Đặc quyền… ‘không quan tâm’?

0
1876
Bị khán giả chê, diễn viên Kim Oanh tuyên bố cô không quan tâm

Phớt lờ mọi ý kiến của khán giả, nghệ sĩ cho rằng, làm nghệ thuật như làm dâu trăm họ – người ghét kẻ thương là chuyện thường, không cần quan tâm.

Diễn viên Kim Oanh, giám khảo chương trình Gương mặt thân quen 2018 đang bị vô số người chê vì cách chị bình luận trong chương trình. Trước thời điểm show lên sóng, khi bị hồ nghi về năng lực giám khảo, Kim Oanh khẳng định, mọi người phải xem chương trình mới biết. Sau 6 tập, cô vẫn bị chê.

Đáp lại, Kim Oanh tuyên bố: “Trong cuộc sống, có những người yêu quý và những người không ưa mình. Đã là người không ưa tôi thì tôi không quan tâm”.

Ca sĩ Đức Phúc, giám khảo Dự án số 1 – The Debut, cũng nhận nhiều lời chê tương tự. Khán giả cho rằng, sự hài hước cộng độ non kinh nghiệm của Phúc đánh mất cái uy của người nắm quyền quyết định tương lai của thí sinh. Phúc tuyên bố, hài hước là bản tính tự nhiên, anh không diễn; còn nếu thí sinh không phục thì đừng thi.

Giám khảo, nhân danh cái tôi nghệ sĩ để “không quan tâm” nhận xét của người khác. Cũng được thôi! Nhưng đó không thể là đặc quyền và không phải lúc nào sử dụng cũng được. Nếu những lời chê bai, phê bình không nằm trong phạm vi yêu – ghét thông thường, giám khảo cần tự xem lại năng lực, cái tầm, cái uy của mình có phù hợp để ngồi ghế nóng.

Từ khi các game show dưới dạng thi thố bùng nổ, một lượng lớn vị trí giám khảo cần người ngồi. Các chương trình truyền hình thực tế giảm nhiệt, ngôi sao rời đi, cần người lấp chỗ. Nhưng số nghệ sĩ đủ chuyên môn, phù hợp lại không nhiều. Sự xoay vòng các gương mặt giám khảo hoặc cố tìm người mới tại nhiều cuộc thi bắt buộc xảy ra.

Kết quả là một số giám khảo, ở nhiều cuộc thi khác nhau, cũng chỉ chừng ấy kiểu nhận xét. Số khác thì bị chê là kém nghề, kém duyên khi đá lộn sân theo kiểu nghệ sĩ kịch làm giám khảo hát, ca sĩ mới thắng ở cuộc thi này qua cuộc thi kia ngồi chấm điểm thí sinh.

Ông Đỗ Văn Bửu Điền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Điền Quân, cho biết: “Yếu tố đầu tiên để chúng tôi chọn là giám khảo đủ tầm, có quá trình hoạt động đủ dài và mức ảnh hưởng nhất định. Nếu không đủ chuyên môn, kinh nghiệm để nhận xét, sẽ bị thí sinh phản ứng rất dữ”.

Ông Bửu Điền thừa nhận, nhiều chương trình mời người trẻ và thành công về mặt rating, nhưng điều quan trọng của một cuộc thi là chất lượng. Nếu giám khảo không đủ tầm, khó mà chọn ra được người giỏi nhất. Thế nhưng, trong cuộc cạnh tranh sống còn về rating, quá nhiều đơn vị đã bỏ quên yếu tố chuyên môn của giám khảo.

Có thể nhà sản xuất lầm hoặc có những toan tính khác, nhưng nghệ sĩ không thể lầm. Họ thừa biết năng lực bản thân nên nếu thí sinh, khán giả không phục, thiếu tôn trọng là do nghệ sĩ chưa thuyết phục được họ chứ đâu phải chỉ là yêu – ghét.

Tú Minh (PNO)