Đại lão nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ: Đường từ hiếu học đến thành danh

0
1316
1951

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ sinh ngày thứ sáu 29/7/1921 (tức 25 tháng 6 năm Tân Dậu) tại làng Tó – Tả Thanh Oai tỉnh Hà Đông xưa (nay thuộc Hà Nội), là con cụ Nguyễn Thiện Tường (sinh năm 1886), công nhân nhà in Viễn Đông Ấn Đường (IDEO) của Pháp tại Hà Nội, sau Cách mạng tháng Tám làm công nhân nhà in Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Thời trẻ cụ Tường hát Trống quân rất hay, được nhiều giải thưởng ở địa phương và liên tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Từ thuở ấu thơ, Nguyễn Thiện Tơ đã được sống giữa những làn điệu Trống quân và các hình thức diễn tấu khác mà bố và các bạn bè thường tập ở nhà. Lên 7 tuổi (1928) Nguyễn Thiện Tơ bắt đầu đi học tiểu học, lên 9 tuổi (1930) đã làm quen với âm nhạc bằng việc tập chơi trên chiếc đàn Tàu hai dây và thổi kèn harmonica, đồng thời rất thích nghe đĩa than các ca khúc Pháp nhập vào Việt Nam của nhạc sĩ Vincent Scotto do Tino Rossi hoặc Rina Ketty hát. Nhờ có Nhạc viện Pháp quốc Viễn đông tại Hà Nội (Conservatoire Français D’extrême – Orient) khai giảng từ 1927 nên các loại sách và đĩa nhạc nước ngoài nhập vào Hà Nội rất phong phú. Năm 14 tuổi (1935) Nguyễn Thiện Tơ bắt đầu tự học nhạc lý theo sách của Marmont và Lavignac rồi học guitare Hawaiiene (viết tắt là Hw) với thầy Trần Đình Khuê (thầy Khuê sinh năm 1913 là con cụ Trần Đình Thư – một nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc – chủ hiệu đàn rất nổi tiếng ở phố Hàng Bông, Hà Nội), thầy Khuê đã tốt nghiệp Trường âm nhạc Pháp quốc Viễn đông, chơi thành thạo các loại đàn violon, guitare Espagnol và guitare Hw. 15 tuổi (1936) Nguyễn Thiện Tơ vào học primaire supérieur (Trung học cơ sở) tại Trường Thăng Long (góc phố Phùng Hưng – ngõ Trạm, Hà Nội), đã được học các thầy Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp…

Vừa học văn hóa vừa học guitare Hw thầy Khuê, sau thời gian chăm chỉ miệt mài được thầy đánh giá đủ trình độ để cho đi cùng thầy biểu diễn trong các buổi hòa nhạc, dần dần trở thành nhạc công guitare Hw giỏi, năm 1937 mở lớp dạy guitare Hw, đã hướng dẫn lại hoặc dạy nhạc cụ này cho một số bạn bè đồng nghiệp như các nhạc sĩ: Doãn Mẫn, Đoàn Chuẩn, Đỗ Liên, Nguyễn Văn Quỳ.

Từ 1937 đã cùng hai bạn nhạc sĩ Ngọc Bích, Đỗ Chí Khang tự học giáo trình guitare cổ điển qua sách dạy guitare của Carulli, Carcassi. Nguyễn Thiện Tơ còn tự học các giáo trình hòa thanh của Pháp, tự mày mò tìm hiểu cấu trúc các ca khúc của Vincent Scotto, coi tác giả này như một người thầy khai sáng để tập viết ca khúc, đã viết được một số đoạn ngắn, được bạn bè động viên và tự cảm thấy nếu cố gắng sẽ có thể thành công.

Từ 1938 chuyên chú tập viết ca khúc nhờ sự hướng dẫn giúp đỡ của các đàn anh và bạn bè cùng phong trào yêu nhạc cải cách lúc bấy giờ như các nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Văn Giệp, Đinh Ngọc Liên, Lê Yên, Đỗ Tình, Phạm Văn Chừng, Doãn Mẫn, Nguyễn Trần Giư, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh…

Tháng 5/1938 Nguyễn Thiện Tơ 17 tuổi đã được mời biểu diễn ba bài guitare Hw tại CLB Lạc Bằng tỉnh Nam Định để làm từ thiện, trong chương trình biểu diễn còn có ca sĩ Hà Tiên – theo đạo Thiên Chúa – hát hai bài tiếng Pháp, cô ca sĩ còn nhờ Nguyễn Thiện Tơ chỉnh sửa đàn, từ công việc nghệ thuật đến quen thân nhau rồi đem lòng lưu luyến, nhưng thời đó các gia đình theo đạo Thiên Chúa chỉ cho phép con gái kết hôn với người đồng đạo, biết không thể vượt qua rào cản, và để lưu dấu mối tình đầu trắc trở, Nguyễn Thiện Tơ đã sáng tác bài Giáo đường im bóng, nhờ bạn là nhà thơ Phi Tâm Yến (tên thật là Trần Văn Phụng) sửa lời, đây cũng là ca khúc đầu tay của Nguyễn Thiện Tơ:

Từ giữa 1938 đến hết năm 1939 Nguyễn Thiện Tơ học thầy Benito (người Philippine) đàn banjo, guitare điện và guitare jazz.

Đầu năm 1940 đã sáng tác bài thứ hai là Nhắn gió chiều:

Trích:

Nhạc sĩ Ngọc Bích đã hát biểu diễn bài này tại rạp Bạch Mai, Hà Nội.

Sau nghỉ hè năm 1940, Nguyễn Thiện Tơ xin thôi học trường Thăng Long để cùng một số bạn lập ban nhạc theo nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vào miền Nam chơi toàn nhạc Việt Nam, nhạc tranh đấu của Lưu Hữu Phước và Nguyễn Mỹ Ca ở Hội chợ Triển lãm và Nhà hát Lớn Sài Gòn, sau đó về Hà Nội dạy guitare tại nhà. Cuối năm 1940 Nguyễn Thiện Tơ  đã sáng tác bài Ngày vui đã qua.

Khoảng từ 1941-1943 vừa dạy đàn vừa cùng nhạc sĩ Nguyễn Trần Giư và một số nhạc sĩ khác đi biểu diễn các nơi rồi tham gia ban nhạc Myosotis do các nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh chủ trương, phần lớn biểu diễn các ca khúc cái cách của hai tác giả này, cùng thời gian nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đã sáng tác hai bài: Cung đàn xuân xưa và Nhạc đồng quê.

Năm 1944, cuộc sống riêng của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ có bước ngoặt lớn, sau 6 năm bền bỉ, sự may mắn cũng đến với chàng nghệ sĩ chung tình, khi giáo đường không còn im bóng, ông đã được kết duyên với người mình yêu, cũng từ đây ca sĩ Hà Tiên đã luôn sát cánh cùng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ tạo nên những thành công trên con đường nghệ thuật.

Cũng từ 1944 cùng các nhạc sĩ Ngô Văn Sợi (trumpete), Đỗ Văn Cách (saxophone), Nguyễn Văn Long (violon) tham gia ban nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu (piano, orgue) phụ trách, biểu diễn thường xuyên cho nhà hàng Restaurant Magnific và sàn nhảy Fantasia phố Cửa Nam. Năm 1945 cùng các nhạc sĩ Nguyễn Văn Long (violon), Nguyễn Trí Nhường (saxophone) theo ban nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát (contrebasse) phụ trách, chuyên đánh nhạc cho sàn nhảy Takara phố Khâm Thiên.

Ngày 18/8/1945 tham gia ban nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu phụ trách biểu diễn trong cuộc meeting của Tổng hội Công chức (thuộc Chính phủ Trần Trọng Kim) tại quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Khi chuẩn bị khai mạc thì một lá cờ đỏ sao vàng lớn đột ngột phủ từ tầng cao mặt tiền nhà hát xuống, một cán bộ Việt Minh giành lấy micro phát biểu, một cán bộ khác giao nhanh cho ban nhạc cử ngay bài Tiến quân ca của Văn Cao, ban nhạc đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ. Ngày hôm sau 19/8/1945 trong cuộc meeting lớn của quần chúng do Việt Minh tổ chức, ban nhạc lại được yêu cầu phục vụ bằng việc long trọng cử bài Tiến quân ca và một số bản hùng ca yêu nước, cách mạng. Đó chính là ngày Cách mạng tháng Tám.

Sau Cách mạng tháng Tám, mọi hoạt động vui chơi lành mạnh của Hà Nội vẫn được duy trì, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ cùng nhạc sĩ Đỗ Tình (violon) tham gia ban nhạc Nga Millewich ở rạp Ciros phố Đồng Khánh (nay là rạp Kim Đồng phố Hàng Bài), đồng thời tham gia ban nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát ở Quán Nghệ sĩ phố Bờ Hồ, tại đây Nguyễn Thiện Tơ đã được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát dạy chơi đàn contrebasse. Thời kỳ này, như các nhạc sĩ yêu nước khác, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ cũng viết hai ca khúc cách mạng: Chiến binh lên đường và Khúc hát đường trường, lời của Phi Tâm Yến:

Từ ngày đầu kháng chiến toàn quốc 19/12/1946 nhân dân Hà Nội phải tản cư, gia đình nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ lên vùng quê Phú Thọ vừa tản cư vừa tăng gia sản xuất. Đầu năm 1947 ông tham gia Trại sản xuất nông nghiệp Phú Thọ, tháng 8/1947 về lại Hà Nội tiếp tục dạy đàn và chơi nhạc cho phòng trà Bờ Hồ cùng với các nghệ sĩ Hoàng Giác, Ngọc Bảo, Trí Nhường… Năm 1949 ông tham gia ban Việt Nhạc của Đài phát thanh Hà Nội do nhạc trưởng Trần Văn Nhơn chỉ huy gồm các Nghệ sĩ:

1. Trần Văn Nhơn: nhạc trưởng

2. Nguyễn Đại: piano + accordeon

3. Đỗ Trí Nhường: saxophone + violoncelle

4. Ngô Văn Sợi: trumpete

5. Đỗ Văn Cách + Hách Hiển: clarinette

6. Nhạc sĩ Quy: contrebasse

7. Nguyễn Thiện Tơ: guitare

8. Vũ Thành (em ruột nhạc sĩ Vũ Khánh – giám đốc đài): flute

9. Vũ Khánh + Nguyễn Trần Giư: violon

10. Ngọc Bảo + hai nữ ca sĩ Tâm Vấn, Minh Đỗ: ca sĩ chính

Ngoài ra nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ còn làm thêm ở nhà hàng Elrancho.

Năm 1953 tự học flute theo giáo trình của Henry Altes đến thành thạo.

Tháng 7/1953 tham gia ban nhạc phòng 5 – Đệ tam quân khu của Quân đội Quốc gia Việt Nam – thuộc chính thể Bảo Đại (thời đó các nhạc sĩ muốn tránh bị đi quân dịch thì phải vào các đoàn văn công của các quân khu). Ban nhạc này gồm các nghệ sĩ:

1. Trịnh Kính: clarinette

2. Tu My: accordeon

3. Văn Phụng: piano

4. Nguyễn Thiện Tơ: guitar

5. Hoàng Giác + Quách Đàm: ca sĩ chính

Sau giải phóng Thủ đô tháng 10/1954 nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ vẫn dạy đàn ở nhà 22 phố Mai Hắc Đế (trước năm 1945 gọi là phố Charron, từ 1945 gọi là phố Lê Bình). Năm 1957 khi thành lập hai Hội Nhạc sĩ Việt Nam (Hội Nhạc sĩ sáng tác và Hội Nhạc sĩ Biểu diễn và Huấn luyện) thì nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Biểu diễn và Huấn luyện do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu làm Chủ tịch. Tháng 12/1965 nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ về công tác tại Dàn nhạc Hãng phim truyện Việt Nam do nhạc sĩ Vũ Lương chỉ huy. Năm 1982 ông được nghỉ hưu. Ngoài công việc của Dàn nhạc, từ 1974 đến 1990 nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ dạy guitare và flute tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật vừa biểu diễn vừa sáng tác nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đã có những tác phẩm sau:

TT

TÊN BÀI

TÁC GIẢ LỜI

NĂM SÁNG TÁC

GHI CHÚ

1

Giáo đường im bóng

Phi Tâm Yến

1938

đầu tay

2

Nhắn gió chiều

1940

3

Ngày vui đã qua

1940

4

Cung đàn xuân xưa

1941

5

Nhạc đồng quê

1942

6

Chiến binh lên đường

1945

7

Khúc hát đường trường

1945

8

Thu sang

1948

9

Đêm trăng xưa

1949

10

Nắng xuân

1949

11

Qua bến năm xưa

Hoàng Giác

1949

12

Tiếng trúc bên sông

1949

13

Chiều quê

1950

14

Mẹ ru con

Túy Võ

1950

15

Mộng giang hồ

1950

16

Khúc nhạc canh tàn

1951

17

Trên đường về

Hoàng Giác

1951

18

Trăng Việt Nam

1951

19

Giấc mơ xưa

Văn Khôi

1952

20

Chiều tà

1953

21

Quanh lửa hồng

Văn Khôi

1953

22

Tiếng hát biên thùy

Hoàng Giác

1953

23

Xuân về

1953

24

Con thuyền tự do

Trịnh Kính

1955

25

Nhớ quê

1998

26

Mưa dầm

2012

cuối cùng

27

Chiếc túi xinh xinh

Khuyết danh

thiếu nhi

28

Em thi đua

1960

29

Em yêu hòa bình tự do

30

Vui họp bạn

Đặc biệt những tác phẩm này phần lớn là những ca khúc lãng mạn, xuất hiện từ buổi đầu của Tân nhạc Việt Nam đều đã được xuất bản và biểu diễn trong các thời kỳ khác nhau của lịch sử, đến nay nhiều bài như: Giáo đường im bóng, Nhắn gió chiều, Chiều tà, Giấc mơ xưa, Qua bến năm xưa, Quanh lửa hồng, Trên đường về, Nhớ quê… có bài đã trên 80 năm vẫn đi cùng năm tháng, thể hiện bằng việc ông vẫn nhận được tiền bản quyền.

Nhóm nhạc (đầu 1954) từ trái sang: nữ ca sĩ Thanh Hằng (sau khi về Quân khu Việt Bắc đổi nghệ danh là Lê Hằng), nhạc sĩ Trịnh Kính, nhạc sĩ Tu My, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ.

Trích một số tác phẩm đã xuất bản:

Năm nay nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ tròn 100 tuổi, là nghệ sĩ biểu diễn kiêm nhạc sĩ sáng tác cao tuổi nhất còn tại thế, ông vẫn sống vui bên con cháu (ông bà có tám người con đều hoạt động trong các ngành nghệ thuật). Tuy trí nhớ có một phần phai bạc, nhưng khi nhắc đến những kỷ niệm hoạt động sôi nổi thời trai trẻ, gương mặt và ánh mắt của nhạc sĩ lão thành lại như sáng bừng lên tươi tắn, bởi sự thành công trong cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông là kết quả tất nhiên và điển hình của sự hiếu học, liên tục, bền bỉ và quyết tâm. Chỉ bằng con đường tự học ông đã trở thành một nghệ sĩ – nhạc sĩ danh tiếng, những thành công trên con đường nghệ thuật đầy trách nhiệm và lòng tự trọng của đại lão nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ trong hơn 70 năm từ tác phẩm đầu tay Giáo đường im bóng (viết về mối tình đầu) đến tác phẩm cuối cùng Mưa dầm (tiễn biệt bà Hà Tiên – người vợ hiền trung hậu – lên thiên đàng) đã nhận được sự nể trọng của đồng nghiệp, sự yêu quý của nhân dân, là tấm gương sáng cho các lớp nghệ sĩ – nhạc sĩ trẻ noi theo. Ông thật xứng đáng là người NGHỆ SĨ CỦA NHÂN DÂN./

Phan Đông Viên (HNS)