt câu hỏi về các tác phẩm do tôi sáng tác. Đa phần họ nói nhạc của tôi nghe rất lạ tai và lấy làm thích thú được làm quen với một dòng nhạc mới của Việt Nam.
Tôi sống ở Đức đã lâu nhưng nỗi nhớ quê hương không bao giờ cạn. Tôi cũng suy nghĩ rằng tìm một hướng đi riêng cho mình mà gắn bó với quê hương, ví dụ trường phái hòa hợp Á – Âu. Bởi vậy tôi đã có những năm tháng làm việc say mê không ngừng và không biết mệt mỏi.
Là một người theo đuổi giấc mơ âm nhạc thế giới bằng chất liệu dân tộc Việt Nam; đồng thời lại xây dựng sự nghiệp ở đất khách, ông đã gặp phải những trở ngại nào; và ông vượt qua điều ấy như thế nào?
Trên thế giới nhiều trường phái âm nhạc phát triển, nhiều nhạc sĩ thể nghiệm phong cách riêng của mình nên sự hòa nhập vào điều chung về cảm xúc là rất khó. Âm nhạc của tôi họ chỉ thấy lạ thôi chứ chưa quen, vì các quãng ngũ cung Việt Nam và các cách mở rộng, phát triển hòa âm khúc thức của tôi họ chưa quen. Bởi vậy đầu tiên họ chưa chấp nhận.
Nhưng dần dần thông qua biểu diễn, giảng dạy và các hội thảo, tôi đã chiếm được cảm tình và sự ủng hộ của giới chuyên nghiệp. Họ lấy nhạc của tôi biểu diễn, giảng dạy cho học trò.
Đặc biệt nhiều tác phẩm của tôi đã được đưa vào làm bài thi bắt buộc cho các cuộc thi quốc tế tại Berlin. Đó là một ví dụ điển hình cho thấy họ dần cảm thấy yêu thích và trân trọng các sản phẩm âm hưởng Việt. Từ đây, các thí sinh thế giới muốn trải nghiệm thử sức mình đều phải luyện tập, tìm hiểu tác phẩm pha trộn chất liệu dân ca Việt Nam của tôi để tham dự cuộc thi. Đó là nguồn gốc giúp lan tỏa âm nhạc Việt Nam đi khắp năm châu.
Thành quả ngọt ngào nào trong quá trình mang âm nhạc Việt Nam ra thế giới khiến ông cảm thấy vui và tự hào nhất?
Tôi may mắn được ban tổ chức cuộc thi Guitar Quốc tế tại Berlin (diễn ra 2 năm một lần) trao trọng trách ra đề thi. Ngay từ năm 2006 tôi đã mạnh dạn đề nghị đưa một số bài chuyển soạn và sáng tác pha trộn âm nhạc hiện đại châu Âu với chất liệu âm nhạc dân ca Việt Nam đưa vào chương trình thi và được chấp nhận.
Đến nay đã được 10 năm rồi, thành thông lệ, khi nói đến cuộc thi guitar quốc tế tại Berlin là người ta nghĩ đến cuộc thi mà các bài thi bắt buộc là những bài có chất liệu dân ca Việt Nam. Có lẽ chính vì điều mới lạ này mà tap chí Âm nhạc của Pháp đã xếp đứng thứ 4 trong Top 5 của các cuộc thi có uy tín nhất thế giới.
Tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng, tác phẩm “Tổ khúc Kiều” sẽ được làm bài thi bắt buộc cho cuộc thi Guitar quốc tế năm 2020.
Khi ông mang chất liệu Việt Nam, như “Bèo dạt mây trôi”, „Núi rừng Tây nguyên“, hay „Ru con“, “Kiều”,… ra quốc tế, khán giả đã phản hồi như thế nào? Họ nhận xét gì về các chất liệu đậm chất Việt Nam?
Khán giả sau khi nghe tôi trình diễn đã nói với tôi rằng „khi nghe bạn biểu diễn, chúng tôi có cảm tưởng như đang đi trên quê hương của bạn mặc dù nơi ấy cách xa hàng vạn dặm… và ước mơ của chúng tôi muốn đến nơi đó một lần…“
Về giới chuyên môn, tôi nhớ nhất nhận xét của giáo sư Inge Wilczok, một chuyên gia về guitar của Nhạc viện Hanns Einsler Berlin. Bà nói tác phẩm của tôi có chất kinh điển, vừa mang bản sắc riêng và cũng rất có chất hàn lâm.
Tác phẩm “Tổ khúc Kiều” sẽ được làm bài thi bắt buộc cho thi Guitar quốc tế năm 2020
Âm nhạc và phim ảnh giải tỏa mệt mỏi
Đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong giới âm nhạc, có bao giờ ông thấy áp lực quá lớn trong việc tìm kiếm, sáng tạo những cái mới để thỏa mãn bản thân cũng như nhu cầu của khán giả?
Thực ra công việc thì rất nhiều, áp lực rất lớn, nhưng niềm đam mê đã cho tôi sức lực và sự kiên trì to lớn. Cũng cần phải biết sắp xếp công việc hợp lý, cái gì phải hoàn thành trước, cái gì làm sau.
Tôi lấy ví dụ: công việc giảng dạy là thường ngày, nhưng khi có hợp đồng biểu diễn thì có thể hoãn dạy để đi biểu diễn, rồi về dạy bù sau. Hay là khi có chương trình lễ hội hoặc cuộc thi quốc tế thì phải được ưu tiên trước, vì sự kiện này chỉ diễn ra mỗi năm mới có một vài lần. Công việc ra đề thi và chấm thi thì càng phải ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra còn thời gian thì sáng tác và sau đó nếu còn “thừa chút đỉnh“ thì đi nghỉ mát cùng gia đình.
Ngoài âm nhạc, vài năm gần đây còn thấy ông tham gia đóng phim, trong đó có những bộ phim phát trên truyền hình Đức và đạt giải cao. Xin ông chia sẻ vì sao ông quyết định “lấn sân” sang mảng điện ảnh?
Điện ảnh đến với tôi thật tình cờ, cách đây khoảng 10 năm tôi thường đưa con trai đi đóng phim. Một lần ông quản lý nói rằng người ta cần một vai người Việt Nam trạc tuổi tôi và ông ta muốn tôi thử xem, tôi đồng ý đi Casting (thi tuyển) và đỗ luôn. Vậy là sau lần ấy ông ta giới thiệu tôi theo học lớp “Đào tạo diễn viên điện ảnh“ tại Berlin, đồng thời ông ta làm quản lý tôi luôn cùng với con trai tôi. Thế là từ đó tôi trở thành Schauspieler (diễn viên điện ảnh).
Có mối liên hệ nào giữa hai lĩnh vực này khi ông tham gia biểu diễn?
Theo cảm nhận của tôi, đối với âm nhạc thì ngôn ngữ thể hiện là sáng tạo về âm hưởng âm thanh. Trong khi đó, đối với điện ảnh thì ngôn ngữ thể hiện là sáng tạo về hành động và bằng lời nói. Nhưng sự liên quan hỗ trợ nhau đều cùng là sáng tạo nghệ thuật. Tôi muốn thử sức mình về môn nghệ thuật thứ bảy này một chút, đồng thời nó cũng là một cách nghỉ ngơi thư giãn trong lúc công việc Âm nhạc nhiều quá nó “tấn công” năng lượng của tôi.
Mỗi lần đóng phim xong tôi lại quay về với âm nhạc, và khi âm nhạc tràn đầy thì tôi lại đi đóng phim. Sự thay đổi công việc kiểu này (mặc dù vẫn là đi làm) nhưng nó cho tôi một không khí thư giãn về tinh thần rất nhiều, tôi cảm thấy thích thú và không có cảm giác mệt mỏi gì nữa.
Việt Nam cần người tiên phong, dám nghĩ dám làm
Nếu xét về mức độ hội nhập âm nhạc Việt Nam vào nền âm nhạc phương Tây, rõ ràng đang có sự mất cân đối. Trong khi các giai điệu từ hiện đại đến cổ điển của phương Tây ngày càng phổ biến ở Việt Nam, thì ngược lại âm nhạc giai điệu và chất liệu Việt Nam ra thế giới còn rất hạn chế. Là một trong những người nỗ lực và thành công trong khía cạnh ấy, theo ông vì sao âm nhạc nói chung và nghệ thuật điện ảnh Việt Nam lại hạn chế đi ra nước ngoài?
Âm nhạc hay diện ảnh như những thứ ngôn ngữ, mà nếu chúng ta muốn phổ biến tiếng nói của mình thì phải có điều kiện, cơ hội; phải có những người dám nghĩ dám làm, và đặc biệt là phải có những ý tưởng tiên phong, đột phá. Theo quan sát cá nhân của tôi, Việt Nam còn thiếu những điều như vậy.
Xin ông nói rõ hơn về cái gọi là “dám nghĩ dám làm“ và chỉ ra “cơ hội“ hiện nay là gì?
Dám nghĩ dám làm, với tôi chính là bỏ hẳn tư duy cũ. Ví dụ trong âm nhạc phải sáng tác những tác phẩm hiện đại, mới, đột phá nhưng phải khác hoặc hơn các tác phẩm hiện hữu thì người ta mới tâm phục mà chấp nhận. Chứ nếu chỉ tạo ra những tác phẩm bình thường hoặc giống như những điều mà người khác đã làm thì thà người ta chơi những tác phẩm của họ còn hơn.
Còn về cơ hội, tôi cho rằng ai có khả năng gì thì tận dụng khả năng đấy. Ví dụ, những nhạc sĩ Việt Nam đang ở nước ngoài thì nên nghĩ đến chuyện sáng tác, biểu diễn những tác phẩm có âm hưởng và chất liệu Việt Nam – những điều có thể tạo nên sự khác biệt. Hay như ở trong nước, thì cần chủ động giao lưu, giới thiệu nghệ thuật truyền thống và âm nhạc đương đại của Việt Nam với khách người nước ngoài nhiều hơn. Nhưng làm thì phải sáng tạo, phải thuyết phục.
Vậy các chất liệu âm nhạc, điện ảnh Việt Nam làm sao để tiến xa hơn vào thị trường âm nhạc-nghệ thuật quốc tế?
Theo tôi, Việt Nam cần mạnh dạn và có các giải pháp nhằm tham dự nhiều các liên hoan phim, các cuộc thi âm nhạc quốc tế. Thông qua biểu diễn, giảng dạy, tổ chức các hội thảo chuyên đề, tìm cách sáng tạo và đưa chất liệu Việt hòa hợp chất liệu nước ngoài. Mỗi nhạc sĩ, mỗi nghệ sĩ dù ở trong nước hay nước ngoài nên tận dụng khả năng riêng, cơ hội riêng của mình để cùng chung tay đóng góp cho nền âm nhạc, điện ảnh. Nếu có những cơ chế chính sách và thực hiện được điều đó, tôi tin nghệ thuật Việt Nam mỗi ngày sẽ lớn mạnh.
Là một người Việt Nam và cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn kết nối với quê hương, đến lúc này điều gì làm ông trăn trở nhất về nền âm nhạc, nghệ thuật điện ảnh Việt Nam? Ông có ý định gì để giải quyết trăn trở đó không?
Có chứ! Tôi sẽ về biểu diễn, tham gia giảng dạy, bồi dưỡng và lựa tuyển các học sinh giỏi sang thi quốc tế tại Berlin vào các năm tới. Tôi sẽ tuyển chọn các em sinh viên giỏi từ các Nhạc viện chính quy của Hà Nội, TP.HCM,… Trước mắt sẽ chọn vài em sang dự thi cuộc thi quốc tế 2020 tại Berlin. Các em sẽ luyện tập bài thi bắt buộc là “Tổ khúc Kiều” . Nếu đoạt giải, các em sẽ được ban tổ chức đài thọ tiền vé máy bay và nơi ăn chốn ở trong thời gian dự thi tại Berlin. Đây là một cơ hội để các em có thể va chạm với bạn bè quốc tế.
Ngoài ra, tôi dự định tổ chức đưa các thí sinh đoạt giải nhất cuộc thi tại Berlin về Việt Nam biểu diễn. Các nghệ sỹ biểu diễn ngoài các tác phẩm quốc tế, sẽ trình diễn các làn điệu dân ca ba miền cho chính khán giả Việt Nam thưởng thức.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Thiện (nội dung) – Hoàng Quyên (đồ họa)
(HNS)