Đỗ Bảo tuổi 40: Suy nghĩ mịn màng hơn, không gồ ghề như thời trẻ

0
2739
Nhạc sĩ Đỗ Bảo vừa kết thúc năm 2018 đầy bận rộn. Riêng năm 2018 anh sáng tác gần 20 ca khúc - Ảnh: NVCC
Đỗ Bảo nói người đàn ông tuổi 40 sẽ không còn nhiều nhiệt tình để viết ra câu ‘và anh sẽ là người đàn ông của đời em’ như tuổi 20 nữa. Nhưng 40 là mốc làm nên một khởi đầu mới, tại sao không?
Sau live show Cánh Cung – Đỗ Bảo – Live in Hanoi vào năm 2013 đánh dấu chặng đường 20 năm hoạt động nghệ thuật, nhạc sĩ Đỗ Bảo lui về “ở ẩn” để hồi sức.
Anh rất ít xuất hiện trên báo chí, nhưng vẫn âm thầm lao động miệt mài. Riêng năm 2018 Đỗ Bảo viết và đưa ra gần 20 tác phẩm đủ thể loại.
* Năm năm qua, công nghệ đã thay đổi âm nhạc quá nhiều. Sự thay đổi này có ảnh hưởng như thế nào tới những người làm nghề như anh?
– Đó là một xu thế không đảo ngược. Vấn đề của những nền âm nhạc nhỏ hơn là thích nghi như thế nào thôi. Công nghiệp âm nhạc non trẻ của Việt Nam (nếu có) đang ở tình trạng dò tìm một trật tự.
Quá trình này đã và đang gây ra nhiều tổn thương, đau đớn. Thế hệ sau này làm việc trong điều kiện thuận lợi hơn nhưng cũng nhiều thách thức hơn.
* Ca khúc bây giờ không nhất thiết phải xuất sắc. Nếu nó dở, nó đã có một vỏ bọc rất đẹp là MV?
– MV là xu hướng của thế giới, là một cách thể hiện rất thời thượng. Ở Việt Nam, số đông khán giả có thu nhập bình quân thấp, chi tiêu cho âm nhạc rất ít.
Tôi không hiểu sao nghệ sĩ lại chọn cách chạy đua với những MV tiền tỉ. Việt Nam hoàn toàn khác với Mỹ, Hàn, nếu cứ cố đua hình thức với người ta thì mòn mỏi quá. Có gì đó không đúng.
Image result for đỗ bảo

Có một câu nói nổi tiếng đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống âm nhạc của tôi: “Người thợ mộc giỏi không dùng gỗ xấu làm lưng tủ”. Dù phần lưng tủ úp vào tường không ai nhìn thấy nhưng một người có tình yêu và đam mê chân chính sẽ không thể làm qua loa phần đó. – Nhạc sĩ Đỗ Bảo –

* Ca khúc bây giờ có ca từ rất hiện thực, thẳng thắn, trực diện chứ không hàm ý, nhiều chất thơ như xưa. Nhiều tác giả trẻ theo xu hướng này soạn ca từ rất văn minh. Nhưng cũng có không ít người viết lời quá trần trụi, thô tục. Anh nghĩ gì về điều này?
– Trong một thập niên qua chúng ta đã chứng kiến rất nhiều trào lưu âm nhạc nước ngoài được du nhập về Việt Nam. Thế hệ trẻ du nhập hết từ âm nhạc, vũ điệu tới thời trang, cách sử dụng ngôn từ, dùng chất kích thích, lối sống ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần.
Có những trào lưu chỉ được một thời gian là trầm lắng, tôi có thể kể một loạt kể từ Techno, House, Trance, nhạc Hoa, nhạc Thái, Hip Hop, Rap, hay gần đây là EDM.
Tôi có suy nghĩ thế này, sẽ thật là lãng phí nếu ai đó dành cả tuổi trẻ để theo đuổi những phong cách âm nhạc không phù hợp với văn hóa và ngôn ngữ của đất nước mình. Nhiều bạn trẻ ngày nay đứng trước thách thức của đời sống mới, dễ bị cuốn trôi, khiến các kiểu ca khúc với tiêu đề và ca từ sốc – sex – sến nở rộ.
Việc viết lời ca trần trụi thô tục tôi cho là thể hiện sự bế tắc và lạc lối. Tiếng Việt cùng văn hóa Á Đông khi ép vào khuôn khổ hình thức âm nhạc và lối sống Âu Mỹ một cái bẫy tai hại. Khi lạc lối, người ta trở nên chán ghét chính mình và bắt đầu nhảm. Đấy gọi là “hết khôn dồn đến dại”.
Image result for đỗ bảo

Để một nền âm nhạc phát triển mạnh khỏe thì phải có nền tảng bản quyền tốt, đi kèm hạ tầng kĩ thuật số tốt. Hai điều này tạo ra chuẩn cho sản xuất và thậm chí là các quy tắc hành xử văn minh hơn cho toàn bộ nhóm được gọi là nghệ sĩ và nền công nghiệp âm nhạc nếu có trong tương lai. – Nhạc sĩ Đỗ Bảo –

* Ở tuổi 40, suy nghĩ của anh thay đổi nhiều không?
– Từ năm 35 đến 40 tuổi tôi cảm thấy rõ một nhu cầu: mình cần có trách nhiệm lớn hơn với gia đình. Nhìn những đứa con đang ngày một lớn lên tôi cảm nhận rõ đó là những giá trị thật sự hiện hữu khiến mình an tâm, hạnh phúc.
Thực ra tuổi 40 tôi không trăn trở gì nữa đâu vì có lẽ đã trăn trở đã tạm đủ rồi. Khi tôi nhìn thấy mọi người và hiểu họ đang trải qua vấn đề gì, thì mọi điều đều có thể thông cảm được hết.
Có một điều mà tôi cực kì yêu ở tuổi này là sự chín chắn làm cho mình rất tự tin. Khi mình ổn định được gia đình, nghề nghiệp, tài chính, mối quan hệ xã hội, đạt được sự hài hòa trong nhận thức thì mình đơn thuần cảm thấy đời mình sang trang mới.
Thậm chí mình có thể dám nghĩ là mình đang bắt đầu một cuộc sống mới, bắt đầu đam mê, ước vọng mới.
Tôi vẫn nghĩ sự hồn nhiên của tuổi 20 là vô giá, mình sẽ không bao giờ có lại nó nữa. Ngày xưa tuổi 20 có thể đặt bút viết không ngại ngùng “và anh sẽ là người đàn ông của đời em” (ca khúc Bức thư tình đầu tiên – PV).
Còn một người đàn ông đã bước vào tuổi 40 với nhiều trải nghiệm, nếu có gặp một cô gái, có thể anh ta nghĩ trong đầu là như thế, nhưng sẽ không còn nhiều nhiệt tình để viết ra điều đó nữa.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Năm 2002 sau khi cùng Trần Thu Hà đạt được thành công lớn với album và liveshow Nhật thực, Đỗ Bảo chính thức đã trở thành một tên tuổi đáng chú ý.
Kể từ đó anh bước vào thời kì sáng tác sung sức nhất. Anh liên tục sáng tác và hoàn thành bộ ba album Cánh cung (2004), Thời gian để yêu (2008) và Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta (2013).
Hai album Thời gian để yêu, Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta đã giúp Đỗ Bảo đoạt cú đúp Nhạc sĩ của năm, Album của năm tại Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến năm 2009 và 2014.
Ngoài ra Đỗ Bảo còn cộng tác với các ca sĩ Tùng Dương, Nguyên Thảo, Tấn Minh, Nguyễn Ngọc Anh, nghệ sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh.
Album Những ô màu khối lập phương (2007) của ca sĩ Tùng Dương do Đỗ Bảo sáng tác, phối khí và sản xuất đã giành giải Album của năm tại Giải thưởng âm nhạc Cống hiến năm 2008.
Năm 2013, Đỗ Bảo tổ chức liveshow tác giả mang tên Cánh cung – Đỗ Bảo – Live in Hanoi tại Hà Nội để kỷ niệm sự nghiệp 20 năm sáng tác của cá nhân mình. Live show này đã thành công rực rỡ.
Hiện Đỗ Bảo vẫn tiếp tục công việc của một nhà sản xuất âm nhạc và tham gia giảng dạy sáng tác tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
N.D (HNS)